Đọc hiểu Mình phải sống như biển rộng sông dài, phân tích Trên đường đi Lạng Sơn Nguyễn Du

     ĐỀ THI KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ 2

 NĂM HỌC 2023 – 2024

                                                      MÔN THI: NGỮ VĂN – KHỐI 11

                                               Thời gian làm bài: 90 phút (không kể thời gian giao đề)

ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

        Đọc đoạn trích sau:

Áp lực mới tạo nên kim cương.

       Lò xo phải bị nén thì mới có sức bật.

          Con người càng có sức ép càng dễ tạo nên kì tích nếu biết cách kiên cường đến tận cùng.

         Hãy yêu lấy hết thảy những áp lực bủa vây, bình tĩnh gấp thuyền giấy thả xuống dòng nước lũ. Ở trong bóng tối, không có ai dẫn lối thì tự mình mò mẫm, hiên ngang tiến bước. Đường đời chẳng mấy khi bằng phẳng. Nhưng không ai sướng mãi và cũng chẳng ai khổ hoài…Gặp hòn sỏi thì nhẹ nhàng bước qua. Gặp tảng đá lớn thì hiên ngang đối diện. Gặp ngọn núi cao thì vui vẻ chinh phục. Mỉm cười điềm nhiên khi tất cả đang than vãn. Cắn răng xông lên khi tất cả đã đầu hàng. Ngược dòng đám đông nhưng thuận theo tâm mình. Đó là lối sống mạnh mẽ nhất.

        Nếu trong lòng bạn có một ước mơ nặng hơn cả sinh mệnh, vậy thì đừng né tránh áp lực. Đừng sợ hãi độ cao. Cũng đừng chối bỏ những cảm xúc tiêu cực luôn ẩn nấp sau lồng ngực. Hãy thẳng thắn đối diện và tìm cách giải quyết tất cả mọi khúc mắc. Cuộc sống này là của bạn. Nếu nó không ổn thì bạn là người duy nhất phải chịu trách nhiệm. Nếu bạn cảm thấy điều gì đó không ổn, đơn giản chỉ cần tìm cách thay đổi. Thay đổi bằng cách nào tạm thời chưa cần rạch ròi, nhưng trước hết bắt buộc phải có một ý thức không ngại va chạm, sẵn sàng hi sinh để thay đổi.

(Trích: Mình phải sống như biển rộng sông dài, NXB Thế giới, 2022, tr.74 -75)

Thực hiện các yêu cầu :

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Theo tác giả: Nếu trong lòng bạn có một ước mơ nặng hơn cả sinh mệnh thì bạn cần ứng xử ra sao ?

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ ẩn dụ được sử dụng trong những câu văn sau: Gặp hòn sỏi thì nhẹ nhàng bước qua. Gặp tảng đá lớn thì hiên ngang đối diện. Gặp ngọn núi cao thì vui vẻ chinh phục.

Câu 4. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: Con người càng có sức ép càng dễ tạo nên kì tích nếu biết cách kiên cường đến tận cùng?

Câu 5. Đọc đoạn trích, anh/chị rút ra cho mình những kinh nghiệm nào để vượt qua áp lực trong cuộc sống?

VIẾT (6.0 điểm)

            Anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận trình bày cảm nhận về những đặc sắc nội dung và nghệ thuật bài thơ sau:

   LẠNG SƠN ĐẠO TRUNG

(Trên đường đi Lạng Sơn)

( Nguyễn Du)

PHIÊN ÂM

Vạn mộc sơn tiền khả bốc cư,

Bạch vân tại tụ thuỷ thông cừ.

Sơn tăng đối trúc lưỡng vô dạng,

Mục thụ kỵ ngưu nhất bất như.

Ảnh lý tu my khan lão hỷ,

Mộng trung tùng cúc ức quy dư.

Toạ gia thôn tẩu đa nhàn sự,

Chỉ vị bình sinh bất độc thư.

DỊCH NGHĨA 

Có thể dựng ngôi nhà trước rừng cây kia mà ở,
Trên núi có mây trắng, lại có khe nước chảy.
Nhà sư và khóm trúc, cả hai đều vô sự,
Chẳng ai bằng em bé cưỡi trâu ung dung kia!
Soi gương nhìn mày râu, biết mình đã già rồi,
Trong mộng thấy tùng cúc, lại nhớ đến chuyện muốn về vườn.
Ông già thôn quê ngồi trong nhà nhàn rỗi quá,
Được như thế, chỉ vì bình sinh không đọc sách.

DỊCH THƠ

Trước núi um tùm dựng được nhà, 

Hang đùn mây trắng, nước khe ra. 

Sư bên khóm trúc, bình yên cả, 

Mục cưỡi lưng trâu, sướng nhất mà! 

Trước kính mày râu nhìn cảnh lão, 

Trong mơ tùng cúc nhớ quê ta. 

Ngồi nhà mấy cụ sao thư thả? 

Chỉ vì không hề đọc sách qua.

Vũ Tam Tập dịch

(Nguồn Thi viện )

Hoàn cảnh sáng tác: Trích trong Thanh Hiên thi tập – Tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du, sáng tác vào thời kì Nguyễn Du Làm quan ở Bắc Hà (1802-1804)

Mùa đông năm Quý Hợi, tức năm 1804, Nguyễn Du được triều đình cử lên trấn Nam Quan (nay là Hữu Nghị Quan) thuộc địa phận Lạng Sơn để đón tiếp sứ đoàn nhà Thanh sang sắc phong. Bài thơ trên có lẽ được làm trong dịp này.

 

………….Hết…………..

 

 

 

            HƯỚNG DẪN CHẤM THI GIỮA HỌC KÌ 2

                            NĂM HỌC 2023 – 2024

MÔN THI: NGỮ VĂN KHỐI 11

Thời gian: 90 phút (không kể thời gian phát đề)

Phần Câu Nội dung Điểm  
I. ĐỌC HIỂU 1 Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời đúng đáp án: 0.5 điểm

– Học sinh không trả lời đúng: không cho điểm

0.5  
2 – Theo tác giả : Nếu trong lòng bạn có một ước mơ nặng hơn cả sinh mệnh thì bạn:

– Đừng né tránh áp lực.

– Đừng sợ hãi độ cao.

– Cũng đừng chối bỏ những cảm xúc tiêu cực luôn ẩn nấp sau lồng ngực.

– Hãy thẳng thắn đối diện và tìm cách giải quyết tất cả mọi khúc mắc.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời đúng 3 – 4 ý: 0.5 điểm

– Học sinh trả lời đúng 1- 2 đáp án: 0.25 điểm

– Học sinh không trả lời đúng đáp án: không cho điểm.

0.5

 

 
3 – Biện pháp ẩn dụ qua những hình ảnh: hòn sỏi, tảng đá lớn, ngọn núi cao – khó khăn, thử thách

– Tác dụng:

+ chỉ những khó khăn, trở ngại mà con người gặp phải trong cuộc sống. Đồng thời thể hiện sự lạc quan, chủ động chinh phục khó khăn.

+ Phép ẩn dụ làm cho lời văn tăng sức gợi hình, gợi cảm, giàu ý nghĩa cho sự diễn đạt.

Hướng dẫn chấm:

– Thí sinh trả lời như đáp án: 1.0 điểm. (chỉ ra từ ngữ nhận diện biện pháo ẩn dụ 0,25điểm, nêu đúng tác dụng 0,75điểm)

– Thí sinh trả lời chưa đủ ý 0.25 – 0,75điểm.

Thí sinh trả lời không đúng: không cho điểm

Lưu ý: Học sinh trả lời các ý trong đáp án bằng các cách diễn đạt tương đương vẫn cho điểm tối đa.

1.0  
4 – Ý kiến “Con người càng có sức ép càng dễ tạo nên kì tích nếu biết cách kiên cường đến tận cùng” đã khẳng định ý nghĩa của sự kiên cường hết mình trước những sức ép của cuộc sống.

– Kiên cường sẽ tạo nên động lực, sức mạnh tinh thần to lớn để giúp mỗi người vượt qua được áp lực.

– Sự kiên cường sẽ giúp con người phát huy tận độ năng lực của bản thân, nắm bắt được cơ hội…Từ đó sẽ đạt được thành tựu lớn.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời đúng: 1.0 điểm

– Học sinh trình bày chưa rõ ràng, chung chung: 0.25 – 0,75 điểm

– Học sinh trả lời khôngđúng: không cho điểm

1.0

 

 

 

 

 

 

 
5 – Thí sinh phải nêu được quan điểm cá nhân đồng tình hay không đồng tình, và có sự lí giải hợp lí.

Hướng dẫn chấm:

– Bày tỏ quan điểm: 0.25 điểm.

– Lí giải: 0,75 điểm

1.0  
II.

VIẾT

  Anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận trình bày cảm nhận về những đặc sắc nội dung và nghệ thuật bài thơ sau  Lạng Sơn đạo trung  (Trên đường đi Lạng Sơn) –  Nguyễn Du 6.0  
a. Xác định được yêu cầu kiểu bài

 Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận về một văn bản văn học 

0.25  
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Đặc sắc trong nội dung và nghệ thuật của bài thơ Lạng Sơn đạo trung  (Trên đường đi Lạng Sơn) –  Nguyễn Du

0.5  
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần đảm bảo phân tích đánh giá được nét đặc sắc trong nội dung và nghệ thuật của bài thơ

Sau đây là một hướng gợi ý 

   
1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm 0.5  
2. Nội dung

* Cảm hứng chủ đạo: Cảm nhận về vẻ đẹp thanh bình nơi Lạng Sơn và những tâm sự của Nguyễn Du về thế sự và cuộc đời

* Phân tích:

– Cảm nhận về khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống nơi Lạng Sơn mà Nguyễn Du đi qua:

Trước núi um tùm dựng được nhà, 

Hang đùn mây trắng, nước khe ra. 

Sư bên khóm trúc, bình yên cả, 

Mục cưỡi lưng trâu, sướng nhất mà! 

+ Không gian: Núi rừng, hang núi, có mây trắng, có khe nước,…. -> cảnh thiên nhiên đẹp, hùng vĩ, yên bình.

+ Cuộc sống con người: Hai hình ảnh nhà sư và khóm trúc – tượng trưng cho sự thanh tịnh, bình yên. Thủ pháp so sánh: chẳng ai bằng em bé cưỡi trâu ung dung kia nhấn mạnh sự vô tư, hạnh phúc của cuộc sống giản dị,  đơn sơ.

-> Thiên nhiên đẹp, hoang sơ; cuộc sống yên bình, hòa quyện giữa thiên nhiên và con người xứ Lạng

– Tâm sự của nhà thơ :

Trước kính mày râu nhìn cảnh lão, 

Trong mơ tùng cúc nhớ quê ta. 

Ngồi nhà mấy cụ sao thư thả? 

Chỉ vì không hề đọc sách qua.

+ Hình ảnh nhân vật trữ tình nhìn gương nhận ra dấu hiệu tuổi già trên gương mặt -> nhớ về quê hương khi ngắm nhìn những hình ảnh bình dị, thân thương của làng quê

+ Nỗi tâm sự thời thế thầm kín, nỗi lo về nước nhà thời cuộc

++ Hình ảnh trong hai câu cuối: Cụ già ngồi nhà thư thả, tác giả đoán rằng liệu có phải vì “không biết đọc sách” – không quan tâm và hiểu về thế sự nên mới có tâm thế nhàn nhã, thư thả vậy không?

++ Tâm sự của nhà thơ: Ước muốn bình yên, thư thái không lo toan thế sự hay cuộc đời; sống bình dị, lánh đục về trong.

3. Đặc sắc nghệ thuật

– Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật

– Hình ảnh vừa quen thuộc của làng quê và núi rừng Lạng Sơn vừa mang tính ước lệ

– Nghệ thuật đối, câu hỏi tu từ

4. Ý nghĩa 

Từ cảm nhận về cảnh sắc thiên nhiên và con người xứ Lang, nhà thơ thể hiện khao khát cuộc sống về cuộc sống bình dị, thư thái, nhưng sâu trong lòng vẫn là những trăn trở suy tư về cuộc đời và thời thế, là nỗi nhớ quê hương da diết của nhà thơ

   2.5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1.0

 

 

 

 

 

0.5

 
    d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

Hướng dẫn chấm:Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0.25  
    e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề 0.5  

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *