Đọc hiểu truyện ngắn Làm mẹ Nguyễn Ngọc Tư, NLXH tình mẫu tử

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HK II, NH 2023 – 2024

MÔN: NGỮ VĂN LỚP LỚP 11

Thời gian: 90 phút (Không kể phát đề 

PHẦN I. ĐỌC (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

LÀM MẸ 

[…]

Chị Lành lỡ thời, mập mạp, hịch hạc. Chị sống trong khu nhà dì Diệu cất cho sinh viên thuê, nhưng chị không phải sinh viên, chị gánh nước mướn. Hai bên vai chị thâm xám, vai gồ lên. Một ngày chị gánh non trăm đôi nước. Chị gánh dẻo như múa, đường dài, hẻm nhỏ mà không chao một giọt nước ra ngoài. Dì Diệu chọn chị Lành bởi vì chị hiền. Dì tin rằng người mẹ hiền sẽ đẻ con hiền. Mà, chị Lành cũng rất cần tiền để gởi về xứ. Má chị biên thư xuống bảo nhà chị bây giờ mối ăn gần sụm bà chè rồi, lúc này mưa, nước dội ngay bàn thờ ba, rầu thúi ruột. Má nói làm sao bắt thằng em út chị Lành viết y chang như vậy. Chị Lành đắn đo hoài. Chị cần tiền nhưng sợ chuyện sau này, sợ những mối thâm tình ràng buột mình không tròn lời hứa với dì Diệu. Lại nữa sợ bà con người ta dị nghị, không chồng mà lại có con, bởi chuyện nầy, ai cũng muốn giấu cho thật sâu kín. Chị coi chuyện mình cần tiền với một đứa con như hai cánh tay. Cánh tay nào cũng quan trọng, biết chọn làm sao bây giờ. Nhưng khi chị nhìn thấy những giọt nước mắt rớt lộp độp xuống áo dì Diệu, chị cầm lòng không đậu, chị gật đầu. Hồi nào giờ có bà chủ nhà nào tốt với chị như Dì Diệu đâu.

Cuối cùng thì chị Lành cũng đã trở thành người nhà dì Diệu. Dì thương chị như em gái ruột của mình. Mà, không thương sao được, nghe xóm giềng xầm xì chuyện chị Lành không chồng mà lại có con, lòng dì Diệu đau lắm, dì nghĩ, vậy là tai tiếng, khổ sở cả một đời con gái người ta. Không thương sao được, khi chị Lành thay dì chịu hết cơ cực khi có con. Mới hai tháng, khắp mình chị đã nổi sẩy sần như giề cơm cháy. Hai bên gò má da bắt đầu nám xạm đi. Chị không ăn được gì nhưng lại thèm đủ thứ. Dì Diệu biểu chị muốn ăn cái gì dì Diệu sẽ mua cho. Chị thèm thịt trâu luộc cơm mẻ, dì Diệu mới đem về tằng lăng tíu líu trong bếp, chị Lành đã bắt mùi cơm mẻ ói sấp ói ngửa. Dì Diệu thương tới rơi nước mắt. Tận đáy lòng chị Lành biết rằng dì Diệu thương chị thiệt tình như một con người với một con người chứ không phải vì đứa bé chị mang trong bụng. Dì Diệu bắt đầu chuẩn bị cho một đứa con ra đời. Dì mua mấy tấm hình em bé về dán trong căn nhà chị Lành. Đứa nào đứa nấy ú na ú nần, thấy cưng không chịu được. Dì biểu chị Lành phải siêng nhìn để sinh con ra nó sẽ xinh đẹp như thế. Chị Lành thắc mắc:
– Giống trong hình làm chi, giống ba giống má nó là được rồi.
Dì Diệu ngẩn người, ờ, dì bắt đầu nghĩ, đứa bé sinh ra sẽ giống ai, giống chú Đức đẹp người, giống dì trong trẻo, trẻ trung hay giống…

– Nó sẽ giống cả ba người.
Dì chắc chắn như vậy.

[…]

Dì Diệu bắt đầu mua sắm, từ cái núm vú da cầm tay tới bình ủ sữa, chiếu manh, nệm trẻ con, mùng chụp. Rảnh rỗi, dì ngồi mơn man mấy món đồ tưởng như đã thấy được đứa bé con ngo ngoe hai bàn chân nhỏ trên cái trường kỷ nhà dì. Chú Đức mỗi lần về lại thấy một mớ đồ trẻ con chất ngồn ngộn ở trong phòng. Chú đọc trong mắt dì Diệu một niềm khát khao hườm chín. Chú thấy mình vơi đi mối bận tâm trong lòng, đôi lúc chú cũng thèm muốn chết một đôi chân lẫm đẫm của trẻ con.

[…]
Chỉ còn một tháng hai mươi ngày nữa, đứa bé sẽ ra đời. Dì Diệu tính từng ngày, từng bữa. Chị Lành tính từng ngày từng bữa. Người trông cho mau, người trông đừng bao giờ đến. Dì Diệu cố quên cái vẻ mặt buồn bã, van nài của chị Lành. Chị biết, khi đứa bé khóc ngoe ngoe cất tiếng khóc chào đời, là chị với nó sẽ phải chia lìa. Hợp đồng đã ghi rõ ràng như vậy. Chị thấy thương mình, thương con và thương dì Diệu. Chị rối rít ăn, rối rít ngủ vì biết rằng mai nầy rồi chẳng còn nhau…

Một sáng, chị Lành biến mất.
Dì Diệu kêu chú Đức về, nước mắt ròng ròng khi thấy bóng chồng qua cửa. Chú đau lòng bảo thôi bỏ đi, dì Diệu cãi, “em bỏ không đành, anh à”. Chú cũng thấy rằng bỏ không được. Máu mủ ruột ràng mình mà bỏ sao được. Hai người đi tìm xơ bơ xấc bấc. Không có, không gặp. Dì Diệu về quê, bà mẹ già chị Lành tay run bẩn, vừa đau vừa xót.
– Vậy ra nó không nói gì với cô sao… Tui hay tin nó hư hỏng, tôi từ nó rồi, tui tính bỏ nó luôn, nhưng thiệt tình tui thương nó lắm, phải nó về, tui cũng nuôi.
Dì Diệu lau nước mắt cho mẹ chị Lành, lòng nghĩ, làm sao mình lại để ra nông nỗi nầy. Dì không tiếc tiền của, sông sức, dì cũng không tiếc tình thương dồn đắp cho chị Lành, dì chỉ cảm thấy xót xa cho mình “làm người thì ai lại đi giành con với người ta”, dì luôn dằn vặt vậy.
Dì Diệu bỏ sạp vải tối ngày chạy xe long rong ngoài đường để may ra tìm được bóng người …
Khi đã không trông chờ gì, một ngày, khi mở cửa, dì Diệu nhìn thấy chị Lành đang ngồi ngoài hàng ba và khóc.
Những người có tình có nghĩa, dễ gì bỏ được nhau.
Dì Diệu cắn cho môi vằn đỏ dấu răng, dì ôm chị Lành vào lòng rất chặt. Dì cảm nhận được từ trái tim bàn chân bé bỏng của đứa bé đang lòi chòi. Nó háo hức nằm giữa hai tấm lòng của hai bà mẹ.
Dì Diệu đi lấy tờ hợp đồng ra và đốt cháy thành một tờ tro mỏng. Đôi khi người ta hay bày chuyện nầy chuyện nọ để làm xao động cuộc đời đang hết sức yên bình, lãng nhách vậy đó…

(Nguyễn Ngọc Tư)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của văn bản.

Câu 2. Xác định nội dung cốt truyện trong văn bản trên.

Câu 3. Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ mấy?

Câu 4. Chỉ ra những từ ngữ miêu tả trạng thái của chị Lành khi mang thai.

Câu 5. Dì Diệu đã chuẩn bị những gì chuẩn bị cho sự ra đời của một đứa trẻ?

Câu 6. Qua nội dung câu chuyện, anh chị hãy xác định chủ đề được đề cập đến trong văn bản.

Câu 7. Xác định điểm nhìn trong đoạn trích sau: Dì Diệu cố quên cái vẻ mặt buồn bã, van nài của chị Lành. Chị biết, khi đứa bé khóc ngoe ngoe cất tiếng khóc chào đời, là chị với nó sẽ phải chia lìa. Hợp đồng đã ghi rõ ràng như vậy. Chị thấy thương mình, thương con và thương dì Diệu. Chị rối rít ăn, rối rít ngủ vì biết rằng mai nầy rồi chẳng còn nhau…
Câu 8. Anh, chị hãy giải thích vì sao chị Lành bỏ đi và dì Diệu lại xé tờ hợp đồng?

PHẦN II. VIẾT (4,0 điểm)

Từ nội dung của văn bản trên. Anh, chị hãy viết văn bản nghị luận (khoảng 500 chữ), bàn về tình mẫu tử.

…………………HẾT……………….

 

ĐÁP ÁN

Phần Câu                                            NỘI DUNG Điểm
I. ĐỌC

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1 Phương thức biểu đạt: Tự sự 0.5
2 Nội dung: Dì Diệu không có có nên đã thỏa thuận với chị Lành đẻ mướn con cho vợ chồng mình. 0.75
3 Ngôi kể: Ngôi thứ ba 0.5
4 Trạng thái của chị Lành khi mang thai: khắp mình chị đã nổi sẩy sần như giề cơm cháy. Hai bên gò má da bắt đầu nám xạm đi. Thèm đủ thứ nhưng lại không ăn được. 1.0
5

 

Bắt đầu mua sắm, từ cái núm vú da cầm tay tới bình ủ sữa, chiếu manh, nệm trẻ con, mùng chụp. 1.0

 

6 Chủ đề: Sự mong ngóng, trông chờ và khát vọng có con của những người phụ nữ hiếm muộn. 1.0
7 Điểm nhìn: Ngôi thứ ba hạn tri 0.75
8 – Chị Lành bỏ đi vì không muốn khi sinh con ra lại chịu cảnh mẹ con chia lìa vì chị Lành chỉ đẻ mướn.

– Dì Diệu xé tờ hợp đồng vì không muốn làm tổn thương chị Lành, muốn đứa bé đều là con của hai người mẹ.

0.5
 

 

II. VIẾT

 

Yêu cầu

1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề gồm nhiều ý/ đoạn văn, kết bài kết luận được vấn đề. 0.25
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: bàn về tình mẫu tử của con người. 0.25
  3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. 3.0
Mở bài – Nêu vấn đề nghị luận: Tình mẫu tử của mỗi người trong cuộc sống.

– Được rút ra từ tác phẩm “Làm mẹ” (Nguyễn Ngọc Tư)

 
Thân bài Triển khai vấn đề nghị luận:

* Tình mẫu tử: tình cảm mạnh mẽ nhất và đáng quý báu nhất trong cuộc sống của mỗi người. Đó là tình thương yêu, là sự hi sinh, chở che, và bao dung của người mẹ đối với con cái.

* Bàn luận:

– Mẹ luôn là người nâng đỡ, chở che cho con từ khi chúng ta còn nhỏ bé.

– Khi lớn lên, mẹ vẫn luôn sát cánh cùng ta trên con đường đời đầy gian lao, thử thách. Mẹ là người động viên, khích lệ ta vượt qua khó khăn, hướng dẫn ta đúng đắn và luôn sẵn sàng chia sẻ niềm vui cũng như nỗi buồn của con.

– Dành cả cuộc đời lo lắng cho các con mà không mong một sự đáp đền, bởi niềm hạnh phúc lớn nhất của mẹ là được nhìn thấy các con hạnh phúc, trưởng thành.

* Ý nghĩa của tình mẫu tử:

– Tình mẫu tử là nguồn sức mạnh kỳ diệu giúp con người vượt qua những khó khăn, thách thức của cuộc sống.

– Tình mẫu tử làm cuộc đời của chúng ta trở nên ấm áp hơn.

* Phê phán

– Những người mẹ nhẫn tâm vứt bỏ con cái, hành hạ, ngược đãi chúng.

– Những người lợi dụng tình mẫu tử để đánh đập, hành hạ trẻ em.

– Những đứa con tệ bạc với cha mẹ, không quan tâm, phụng dưỡng những lúc cha mẹ già tuổi và yếu đuối.

* Để gìn giữ và trân trọng tình mẫu tử, chúng ta cần:

– Trân trọng và gìn giữ tình mẫu tử.

– Có những hành động thiết thực, cụ thể để đáp đền tình cảm của mẹ dành cho mình.

 

 

 

 

 

Kết bài Khái quát, đánh giá vấn đề nghị luận

Tình mẫu tử không chỉ là một tình cảm quan trọng trong cuộc sống cá nhân mà còn có ý nghĩa to lớn đối với xã hội. Nó là nguồn sức mạnh tinh thần, làm cho cuộc sống trở nên ấm áp hơn và giúp con người vượt qua mọi khó khăn.

 
  d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận 0.25
  e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. 0.25

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *