Đọc hiểu Tờ hoa Nguyễn Tuân,NLXH tự chữa lành vết thương

 

ĐỀ THI HSG MÔN NGỮ VĂN – LỚP 12

NĂM HỌC: 2022– 2023

Thời gian làm bài: 150 phút

Phần I: Đọc – hiểu (6.0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi

Người ta hay nhắc đến mang nặng đẻ đau. Có những quá trình không phải là hoài thai, không đẻ gì (theo nghĩa hẹp và theo nghĩa đen sinh học). Nhưng rất khổ đau và nặng nhọc đèo bòng. Ngọc trai nguyên chỉ  là một hạt cát, một hạt bụi biển xâm lăng vào vỏ trai, lòng trai. Cái bụi bặm khách quan nơi rốn bể lẻn vào cửa trai. Trai xót lòng. Máu trai liền tiết ra một thứ nước rãi bọc lấy hạt cát buốt sắc. Có những cơ thể trai đã chết ngay vì hạt cát từ đâu bên ngoài gieo vào giữa lòng mình (và vì trai chết nên cát bụi kia vẫn chỉ là hạt cát). Nhưng có những cơ thể trai vẫn sống, sống lấy máu lấy rãi mình ra mà bao phủ lấy hạt đau hạt xót. Tới một thời gian nào đó, hạt cát khối tình con, cộng với nước mắt hạch trai, đã trở thành lõi sáng của một hạt ngọc tròn trặn ánh ngời.

Buổi ban đầu vào nghề viết cách đây vài chục năm, khi nhìn chuỗi ngọc trên cổ người “con hát” một thời Thăng Long tôi mới chỉ liên hệ nhân cát ngọc với mảy bụi cát kiếp người nơi thập điều Kinh Thánh. Cho tới gần đây tôi mới nhìn rõ thân thể của ngọc trai. Biết nhìn nó không phải chỉ ở chặng thành tựu chót cùng nơi cổ, nơi ngón con người ta mà là nhìn thấy được ở nó một quá trình dài, đầu kia quá trình là một vết thương lòng và đầu này quá trình là một niềm vui. Đầu kia quá trình là một cơn giận dữ tự vệ, đầu này quá trình là một giọt tài nguyên Tổ quốc ta bao la cát bãi.

(Trích Tùy bút Tờ hoa, Nguyễn Tuân, trích dẫn nguồn

https://khosachdientu.wordpress.com/2012/06/28/tuyen-tap-nhung-tac-pham-cua-nguyen-tuan/)

Câu 1: Xác định những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2: Chỉ ra các chi tiết, hình ảnh nói về quá trình ngọc trai ra đời.

Câu 3: Những câu văn: “Cái bụi bặm khách quan nơi rốn bể lẻn vào cửa trai. Trai xót lòng. Máu trai liền tiết ra một thứ nước rãi bọc lấy hạt cát buốt sắc.” giúp anh/ chị hiểu như thế nào về quá trình hình thành ngọc trai.

Câu 4: Qua những chiêm nghiệm của tác giả trong những câu: “Cho tới gần đây tôi mới nhìn rõ thân thể của ngọc trai. Biết nhìn nó không phải chỉ ở chặng thành tựu chót cùng nơi cổ, nơi ngón con người ta mà là nhìn thấy được ở nó một quá trình dài, đầu kia quá trình là một vết thương lòng và đầu này quá trình là một niềm vui. Đầu kia quá trình là một cơn giận dữ tự vệ, đầu này quá trình là một giọt tài nguyên Tổ quốc ta bao la cát bãi”, anh/ chị rút ra được bài học gì trong cuộc sống.

Phần II: Làm văn (14.0 điểm)

Câu 1 (4 điểm). Hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 400 chữ), trình bày suy nghĩ của anh/ chị về vấn đề: tự chữa lành vết thương.

Câu 2 (10 điểm). Bàn về thơ, Nguyễn Công Trứ tâm sự:

Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời.

Còn trong tác phẩm Đaghetxtan của tôi, Ra-sun Gam-za-top viết:

Những chiếc bình đẹp nhất

                             Nặn từ đất bình thường

                             Những câu thơ đẹp nhất

                             Từ những chữ bình thường.

Anh chị hiểu hai ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng (SGK Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012)

 

————HẾT————

 HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần Câu Nội dung Điểm
I   Đọc hiểu 3,0
  1 Những phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản: biểu cảm, tự sự, miêu tả.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời chính xác như đáp án: 1,0 điểm

– Học sinh trả lời được 2/3 phương thức biểu đạt: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời được 1/3 phương thức biểu đạt: 0,25 điểm

– Học sinh không trả lời đúng phương thức biểu đạt: không cho điểm

1,0
2 Chi tiết, hình ảnh nói về quá trình ngọc trai ra đời :

+ Một hạt cát, một hạt bụi biển xâm lăng vào vỏ trai, lòng trai.

+ Trai xót lòng. Máu trai liền tiết ra một thứ nước rãi bọc lấy hạt cát buốt sắc, lấy máu lấy rãi mình ra mà bao phủ lấy hạt đau hạt xót

+ Tới một thời gian nào đó, hạt cát khối tình con, cộng với nước mắt hạch trai, đã trở thành lõi sáng của một hạt ngọc tròn trặn ánh ngời

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời được 03 ý như đáp án: 1,0 điểm

– Học sinh trả lời được 02 ý như đáp án: 0,5 điểm

-Học sinh trả lời được 01 ý như đáp án : 0,25 điểm

– Học sinh không trả lời được hình ảnh nào: không cho điểm.

(Lưu ý: HS có thể sử dụng cách diễn đạt khác, nếu đảm bảo đúng ý vẫn cho điểm. Chẳng hạn: hạt cát xâm nhập vào lòng trai, trai tiết nước rãi/ máu bao phủ, qua thời gian một hạt ngọc trai ra đời)

1,0
3 – Đó là quá trình trai tự bảo vệ, tự chữa lành những vết thương do tác động của ngoại cảnh bên ngoài (tự lấy máu mình tạo thành lớp màng bọc lấy những hạt cát buốt sắc từ bên ngoài xâm nhập vào)

– Đó là một quá trình đầy nhọc nhằn, xót đau.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời được 02 ý: 1,5 điểm

– Học sinh trả lời được 01 ý: 0,75 điểm

– Học sinh không trả lời được ý nào: không cho điểm

(Lưu ý: HS có thể có những cách diễn đạt khác nhưng đúng ý vẫn cho điểm tối đa)

1,5
4 – Chiêm nghiệm của tác giả:

Giá trị của ngọc trai không chỉ là khi nó làm đẹp cho con người mà là ở quá trình hình thành: bắt đầu từ những thương tích, nhọc nhằn, đớn đau, giận dữ, vật lộn và kết thúc bằng niềm vui, bằng tài nguyên vô giá.

– Suy nghĩ của bản thân: Hs có thể đưa ra theo hướng: không đánh giá sự việc hay con người chỉ ở một thời điểm mà phải biết nhìn nhận trong cả quá trình/ không nên chỉ quan tâm đến kết quả mà phải thấy được cả sự nỗ lực, phấn đấu/ thành công, hạnh phúc chỉ có khi chúng ta nỗ lực vượt qua những gian khó…

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh bày tỏ rõ ràng, thuyết phục: 2,5 điểm

– Học sinh bày tỏ được suy nghĩ nhưng chưa rõ ràng, thuyết phục: 1,0 điểm

– Học sinh không bày tỏ được suy nghĩ: không cho điểm.

2,5
II   LÀM VĂN  
  1 Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về việc tự chữa lành vết thương 4,0
  a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,5
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

suy nghĩ của bản thân về việc tự chữa lành vết thương

0,75
c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ về sự cần thiết của việc tự chữa lành vết thương. Có thể triển khai theo hướng:

* Giải thích

* Vì sao cần phải biết chữa lành vết thương

– Cuộc sống luôn đầy rẫy những khó khăn, bất ổn. Mỗi con người trong quá trình trưởng thành đều phải trải qua những tổn thương (có khi là thể xác, có khi là tinh thần, thậm chí cả hai)

– Những “vết thương” do người khác gây ra hay do chính bản thân gây ra cho mình khi đã xảy ra thì không thể xóa bỏ được. Điều duy nhất ta có thể làm là chữa lành nó. Nếu không những “vết thương” ấy sẽ “sưng tấy, mưng mủ” “hủy hoại” chính bạn.

– Khi ta biết cách tự chữa lành những “vết thương”, biết vượt qua những đau khổ, những vấp ngã, sai lầm… ta trở nên mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn; có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống

– Khi ta biết cách tự chữa lành những “vết thương” ta biết bao dung hơn, thấu hiểu hơn với những sai lầm, vấp ngã của người khác; cổ vũ, động viên họ vươn lên.

– Tự chữa lành vết thương là ta yêu quý, trân trọng chính bản thân mình.

*Cần phải biết chữa lành vết thương như thế nào

·         Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề

·          Tăng kết nối cộng đồng

·         Tham gia hoạt động thiện nguyện

·         Tha thứ chính là liều thuốc an thần tuyệt vời giúp chúng ta thoát khỏi vòng quay của đau khổ

·         Nỗ lực cải thiện sức khỏe, duy trì tập luyện  đều đặn

 Hướng dẫn chấm:

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng: 1,5 điểm.

– Lập luận chưa chặt chẽ, thuyết phục:  lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu: 0,75 điểm

– Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp: 0,5 điểm.

Học sinh có thể trình bày quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1,5
d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm:

Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp

0,5
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm:

Học sinh huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân để bàn luận; có sáng tạo trong viết câu, dựng đoạn, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh.

– Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,75 điểm

– Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm

0,75
  2 Bàn về thơ, Nguyễn Công Trứ tâm sự:

                               Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời.

Còn trong tác phẩm Đaghetxtan của tôi, Ra-sun Gam-za-top viết:

                             Những chiếc bình đẹp nhất

                             Nặn từ đất bình thường

                             Những câu thơ đẹp nhất

                             Từ những chữ bình thường.

Anh chị hiểu hai ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng (SGK Ngữ văn 12, tập 1,

NXB Giáo dục Việt Nam, 2012)

10.0
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề giới thiệu tác giả, thân bài triển khai được vấn đề gồm nhiều ý/ đoạn văn, kết bài khái quát nội dung nghị luận  

 

0.5

b.Xác định đúng vấn đề  cần nghị luận: Vai trò của ngôn ngữ trong sáng tạo thơ ca 0.5
c. Triển khai vấn đề như sau 8.5
1.     Giải thích ý kiến  (1,0đ)

Ý kiến của Nguyễn Công Trứ:

+Trót nợ cùng thơ: duyên nợ, trách nhiệm của người cầm bút với thơ ca.

+ Chuốt lời: chỉnh sửa, lựa chọn ngôn từ một cách công phu để đạt tiêu chuẩn thẩm mĩ cao nhất.

àÝ kiến đặt ra yêu cầu và trách nhiệm của người nghệ sĩ trong sáng tác văn chương: phải công phu, tâm huyết và sáng tạo trong lựa chọn ngôn ngữ để đem đến cái mới, sự hoàn hảo và chiều sâu cho những sáng tạo nghệ thuật.

– Ý kiến của Ra-sun Gam-za-top :

+ Những chiếc bình đẹp nhất/ nặn từ đất bình thường:Những chiếc bình đẹp nhất được nhào nặn từ nguyên liệu rất thô sơ (đất bình thường)

+ Những câu thơ đẹp nhất/ từ những chữ bình thường: Những câu thơ hay nhất được viết nên bởi những chữ giản dị, mộc mạc.

àÝ kiến nhấn mạnh vẻ đẹp giản dị, gần gũi của thơ ca.

2.     Nhận xét, lí giải ý kiến (1,5đ)

– Hai ý kiến không mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau để mang đến một nhận thức tương đối toàn diện về ngôn ngữ thơ ca. Nguyễn Công Trứ  khẳng định ngôn ngữ thơ phải trau chuốt, được lựa chọn công phu. Ra-sun Gam-za-top  đề cao ngôn ngữ giản di, mộc mạc.

– Ngôn ngữ là chất liệu, là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học. Không có ngôn ngữ thì không có tác phẩm văn học.  Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên mà nhà văn sử dụng trong quá trình sáng tạo tác phẩm, cũng là yếu tố đầu tiên trong sự tiếp xúc của người đọc với tác phẩm. Ngôn ngữ trong tác phẩm văn học là ngôn ngữ của đời sống, của toàn dân đã được cách điệu hóa, nghệ thuật hóa qua bàn tay “phù thủy” và cảm xúc dạt dào của nghệ sĩ. Nói cách khác, ngôn ngữ nghệ thuật chính là ngôn ngữ toàn dân đã được chọn lọc, trau dồi, mài dũa, tinh luyện  để đạt đến hiệu quả nghệ thuật, đủ khả năng chuyên chở thế giới tư tưởng, cảm xúc của tác giả.Vì thế, ngôn ngữ nghệ thuật có tất cả phẩm chất thẩm mĩ và khả năng nghệ thuật,  vừa  trau chuốt , đẹp đẽ lại vừa giản dị, mộc mạc

3. Làm sáng tỏ ý kiến qua bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

– Ngôn ngữ được lựa chọn công phu, tâm huyết và sáng tạo (3,0đ)

+ Vần ơi ( Tây Tiến ơi, nhớ chơi vơi) tạo độ ngân vang, đưa người đọc trở về với hoài niệm, khơi gợi nỗi nhớ  mênh mang, đầy ắp dăng mắc khắp không gian, trải dài theo thời gian…

+ Phối thanh bằng, trắc và cách ngắt nhịp gợi hình, gợi cảm trong những câu thơ tái hiện vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên Tây Bắc trên chặng đường hành quân của người lính Tây Tiến.

+ Cách diễn đạt đa nghĩa tạo ấn tượng sâu sắc về người lính Tây Tiến vừa hào hùng vừa hào hoa: không mọc tóc, quân xanh màu lá, hoa về trong đêm hơi, anh về đất, gục lên súng mũ bỏ quên đời…

+ Kết hợp từ độc đáo, lạ hóa, tạo sắc thái mới: mùa em, hồn lau, hoa đong đưa, dáng kiều thơm…

+ Sử dụng những từ chỉ địa danh vừa tạo ấn tượng về tính cụ thể, xác thực,  giàu chất họa của bức tranh thiên nhiên Tây Bắc và cuộc sống con người vừa gợi được sự hấp dẫn của nơi xứ lạ phương xa.

+ Kết hợp từ Hán Việt(biên cương, đoàn binh, viễn xứ, khúc độc hành) trang trọng, cổ kính, thiêng liêng với từ thuần Việt giản dị, gần gũi(bỏ quên đời, cọp trêu người)

+ Nghệ thuật nhân hóa(súng ngửi trời), tương phản đối lập, điệp từ nhớ, lối nói giảm, nói tránh…

– Ngôn ngữ giản dị, mộc mạc (2,5đ):

+Sử dụng từ láy(chiều chiều, đêm đêm, dãi dầu)và những từ ngữ quen thuộc, gần gũi trong đời sống hàng ngày của nhân dân(bỏ quên đời, cọp trêu người, không mọc tóc)tạo ấn tượng về cách nói đậm chất lính, tư thế hi sinh anh dũng mà ngang tàng, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng rất đúng với khong khí hào hùng của thời đại lúc bấy giờ.

+ Cách diễn đạt đơn giản với những câu thơ không cầu kì hoa mĩ(Anh bạn dãi dầu không bước nữa, chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh)gợi những gian khó, mất mát trong cuộc chiến và lí tưởng sống cao đẹp, tinh thần sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân cho tổ quốc của những chiến sĩ Tây Tiến.

àBài thơ Tây Tiến của Quang Dũng là chuẩn mực của một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ: có sự kết hợp giữa ngôn ngữ được lựa chọn công phu, trau chuốt, sáng tạo với ngôn ngữ giản dị, mộc mạc. Những đặc sắc, tài hoa trong sử dụng ngôn ngữ của Quang Dũng đã khắc họa thành công nỗi nhớ da diết của nhà thơ về người đồng đội hào hùng, hào hoa trên cái nền thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hiểm trở mà thơ mộng, trữ tình.

. Bình luận, đánh giá:

– Việc lựa chọn, sử dụng ngôn ngữ là yếu tố quan trọng đầu tiên quyết định thành công của một tác phẩm văn học. Ngôn ngữ được lựa chọn phải truyền tải sâu sắc nội dung của tác phẩm.

– Bài học với người sáng tác:lựa chọn và sáng tạo ngôn ngữ phù hợp, sáng tạo trong sự kế thừa và cách tân. Việc sáng tác đòi hỏi cả tài năng và tâm huyết của tác giả. Mỗi tác giả phải là một nhà nghệ thuật ngôn từ.

– Bài học với người tiếp nhận: tìm hiểu thơ nói riêng, văn chương nói chung bắt đầu từ việc tiếp cận ngôn ngữ văn bản, bám sát đặc trưng cuả thơ để cảm nhận được những đóng góp riêng trong sử dụng từ ngữ của người nghệ sĩ ngôn từ; trân trọng vẻ đẹp của ngôn ngữ, của văn chương; trân trọng tài năng và quá trình lao động sáng tạo của người nghệ sĩ.

 

 

 

 

.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

    d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

 

0.5

 

      TỔNG  ĐIỂM 20

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *