Đọc hiểu Sao sáng lấp lánh, Nguyễn Thị Ấm

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG GIỮ KÌ II

 NĂM HỌC 2023-2024

Môn: Ngữ văn 11

Thời gian làm bài: 120 phút

Phần I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:                        

SAO SÁNG LẤP LÁNH

(1) Đó là năm 1972.

Tiểu đội trinh sát của tôi được bổ sung một lính mới, rất trẻ, vừa tròn mười tám tuổi. Cậu ta tên là Minh, người Hà Nội. Tuổi trẻ mà, chúng tôi quý nhau ngay như anh em ruột thịt. Một đêm mưa rừng, cánh lính trẻ chúng tôi mắc võng nằm tán gẫu… Tôi lấy tấm hình vợ chưa cưới của mình ra cho đồng đội xem. Đến lượt Minh, cậu ta cầm tấm ảnh trên tay bỗng cười cười cất tiếng:

– Vợ chưa cưới của tiểu đội trưởng rất đẹp… Nhưng chưa đẹp bằng người yêu của em.

Cả tiểu đội nhao nhao:

– Ảnh đâu!… Đưa ra đây xem nào?

Minh gãi đầu buồn bã:

– Các vị quên à?… Trước khi đi B, cấp trên chẳng thu hết các giấy tờ, các tấm ảnh của người thân rồi còn gì.

– Sao mày không cố giấu lấy tấm hình của người yêu?

– Ngày đó không biết, nghe lời cấp trên mới ngốc chứ.

– Người yêu làm nghề gì?

– Học sinh trường múa Việt Nam.

– Trời!

Tất cả trầm trồ xuýt xoa. Bởi chắc chắn rằng học sinh trường múa phải đẹp hớp hồn. Có tiếng nói lại vang lên:

– Tên là gì?

– Tên là Hạnh.

– Làm quen… – Và yêu như thế nào, kể cho bọn tao nghe đi.

Minh lại cười cười.

– Ờ thì kể. Nhưng cấm mọi người được cười đấy.

(2) Rồi cậu ta nhìn vào ngọn lửa bập bùng cất tiếng nói: “Hồi còn đóng quân ở gần Hà Nội, có một hôm, tớ được tranh thủ về thăm nhà. Bước chân lên chuyến xe buýt Cầu Giấy – Bờ Hồ, tớ vô tình đứng sau một cô gái mặc áo hoa. Tò mò muốn xem cô có đẹp không, nên tớ cố len lên. Chưa kịp nhìn đã va phải cô ấy. Cô gái lườm rồi đứng tránh ra. Tớ ngượng quá, ấp úng:

– Xin lỗi!… Tôi không có tiền mua vé. Bạn có thể mua giùm tôi được không?

Cô gái nhìn nghi ngờ. Anh bán vé tiến lại. Cô lấy tiền mua hai chiếc vé. Rồi đưa cho tớ một chiếc nhưng không nói một lời. Tớ vẫn đứng như trời trồng, thỉnh thoảng lại nhìn trộm… Một cô gái mắt to và sáng lấp lánh như sao. Xe đỗ cạnh bờ Hồ. Cô gái bước xuống. Không hiểu sao tớ cũng bị bước theo như sắt gặp nam châm. Tớ đi sau cô khoảng mười lăm bước chân. Cô gái rẽ trái, tớ cũng rẽ trái. Cô rẽ phải, tớ cũng rẽ phải. Bỗng cô gái quay lại, cất tiếng:

– Anh bộ đội… Tại sao anh lại đi theo em?

Tớ cười, gãi đầu, ấp úng:

– Tôi… tôi… muốn biết nhà… để trả tiền.

Cô gái cười giòn:

– Không… không phải trả tiền đâu.

Rồi cô chạy vụt vào sau một cái cổng sắt. Mặt tớ đỏ bừng, bước đi như người say rượu.

Chiều hôm sau, tớ quay lại để trả tiền vé xe buýt. Gặp cô gái, tớ liều lĩnh mời cô đi xem phim. Cô đã nhận lời… Và chúng tớ yêu nhau…”.

Đêm đó, khi cơn mưa rừng vừa tạnh, những người lính chúng tôi cứ nhìn những vì sao lấp lánh trên bầu trời.. mà không ngủ được.

(3) Sáu tháng sau, một đêm tháng mười, tôi và Minh được phái đi trinh sát cảng Cửa Việt. Sau ba tiếng đồng hồ tiếp cận mục tiêu, hai đứa rút ra ngoài. Ba giờ sáng, chúng tôi cố gắng băng ngang qua những đồi cát trắng mênh mông để trở về cứ. Bỗng một loạt pháo dàn từ biển bắn vào. Tôi bò xoài lăn mình trên cát để tránh. Sau loạt đạn, tôi chồm dậy cất tiếng gọi. Không có tiếng trả lời. Tôi vùng dậy chạy ngay đến chỗ Minh. Cậu ta nằm úp sấp. Một mảnh pháo đã cắm vào ổ bụng. Máu trào qua lớp áo. Tôi băng bó rồi cõng Minh đi thật nhanh. Máu từ vết thương trào ra thấm ướt lưng tôi rồi nhễu xuống cát trắng. Bỗng Minh tỉnh lại thều thào:

– Anh!… Để em xuống đi… Em không sống được nữa đâu.

Tôi khẽ đặt Minh nằm xuống đồi cát. Minh nhìn tôi, giọng đứt đoạn:

– Anh chôn em tại đây… Cố về đơn vị nhanh kẻo trời sáng.

Gió biển thổi vù vù. Người Minh lạnh toát. Tôi nắm lấy tay Minh cuống cuồng:

– Thế!… Thế! Em có nhắn gì cho Hạnh?

Minh cố cười:

– Chuyện… chuyện đó em tưởng tượng đấy! Em chưa được cô gái nào yêu cả. Cũng tại em mồ côi cha mẹ nên không còn người thân nào hết…

Nước mắt tôi trào ra. Bỗng Minh lại lên tiếng:

– Em có một lá thư… ở trong túi áo ngực. Bao giờ hoà bình, anh đem bỏ vào thùng thư hộ em…

Một cơn gió thổi đến. Người đồng đội của tôi theo gió ra đi. Tôi sờ túi áo ngực của Minh, thấy một mảnh giấy gấp làm tư. Tôi vội vã bấm đèn pin để đọc. Trong tờ giấy chỉ có mỗi một dòng chữ liêu xiêu: “Hạnh ơi!… Anh cô đơn lắm…”. Và kí tên.

(4) Ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi theo đoàn quân ào ạt tiến về giải phóng Sài Gòn. Năm giờ chiều, thành phố tràn ngập cờ hoa. Tôi thẫn thờ ra chợ mua một cái phong bì. Rồi bỏ lá thư bị vương máu vào trong. Bên ngoài bì thư tôi viết: Gửi Hạnh – Học sinh trường múa Việt Nam – Khu Cầu Giấy, Hà Nội.

Những người lính trong tiểu đội của tôi tin rằng… lá thư đó đã đến tay cô gái có đôi mắt như vì sao sáng lấp lánh.

(Nguyễn Thị Ấm, Theo isach.infor)

* Nhà văn Nguyễn Thị Ấm, quê ở Long An, sinh sống, làm việc và viết văn tại Hà Nội. Đây là một trong những cây bút nữ tiêu biểu xuất hiện trong giai đoạn đổi mới của nền văn học Việt Nam (1986). Một số truyện ngắn của Nguyễn Thị Ấm: Giấc ngủ nơi trần thế, Sao sáng lấp lánh, Người đến từ phía cánh rừng,…

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định người kể chuyện.

Câu 2 (1,0 điểm): Người lính trẻ tên Minh đã kể cho đồng đội của mình nghe chuyện gì? Câu văn nào nói về cảm xúc của đồng đội Minh sau khi nghe xong câu chuyện của anh?

Câu 3 (1,0 điểm): Lời thú nhận của Minh trước lúc hi sinh đã giúp ta hiểu gì về tâm hồn người lính?

Câu 4 (1,0 điểm): Đến ngày giải phóng, nhân vật Tôi đã làm gì với bức thư của Minh? Tại sao anh lại làm như vậy dù biết câu chuyện tình yêu của Minh là không có thật?

Câu 5 (0,5 điểm): Ghi lại một thông điệp có ý nghĩa nhất với em sau khi đọc xong truyện ngắn trên.

Phần II. Viết  (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

        Từ phần thứ (3) của truyện ngắn phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày cảm nhận về nhân vật Minh.

Câu 2 (4,0 điểm)

Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về thông điệp được gợi ra câu nói sau: Chúng ta đều là những thiên thần chỉ có một cánh, và chúng ta phải ôm lấy lẫn nhau để học bay.

 

Họ và  tên thí sinh:………………………………………………………………………………………… SBD: ………………………..

—Hết—

KÌ THI KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG GIỮA KÌ II – NĂM HỌC 2023 – 2024

Hướng dẫn chấm

Câu Đáp án/Gợi ý/Hướng dẫn chấm Điểm
Phần I. Đọc hiểu 4,0
1 Người kể chuyện: nhân vật tôi – tiểu đội trưởng và Minh.

Hướng dẫn chấm: Hs chỉ kể đúng được 01 người kể, cho 0,25 điểm

0,5
2

 

– Minh đã kể cho đồng đội nghe mối tình vừa chớm của mình và cô gái trường múa có tên là Hạnh.

Hướng dẫn chấm: Hs kể hoặc tóm tắt lại nội dung câu chuyện của Minh cho 0 điểm.

0,5
– Câu văn nói về cảm xúc của đồng đội Minh sau khi nghe xong câu chuyện của anh: Đêm đó, khi cơn mưa rừng vừa tạnh, những người lính chúng tôi cứ nhìn những vì sao lấp lánh trên bầu trời.. mà không ngủ được 0,5
3 – Lời thú nhận của Minh trước lúc hi sinh:  Chuyện… chuyện đó em tưởng tượng đấy! Em chưa được cô gái nào yêu cả. Cũng tại em mồ côi cha mẹ nên không còn người thân nào hết… 0,25
– Lời thú nhận ấy giúp ta nhận ra được chiều sâu trong tâm hồn của Minh cũng như của những người lính khi chiến đấu nơi chiến trường: cũng có lúc họ cô đơn, yêu đuối; họ gồng mình vượt qua những giây phút yếu lòng để hoàn thành nhiệm vụ; họ mơ mộng, lãng mạn và đầy khát khao…

Hướng dẫn chấm: Cho điểm tối đa khi HS kể đúng được 02 ý trở lên; trả lời đúng 01 ý cho 0,5 điểm.

0,75
4 – Đến ngày giải phóng, nhân vật tôi đã gửi bức thư của Minh cho cô gái tên Hạnh dù cô gái ấy chỉ có trong tưởng tượng của anh. 0,25
– Người tiểu đội trưởng làm vậy vì:

+ Giữ trọn lời hứa với đồng đội;

+ Đồng cảm sâu sắc với Minh;

+ Khao khát, tin rằng sẽ có người chia sẻ và đồng cảm với những người lính…

Hướng dẫn chấm: Cho điểm tối đa khi HS kể đúng được 02 ý trở lên; trả lời đúng 01 ý cho 0,5 điểm.

0,75
5 HS nêu được 01 thông điệp có ý nghĩa với bản thân mình. Ví dụ: Biết trân trọng, tri ân sự hi sinh của các thế hệ đi trước… 0,5
Phần II: Viết 6,0
1  a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo một cách hoặc kết hợp các cách: diễn dịch, quy nạp, móc xích, song hành hoặc tổng – phân – hợp; bảo đảm yêu cầu về cấu trúc đoạn văn. 0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Cảm nhận về nhân vật Minh qua một đoạn trích trong truyện ngắn Sao sáng lấp lánh – Nguyễn Thị Ấm. 0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận: Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận như phân tích, chứng minh, bình luận… để triển khai nội dung của đoạn văn. Đảm bảo một số nội dung sau:
– Đoạn trích là một tình huống truyện đặc sắc, góp phần khắc họa những phẩm chất cao đẹp cùng những góc khuất trong tâm hồn của Minh: 0,75
+ Minh là một người lính trẻ dũng cảm, không ngại gian khổ hi sinh để chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ (đi trinh sát doanh trại của giặc – một nhiệm vụ nguy hiểm)
+ Khó khăn mà hàng ngày Minh phải vượt qua không chỉ là bom đạn, chết chóc mà còn là nỗi cô đơn, những phút giây yếu đuối bởi cảm giác không có ai thân thích ở trên đời (lời thú nhận của Minh). Minh phải gồng mình vượt qua những nỗi buồn ấy để chiến đấu, để hoàn thành nhiệm vụ…
+ Minh có tâm hồn lãng mạn, bay bổng; anh khao khát được yêu đương, khát khao hạnh phúc và ao ước được chia sẻ, đồng cảm (bức thư của Minh).
– Đánh giá: Minh là hình tượng tiêu biểu cho bao người lính nơi chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với ngôi kể thứ nhất, câu chuyện trở nên thật gần gũi, chân thực; chi tiết đặc sắc có sức chứa lớn về nội dung… 0,25
d. Chính tả, từ ngữ, ngữ pháp: Bảo đảm chuẩn chính tả, từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt. 0,25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc, có ý tưởng riêng phù hợp với vấn đề nghị luận; có cách lập luận, diễn đạt mới mẻ. 0,25
2 a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận:

Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Thông điệp được gợi ra từ câu danh ngôn Chúng ta đều là những thiên thần chỉ có một cánh, và chúng ta phải ôm lấy lẫn nhau để học bay. 0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:
* Dẫn dắt, giới thiệu câu danh ngôn 0,25
* Giải thích:

– Chúng ta đều là những thiên thần một cánh: không có ai hoàn hảo cả, mỗi người đều có điểm yếu, có những khiểm khuyết;

– Ôm lấy nhau: phối hợp, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau bằng sự gắn kết, yêu thương chân thành…;

– Học bay: vượt qua những khó khăn, để thành công…

=> Câu nói mang đến một bài học/thông điệp ý nghĩa: Trong cuộc sống chúng ta phải đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Có như vậy, chúng ta mới vượt qua được những khó khăn vươn đến những tầm cao mới.

0,5
* Phân tích và chứng minh: Tại sao con người lại phải đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau?

– Con người ai có cũng những khiếm khuyết. Khi đoàn kết, tương trợ nhau, những khiếm khuyết của chúng ta sẽ được lấp đầy bằng điểm mạnh của người khác;

– Mỗi cá nhân chỉ có thể phát huy năng lực, sở trường của mình trong một tập thể;

– Trong cuộc sống, có nhiều khó khăn vượt quá khả năng của một cá nhân. Chỉ khi con người hợp sức nhau lại, những khó khăn mới được đẩy lùi;

….

– Dẫn chứng: (HS lấy dẫn chứng phù hợp, thuyết phục)

1,0
* Bàn luận, nâng cao vấn đề:

– Bằng cách nói hình ảnh, câu danh ngôn đề cao một thông điệp đã trở thành chân lí: tinh thần đoàn kết, sức mạnh tập thể chính là đôi cánh nâng đỡ cho mỗi cá nhân, giúp con người vượt qua được mọi khó khăn trong cuộc sống;

– Tuy nhiên, nếu cá nhân chỉ biết dựa vào người khác, không có ý thực tự vươn lên thì cũng không thể bay qua những khó khăn hoặc có được thành công trong cuộc sống, nếu có thì sự thành công ấy không bền vững.

– Phê bình những cá nhân luôn quay lưng lại với tập thể; những người chỉ biết vun vén lấp đầy cho những khiếm khuyết của cá nhân mà không hỗ trợ, có tinh thần cống hiến ngược lại cho tập thể

0,75
* Bài học nhận thức và hành động:

– Muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau, sự tương trợ cho nhau sẽ khiến ta bay qua những khó khăn, đến với thành công…

– Để làm được điều đó, chúng ta cần hòa nhập với tập thể, học cách hợp tác, biết sống có trách nhiệm …

0,5
d. Chính tả, từ ngữ, ngữ pháp: Bảo đảm chuẩn chính tả, từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt. 0,25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc, có ý tưởng riêng phù hợp với vấn đề nghị luận; có cách lập luận, diễn đạt mới mẻ. 0,25
Gợi ý về thang điểm:

– Điểm 3,5 – 4,0: Viết đoạn văn có sức thuyết phục cao, ý tứ phong phú, lập luận chặt chẽ, biết chọn lựa, khai thác dẫn chứng phù hợp. Diễn đạt tốt. Có giọng điệu riêng.

– Điểm 2,75 – 3,25: Viết đoạn văn có sức thuyết phục, biết cách lập luận để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo về ý. Diễn đạt rõ ràng.

– Điểm 2,0 – 2,5: Đảm bảo cấu trúc đoạn văn, triển khai được vấn đề nghị luận nhưng ý còn hạn chế hoặc lập luận chưa thực sự thuyết phục. Còn có một vài lỗi nhỏ trong diễn đạt, chính tả.

– Điểm 0,25 – 1,75: Viết đoạn văn còn nhiều hạn chế về ý tứ, về lập luận, về diễn đạt, chính tả.

– Điểm 0: Làm sai hoặc không làm

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *