Đề đọc hiểu và Phân tích sự độc đáo về nội dung và hình thức bài thơ Nguyệt cầm của Xuân Diệu

   

 

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KỲ II

Môn Ngữ Văn. Lớp 11

Thời gian làm bài 90 phút

 

Họ và tên học sinh……………………………………..SBD………………………

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản

NGUYỆT CẦM

(Xuân Diệu)

Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh,
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần.
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm!
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.

Mây vắng, trời trong, đêm thuỷ tinh;
Lung linh bóng sáng bỗng rung mình
Vì nghe nương tử trong câu hát
Đã chết đêm rằm theo nước xanh.

Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời,
Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi…
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận:
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người…

Bốn bề ánh nhạc: biển pha lê.
Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề
Sương bạc làm thinh, khuya nín thở
Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê.

(Theo Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007)

Chú thích: Xuân Diệu (1916 – 1985), quê tỉnh Bình Định. Xuân Diệu đã đem đến cho thơ ca đương thời sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới, thể hiện quan niệm sống mới mẻ cùng những cách tân nghệ thuật sáng tạo. Giọng thơ sôi nổi, đắm say, yêu đời. Xuân Diệu là “nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ mới”. Bài thơ Nguyệt cầm in trong tập Gửi hương cho gió được xuất bản năm 1945. Bài thơ chịu ảnh hưởng của trường phái thơ tượng trưng của Pháp.

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định thể thơ của bài thơ trên

Câu 2. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của bài thơ

Câu 3. Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ.

Câu 4. Chỉ ra cách hiệp vần trong bài thơ.

Câu 5. Hãy nêu một yếu tố tượng trưng trong bài thơ và cho biết ý nghĩa của yếu tố tượng trưng ấy.

Câu 6. Nêu hiệu quả của phép tu từ nhân hóa được sử dụng trong câu thơ:

Sương bạc làm thinh, khuya nín thở.

Câu 7. Khung cảnh mùa thu được miêu tả như thế nào trong khổ thơ sau?

Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời;

Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi!

Long lanh tiếng sỏi vang vang hận:

Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người…

Câu 8. Theo anh/chị, nhà thơ muốn gửi gắm tâm sự gì trong hai câu thơ:

Bốn bề ánh nhạc: biển pha lê

                    Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề

  1. PHẦN II. LÀM VĂN (4.0 điểm)

Phân tích sự độc đáo về nội dung và hình thức bài thơ Nguyệt cầm của Xuân Diệu.

………………………………..HẾT………………………………….

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần Câu Nội dung Điểm
I ĐỌC HIỂU 6,0
  1 Xác định thể thơ của bài thơ trên.

Bài thơ Nguyệt cầm được viết theo thể thơ 7 chữ

0.75
2 Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của bài thơ

– phương thức biểu đạt chính của bài thơ: biểu cảm

0.75
3 Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ.

– Nhân vật trữ tình trong bài thơ là “tôi”.

0.75
4 Chỉ ra cách hiệp vần trong bài thơ.

– Bài thơ gieo vần chân

0.75
5 Hãy nêu một yếu tố tượng trưng trong bài thơ và cho biết ý nghĩa của yếu tố tượng trưng ấy

– Yếu tố tượng trưng trong bài thơ: “giọt rơi tàn như lệ ngân”.

– Nếu như “giọt” là đơn vị của chất lỏng thì “giọt rơi tàn như lệ ngân” lại là giọt ánh sáng, giọt âm thanh: âm thanh biến thành ánh sáng, ý thơ lung linh, chính tâm hồn tinh tế của thi nhân đã “kết” tiếng đàn kia từ âm, sắc thành giọt lỏng.

1.0
6 Nêu hiệu quả của phép tu từ nhân hóa được sử dụng trong câu thơ:

Sương bạc làm thinh, khuya nín thở.

– Nhân hóa hình ảnh “sương bạc”; “khuya” cũng có hành động như con người: làm thinh; nín thở.

– Tác dụng của biện pháp tu từ:

+ Làm cho câu thơ giàu hình ảnh, gợi cảm, sinh động.

+ Làm nổi bật vẻ đẹp gần gũi, sinh động và giàu sức sống của thiên nhiên.

+ Thể hiện sự cảm nhận tinh tế, tâm trạng sầu não của tác giả trong đêm trăng.

1.0
7 Khung cảnh mùa thu được miêu tả như thế nào trong khổ thơ sau?

Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời;

Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi!

Long lanh tiếng sỏi vang vang hận:

Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người…

Khung cảnh mùa thu được miêu tả:

– nguyệt tỏ ngời (trăng sáng);

– lạnh;

– Không gian: vắng vẻ, có tiếng đàn bao phủ cả không gian.

0.5
8 Theo anh/chị, nhà thơ muốn gửi gắm tâm sự gì trong hai câu thơ:

Bốn bề ánh nhạc: biển pha lê

                    Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề

– Nhà thơ muốn bộc lộ tâm sự về cảm giác chơi vơi trước một khung cảnh mênh mông, rộng lớn và vô định. Con người thì nhỏ bé với kiếp số hữu hạn mà cuộc sống là vô tận.

– Nhận thức được sự nhỏ bé, bế tắc của bản thân, nhà thơ khao khát muốn tìm kiếm những điều tinh tế, giao cảm với đời.

0.5
II Làm văn 4.0
    a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

0,25
    b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Phân tích sự độc đáo về nội dung và hình thức bài thơ Nguyệt cầm của Xuân Diệu

0,25
    c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

 
    * Giới thiệu khái quát về tác giả Xuân Diệu, tác phẩm Nguyệt cầm. 0,5
    * Phân tích nét độc đáo về nội dung và nghệ thuật của bài thơ Nguyệt cầm (Phân tích nhan đề, từng khổ thơ, bám vào từ ngữ, hình ảnh, biện pháp nghệ thuật để làm nổi bật nội dung, tư tưởng).

– Nhan đề cho thấy bài thơ sẽ là một hoà tấu khúc kết hợp giữa trăng và đàn.

* Khổ 1: Bám vào từ ngữ, biện pháp tu từ để phân tích.

– Trăng và đàn đã nhất thể hoá, hoà lẫn thành một thực thể duy nhất, trăng và đàn đều mang tâm trạng “thương”, “nhớ”, “buồn”, “lặng”, “chậm”

– Nghệ thuật chuyển đổi cảm giác: “Giọt” là một đơn vị nhỏ của một vật thể lỏng, như giọt nước, giọt lệ… Nhưng dưới bút pháp của nhà thơ “giọt” cũng có thể là một giọt ánh sáng, hay một giọt âm thanh, hay là một thứ trộn lẫn âm thanh và ánh sáng.

=> tâm trạng của trăng, của đàn hay cũng là tâm trạng của người ngắm trăng, nghe đàn.

* Khổ 2: Bám vào từ ngữ, biện pháp tu từ để phân tích. Vũ trụ đang tràn ngập tiếng nhạc và ánh trăng.

– Tác giả đưa tầm mắt lên xa bao trùm cả một không gian trong vắt chìm trong bóng đêm vô tận

– Cách dùng từ độc đáo “linh lung”, “Bóng sáng” là ánh trăng, mà ánh trăng cũng là tiếng nhạc, tiếng đàn, vì trong vũ trụ kỳ diệu này âm thanh đã hoà nhập với ánh sáng. Và bóng sáng linh lung đó đã xúc động và “rung mình” khi nghe nương tử trong câu hát/ đã chết đêm rằm theo nước xanh.

* Khổ 3: Bám vào từ ngữ, biện pháp tu từ để phân tích. Giao hoà giữa vũ trụ mênh mông và số kiếp nhỏ bé của những giai nhân có duyên với nghệ thuật nhưng gặp nhiều gian truân.

– Lạnh đã xâm nhập tiếng đàn, cũng như ánh trăng đã nhập vào đàn, gây nên một cảm giác ghê rợn.

+ Câu Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi… tiếng “lạnh” được tách ra, giữa hai dấu phảy, nhấn mạnh vào tính tột cùng đến ghê rợn của cái lạnh giữa vũ trụ xâm nhập luôn vào tiếng đàn. Tiếng than “trời ơi” thốt lên như một tiếng kêu hoảng hốt bộc lộ sự kinh hãi xâm chiếm nhà thơ.

+ Tiếng nhạc nay mang một sắc điệu trầm đục như tiếng sỏi và được mô tả là “long lanh”, tức là có ánh sáng phản chiếu.

* Khổ 4: Bám vào từ ngữ, biện pháp tu từ để phân tích. Bức tranh toàn cảnh vũ trụ chìm trong tiếng nhạc và một lần nữa, tiếng nhạc, hay “ánh nhạc” cũng được cảm nhận vừa bằng thính giác, vừa bằng thị giác

– Ở trên là “bốn bề” của một vũ trụ bao la vô tận, còn bên dưới là không gian nhỏ bé hơn, khiêm nhường hơn, của một con người nhỏ nhoi, nhưng cũng đủ mênh mông để cho nhà thơ cảm thấy niềm bơ vơ lạc lõng của mình.

– Sự kiện điệu nhạc sầu vang vọng hướng về sao Khuê là thêm một bằng chứng về mối giao cảm giữa vũ trụ với thân phận những giai nhân tài sắc có duyên nợ với nghệ thuật nhưng phải chịu một số phận gian nan.

2,0
    * Đánh giá

– Nội dung: Bài thơ Nguyệt cầm thể hiện sự giao cảm giữa hương sắc và thanh âm, giữa đất trời và cỏ cây, giữa vũ trụ và con người, giữa trần gian và âm cảnh.

– Nghệ thuật: “Nguyệt cầm” được thể hiện trong một hình thức nghệ thuật độc đáo với thể thơ 7 chữ, cấu tứ độc đáo, hình ảnh giàu màu sắc tượng trung, ngắt nhịp linh hoạt, sử dụng thành công nhiều biện pháp nghệ thuật độc đáo. Bài thơ đã góp phần đưa Xuân Diệu lên “đỉnh cao của phong trào Thơ mới”
Độc đáo về nghệ thuật: hình thức nghệ thuật độc đáo với thể thơ 7 chữ, cấu tứ độc đáo, hình ảnh giàu màu sắc tượng trung, ngắt nhịp linh hoạt, sử dụng thành công nhiều biện pháp nghệ thuật độc đáo. Bài thơ đã góp phần đưa Xuân Diệu lên “đỉnh cao của phong trào Thơ mới”

0,5

 

 

 

 

 

    d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0,25
    e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
Tổng I+II   10.0 điểm

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *