Đề khảo sát thi tốt nghiệp Tây Tiến + NLXH cách thức để thực hiện ước mơ trong cuộc sống

 

 

ĐỀ  THI KSCL TỐT NGHIỆP LỚP 12NĂM HỌC 2023-2024

Môn: Ngữ văn  

Thời gian: 120 phút (Không kể thời gian giao đề)

 

  1. I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Giấc mơ của anh hề

Thấy mình thành triệu phú

Ác-lơ-canh nghèo khổ

Nằm mỉm cười sau tấm màn nhung.

 

Giấc mơ người hát xẩm nhục nhằn

Thức dậy giữa lâu đài rực rỡ

Thằng bé mồ côi lạnh giá

Thấy trong tay chiếc bánh khổng lồ

Trên đá lạnh người tù

Gặp bầy chim cánh trắng

Kẻ u tối suốt đời cúi mặt

Bỗng thảnh thơi đứng dưới mặt trời.

 

Giấc mơ đêm cứu vớt cho ngày

Trong hư ảo người sống phần thực nhất

Cái không thể nào tới được

Đã giục con người

Vươn đến những điều đạt tới

Những giấc mơ êm đềm

Những giấc mơ nổi loạn

Như cánh chim vẫy gọi những bàn tay.

 

Đời sống là bờ

Những giấc mơ là biển

Bờ không còn nếu chẳng có khơi xa….

(Giấc mơ của anh hề, Lưu Quang Vũ, in trong Thơ tình Lưu Quang Vũ, NXB Văn học, 2002)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên?

Câu 2. Trong văn bản tác giả đã chỉ ra  ước mơ của những đối tượng nào ?

Câu 3.  Phân tích hiệu quả của  biện pháp tu từ tương phản ( đối lập ) trong đoạn thơ sau

Giấc mơ người hát xẩm nhục nhằn

Thức dậy giữa lâu đài rực rỡ

Thằng bé mồ côi lạnh giá

Thấy trong tay chiếc bánh khổng lồ

Câu 4. Anh chị có đồng tình với quan điểm của tác giả trong  đoạn thơ sau không

                                    Đời sống là bờ

                                   Những giấc mơ là biển

                                  Bờ không còn nếu chẳng có khơi xa….

  1. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm). Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về cách thức để thực hiện ước mơ trong cuộc sống.

Câu 2 (5.0 điểm)  Cảm nhận đoạn thơ sau

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

(Trích Tây Tiến, Quang Dũng, Ngữ văn 12, Tập một, Nxb Giáo dục Việt Nam)

       Từ đó nhận xét vẻ đẹp bi tráng về người lính Tây Tiến

 

  HƯỚNG DẪN CHẤM THI KSCL LỚP 12

NĂM HỌC 2023-2024

Môn: Ngữ văn  

Thời gian: 120 phút (Không kể thời gian giao đề)

 

 

HƯỚNG DẪN CHẤM- Môn:  NGỮ VĂN

( Đáp án gồm 05 trang)

 

Phần Câu/  Ý Nội dung cần đạt Điểm
I   ĐỌC HIỂU 3,0
  1 – Phong cách ngôn ngữ: Nghệ thuật 0,75
  2 Những đối tượng được nhắc đến : Anh hề,  Ác lơ canh nghèo khổ, người hát xẩm, thằng bé  mồ côi, người tù, kẻ u tối

 Hướng dẫn : HS nêu được từ 5 đối tượng  : 0,75

                      Nêu  3 đến 4 đối tượng : cho 0,5

                       Nêu dưới 3 đối tượng cho 0,25

0,75
  3 –          Chỉ ra hình ảnh tương phản :

Giấc mơ người hát xẩm nhục nhằn><Thức dậy giữa lâu đài rực rỡ

Thằng bé mồ côi lạnh giá><Thấy trong tay chiếc bánh khổng lồ

Hiệu quả : Chỉ ra sự đối lập giữa thực tế cuộc sống hiện tại nghèo khổ, thiếu thốn  của những phận người  bất hạnh với những ước mơ đẹp đẽ mà họ mong muốn . Người hát xẩm  nhục nhằn mơ  cuộc sống giàu sang, đứa bé mồ côi lạnh giá mơ được ăn no. Từ đó cho thấy con người  dù là ai trong cuộc sống cũng không ngừng ước mơ, càng đau khổ, người ta càng mong  muốn đổi đời., đều muốn thoát khỏi hoàn cảnh sống hiện tại.

-BPTT còn làm cho cách diễn đạt biểu cảm,  tạo sự nhịp nhàng hài hòa cho câu thơ

 

0.25

 

 

 

0.75

  4 Học sinh  thể hiện quan điểm  của mình và lí giải hợp lí

Gợi ý:  Đồng tình vì:

– Bờ luôn là cái nhỏ bé, chật chội trong những giới hạn an toàn trong khi đó  biển luôn là cái rộng lớn, bao la, hứa hẹn nhiều bí ẩn cần khám phá. Cũng như vậy, đời sống luôn là cái hạn hẹp, nghèo nàn; trong khi đó giấc mơ luôn mở ra một thế giới vô cùng rộng lớn và phong phú.

– Nếu không có biển, bờ sẽ không còn lí do để tồn tại. Cũng như vậy, nếu không có những giấc mơ, những khát vọng để hướng về những điều tốt đẹp, cuộc đời sẽ trở nên vô vị, mất hết ý nghĩa.- Những giấc mơ đưa con người đi xa, và được là chính mình, sống 1 cuộc đời có mơ ước và hạnh phúc. Nhờ những giấc mơ mà cuộc đời của mỗi người trở nên rực rỡ sắc màu, trở nên thi vị, ý nghĩa hơn.

Học sinh có thể có cách diễn đạt khác miễn là lí giải có sức thuyết phục  

 

 

 

0,5

II   LÀM VĂN 7,0
    Viết đoạn văn trình cách thức để thực hiện ước mơ trong cuộc sống 2,0
1 1.1  Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn 0,25
  Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, móc xích, song hành hoặc tổng – phân – hợp.
1.2 Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,25
Trình bày cách để thực hiện ước mơ
1.3 Triển khai vấn đề nghị luận: Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ những ý cơ bản sau:  
* Giải thích: 0,25
ước mơ: là khát vọng vươn tới những điều tốt đẹp mà con người mong mỏi đạt được, là mục tiêu (mục đích) để cho ta phấn đấu, nỗ lực vươn tới để làm cho cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn.
* Bàn luận 1.0
Cách để thực hiện ước mơ:

+ Trước hết phải lắng nghe chính mình, xác định được ước mơ của bản thân là gì.

+ Nuôi dưỡng ước mơ kiên trì theo đuổi đam mê

+ Nỗ lực hành động tự trau dồi bản thân  bằng cách tu dưỡng, học tập, rèn luyện

+ Có bản lĩnh nghị lực vượt lên nhưng khó khăn thử thách

+ Luôn lạc quan, có niềm tin vào chính mình , dám chấp nhận thất bại …

( Dẫn chứng)

+ Tuy nhiên:

Không nhất thiết là phải làm những điều lớn lao vĩ đại mà cần làm cả những việc bé nhỏ bằng tình yêu vĩ đại.

Không bất chấp liều lĩnh để thực hiện ước mơ, hoặc chà đạp người khác chỉ để thực hiện ước mơ của bản thân

Phê phán: những kẻ luôn sống dựa dẫm  ỷ lại, không dám ước mơ, không kiên trì thực hiện những ước mơ đã đặt ra..

* Bài học nhận thức và hành động
– Sẵn sàng hành động để biến ước mơ thành hiện thực bằng nỗ lực, cố gắng trau dồi trí tuệ phẩm chất, biến điều không thể trở thành có thể để đạt được thành công
1.4 Chính tả, dùng từ, đặt câu 0,25
1.5 Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, mới mẻ và sâu sắc về vấn đề nghị luận. 0,25
2   Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ (…)    Từ đó nhận xét vẻ đẹp bi tráng về người lính Tây Tiến 5,0
2.1 Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề. 0.25
2.2 Xác định đúng vấn đề cần nghị luận : 0.25
2.3 Triển khai vấn đề nghị luận : Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.  
a Tác giả, tác phẩm, đoạn trích 0.5
– Quang Dũng ( 1921-1988) tên thật là Bùi Đình Diệm  là nhà thơ của” xứ Đoài mây trắng “ Ông là một người nghệ sĩ đa tài, hồn thơ ông luôn phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn, tài hoa.

– Bài thơ được Quang Dũng viết  cuối năm 1948 khi đã rời xa đơn vị Tây Tiến, in trong tập Mây đầu ô (1986).

– Vị trí đoạn trích: Là đoạn thơ thứ ba trong mạch cảm xúc của toàn bài thơ.

– Nội dung đoạn trích: khắc họa chân dung người lính Tây Tiến với vẻ đẹp hào hùng, hào hoa,  và bi tráng.

 
b Cảm nhận về  nội dung đoạn thơ: Vẻ đẹp của người lính Tây Tiến 2.5
Vẻ đẹp ngoại hình

+Chân dung: Những chi tiết tả thực đã khắc họa diện mạo rất độc đáo, kì dị chân dung tập thể người lính “ không mọc tóc”, “ xanh màu lá” đồng thời phản ánh hiện thực gian khổ, thiếu thốn, bệnh tật nơi chiến trường.

+ Đối lập với vẻ ngoài xanh xao, tiều tụy là nội tâm sục sôi lòng yêu nước căm thù giặc nên người lính “ốm mà không yếu vẫn oai phong lẫm liệt “dữ oai hùm”

Tâm hồn hào hoa, lãng mạn

+ Qua nỗi nhớ, giấc mơ về những “dáng kiều thơm’ đất Hà Thành “đêm mơ Hà Nội….” ta thấy tâm hồn lãng mạn, hào hoa giàu khát vọng, yêu thương của những chàng lính Tây Tiến.

+ “Mộng biên giới”: Giấc mộng hòa bình, giấc mộng chiến thắng trở về quê hương, gia đình…

+ “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”: Nỗi nhớ gia đình, nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ người thương

 

> Hình ảnh những người lính Tây Tiến trẻ trung, hòa hợp giữa vẻ đẹp của khát vọng và vẻ đẹp trong tâm hồn.

Lí tưởng cao đẹp, tinh thần bi tráng và sự bất tử của người lính Tây Tiến

Không né tránh hiện thực khốc liệt của chiến tranh với những mất mát, hi sinh  “Mồ viễn xứ”, “biên cương”: Từ Hán Việt tạo không khí trang trọng, bi hùng . Nhưng dù có phải đối mặt với cái chết thì người lính vẫn nguyện hiến dâng tuổi xuân, thậm chí cả tính mạng của mình cho nền độc lập tự do của dân tộc “chẳng tiếc đời xanh”, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng “anh về đất”

+ Cái chết của các anh được lí tưởng hóa, mĩ lệ hóa “Áo bào thay chiếu” => Sự hi sinh đầy cao đẹp, thiêng liêng Những nấm mồ nơi biên cương qua cách miêu tả của nhà thơ không hề bi lụy mà rất oai hùng. Nơi biên cương xa xôi, các anh hi sinh được khoác trên mình chiếc áo bào oanh liệt như một vị tướng thời xưa và được trở về với đất mẹ thiêng liêng. Bằng cách sử dụng từ ngữ hán việt, hình ảnh sự hi sinh của người lính mang hơi hướng cổ kính, tạo nên một âm hưởng bi tráng, hào hùng rực rỡ. “áo bào thay chiếu anh về đất”, tác giả đã khắc họa sự hi sinh cao cả của người gây xúc động lòng người, lay động cả thiên nhiên sông núi: “ Sông Mã gầm lên….” nâng cái chết lên tầm sử thi hùng tráng. Người lính Tây Tiến ra đi đã có dòng sông Mã tấu lên khúc nhạc trầm hùng tiễn đưa linh hồn các anh. Sông Mã là con sông của hoài niệm chuyên chở nỗi nhớ của người lính, giờ đây nó là nhân chứng cuối cùng trong cuộc đời của các anh. Tiếng gầm thét của sông Mã là biểu hiện cao độ cho sự mất mát, cho nỗi tiếc thương và cả niềm uất hận. Nó như một con chiến mã trung thành đang gầm rú, gào thét vì sự ra đi của chủ tướng. Dường như cả đất trời núi sông, cả quê hương đều đang nghiêng mình tiễn biệt người lính trong âm hưởng hào hùng và dữ dội của sông Mã.

 

0,75

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0,75

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1.0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

c Đặc sắc Nghệ thuật 0.25
– Bút pháp tả thực kết họp lãng mạn; sử dụng từ Hán – Việt cổ kính trang trọng; sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ: tương phản, nhân hóa, nói giảm nói tránh..- Ngôn ngữ giàu sức biểu cảm , các từ láy gợi hình gợi cảm, nghệ thuật phối thanh linh hoạt

– Với giọng thơ vừa khẻ khoắn,  trang trọng, đôi lúc lắng xuống, cảm xúc dạt dào, hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên với vẻ đẹp hào hùng, hào hoa,  và bi tráng, tạc vào lòng người như bức tượng đài bất tử về người lính vô danh trong kháng chiến chống Pháp không thể nào quên

  d .Nhận xét về vẻ đẹp bi tráng về hình tượng người lính 0,75
Bên cạnh cảm hứng lãng mạn, thì tinh thần bi tráng cũng là nét đặc sắc tạo nên thành công cho bài thơ Tây Tiến. Bi tráng là trong cái buồn đau nhưng vẫn rất hào hùng, mạnh mẽ chứ không hề đau thương, bi lụy. Đoạn  thơ đã nói lên những khó khăn, gian khổ mà những người chiến sĩ phải vươt qua. Đó là những đợt  sốt rét nơi rừng hoang sương muối khiến tóc không mọc, da xanh xao như lá. Thậm chí, các anh còn phải đối mặt với cái chết.

Nhà thơ không hề né tránh cái chết mà từ đó khẳng định sự quả cảm hi sinh của những người lính Tây Tiến. Những người lính vẫn oai phong “dữ oai hùm”. Đứng trước cái chết, những người lính Tây Tiến vẫn “chẳng tiếc đời xanh”.Đó là tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” một thời bom đạn. Đặc biệt màu sắc tráng lệ, hào hùng được thể hiện ở cái chết hào hùng, bất tử của đoàn quân Tây Tiến.. Tinh thần bi tráng đã làm nổi bật lên vẻ đẹp một thời rực lửa của những con người trẻ tuổi mang đầy nhiệt huyết, quả cảm, vì tổ quốc không tiếc thân mình.

2.4 Chính tả, dùng từ, đặt câu 0,25
2.5 Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, mới mẻ và sâu sắc về vấn đề nghị luận. 0,25

                                                           *********  HẾT  *******

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *