Đọc hiểu tản văn Trở gió Nguyễn Ngọc Tư

ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

             Đọc văn bản:

          Tôi thường đón gió chướng về với một tâm trạng lộn xộn, ngổn ngang. Mừng đó rồi bực đó. Sao tôi lại chờ đợi nó, chẳng phải năm nào cũng vậy, lúc cầm cây chổi ra quét sân, đứng trong gió đầm đìa tôi cũng buồn, buồn muốn chết. Trời ơi, gió này là sắp hết năm đây, sắp già thêm một tuổi đây, mình đã kịp sống gì đâu, tay mình vẫn trắng như vầy… Mỗi lần gió về lại cảm giác mình mất một cái gì đó không rõ ràng, không giải thích được, như ai đó đuổi theo đằng sau, tôi gấp rãi ăn gấp rãi nói, gấp rãi cười, gấp rãi khi ngày bắt đầu rụng xuống…

Nhưng tôi vẫn mong gió chướng về. Sự chờ đợi đã thành thói quen của thời thơ dại. Khi gió bắt đầu hiu hiu se lạnh, đám con nít nhảy cà tưng, háo hức vỗ tay cười, vậy là gần được sắm quần áo, dép mới rồi (nhà nghèo, cả năm chỉ được dịp này chứ mấy). Gió chướng (và gió bấc) với tôi là gió Tết, dù từ khi bắt đầu mùa gió đến Tết, mất gần ba tháng ròng. Má tôi cũng coi nó là gió Tết, nghe gió, má thuận miệng hát “Cấy rồi mùa qua sông cấy mướn. Ông trời ổng thổi ngọn chướng buồn cha chả là buồn..” rồi thở dài cái thượt “Ứ hự, lụi hụi mà hết năm…”. Dường như tâm trạng má khác tôi, những sợi gió cứ như xốn xang vào nỗi nghèo túng, sợ không lo nỗi một cái tết tử tế cho cả nhà.

Má, tánh lo xa. Chứ gió chướng vào mùa thì lúa cũng vừa chín tới, hy vọng rực lên theo màu lúa. Mùi rơm thơm ràn rụa thổi ngang đồng, nỗi buồn lo của má tan không thành tiếng, tan mau như sương. Đáng chờ đợi lắm, vì mùa gió chướng cũng là mùa thu hoạch. Gió thổi tạnh ráo những đôi chân suốt một mùa đầm đìa trên đồng bãi. Liếp mía đặt từ hồi tháng hai, tháng ba, đợi gió mới chịu già, nước ngọt và trĩu, cầm khúc mía trên tay, nghe nặng trịch. Vú sữa chín cây lúc lỉu, căng bóng, màu vàng lan dần từ đít những trái xanh, trái tím càng tím lịm, nửa đêm dơi ăn rớt lịch bịch ngoài hè. Còn dưa hấu nữa, ui chao…

(Trích Trở gió, Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2015, tr.7-10)

Trả lời các câu hỏi.

Câu 1 (0.5 điểm). Xác định thể loại của đoạn trích trên.

Câu 2 (0.5 điểm). Tác giả thường đón gió chướng về với một tâm trạng như thế nào?

Câu 3 (1.0 điểm). Xác định và nêu tác dụng của  phép tu từ được sử dụng trong câu văn Mỗi lần gió về lại cảm giác mình mất một cái gì đó không rõ ràng, không giải thích được, như ai đó đuổi theo đằng sau, tôi gấp rãi ăn gấp rãi nói, gấp rãi cười, gấp rãi khi ngày bắt đầu rụng xuống.

Câu 4 (1.0 điểm). Em có nhận xét gì về tình cảm của tác giả đối với quê hương?

Câu 5 (0.5 điểm). Trình bày cảm xúc, tình cảm của em với một nét đặc trưng của quê hương mình ?

ĐÁP ÁN – HƯỚNG DẪN CHẤM

Câu Nội dung Điểm
I                                                        ĐỌC HIỂU 4,0
1 – Xác định thể loại của đoạn trích: Tản văn 0,5
2 – Tác giả thường đón gió chướng về với một tâm trạng : Lộn xộn, ngổn ngang 0,5
3 Xác định và nêu tác dụng của  phép tu từ

– Phép Điệp: gấp rãi

– Tác dụng:

+ Hình thức: Làm cho câu văn gợi hình, gợi cảm, tạo nhịp điệu, âm hưởng…

+ Nội dung: Nhấn mạnh tâm trạng hối thúc, sợ thời gian trôi, mất mát tuổi trẻ

1.0
4 HS nhận xét được tình cảm của tác giả đối với quê hương: Yêu thương, gắn bó, nặng nợ với quê hương. 1.0
5 – HS trình bày cảm xúc, tình cảm của em với một nét đặc trưng của quê hương mình.

+ Nêu một nét đặc trưng của quê hương mình.

+ Trình bày cảm xúc, tình cảm của mình

1.0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *