|
ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ II
Năm học: 2023 – 2024 Môn: Ngữ văn Lớp: 11 Ngày kiểm tra: 12 /03/2024 Thời gian làm bài: 90 phút |
ĐỌC HIỂU VĂN BẢN (5.0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi
Sáu thằng đều cởi trần, mặc quần đùi. Da thằng nào cũng thâm như màu gỗ, lại giống như màu da con hoẵng đang bị thui trên dàn củi kia. Máu từ cổ, từ mũi con vật nhỏ giọt xuống đống lửa, cháy xèo. Nó đang bị quay bởi cánh tay lực lưỡng của Sính.
[…]
Sính vẫn lặng làm cái công việc đồ tể. Gã hau háu nhìn những giọt máu lẫn nước mỡ nhỏ xuống, nhìn ngọn lửa than riu riu rực lên từng lúc khi có cơn gió xục vào. Bốc trùm lên cái không gian đặc mùi lá héo, cỏ ngái, gỗ hăng hăng là cái mùi thơm của thịt chín. Gã nuốt nước miếng, nhìn đám giọt máu kia, giống như nhựa đỏ ứa ra từ thân cây. Khi cây bị xẻ, nhựa ứa ra đỏ bầm như máu, lại như giọt nước mắt của cây quằn quại, có lúc gã đã hãi khi nghĩ như vậy. Người ta bảo cây cũng có hồn? Thế thì ghê lắm, vì bọn gã đã giết đến cả ngàn cây gỗ. Cả ngàn sinh mạng! Mọi sinh linh cây cỏ đều có hồn phách, để tạo nên thế giới sống này! Máu cô lại, sền sệt nhỏ xuống khiến gã lại thấy như máu đồng trinh!… Vì gã vẫn nhớ tới việc đó…
Đó là vào một buổi tối hiu hiu gió núi, khi đã nốc rượu thịt no say ở thị xã, những thằng lâm tặc trong đó có gã tiếp tục đi đốt tiền – tiền của chúng dễ kiếm như lá rừng vậy.
[…]
Con vật nướng đã chín. Cả bọn ngồi xẻo từng tảng thịt chấm muối ăn và nốc rượu. Rượu dân tộc nấu bằng sắn uống lờ lợ, man mát, hơi nồng đắng. Rượu và thịt, tiền và gái, những chuyến gỗ và quãng đời nặn vào với bát ngát rừng thẳm mênh mông đã hút Sinh. Trong bọn, Sinh ít tuổi nhất, nhưng là thằng lì, liều nhất. Khi chuyển gỗ, gã đi sau, khóa đuôi, lăm lăm cây súng sẵn sàng chọi lại kiểm lâm hoặc bọn cướp cạn người dân tộc. […] Cả làng Sính đi khai thác gỗ lậu.
[…]
Năm thằng hì hụi khênh xác một thằng. Thằng ấy bị gỗ đè chết, đó là thằng Tần. Đen cho hắn. Cả bọn cưa gỗ, hắn đứng ở xa, cây gỗ đổ chéo không theo hướng chọn, vì có đoạn bị mối đục rỗng ruột. Một cành khá to quật vào lưng Tần, mặc dù hắn đã cố chạy. Gãy lưng, ngoẻo, ngoẻo rất tươi! Máu ộc ra mồm, mắt trợn ngược, lưỡi lè ra. […] Chôn thằng nhóm trưởng không kèn, không đèn, không hương hoa, không cả quan tài. Đến lúc đắp xong nắm đất đỏ au như máu lên ngôi mộ. Sính chợt ứa nước mắt! Ôi thôi là cái kiếp người! Thế là hết cả tiền, hết cả gái, hết tất cả! Rừng bao dung, nhận vào lòng một nắm xương thịt vô chủ, hắn đã làm giàu cho những thằng buôn gỗ, những thằng chủ xưởng mộc. Gỗ tốt, gỗ đẹp nhất đều dành cho bọn nhà giàu, chứ nghèo không dám mơ tới những thứ ấy.
(Lược bỏ một đoạn: Sau cái chết của Tần lại đến cái chết của Liễn. Liễn bị voi giày xéo thành một đống thịt vụn nát, bấy nước đỏ màu đất và máu. Tiếp đến là cái chết của Chuyển. Hắn bị rắn cắn. Thằng Dựng cũng bị ong bò vẽ đốt chết.)
Lúc này Sính rất sợ, sợ tới lượt mình, vì gã nghĩ rằng không thể thoát khỏi cánh rừng này được. Như một sự ám ảnh khủng khiếp, cái chết đã đeo bám trên đầu gã, giống như một cái bóng, như một sự trừng phạt của rừng. […] Tiếng mang tác, tiếng gầm của thú dữ vọng lại, tiếng hú hét của vượn, tiếng chim vỗ cánh, tiếng dơi kêu và cả tiếng côn trùng… Gã sợ những tiếng ấy! Gã bịt lấy tai. Có lúc rừng lại im lặng đến ghê sợ….
(Lược bỏ đoạn kết: Sính và Hòe quyết định rời khỏi rừng, bỏ nghề lâm tặc nhưng đi chưa được bao lâu thì gặp lũ quét. Hòe chết. Sính may mắn được một cô gái dân tộc cứu sống nhưng “đôi mắt đã bị thương, sắp mù”.)
(Máu của rừng, tr.195 – 208, Trung Phương, Truyện ngắn hay văn nghệ trẻ, NXB Công an nhân dân, 2008)
Câu 1. Xác định không gian, thời gian của truyện. (1.0 điểm)
Câu 2. Xác định ngôi kể và điểm nhìn của truyện. (0.5 điểm)
Câu 3. Anh/ chị hãy nhận xét về cái kết của văn bản để làm nổi bật triết lí về “nhân quả báo ứng” (làm thiện thì được quả báo thiện, làm điều ác thì nhận quả ác). (1.0 điểm)
Câu 4. Chỉ ra và phân tích tác dụng biểu đạt của hiện tượng phá vỡ những quy tắc ngôn ngữ thông thường được sử dụng trong đoạn in đậm của văn bản. (1.0 điểm)
Câu 5. Văn bản đã gửi gắm đến người đọc tư tưởng, thông điệp gì? Hãy viết đoạn văn (5 – 8 câu) trình bày suy nghĩ về một trong những thông điệp mà anh/ chị tâm đắc nhất được rút ra từ văn bản. (1.5 điểm)
LÀM VĂN (5.0 điểm)
Anh/ chị hãy viết bài văn nghị luận về vai trò của rừng đối với con người và hậu quả của việc tàn phá rừng được gợi ra từ văn bản đọc hiểu. (5.0 điểm)
–
|
ĐÁP ÁN ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ II
Năm học: 2023 – 2024 Môn: Ngữ văn Lớp: 11 Ngày kiểm tra: 12 /03/2024 Thời gian làm bài: 90 phút |
PHẦN/CÂU | ĐÁP ÁN | ĐIỂM |
I.ĐỌC HIỂU VĂN BẢN | ||
1 | -Không gian: trong rừng
-Thời gian: trong chuyến đi đẵn gỗ của 6 lâm tặc *Chú ý: Thời gian: có thể ghi không xác định |
1.0 |
2 | -Ngôi kể: thứ 3 -Điểm nhìn: ngôi thứ 3 toàn tri |
0.5 |
3 | *Chú ý: Tùy vào cảm nhận, tư duy của HS để đánh giá điểm. | 1.0 |
4 | – Gãy lưng, ngoẻo, ngoẻo rất tươi!
-Hiện tượng mở rộng khả năng kết hợp của từ. -Tác dụng: sự kết hợp từ độc đáo, tăng hiệu quả diễn đạt trong việc miêu tả cái chết của Tần rất chân thực, sống động. |
1.0 |
5 | -Tư tưởng: Ca ngợi, khẳng định vai trò của rừng tự nhiên đối với con người. Qua đó, lên án và phê phán hành động tàn phá rừng bừa bãi.
-Thông điệp: Hãy trân trọng, gìn giữ và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. +Triết lí về “nhân quả báo ứng” giúp con người sống đẹp, sống tử tế hơn với tự nhiên, với đời, với người…. -Trình bày suy nghĩ về thông điệp tâm đắc nhất. *Chú ý: Tùy vào cách nhìn nhận, tư duy của HS để đánh giá điểm. |
1.5 |
II.TẬP LÀM VĂN | ||
1 | Mở bài:
-Giới thiệu về tác phẩm: Trong nền văn học Việt Nam, chủ đề về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên không mới mẻ. Nhưng tác phẩm “Máu của rừng” của tác giả Trung Phương lại phả vào chủ đề ấy một làn gió mới, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. -Nêu vấn đề nghị luận được đặt ra từ tác phẩm: Từ nội dung của tác phẩm, chúng ta nhận ra những hành động sai trái, tàn ác mà con người đã và đang gây ra đã hủy diệt rừng tự nhiên – nguồn sống của nhân loại. ->Thôi thúc chúng ta phải nhận thức lại về vai trò của rừng đối với con người và có những hành động thiết thực để bảo vệ nó…. |
1.0 |
Thân bài:
-Tóm tắt ngắn gọn tác phẩm và nêu ngắn gọn tư tưởng của tác phẩm -> rút ra vấn đề nghị luận: vai trò của rừng và hậu quả của việc tàn phá rừng. -Giải thích vai trò của rừng đối với con người: + Là tấm lá chắn bảo vệ con người khỏi những hậu quả nặng nề của thiên tai, bão lũ. + Là nguồn sống của con người: lọc bụi bẩn và đem đến bầu không khí trong lành cho con người. Rừng còn đem đến lợi ích kinh tế đáng kể nếu chúng ta biết khai thác hợp lí. Trong tác phẩm, đâu chỉ 6 người lâm tặc kia kiếm sống, làm giàu từ rừng mà cả làng của Sính đều đi đẵn gỗ, xem nó là nguồn lợi vô tận. + Đem đến hệ sinh thái đa dạng, làm đẹp cho thế giới tự nhiên của con người. Sính và những người bạn của mình đâu chỉ đẵn gỗ mà còn được thưởng thức những món thịt nướng thơm ngon từ các loài thú rừng. ->Thế nhưng, con người chỉ biết hưởng thụ, khai thác tận diệt nguồn lợi từ rừng mà quên mất rằng “cây cũng có hồn” và bọn họ đã “giết đến cả ngàn cây gỗ. Cả ngàn sinh mạng. Mọi sinh linh cây cỏ đều có hồn phách, để tạo lên thế giới sống này.” -Hành động tàn ác của con người với rừng tự nhiên đã bị trả giá: + Thiên tai, lũ lụt bất ngờ và ngày càng tàn khốc hơn bởi thiếu đi cánh rừng phòng hộ do sự ích kỉ, tham lam của con người. Con người bị đặt vào thế bị động, chống chọi yếu ớt và nhận lấy bao tai ương, hậu họa. Đâu chỉ có tài sản mà con người cũng bị hủy diệt. Nhà cửa tan hoang do lũ cuốn. Con người chìm trong dòng nước lũ. Sính và những người bạn của mình đã phải trả giá cho hành động phá hủy bà mẹ tự nhiên, cho sự tham lam của chính mình. Sính dù có sống sót đi chăng nữa nhưng có thể sẽ mù. Cuộc sống của hắn rồi đây sẽ chẳng thể êm đềm. + Bầu khí quyển ngày càng ô nhiễm khiến cho sự sống của con người đứng trước nguy cơ bị đe dọa. |
3.0 | |
+Hệ sinh thái cũng bị ảnh hưởng, dần mất đi sự đa dạng, làm thay đổi môi trường sinh thái.
->Những hành động sai trái, tàn phá rừng bừa bãi cần bị lên án, xử phạt nghiêm khắc. Không chỉ có Sính và những người bạn phải gánh chịu hậu quả đắt giá cho hành động của mình mà con người trên thế giới này cũng đang từng ngày “nếm trải” sự “trả thù” của thiên nhiên khắc nghiệt. -Quan điểm, thái độ về vấn đề nghị luận trong tác phẩm: +Tàn phá rừng là vấn đề “nóng hổi” trong xã hội ngày nay. Cùng với sự phát triển không ngừng của thế giới, con người đã “vô cảm” trước “người mẹ thiên nhiên”, khai thác tận diệt khiến chúng ta đang phải đối mặt với nhiều hiểm họa không thể lường trước được. Vì thế, khai thác nguồn tư liệu về môi trường đã và đang thu hút sự chú ý của người đọc, cảnh tỉnh con người về những hành động sai trái đối với rừng nói riêng, môi trường tự nhiên nói chung. +Người kể chuyện không hề xuất hiện nhưng trong từng chi tiết, hình ảnh đã toát lên sự thấm thía, ân hận và lên án mạnh mẽ hành động tàn ác của các nhân vật trong tác phẩm. Điều này đã làm nên giá trị nhân văn sâu sắc, thôi thúc chúng ta phải hành động bảo vệ “bà mẹ tự nhiên”. +Vì vậy, câu chuyện là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người để nhận thức đúng đắn hơn về vai trò của rừng cũng như hành động tích cực hơn trong việc bảo vệ môi trường sống tự nhiên. Bởi bảo vệ được tự nhiên nghĩa là bạn đang bảo vệ chính bản thân mình. -Ý nghĩa và phản biện – Rút ra bài học. |
||
Kết bài:
-Khẳng định lại giá trị của vấn đề. -Đánh giá đóng góp của tác phẩm về vấn đề và phương hướng ứng xử trong cuộc sống: |
1.0 | |