MÔN NGỮ VĂN LỚP 11
Thời gian: 90 phút (Không kể phát đề
PHẦN I. ĐỌC (4,0 điểm)
Đọc văn bản:
Thương mến tỏa hương
Khi còn bé, tôi đã từng nghĩ rằng nếu như sau này làm ra nhiều tiền, mình sẽ tìm cách làm ra một loại nước hoa mà trong nó có mùi của hoa cam, lá cam, vỏ cam, cả vỏ của cây cam nữa. Để rồi khi đi đâu xa khu vườn, tôi sẽ nhờ vào mùi hương ấy để không bao giờ quên lối quay về.
Tôi không thể hình dung được rằng, rồi sẽ có ngày tôi đi xa, rất xa khu vườn, và cho dù chẳng có một giọt nước hoa mùi cam nào tôi cũng vẫn nhớ nó như in. Hàng chục lần tôi gieo những hạt cam mang từ quê nhà xuống, vào những cái chậu nhỏ, nhưng nó không bao giờ nảy mầm.
Có lẽ nào cây lớn lên ở đâu thì chỉ có thể gieo trồng ở đấy?
Tôi đã lớn lên trong khu vườn đầy cam, và những gốc cam mà bố tôi trồng xuống hầu hết đều bằng tuổi tôi. Tôi bao nhiêu tuổi thì cây bấy nhiêu già.
Từ nhà đi ra, qua mảnh sân nhỏ luôn phơi đầy các loại đậu lạc, là ra đến vườn. Cuối năm vườn trơ trụi cành. Quả đã được bẻ hết, lá cũng rụng sạch, trông cả vườn cam khẳng khiu đen thui, mốc thếch, như thể không còn một giọt nhựa nào đang chảy. Nhưng một đêm nào đó, mưa xuân bắt đầu rơi. Tôi luôn biết ơn những cơn mưa xuân. Lòng biết ơn ấy bắt nguồn từ việc nó mang tới những làn gió ấm áp và bầu trời ẩm ướt. Buổi sáng tinh mơ tôi thức dậy và đi ra vườn. Tôi bỏ dép ở sân, đi chân đất. Đất vườn tự dưng mềm tơi. Những giọt mưa sương ban đêm đậu trên khóm cỏ, hơi buôn buốt khi chạm vào chân. Nhưng đất vườn thì ấm áp vô cùng. Tôi đứng dưới gốc cây cam to nhất, giữa vườn, sát bờ ao. Cái gốc của nó trước Tết vài hôm được tôi mang xô vôi ra quét. Năm nào trước Tết tôi cũng quét bằng hết hàng trăm gốc cam. Từ ngoài đầu ngõ nhìn vào cả khu vườn như được mặc áo mới, trắng tinh, sáng lóa. Quét vôi lên gốc cam để chống sâu bọ đục thân, vì mùa xuân tới cũng là mùa của sâu bọ.
[…]
Trong mưa xuân năm ấy, tôi nghe như là những cái lá đang cựa mình chui khỏi cành. Những cái lá non, xanh nhạt, bé tí xíu, kiên cường chui ra khỏi vỏ cây, bất chấp những hạt sương cuối đông đầu xuân vẫn còn đang lạnh giá. Là những cơn mưa bụi và vài cơn gió ấm đã đánh thức cành lá ấy. Và chỉ ít ngày nữa thôi, khi những cái lá đủ cứng cáp và mầu xanh non đã phủ lên cả khu vườn, thì hoa cam bắt đầu nở. Tôi thấy cây cam rùng mình trong gió, những hạt sương rơi xuống vai tôi, y như là nó muốn khoe về vẻ đẹp rạng ngời của một bà mẹ vĩ đại đang nứt mình ra cho những đứa con hé mắt chào cuộc đời vô cùng xinh đẹp.
Hoa cam trắng, li ti, dày đặc và thơm hăng hắc. Mùi thơm của hoa cam không hề giống với bất kỳ hoa nào cùng loài, chanh hay bưởi, hay quất. Mình nó một mùi, giản dị mà kiêu hãnh, lạnh lùng nhưng quấn quýt trì níu và tuyệt đối tinh khôi. Một bông hoa cam có thể mang trong nó mùi của cả một khu vườn.
[…]
Khi tôi vui nó reo lên bằng cách lay động những cánh hoa và ra sức tỏa mùi hương, khi tôi buồn bã nó yên lặng, êm ái, độ lượng để tôi tựa vào. Tôi còn nhớ một năm nào đó tôi tự đánh dấu chiều cao của mình lên thân cây, và Tết năm sau tôi thấy tôi vẫn cao ngang cái vạch ấy. Tôi không thể hiểu nổi vì sao. Rõ ràng là cái áo năm trước mặc vừa năm nay đã cộc cũn cỡn, mà cái vết đo ở trên thân cây lại chẳng hề thay đổi. Tôi kể điều đó với mẹ, mẹ cười chảy cả nước mắt. Anh tôi nheo mắt nhìn tôi và nói: Em nghĩ rằng chỉ có em lớn thôi sao? Thế đấy, tôi đã quên mất rằng sau một năm tôi lớn lên thì cái cây nó cũng lớn lên chứ. Rồi có ngày tôi thành thiếu nữ thôi và cái cây thì đã làm mẹ từ bao giờ.
Tôi đã tạm biệt khu vườn ấy và để lại sau lưng những mùa hoa cam trắng xóa cả thung lũng. Để lại mùi hương ấm áp, quấn quýt, đầy ắp những thương mến.
Càng thương mến chúng càng tỏa hương.
(Đỗ Bích Thúy, Thương nhau như người thân, Tr 53.)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. (0,5 điểm). Nêu cảm hứng chủ đạo của văn bản trên.
Câu 2. (0.5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Câu 3. (0.5 điểm). Hoa cam có đặc điểm như thế nào?
Câu 4. (1.0 điểm). Xác định và nêu tác dụng biện pháp tu từ được dùng trong câu sau : “Tôi nghe như là những cái lá đang cựa mình chui khỏi cành. Những cái lá non, xanh nhạt, bé tí xíu, kiên cường chui ra khỏi vỏ cây, bất chấp những hạt sương cuối đông đầu xuân vẫn còn đang lạnh giá”.
Câu 5. (1.50 điểm) Phân tích việc kết hợp giữa yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình trong đoạn sau:
Khi tôi vui nó reo lên bằng cách lay động những cánh hoa và ra sức tỏa mùi hương, khi tôi buồn bã nó yên lặng, êm ái, độ lượng để tôi tựa vào. Tôi còn nhớ một năm nào đó tôi tự đánh dấu chiều cao của mình lên thân cây, và Tết năm sau tôi thấy tôi vẫn cao ngang cái vạch ấy. Tôi không thể hiểu nổi vì sao. Rõ ràng là cái áo năm trước mặc vừa năm nay đã cộc cũn cỡn, mà cái vết đo ở trên thân cây lại chẳng hề thay đổi. Tôi kể điều đó với mẹ, mẹ cười chảy cả nước mắt. Anh tôi nheo mắt nhìn tôi và nói: Em nghĩ rằng chỉ có em lớn thôi sao? Thế đấy, tôi đã quên mất rằng sau một năm tôi lớn lên thì cái cây nó cũng lớn lên chứ. Rồi có ngày tôi thành thiếu nữ thôi và cái cây thì đã làm mẹ từ bao giờ.
Tôi đã tạm biệt khu vườn ấy và để lại sau lưng những mùa hoa cam trắng xóa cả thung lũng. Để lại mùi hương ấm áp, quấn quýt, đầy ắp những thương mến.
Câu 6 (0.5 điểm). Anh, chị hiểu thế nào về câu sau: “Có lẽ nào cây lớn lên ở đâu thì chỉ có thể gieo trồng ở đấy?”
Câu 7 (1.0 điểm). Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5-7 câu) trình bày cảm nghĩ của em khi đọc văn bản trên.
Câu 8 (0.5 điểm). Từ tình cảm đẹp đẽ tác giả dành cho quê hương, anh/chị hãy nêu thông điệp có ý nghĩa tích cực.
PHẦN II. VIẾT (4.0 điểm)
Từ văn bản đọc hiểu, em hãy viết một bài văn nghị luận xã hội về chủ đề “quê hương trong cuộc đời của mỗi con người.”
……….HẾT……….
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC (4.0 ĐIỂM) | ||
Câu | Gợi ý | Điểm |
1 | Cảm hứng chủ đạo: Kí ức thân thương của tác giả với cây cam, tình cảm thương mến và nỗi nhớ mong kỉ niệm thời thơ ấu gắn bó với khu vườn nhà của tác giả. Đồng thời bộc lộ tình yêu cảnh vật quê hương. | 0.5 |
2 | Phương thức biểu đạt chính: Tự sự | 0.5 |
3 | Hoa cam trắng, li ti, dày đặc và thơm hăng hắc. | 0.5 |
4 | Biện pháp tu từ nhân hóa “những cái lá đang cựa mình chui khỏi cành”.
Tác dụng: – Nghệ thuật: làm cho câu văn trở nên sinh động, hấp dẫn; tăng sức biểu đạt; gợi hình, gợi cảm. – Nội dung: gợi tả, khắc hoạ sức sống mãnh liệt của những chiếc lá cam trong mùa xuân căng đầy sự sống. |
1.0 |
5 | – Yếu tố tự sự: “Tôi còn nhớ một năm nào đó tôi tự đánh dấu chiều cao của mình lên thân cây, và Tết năm sau tôi thấy tôi vẫn cao ngang cái vạch ấy”, “Rõ ràng là cái áo năm trước mặc vừa năm nay đã cộc cũn cỡn, mà cái vết đo ở trên thân cây lại chẳng hề thay đổi. ”
– Yếu tố trữ tình: “Khi tôi vui nó reo lên bằng cách lay động những cánh hoa và ra sức tỏa mùi hương, khi tôi buồn bã nó yên lặng, êm ái, độ lượng để tôi tựa vào.”; “Thế đấy, tôi đã quên mất rằng sau một năm tôi lớn lên thì cái cây nó cũng lớn lên chứ. Rồi có ngày tôi thành thiếu nữ thôi và cái cây thì đã làm mẹ từ bao giờ;“Tôi đã tạm biệt khu vườn ấy và để lại sau lưng những mùa hoa cam trắng xóa cả thung lũng. Để lại mùi hương ấm áp, quấn quýt, đầy ắp những thương mến.” – Tác dụng của việc kết hợp: Từ việc tác giả tường thuật, kể lại kỉ niệm ngày mà tác giả rời xa ngôi nhà và hình ảnh cây cảm lớn lên, trưởng thành theo thời gian, ta thấy được tình cảm sâu đậm của tác giả dành cho cây cam. Cây cam như một phần không thể thiếu trong kí ức tuổi thơ của tác giả. Giờ đây khi cây cam đã làm mẹ, tác giả vẫn lưu luyến mang theo kí ức khi rời xa quê nhà, mùi hương ấp áp của cam vẫn lan tỏa đầy thương mến. |
1.5 |
6 | “ Cây lớn lên ở đâu thì chỉ có thể gieo trồng ở đấy?”
– Cây trồng phải phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng mới có thể sống tốt được. – Quê hương, gia đình luôn là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn cảm xúc của mỗi người, là nơi để mỗi người trưởng thành. |
0.5 |
7 | – HS được trình bày cảm nhận và suy nghĩ của mình, nội dung trình bày hướng về chủ đề có liên quan trong văn bản (ký ức tuổi thơ, quê hương, gia đình …). Bài viết thể hiện tình cảm, cảm xúc chân thành, sâu sắc. Hình thức trình bày đảm bảo yêu cầu về dung lượng; sử dụng từ ngữ đúng quy tắc Tiếng Việt; viết câu đúng cấu trúc ngữ pháp; đoạn văn có sự liên kết mạch lạc giữa các ý trình bày.
– Hình thức trình bày: 0.25 điểm – Nội dung trình bày: 0.75 điểm. |
1.0 |
8 | Thông điệp: Kí ức tươi đẹp về quê hương luôn là động lực để con người sống tích cực hơn. | 0.5 |
II. VIẾT (6.0 ĐIỂM) | ||
1. MỞ BÀI
– Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề cần nghị luận: “quê hương trong cuộc đời của mỗi con người.” 2. THÂN BÀI: – Giải thích: quê hương là gì? Quê hương là nơi mỗi con người sinh ra và lớn lên, là mảnh đất chúng ta chôn rau cắt rốn và gắn bó suốt thời gian dài cùng những kỷ niệm đẹp khó quên. Mỗi người chỉ có một quê hương, nuôi dưỡng tâm hồn con người thêm phong phú, đẹp đẽ…. – Biểu hiện: quê hương có thể là góc sân nhà, là những ký ức tuổi thơ, là gia đình, là ngôi trường làng, bến sông quê, ngôi nhà … – Phân tích vai trò của quê hương đối với mỗi người: + Quê hương không chỉ nuôi lớn chúng ta về mặt thể chất mà nuôi dưỡng những tình cảm đẹp đẽ cho tâm hồn mỗi người; + Quê hương dạy chúng ta biết yêu thương, gắn bó; + Góp phần quan trọng trong việc hình thành nên nhân cách, lối sống và bản sắc của mỗi người; + Quê hương tạo nên sức mạnh tinh thần mạnh mẽ để con người vượt qua mọi khó khăn, thách thức của hoàn cảnh; + Là điểm tựa tinh thần vững chãi, nơi nuôi dưỡng những ước mơ, khát vọng; … – Dẫn chứng: HS có thể lấy dẫn chứng từ những câu thơ, những câu danh ngôn nói về vai trò của quê hương Ví dụ: “quê hương nếu ai không nhớ Sẽ không lớn nỗi thành người” (Đỗ Trung Quân) Phản đề/mở rộng: Cần lên án những hành động quay lưng với quê hương và những cá nhân thiếu ý thức trách nhiệm, chỉ biết đến bản thân mà làm ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng. – Bài học nhận thức, hành động: + Cố gắng học tập, rèn luyện bản thân để góp phần dựng xây quê hương, đất nước trong tương lai. + Tình yêu quê hương sẽ trở nên ý nghĩa hơn không chỉ tồn tại trong suy nghĩ, tình cảm mà được bộc lộ qua những hành động cụ thể. 3. KẾT BÀI – Khẳng định lại vấn đề nghị luận vai trò quan trọng của quê hương đối với mỗi con người – Liên hệ bản thân. |