|
KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ GIỮA KÌ 2
(NH 2023 – 2024) MÔN: NGỮ VĂN 11 THỜI GIAN: 90 PHÚT |
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
(Lược một đoạn: Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính tên Tâm, được người mẹ tần tảo sớm khuya nuôi dạy nên người. Tuy nhiên khi được ra thành phố, cuộc sống danh lợi hào nhoáng, kim tiền lấp lánh dường như khiến anh ta mờ mắt và quên đi người mẹ già ở quê nhà. Trong quãng thời gian sáu năm trời biền biệt ấy, anh chàng chỉ gửi tiền hàng tháng về cho mẹ và tuyệt nhiên không một lời hỏi thăm, để tâm đến những bức thư mẹ gửi từ quê ra với biết bao sự săn sóc, ân cần. Tồi tệ hơn nữa, vì sợ bị phát hiện là mình có người mẹ nghèo khổ nơi quê nhà nên anh ta không báo tin cho mẹ biết rằng mình đã lấy vợ. Khi bất đắc dĩ phải về thăm nhà và gặp mẹ…)
Tuy vậy, khi đến gần đầu làng, Tâm trong lòng cũng thấy cảm động. Hai bên cánh đồng lúa xanh gió đưa như nổi sóng. Trên đường giải đá, mặt đất khô rắn lại và nứt nẻ nhiều chỗ. Tâm nhớ lại cái đất ấy đã làm đau đớn bàn chân non nớt của chàng khi còn nhỏ ngày ngày cắp sách đi học.
Khi vào đến sân nhà, Tâm thấy bốn bề yên lặng, không có bóng người. Cái nhà cũ vẫn như trước, không thay đổi, chỉ có sụp thấp hơn một chút và mái gianh xơ xác hơn. Tâm bước qua sân đồi đẩy cái liếp bước vào. Vẫn cái gian nhà mà chàng đã sống từ thuở nhỏ. Tâm cất tiến gọi. Chàng nghe thấy tiếng guốc đi, vẫn cái tiếng guốc ấy, thong thả và chậm hơn trước, rồi mẹ Tâm bước vào. Bà cụ đã già đi nhiều, nhưng vẫn mặc cái bộ áo cũ kỹ như mấy năm về trước.
Khi nhận ra con, bà cụ ứa nước mắt:
– Con đã về đấy ư?
– Vâng, chính tôi đây, bà vẫn được mạnh khỏe đấy chứ? – Câu nói như khó khăn mới ra khỏi miệng được, vì Tâm thấy cái lãnh đạm của mình.
– Bà ở đây một mình thôi à?
Bà cụ cảm động đến nỗi không nói được. Một lát bà mới ấp úng:
– Vẫn có con Trinh nó ở đây với tôi.
– Cô Trinh nào? Có phải cô Trinh con bác Cả không? Tâm nhớ mang máng cái cô con gái bé nhỏ ngày trước vẫn hay chơi với chàng. Tôi tưởng cô ta đi lấy chồng rồi.
Bà cụ ngồi xuống chiếc phản gỗ, đáp:
– Đã lấy ai đâu. Con bé dở hơi chết đi ấy mà. Cũng đã có mấy đám hỏi, mà nó không chịu lấy. – Bà cụ yên lặng một lát. – Thỉnh thoảng nó vẫn nhắc đến cậu đấy.
Tâm nhún vai, không trả lời. Tuy ngoài trời nắng, mà Tâm thấy bên trong cái ẩm thấp hình như ở khắp tường lan xuống, thấm vào người.
Bà cụ âu yếm nhìn con, săn sóc hỏi:
– Năm ngoái bác Cả lên tỉnh về bảo cậu ốm. Tôi lo quá, nhưng quê mùa chả biết tỉnh thế nào mà đi, thành ra không dám lên thăm. Bây giờ cậu đã khỏe hẳn chưa?
Tâm nhìn ra ngoài đáp:
– Như thường rồi. – Rồi muốn nói sang chuyện khác, Tâm hỏi:
– Ở làng có việc gì lạ không?
Bà cụ trả lời:
– Chả việc gì lạ sất, ngày nào cũng như ngày nào, nhưng được có con Trinh sang đây với tôi nên cũng đỡ buồn. Nó thường vẫn làm giúp tôi nhiều công việc, con bé thế mà đảm đang đáo để, đã chịu khó lại hay làm. [….]
Tâm lơ đãng nghe lời mẹ kể những công việc và cách làm ăn ngày một khó khăn ở làng. Chàng dửng dưng không để ý đến. Con bác Cả Sinh lấy vợ, hay chú bác ta chết thì có can hệ gì đến chàng? Cái đời ở thôn quê với đời của chàng, chắc chắn, giàu sang, không có liên lạc gì với nhau cả.
Câu chuyện nhạt dần. Những câu hỏi và sự săn sóc của bà cụ về công việc của chàng chỉ làm cho Tâm khó chịu. Chàng trả lời qua loa lấy lệ.
Nghĩ đến vợ đợi, Tâm vội vàng đứng dậy. Bà cụ nhìn theo khẩn khoản:
– Cậu hãy ở đây ăn cơm đã. Đến chiều hãy ra.
– Thôi, bà để tôi về. Độ này bận công việc lắm.
Tâm lại an ủi:
– Nhưng thế nào có dịp tôi cũng về.
Rồi Tâm mở ví lấy ra bốn tấm giấy bạc 5 đồng đưa cho mẹ. Tâm hơi kiêu ngạo, trước mặt cô Trinh, chàng nói:
– Đúng hai chục, bà cầm lấy mà tiêu, có thiếu tôi lại gửi về cho.
Bà cụ run run đỡ lấy gói bạc, rơm rớm nước mắt.
Tâm làm như không thấy gì, vội vàng bước ra. […..]
(Trích “Trở về”, in trong tập “Gió lạnh đầu mùa” – 1937 của nhà văn Thạch Lam
* Chú thích: Nhà văn Thạch Lam là cây bút xuất sắc trong nhóm Tự lực văn đoàn. Ông sinh năm 1910 tại Hà Nội, tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh. Ông là người con thứ sáu trong gia đình, nguyên quán ở Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Thạch Lam và hai người anh ruột là Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (nhà văn Hoàng Đạo) đều là những cây bút chủ lực của trào lưu văn học Tự lực văn đoàn với các tác phẩm để lại dấu ấn đặc biệt trên văn đàn những năm 30 thế kỉ XX.
“Trở về” là truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam, khắc họa nỗi xót xa của người mẹ già tần tảo sớm hôm nuôi con ăn học nhưng cuối cùng vì chìm đắm trong danh lợi mà anh ta đã thờ ơ, vô tâm với chính người đã sinh thành ra mình.
Câu 1 (0.5 điểm): Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là?
Câu 2 (0.5 điểm): Khi nhìn thấy con về thăm nhà, bà cụ có biểu hiện cảm xúc thế nào?
Câu 3 (0.5 điểm): Tại sao sáu năm rồi mà Tâm không về thăm nhà?
Câu 4 (0.5 điểm): Hành động đưa cho mẹ 4 tấm giấy bạc 5 đồng rồi kiêu ngạo bước đi thể hiện thái độ gì của nhân vật Tâm?
Câu 5 (0,5 điểm): Đoạn trích được kể theo ngôi kể thứ mấy?
Câu 6 (0.5 điểm): Trong đoạn trích, nhân vật Cô Trinh là ai?
Câu 7 (1.0 điểm): Hãy chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ trong đoạn văn sau: “ Tuy vậy, khi đến gần đầu làng, Tâm trong lòng cũng thấy cảm động. Hai bên cánh đồng lúa xanh gió đưa như nổi sóng. Trên đường giải đá, mặt đất khô rắn lại và nứt nẻ nhiều chỗ. Tâm nhớ lại cái đất ấy đã làm đau đớn bàn chân non nớt của chàng khi còn nhỏ ngày ngày cắp sách đi học.”
Câu 8 (2.0 điểm): Từ đoạn trích, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) nhận xét về thái độ, phẩm chất của nhân vật Tâm.
PHẦN II. VIẾT (4,0 điểm)
Từ đoạn trích trong truyện ngắn “Trở về” (Thạch Lam), anh/chị hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ về tình mẫu tử.
——————- Hết ——————–
HƯỚNG DẪN CHẤM
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I |
ĐỌC HIỂU | ||
1 | Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là: Tự sự
Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm Học sinh không trả lời hoặc trả lời sai: 0 điểm |
0.5 | |
2 | Khi nhìn thấy con về thăm nhà, bà cụ có biểu hiện cảm xúc: Ứa nước mắt, cảm động không nói được
Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm Học sinh không trả lời hoặc trả lời sai: 0 điểm |
0.5 | |
3 | Tại sao sáu năm rồi mà Tâm không về thăm nhà: Vì bị cám dỗ bởi danh lợi
Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm Học sinh không trả lời hoặc trả lời sai: 0 điểm |
0.5 | |
4 | Hành động đưa cho mẹ 4 tấm giấy bạc 5 đồng rồi kiêu ngạo bước đi thể hiện thái độ: Thái độ lạnh lùng, kiêu ngạo và không quan tâm đến cảm xúc của mẹ
Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm Học sinh không trả lời hoặc trả lời sai: 0 điểm |
0.5 | |
5 | Đoạn trích được kể theo ngôi kể thứ ba.
Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm Học sinh không trả lời hoặc trả lời sai: 0 điểm |
0.5 | |
6 | Cô Trinh là con bác cả – hàng xóm nhà Tâm, ngày bé hay chơi với Tâm. | 0.5 | |
7 | Học sinh chỉ cần nêu ra một trong hai biện pháp tu từ sau:
* Biện pháp tu từ: So sánh (cánh đồng lúa xanh gió đưa – nổi sóng), * Tác dụng: – So Sánh: + Làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho việc diễn đạt vẻ đẹp mềm mại của cánh đồng lúa. + Gợi lên vẻ đẹp giản dị, thanh bình của làng quê mang lại cảm giác thư thái cho tâm hồn con người. Hướng dẫn chấm: – HS gọi tên đúng biện pháp tu từ: 0.25 điểm. – HS chỉ rõ tu từ ở từ ngữ nào: 0.25 điểm. – HS phân tích tác dụng đúng như đáp án hoặc diễn đạt tương đương tương, hợp lí, không có lỗi diễn đạt: 0.5 điểm. |
1.0 | |
8 | – Hình thức: (0.5 điểm)
Đảm bảo kết cấu của 1 đoạn văn nghị luận và dung lượng khoảng 5 – 7 câu. Đoạn văn đảm bảo yêu cầu về chuẩn chính tả, ngữ pháp. – Nội dung: (1.5 điểm) – HS có thể trình bày theo định hướng sau: + Tâm có tuổi thơ khốn khó nhưng luôn biết vươn lên để thay đổi cuộc đời. + Khi giàu sang phú quý thì phủ nhận quá khứ, quay lưng với chính những người thân yêu của mình. + Là một đứa con bạc bẽo, bất hiếu với chính mẹ ruột của mình. + Lãng quên quê hương, làng xóm thân yêu, nghĩa tình. + Một con người chạy theo danh lợi mà quên đi những điều xưa cũ. Điển hình cho một bộ phận không nhỏ con người trong xã hội hiện đại. (HS có thể diễn đạt tương đương để hướng tới phê phán những kiểu người sống bất hiếu, vong ơn bội nghĩa. GV cho điểm tối đa nếu HS diễn đạt thuyết phục, hợp lí.) |
2.0 | |
II |
VIẾT | 4.0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề |
0.25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Từ đoạn trích trong truyện ngắn “Trở về” (Thạch Lam), anh/chị hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ về tình mẫu tử.
Hướng dẫn chấm: – Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0.25 điểm. – Học sinh xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận hoặc viết chung chung: 0.0 điểm. |
0.25 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
HS có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, nêu rõ lí do và quan điểm của bản thân, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng thuyết phục. |
|
||
1. Mở bài (0.25 điểm)
– Giới thiệu tác giả Thạch Lam, tác phẩm “Trở về”. – Giới thiệu vấn đề nghị luận: tình mẫu tử 2. Thân bài a. Tình mẫu tử trong đoạn trích truyện ngắn “Trở về” (Thạch Lam) (0.5 điểm) – Biểu hiện: (0.25 điểm) – Ý nghĩa: (0.25 điểm) + Ở người mẹ nghèo đó có một trái tim nhân hậu và một tấm lòng yêu thương con vô bờ bến. + Mặc dù bà biết đứa con mình thờ ơ, lạnh nhạt, lãnh đạm, vô ơn với mình nhưng bà vẫn yêu thương con vô điều kiện. Khi nhìn thấy con về thăm nhà sau một thời gian dài xa cách, bà bỗng vui tươi hẳn lên, như được tiếp luồng sinh khí mới và phấn khởi như đứa trẻ được nhận món quà yêu thích. + Chính tình mẫu tử lớn lao đã sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm cho con. Bà cụ là một người mẹ vĩ đại trong hàng nghìn người mẹ vĩ đại trên thế giới này. + …. b. Tình mẫu tử trong đời sống xã hội (1.5 điểm) – Giải thích: (không bắt buộc) – Biểu hiện: (0.5 điểm) + Người mẹ
+ Người con:
– Ý nghĩa: (0.5 điểm)
– Chứng minh: (0.25 điểm) Học sinh lấy dẫn chứng tiêu biểu, điển hình hoặc có thể sử dụng lí lẽ để lập luận chứng minh. – Phản đề: (0.25 điểm) · Những người mẹ đành tâm hành hạ, ngược đãi với con mình · Người mẹ lợi dụng sức lao động của con để kiếm tiền, trục lợi · Những người con đối xử tệ bạc với cha mẹ mình, hành hạ, đánh đập, không chu toàn trách nhiệm đúng của người con c. Bài học nhận thức và hành động: – HS đưa ra bài học nhận thức và bài học hành động ý nghĩa, phù hợp, thuyết phục. 3. Kết bài Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận, rút ra thông điệp ý nghĩa và liên hệ bản thân. * Lưu ý: Hướng dẫn chấm (Riêng nội dung phần thân bài): – Trình bày đầy đủ, sâu sắc: 2,5 điểm. – Trình bày đầy đủ, nhưng diễn đạt các ý chưa sâu sắc, bài làm ngắn: 1,75 – 2,25 điểm. – Trình bày còn thiếu 1 – 2 ý, lủng củng, triển khai chưa thực sự logic: 1,0 điểm – 1,5 điểm. – Trình bày chung chung, sơ sài hoặc viết thành đoạn văn: 0,25 điểm – 0,75 điểm. |
|
||
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. Hướng dẫn chấm: – Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. |
0.25 | ||
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Hướng dẫn chấm: Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác để làm nổi bật nét đặc sắc; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc. – Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm. – Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm. |
0.25 | ||
Tổng điểm | 10,00 |