Đọc hiểu Người sót lại của Rừng Cười (Võ Thị Hảo), nghị luận về chiến tranh và thân phận con người

                                                                                             KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ II

                                                                                                       NĂM HỌC: 2023 – 2024

                                                                                                         Môn: Ngữ văn – Lớp 11

           Thời gian làm bài: 90 phút (không kể thời gian phát đề)

ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

NGƯỜI SÓT LẠI CỦA RỪNG CƯỜI

(Lược phần đầu: Năm cô gái thanh niên xung phong có nhiệm vụ canh giữ một kho quân nhu náu mình dưới tán cây rừng Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Họ rất có ý thức giữ gìn vẻ đẹp nữ tính của mình nhưng rừng và dòng nước khe màu xanh đen đã vặt trụi tóc của họ. Thảo là cô gái đến nhận nhiệm vụ ở kho sau cùng. Năm cô gái cùng mơ ước về một tình yêu hạnh phúc và họ thấm thía nỗi cô đơn. Thảo là cô gái duy nhất không bị mắc chứng bệnh cười đáng sợ giống những người đồng đội.)

[1] Một buổi trưa có ba người lính đến lĩnh quân trang. Cách kho một quãng, họ bỗng chùn chân vì vẳng tiếng cười man dại. Nghe ngóng một chốc, ba người lính bước tiếp, thoáng nhớ lại câu chuyện hoang đường về bữa tiệc của các mụ phù thuỷ trong rừng. Gần đến chòi canh kho, bỗng “soạt” rồi “huỵch” – hình như có con vượn trắng vừa nhảy từ chòi canh xuống và lẩn vào đám lá. Ba người tản ra, một người chui vào bụi đuổi theo con vượn. Anh ta đang ngơ ngác nhìn ngược nhìn xuôi thì “phốc” – một đôi tay từ đâu đã ghì chặt lấy cổ và sau gáy anh vang lên tiếng cười man dại lúc nãy. Vừa cố sức gỡ ra, vừa ngoái lại, anh kinh hoàng thấy con vượn lúc nãy đang ôm chặt lấy anh. Nhưng anh còn bàng hoàng gấp đôi khi nhận ra rằng “con vượn trắng” ấy lại là một người con gái hoàn toàn trần truồng tóc xoã, vẻ mặt bơ phờ và đang ngửa cổ ra sau cười khanh khách.

Anh ta líu cả lưỡi, gọi không ra tiếng: “Hiên ơi! Hiên”. Một người lính cao cao, trông già dặn hơn, chạy vội đến. Thấy anh bạn mình đang đứng như trời trồng trong tay một người con gái loã lồ thì vừa sợ vừa buồn cười. Anh đã từng nghe nói đến chứng bệnh mà các cô gái thường mắc phải trong những trường hợp tương tự. Anh bước tới, ra hiểu cho anh bạn đừng cố sức gỡ tay cô gái ra làm gì mà cứ dịu dàng vỗ về an ủi, một chốc, cô ta sẽ dịu lại. Rồi anh nhảy ba bậc một lên chòi canh kho.

Trên sàn chòi khấp khểnh, ba cô gái đang vừa cười vừa khóc, tay dứt tóc, và xé quần áo. Còn một cô khác trẻ hơn đang chạy tới chạy lui ôm đầu tuyệt vọng. Cô chưa bị lây, nhưng với cung cách này, chẳng bao lâu, cô ta sẽ cũng không thoát khỏi.

Đã dạn dày với cảnh chết chóc, mà giờ đây, khi đứng trước thân thể loã lồ căng đầy sức sống của những người con gái, Hiên run bắn. Người đàn ông đã ngủ quên trong anh giờ đây vùng vằng giẫy đạp. Trong phút chốc, Hiên muốn buông trôi, muốn quên hết.

Phải một lúc sau, Hiên mới trấn tĩnh được. Anh nhớ lại cách chữa bệnh này. Trước đây, hồi còn là một cậu bé, anh đã nghe kể lào phào bên tai. Hiên khoá chốt an toàn, cầm ngang khẩu súng, đột ngột lao tới đạp mạnh vào cửa chòi, gân cổ quát lớn:

– Mấy con Việt cộng kia! Kho đâu? Chỉ mau, không tao bắn vỡ sọ!

Như có phép lạ, các cô gái đang cười sằng sặc bỗng im bặt, bàng hoàng rồi sực tỉnh, vơ ngay lấy súng, nhảy vội xuống đất chĩa vào Hiên định bóp cò. May sao, người bạn đứng trong lùm cây vội la lên: “Đừng bắn! Quân mình đó!”. Khi ấy các cô gái mới nhìn rõ ngôi sao trên mũ và bộ quân phục anh đang mặc. Họ từ từ bỏ súng xuống, bất chợt nhìn nhau rồi cúi xuống, thấy mình không một mảnh vải che thân trước mặt ba người đàn ông xa lạ. Các cô kinh hoàng chạy biến vào rừng, chúi vào gốc cây khóc không ra tiếng. Cả Thảo – cô gái duy nhất không mắc bệnh cười, cũng chạy trốn. Cô thấy thương các chị đến quặn ruột. Cô buồn tủi, tiếc cho lòng trinh bạch con gái. Đến tối, năm chị em mới dám dìu nhau về, nghe ngóng động tĩnh mãi mới lần lên chòi.

Ba người lính đã ra đi. Họ cài lại mảnh giấy xé vội vàng từ một cuốn sổ nhỏ:

“Kính chào các đồng chí! Chúng tôi sẽ lấy quân trang ở kho khác và gọi bác sĩ đến. Các đồng chí thân yêu! Chiến tranh mà. Mong tha lỗi! Vĩnh biệt”.

Vài ngày sau, cô y tá đến, cho các cô gái uống thứ thuốc gì đó màu trăng trắng. Không thuốc thì cũng đã khỏi. Nhưng các cô gái trầm lặng hẳn và già thêm hai mươi tuổi.

Cánh rừng này được mang tên “Rừng Cười” từ đó. Từ đây, người ta không gọi tên kho ấy theo ký hiệu quy định nữa, mà bảo: “Hôm nay, tôi về kho Rừng Cười lấy quân trang”.

[2] Vài tháng sau, kho Rừng Cười nhận được lệnh chuyển. Tiếng súng của những trận đánh nghe đã gần lắm. Chưa kịp đi thì địch đã đưa cả một đại đội đến đánh chiếm chòi và năm cô gái nhỏ. Lúc đó, Thảo đang bị sốt mê man – những trận sốt rét nhập môn cho người ở rừng. Bốn chị kia đã dìu Thảo đi giấu ở một hốc cây kín đáo rồi về cầm súng. Chuyện thần thoại của chiến trường không xảy ra ở đây. Bốn cô gái không chống chọi nổi đã dành những viên đạn cuối cùng cho mình để tránh ô nhục. Tên tuổi họ, lẽ ra phải được in bằng chữ đậm trên trang nhất của các báo như những anh hùng. Nhưng cũng chẳng có gì lạ. Họ nằm lặng lẽ dưới nấm mồ chung do bàn tay yếu ớt của Thảo cố sức đắp sau cơn sốt. Khi cô từ hốc cây tỉnh lại thì địch đã rút.

Đầu Thảo như muốn nổ tung. Cô không khóc nổi. Nhớ lại đêm trước trận đánh, cả năm chị em cùng linh cảm thấy một điều gì khác thường. Đêm oi ả, tù đọng. Mấy chị em nói chuyện bâng quơ rồi một chị đòi Thảo kể về người yêu. Và như mọi lần, Thảo vừa kể bằng chuyện thực vừa bằng hoang tưởng, vẽ lên chàng “hoàng tử”. Ba chị kia mắt sáng ngời lắng nghe như nuốt lấy từng lời. Nhưng Thắm – chị tổ trưởng, trước lúc chui vào màn đã đến vuốt tóc Thảo và bảo: “Thảo ơi! Liệu em có quá yêu người ta không đấy, không hiểu sao, chị bỗng thấy sợ cho em. Em là người duy nhất trong chúng ta đang có hạnh phúc. Mai này, có trở về, dù thế nào, em cũng không được để đàn ông người ta phải thương hại mình nghe!”.

Lúc đó Thảo đã thoáng chút hờn giận chị. Thế mà giờ đây, Thắm và ba đồng đội của cô đã chết trong những tư thế rất khác nhau. Một lưỡi lê cay cú đã đâm nát một bên ngực của Thắm. Trước đây mỗi lúc tắm chung dưới khe, Thảo thường thích ngắm trộm ngực chị Thắm và thầm nghĩ: “Ngực thần Vệ nữ cũng có lẽ chỉ đẹp đến thế là cùng” và ước ao phải chi mình có bộ ngực như thế. Giờ đây Thảo chỉ còn mỗi cách vần các đồng đội của mình xuống huyệt, rải lên bốn thi thể con gái một thảm lá thật dày, rồi lấp đất. Cô trồng lên mộ bốn cây bằng lăng nhỏ, rồi dốc nốt chỗ nước trong bi đông xuống tưới cho cây. Mặt đất khô khan kêu “xèo” một tiếng, bốc hơi ngùn ngụt quẩn vào chân Thảo.

(Lược phần cuối: Hai năm sau, Thảo học năm thứ nhất khoa Văn. Cô thường sống với giấc mơ tuổi thơ và giấc mơ tuổi thanh xuân. Cô vẫn mơ thấy tóc rụng như trút xuống khuôn ngực đã bị đâm nát của chị Thắm. Thảo gặp lại Thành – chàng “hoàng tử” cô vẫn kể cho các chị ở Rừng Cười nghe. Họ tiếp tục hò hẹn. Tuy nhiên, những ám ảnh chiến tranh khiến Thảo không thể thấy tình yêu của mình bình thường như trước. Khi đoán Thành đã yêu người con gái khác, trẻ đẹp hơn mình, Thảo muốn giải thoát cho anh bằng cách bịa ra những bức thư của một người tình mới để Thành tin cô đã phản bội anh. Vào đúng đêm tân hôn của Thành, Thảo lấy những bức thư mình tự viết, tự gửi cho mình ra đọc. Cô bỗng vừa cười vừa khóc giống như những cô gái Rừng Cười năm nào. Cả phòng kí túc xá của Thảo hoảng loạn. Mọi người mang cô đi trạm xá cấp cứu. Họ đọc những bức thư Thảo tự viết cho mình và báo tin cho Thành. Thành đi tìm Thảo khắp nơi mà không gặp, cuối cùng ở lại Hà Nội sống với người vợ trẻ. Năm năm sau, trong buổi hội trường của các cựu sinh viên khoa Văn, Thành tiếp tục chìm đắm trong nỗi hối hận và mong chờ Thảo xuất hiện.)

1991

(Võ Thị Hảo, Truyện ngắn chọn lọc Võ Thị Hảo, NXB Hội Nhà văn, 1995)

Câu 1. Xác định ngôi kể được sử dụng trong văn bản. Mức biết, chỉ báo 2: ngôi kể

Câu 2. Phần [1] của văn bản chủ yếu được quan sát từ điểm nhìn của ai? Mức biết, chỉ báo 3: điểm nhìn

Câu 3. Sự khốc liệt của chiến tranh được gợi ra qua những chi tiết, hình ảnh nào trong đoạn văn sau? Mức biết, chỉ báo 1: chi tiết

Vài tháng sau, kho Rừng Cười nhận được lệnh chuyển. Tiếng súng của những trận đánh nghe đã gần lắm. Chưa kịp đi thì địch đã đưa cả một đại đội đến đánh chiếm chòi và năm cô gái nhỏ. Lúc đó, Thảo đang bị sốt mê man – những trận sốt rét nhập môn cho người ở rừng. Bốn chị kia đã dìu Thảo đi giấu ở một hốc cây kín đáo rồi về cầm súng. Chuyện thần thoại của chiến trường không xảy ra ở đây. Bốn cô gái không chống chọi nổi đã dành những viên đạn cuối cùng cho mình để tránh ô nhục. Tên tuổi họ, lẽ ra phải được in bằng chữ đậm trên trang nhất của các báo như những anh hùng. Nhưng cũng chẳng có gì lạ. Họ nằm lặng lẽ dưới nấm mồ chung do bàn tay yếu ớt của Thảo cố sức đắp sau cơn sốt. Khi cô từ hốc cây tỉnh lại thì địch đã rút.

Câu 4. Giữa nhan đề Người sót lại của Rừng Cười và nội dung câu chuyện có mối quan hệ với nhau như thế nào? Mức hiểu, chỉ báo 2: ý nghĩa nhan đề

Câu 5. Phân tích tâm trạng nhân vật Thảo trong đoạn văn sau: Mức hiểu, chỉ báo 4: đặc điểm nhân vật

Đầu Thảo như muốn nổ tung. Cô không khóc nổi. Nhớ lại đêm trước trận đánh, cả năm chị em cùng linh cảm thấy một điều gì khác thường. Đêm oi ả, tù đọng. Mấy chị em nói chuyện bâng quơ rồi một chị đòi Thảo kể về người yêu. Và như mọi lần, Thảo vừa kể bằng chuyện thực vừa bằng hoang tưởng, vẽ lên chàng “hoàng tử”. Ba chị kia mắt sáng ngời lắng nghe như nuốt lấy từng lời. Nhưng Thắm – chị tổ trưởng, trước lúc chui vào màn đã đến vuốt tóc Thảo và bảo: “Thảo ơi! Liệu em có quá yêu người ta không đấy, không hiểu sao, chị bỗng thấy sợ cho em. Em là người duy nhất trong chúng ta đang có hạnh phúc. Mai này, có trở về, dù thế nào, em cũng không được để đàn ông người ta phải thương hại mình nghe!”.

Lúc đó Thảo đã thoáng chút hờn giận chị. Thế mà giờ đây, Thắm và ba đồng đội của cô đã chết trong những tư thế rất khác nhau. Một lưỡi lê cay cú đã đâm nát một bên ngực của Thắm. Trước đây mỗi lúc tắm chung dưới khe, Thảo thường thích ngắm trộm ngực chị Thắm và thầm nghĩ: “Ngực thần Vệ nữ cũng có lẽ chỉ đẹp đến thế là cùng” và ước ao phải chi mình có bộ ngực như thế. Giờ đây Thảo chỉ còn mỗi cách vần các đồng đội của mình xuống huyệt, rải lên bốn thi thể con gái một thảm lá thật dày, rồi lấp đất. Cô trồng lên mộ bốn cây bằng lăng nhỏ, rồi dốc nốt chỗ nước trong bi đông xuống tưới cho cây. Mặt đất khô khan kêu “xèo” một tiếng, bốc hơi ngùn ngụt quẩn vào chân Thảo.

Câu 6. Qua số phận của năm cô gái ở Rừng Cười, tác phẩm đem đến cho người đọc thông điệp gì về con người và cuộc sống? Mức hiểu, chỉ báo 7: triết lí nhân sinh

Câu 7. Từ lời của nhân vật Thắm trong truyện ngắn Người sót lại của Rừng cười: “Mai này, có trở về, dù thế nào, em cũng không được để đàn ông người ta phải thương hại mình nghe!”, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ về giá trị của lòng tự trọng. Mức vận dụng, chỉ báo 1: tác động của văn bản tới quan niệm, cách nhìn của cá nhân với cuộc sống.

Câu 8. Svetlana Alexievich – nữ nhà văn người Belarus đã đặt tên cho một cuốn sách viết về những người lính nữ đã sống sót trở về sau Chiến tranh Thế giới thứ hai là Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ. Từ câu chuyện của Võ Thị Hảo và tên cuốn sách của Svetlana Alexievich, anh/chị hãy ghi lại những suy ngẫm của mình về thân phận những người phụ nữ bước ra từ các cuộc chiến tranh. Mức vận dụng cao, chỉ báo 2: so sánh mở rộng vấn đề

VIẾT (4.0 điểm)

            Hãy viết bài văn nghị luận về mối quan hệ giữa chiến tranh và thân phận con người được gợi ra từ truyện ngắn Người sót lại của Rừng Cười (Võ Thị Hảo).

Đáp án minh họa

 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ II        NĂM HỌC2023 – 2024

Môn: Ngữ văn – Lớp 11

     

HƯỚNG DẪN CHẤM

Hướng dẫn chung

– Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của Hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm.

– Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.

– Việc chi tiết hóa điểm số của các ý (nếu có) phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của mỗi ý và được thống nhất trong Tổ bộ môn của trường.

– Sau khi cộng điểm toàn bài, làm tròn đến theo quy định hiện hành.

  1. Đề và đáp án
Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6.0
 

 

 

 

 

 

 

 

1 Ngôi kể được sử dụng trong văn bản: Ngôi thứ ba.

Hướng dẫn chấm:

 – Trả lời như đáp án: 0.5

0.5
2 Phần [1] của văn bản chủ yếu được quan sát từ điểm nhìn của ba người lính đến lĩnh quân trang.

Hướng dẫn chấm:

 – Trả lời như đáp án: 0.5

0.5
3 Sự khốc liệt của chiến tranh được gợi ra qua những chi tiết, hình ảnh:

Tiếng súng của những trận đánh nghe đã gần lắm

địch đã đưa cả một đại đội đến đánh chiếm chòi và năm cô gái nhỏ.

– những trận sốt rét

Bốn cô gái không chống chọi nổi đã dành những viên đạn cuối cùng cho mình để tránh ô nhục.

Họ nằm lặng lẽ dưới nấm mồ chung do bàn tay yếu ớt của Thảo cố sức đắp sau cơn sốt.

Hướng dẫn chấm:

 – Trả lời được 1 – 2 chi tiết, hình ảnh: 0.25

– Trả lời được từ 3 chi tiết, hình ảnh trở lên: 0.5

0.5
4 Mối quan hệ giữa nhan đề Người sót lại của Rừng Cười và nội dung câu chuyện:

– Nhan đề có sự kết hợp giữa danh từ người và động từ sót lại có thể gợi ra sự tò mò cho người đọc, thôi thúc người đọc đi vào văn bản để xem người đó là ai, tại sao lại sót lại. Rừng Cười vừa gợi ra một địa điểm, vừa gợi ra một hành động, cười không phải là vui vẻ, hạnh phúc mà là đau đớn, bi kịch.

– Nhan đề giúp ta dự đoán nhân vật chính, những nhân vật liên quan và thân phận của họ gắn với một không gian đặc biệt, ám ảnh.

Hướng dẫn chấm:

 – Trả lời được 1 ý: 0.5

– Trả lời được 2 ý: 1.0

1.0
5 Tâm trạng nhân vật Thảo trong đoạn văn:

– Xúc động mạnh, đau đớn đến mức không khóc nổi.

– Nhớ cảnh tượng năm chị em quây quân kể chuyện, nhớ lời dặn dò và dự cảm, âu lo của chị Thắm.

– Xót xa, tiếc nuối cho vẻ đẹp thanh xuân của chị Thắm.

– Tự tay chôn cất đồng đội, cố gắng chăm chút, đánh dấu nơi nằm xuống của đồng đội trong khả năng của mình: rải lên bốn thi thể con gái một thảm lá thật dày, rồi lấp đất. Cô trồng lên mộ bốn cây bằng lăng nhỏ, rồi dốc nốt chỗ nước trong bi đông xuống tưới cho cây.

Hướng dẫn chấm:

 – Trả lời được 1 ý: 0.25

– Trả lời được 2 ý: 0.5

– Trả lời được 3 ý: 0.75

– Trả lời được 4 ý: 1.0

1.0
6 Qua số phận của năm cô gái ở Rừng Cười, tác phẩm đem đến cho người đọc thông điệp về con người và cuộc sống:

– Chiến tranh đã lấy đi sức sống, sự trẻ trung, chôn vùi đi những khát vọng, những nhu cầu sống bản năng nhất của những cô gái.

– Dù ở hoàn cảnh bi đát như thế nào, họ vẫn ý thức về vẻ đẹp giới tính, nuôi dưỡng tình yêu, khát vọng về cuộc sống, về hạnh phúc.

– Chiến tranh, sự cô đơn là những sức ép nặng nề dẫn đến những chấn động tâm lí rất khó chữa lành.

– Chiến tranh không bao giờ là trò chơi, trò đùa. Chiến tranh khốc liệt với đầy những mất mát, hi sinh, đau đớn.

– Hãy biết trân trọng hoà bình, vì hòa bình hôm nay đã được đổi bằng biết bao xương máu, mất mát,.. của các thế hệ đi trước.

Hướng dẫn chấm:

 – Trả lời được 1 ý: 0.25

– Trả lời được 2 ý: 0.5

– Trả lời được 3 ý: 0.75

– Trả lời được 4 ý: 1.0

1.0
7 – Lời của nhân vật Thắm nói với Thảo trong truyện ngắn Người sót lại của Rừng cười: “Mai này, có trở về, dù thế nào, em cũng không được để đàn ông người ta phải thương hại mình nghe!” là lời nhắc nhở Thảo luôn cần giữ sự kiêu hãnh, tự tôn, không lụy người khác, không để người khác coi thường, khinh thường mình.

– Giá trị của lòng tự trọng:

+ Giúp chúng ta có nhận thức đúng về những giá trị của bản thân; coi trọng, giữ gìn phẩm chất, danh dự của bản thân; biết bảo vệ bản thân, không để cho người khác xúc phạm đến giá trị của mình.

+ Giúp cho mỗi người luôn có nỗ lực hành động để khẳng định, bảo vệ giá trị của mình. Từ đó sức mạnh của tập thể cũng được tăng thêm.

Hướng dẫn chấm:

 – Nêu được ý nghĩa lời nói của Thắm dành cho Thảo: 0.5

– Nêu được giá trị của lòng tự trọng: 0.5

1.0
8 – HS nêu ra những suy ngẫm của bản thân.

– Có thể trình bày theo hướng:

Suy ngẫm về thân phận những người phụ nữ bước ra từ các cuộc chiến tranh:

+ Vào cuộc chiến, họ phải tự rũ bỏ thiên chức tự nhiên của mình để trở thành một người gan góc và nam tính. Ra khỏi cuộc chiến, họ nhiều khi bỡ ngỡ, lạ lẫm với chính những điều thuộc về thiên tính nữ của mình.

+ Họ bước ra khỏi cuộc chiến với rất nhiều tổn thương, đổ vỡ. Những kí ức, ám ảnh về chiến tranh luôn đeo bám, day dứt họ. Chiến tranh không lấy đi mạng sống của họ nhưng đã lấy đi gần như toàn bộ nhựa sống của họ.

Hướng dẫn chấm:

 – Trả lời được 1 ý: 0.25

– Trả lời được 2 ý: 0.5

0.5
II   VIẾT 4.0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề

0.5
  b. Xác định đúng yêu cầu của đề

Mối quan hệ giữa chiến tranh và thân phận con người được gợi ra từ truyện ngắn Người sót lại của Rừng Cười (Võ Thị Hảo).

0.5
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS có thể viết bài nhiều cách trên cơ sở kết hợp được lí lẽ và dẫn chứng để tạo tính chặt chẽ, logic của mỗi luận điểm; đảm bảo các yêu cầu sau:

2.0
– Truyện ngắn Người sót lại của Rừng Cười (Võ Thị Hảo) đặt ra vấn đề về mối quan hệ giữa chiến tranh và thân phận con người:

+ Chiến tranh đồng nghĩa với mất mát, hi sinh.

+ Những người sống sót sau chiến tranh còn phải chịu những tra tấn, ám ảnh về tinh thần dai dẳng, khiến họ rất khó hòa nhập vào cuộc sống.

+ Bi kịch của sự sợ hãi và sự cô đơn là bi kịch lớn nhất, đau đớn nhất của những con người từng đối mặt với chiến tranh hoặc bước ra từ cuộc chiến.

– Bàn luận về mối quan hệ giữa chiến tranh và thân phận con người:

+ Những vấn đề truyện ngắn Người sót lại của Rừng Cười gợi ra sâu sắc, đúng đắn.

+ Chừng nào trên Trái Đất còn chưa ngưng tiếng súng thì những vấn đề đó vẫn còn tính thời sự.

+ Trong sự phát triển của Thế giới hiện nay, khái niệm chiến tranh cũng được mở rộng phạm vi ý nghĩa, và trong cuộc chiến nào, thân phận con người cũng đầy bi kịch.

– Rút ra bài học: Chiến tranh không đem đến điều tốt đẹp cho số phận của con người, nó bào mòn và hủy hoại con người đến cùng cực, không phân biệt bên chiến thắng và chiến bại. Vì vậy, muốn có hạnh phúc cho con người trước tiên phải có hòa bình;…

  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0.5
  e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0.5
Tổng điểm 10.0

Lưu ý chung:

  1. Đây là đáp án mở, thang điểm không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của các phần nội dung lớn nhất thiết phải có.
  2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
  3. Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án, nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.
  4. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *