Đề đọc hiểu Tết của hồi ức, NLXH suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết của “tư duy cùng thắng” trong cuộc sống

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KỲ LỚP 11

Đọc hiểu (5.0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Nói là tết ta, tết cổ truyền, nguyên đán… vậy chứ mấy ai còn nhớ và thấm được hết cái tinh túy từ cái hồn Tết ấy. Mà nếu có tình cờ đọc được trong sách, báo thì rồi cũng đánh lảng đi như nhớ về thửa ruộng xưa giờ nằm dưới mấy lời bê tông; như hương bồ kết, dậu cúc tần, bồ kết, hương nhu thơm nồng nơi quê hương xa ngái. Bởi thế, nếu được gộp vào với tết Tây lịch, nếu bị lép vế so với Giáng sinh sẽ chẳng có gì lạ. Trừ khi biết được Tết chính là điều bí ẩn thách thức ta suốt cuộc đời. Tết như thể dấu tích minh chứng một điều: những kỉ nguyên, hệ hình văn hóa xưa đã “thác” vào trong đó. […]

“Tết cả” với người Việt vui nhất là lúc sắp sửa diễn ra. Nó tựa như cái hậu trường của một nhà làm phim kì công, như một dòng sông chảy ngược về những hạt mưa nguồn rời vào từng kẽ, từng lạch nước rồi mới ra đến đại dương mênh mông. Chiều Ba mươi tết, cái ngày không sao quên được trong đời một người, cái chiều không ai có thể bình tâm được bởi sự cận kề của cái mới, đáo hạn cái cũ. Sức nóng của hai phía khiến tất cả mọi người cùng buông cuốc, bỏ cày, gác bút, quay mũi thuyền buôn, ngưng tiếng tràng, đục, lơi tay trên dây tơ đàn… Cái xuân nó suồng sã, dân chủ mà đồng điệu thế. Không chỉ là với những sĩ, nông, công, thương, xướng ca ấy mà đến cả răm ba đứa trẻ cũng kiếm cái gì cho mình đón Tết. Không hiểu sao những ngày của Tết xưa ấy, tôi thích nhất là được phụ bà sắm sửa, thu dọn. Dù thuộc lòng những việc năm nảo năm nào cũng diễn ra nhưng vẫn muốn được sai đi mua thứ này, làm việc kia để được nhập vào cái sự vội vã, bị động mà hồn nhiên của người lo tết. […]

Đêm ba mươi đến rất nhanh, chẳng nhà nào quên bữa cơm chiều vội vã. Giờ người ta tụ tập đông đủ, ăn uống linh đình trong bữa cơm đó nhưng người Việt xưa thường không có thứ vui sớm đó mà phải là thu dọn nhà cửa, thả hạt mướp, chuẩn bị nhóm lửa bánh trưng cho một đêm đỏ lửa thâu sang năm mới. Ngọn lửa của chiếc bếp lớn được thắp lên, những sân gạch tối tăm cả năm rực sáng, lũ trẻ chỉ trực thế mà ùa ra lĩnh cái phần trông suốt đêm để được chơi đùa quanh sân, được đánh tam cúc, nướng củ khoai hay chí ít là được gà gật bên ngọn lửa,

Thời khắc cuối của một năm từ từ đến, cha mẹ, ông bà cẩn trọng soạn mâm cúng, hương thơm tỏa khói bay lan man trong niềm suy cảm về hồn vía ông bà được mời về thụ hưởng. Lũ trẻ dường như cũng nín lặng, chỉ còn tiếng con meo đang quật đuôi vồ bóng, tiếng chuột rúc ríc ngoài bờ rào… những âm thanh lạ mà quen, như từ ngàn xưa đọng lại trong tâm thức của người Việt. Mai là năm mới, lại sửa soạn đi chúc họ hàng, chòm xóm, rồi vãn cảnh chùa, đi hội làng mình rồi làng bên…

(Tết của hồi ức – Bùi Việt Phương)

 

Câu 1: Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản? (0.75 điểm)

Câu 2: Theo tác giả, vì sao “Nói là tết ta, tết cổ truyền, nguyên đán… vậy chứ mấy ai còn nhớ và thấm được hết cái tinh túy từ cái hồn Tết ấy”? (0.75 điểm)

Câu 3: Theo tác giả, tết cả với người Việt vui nhất là lúc nào? (0.5 điểm)

Câu 4: Anh/chị hãy chỉ ra một câu văn có yếu tố trữ tình và một câu văn có yếu tố tự sự trong văn bản trên và nêu tác dụng của việc vận dụng kết hợp hai yếu tố đó? (1 điểm)

Câu 5: Xác định chủ đề của văn bản? (1 điểm)

Câu 6: Anh/chị hiểu như thế nào về quan điểm của tác giả: “Chiều Ba mươi tết, cái ngày không sao quên được trong đời một người, cái chiều không ai có thể bình tâm được bởi sự cận kề của cái mới, đáo hạn cái cũ”?(1.0 điểm)

  1. Làm văn (5.0 điểm)

Viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết của “tư duy cùng thắng” trong cuộc sống.

HƯỚNG DẪN CHẤM BÀI

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 5.0
  1 Các phương thức biểu đạt có trong văn bản: Tự sự, miêu tả, biểu cảm. nghị luận. 0.75
  2 Theo tác giả “Nói là tết ta, tết cổ truyền, nguyên đán… vậy chứ mấy ai còn nhớ và thấm được hết cái tinh túy từ cái hồn Tết ấy” bởi vì nếu có tình cờ đọc được trong sách, báo thì rồi cũng đánh lảng đi, nếu được gộp vào với tết Tây lịch, nếu bị lép vế so với Giáng sinh. 0.75
  3 Theo tác giả, “Tết cả” với người Việt vui nhất là lúc sắp sửa diễn ra 0.5
  4 HS xác định được câu văn có chứa yếu tố tự sự (0.25 điểm) và câu văn có chứa yếu tố trữ tình (0.25 điểm). HS phân tích được tác dụng của việc vận dụng kết hợp hai yếu tố (0.5 điểm).

Câu văn có chứa yếu tố tự sự: “Thời khắc cuối của một năm từ từ đến, cha mẹ, ông bà cẩn trọng soạn mâm cúng, hương thơm tỏa khói bay lan man trong niềm suy cảm về hồn vía ông bà được mời về thụ hưởng

Câu văn có chứa yếu tố trữ tình: “Cái xuân nó suồng sã, dân chủ mà đồng điệu thế

Tác dụng của việc vận dụng kết hợp hai yếu tố:

+ Tác dụng nội dung: Qua những kỷ niệm, những câu chuyện được gợi lên trong văn bản, tác giả đã thể hiện sự trân trọng dành cho ngày tết cổ truyền, đồng thời cũng là nỗi băn khoăn, đau đáu trước việc ngày tết đang dần mất đi vị thế và giá trị cốt lõi của nó.

+ Tác dụng hình thức: Sự kết hợp làm cho lời văn sinh động, dạt dào cảm xúc, chất chứa đầy những trăn trở và suy tư của tác giả.

1.0
  5 HS gọi tên được thông điệp tâm đắc nhất sau khi đọc văn bản (0.25 điểm) và giải thích (0.75 điểm).

*Chấp nhận các cách diễn đạt khác nhau của HS nhưng cần đảm bảo tính hợp lý, mạch lạc, thuyết phục.

1.0
  6 HS trình bày suy nghĩ, cảm nhận cá nhân về quan điểm của tác giả.

*Chấp nhận các cách diễn đạt khác nhau của HS nhưng cần đảm bảo tính hợp lý, thuyết phục, mạch lạc, chú trọng vào đánh giá, trình bày suy nghĩ, không đi vào lý giải.

1.0
II   VIẾT

Viết một bài văn nghị luận xã hội trình bày suy nghĩ về sự cần thiết của “tư duy cùng thắng” trong cuộc sống.

5.0
    a.      Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Bài viết có đầy đủ ba phần: Mở bài, thân bài, kết bài

0.25
    b.     Xác định vấn đề nghị luận

Sự cần thiết của “tư duy cùng thắng” trong cuộc sống

0.5
    c.      Triển khai vấn đề nghị luận

HS xây dựng hệ thống luận điểm, lý lẽ lập luận để sáng tỏ vấn đề nghị luận, cần đảm bảo các yêu cầu sau:

Giải thích: Tư duy cùng thắng là khi mỗi chúng ta tìm kiếm lợi ích chung dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau trong tập thể. Đây chính là lối suy nghĩ san sẻ sự dồi dào của những cơ hội, của cải và nguồn lực cho tất cả mọi người, chứ không phải sự khan hiếm và cạnh tranh một mất một còn.

Bình luận, phân tích, chứng minh:

*Tại sao cần phải có “tư duy cùng thắng”?

+ Tư duy cùng thắng giúp ta hướng đến sự phát triển vượt trội và mạnh mẽ nhất. Bởi lẽ một tập thể, một đồng đồng không thể phát triển toàn diện và tiến bộ nếu bất cứ một cá nhân nào thua thiệt, bị bỏ lại phía sau.

+ Tư duy cùng thắng phản ánh sức mạnh của mỗi cá nhân, bởi lẽ “kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình.

*Làm thế nào để rèn luyện “tư duy cùng thắng”?

+ Trong một tập thể khi cùng hướng đến một mục tiêu chung, mỗi cá nhân cần bỏ qua “cái tôi” của mình, cùng nhau làm việc, cùng nhau phấn đấu vì lợi ích chung và chiến thắng cuối cùng của tập thể.

+ Thường xuyên tham gia các hoạt động cộng đồng, gắn kết lợi ích, giá trị của bản thân với lợi ích của cộng đồng và xã hội.

+ Nhìn nhận, thấu hiểu, và chiến thắng bản thân mình. Khi và chỉ khi bản thân đủ mạnh mẽ, đủ chín chắn để thấu tường mọi lẽ giữa cuộc đời, ta mới đủ sức bỏ qua mọi ganh ghét, đố kỵ, hơn thua mà nâng đỡ người khác cùng phát triển.

HS đưa ra được minh chứng tiêu biểu cho hệ thống luận điểm, lý lẽ, lập luận.

–         Đánh giá, liên hệ, mở rộng

+ Khẳng định lại vấn đề: “Tư duy cùng thắng” là một thói quen tích cực, hiệu quả, góp phần to lớn vào sự phát triển của bản thân, tập thể, cộng động và xã hội.

+Phê phán biểu hiện tiêu cực: phê phán một bộ phận người thiếu đi tinh thần hợp tác, luôn muốn chứng tỏ giá trị của bản thân mà không hướng về mục tiêu chung; phê phán những người mang nặng tư tưởng tranh đấu, hơn thua dẫn đến nhiều hành động tiêu cực.

+ Phản đề: Tư duy cùng thắng là một điều tốt và vô cùng cần thiết, tuy nhiên trong một vài trường hợp sự tranh đua trong khuôn khổ cho phép sẽ tạo tiền đề và động lực nâng cao chất lượng, hiệu suất trong công việc, học tập, cuộc sống.

 * HS có thể có những cách lập luận, diễn đạt đa dạng nhưng cần đảm bảo tính thuyết phục, chặt chẽ, mạch lạc, tuân thủ các yêu cầu của kiểu bài nghị luận về một vấn đề xã hội

3.5
    d.     Trình bày, chính tả, chữ viết:

Đảm bảo bài viết rõ ràng, không tẩy xóa quá nhiều. Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0.25
    e.      Sáng tạo

HS có sự sáng tạo trong lập luận, diễn đạt hoặc đưa đến một góc nhìn, sự chiêm nghiệm sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0.5
Tổng điểm 10.0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *