Nhà văn Raxun Gamzatốp trong cuốn “Đaghextan của tôi” viết:
“Người ta nói rằng:
– Này chim ưng, chim sinh ra ở đâu?
– Trong khe núi hẹp.
– Chim bay đi đâu?
– Bay đến khoảng trời cao rộng”.
[…]
“Người ta nói: Gà mái mơ thấy mình là chim ưng, nó bay khỏi vách đá và ngã gãy cánh”.
(Raxun Gamzatốp, Đaghextan của tôi, tập 1, NXB Cầu vồng, 1984, tr. 30-70)
Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa nhân sinh được rút ra từ những lời thoại trên.
1. Yêu cầu về kĩ năng:
– Nắm vững phương pháp làm văn nghị luận xã hội, hiểu đúng yêu cầu của đề, biết vận dụng kiến thức lí luận và thực tiễn để làm sáng tỏ vấn đề. – Đảm bảo bố cục ba phần chặt chẽ (mở bài, thân bài, kết bài); hành văn lưu loát, có cảm xúc; vận dụng một cách hiệu quả các thao tác lập luận. |
2. Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần thể hiện được các ý sau: |
a. Giải thích
– Loài chim ưng sống trên vùng núi cao, thường bay cao, bay xa, có sức nhìn xa, có lòng can đảm. Chim ưng tuy sống ở nơi nhỏ bé “khe núi hẹp” nhưng có khát vọng và khả năng chinh phục không gian rộng lớn “những khoảng trời cao rộng”. Hình ảnh chim ưng mang ý nghĩa biểu tượng: chỉ những người có chí lớn, mang khát vọng lớn, dám vượt ra khỏi hoàn cảnh chật hẹp để chinh phục những đỉnh cao thuộc mọi lĩnh vực. – Loài gà, cụ thể “gà mái mơ”, là một loài gia cầm, quen sống trong các gia đình; do bản tính tự nhiên, không quen rời nhà đi xa; nếu so với loài chim ưng, trong nghĩa biểu tượng, bị coi là sống an phận, tự bằng lòng với chính mình. Nếu gà mái mơ không ý thức được về giới hạn có tính tự nhiên của mình, lại ảo tưởng mình là chim ưng, bay theo cách của chim ưng sẽ “gãy cánh”, bị thất bại, trả giá. ” Hình ảnh chim ưng và gà mái mơ là một đối nghịch, thể hiện hai hoàn cảnh, phẩm chất trái ngược nhau. Cặp đôi hình ảnh trong những lời thoại có ý nghĩa biểu tượng nhằm để nhắn gửi thông điệp nhân sinh, rút ra bài học cho con người về việc xác định năng lực và giới hạn bản thân, định hướng cách sống đúng đắn cho mình. |
b. Bàn luận – chứng minh
– Làm người cần có ý chí, cần nuôi những khát vọng; phấn đấu, hướng tới chinh phục những đỉnh cao thuộc mọi lĩnh vực mà mình có hứng thú theo đuổi. Hãy như cánh chim ưng bay tới những khoảng trời cao rộng. – Song mỗi người cũng cần biết rõ giới hạn của chính mình, tức là các điều kiện để thực hiện những khát vọng đó: sức khỏe, tri thức, thời gian, tài chính, phương tiện, hoàn cảnh gia đình và xã hội chi phối… Đừng như loài gà mái mơ ảo tưởng về chính mình, làm những điều phi lí để rồi gánh chịu hậu quả nặng nề. – Nếu điều kiện cho phép, hãy quyết tâm thực hiện bằng được; nếu điều kiện không cho phép, hãy biết chờ đợi, phấn đấu, khi nào đủ điều kiện hãy thực hiện, không vội bỏ cuộc; nếu hiểu rõ không thể thực hiện được, đừng ảo tưởng, đừng phiêu lưu, dại dột, sẽ bị trả giá mà hãy thay đổi hướng đi, lựa chọn cách sống phù hợp. Lưu ý: Thí sinh cần biết chọn lọc dẫn chứng tiêu biểu, giàu sức thuyết phục để làm sáng tỏ cho lập luận trong bài viết; trân trọng những bài viết có ý tưởng khác với đáp án nhưng đúng đắn, sâu sắc, thuyết phục. |
c. Mở rộng vấn đề
– Phê phán người thụ động, không mơ ước, không khát vọng, không có ý chí, không cố gắng tu dưỡng, trở thành “người thừa” và những người ảo tưởng về bản thân, tự cao về khả năng của chính mình, a dua, phù phiếm chạy theo cuộc sống của người khác. – Con người luôn có khả năng trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình qua từng ngày, có cơ hội thực hiện những điều tưởng chừng không thể nếu biết phấn đấu rèn luyện, phát triển bản thân. |
d. Bài học nhận thức và hành động:
– Nhận thức đúng năng lực và những điều kiện của bản thân, thấu hiểu chính mình để lựa chọn cách sống đúng đắn. – Nuôi dưỡng những khát vọng lớn, theo đuổi và tin tưởng vào thành công; luôn có thái độ tích cực với bản thân và đời sống. – Không ngừng tự bồi dưỡng bản thân để nâng cao năng lực về mọi mặt; trực tiếp hành động, kiên trì trên hành trình thực hiện khát vọng. |