Đọc hiểu đoạn trích trong Truyện Kiều, Thuyết minh về đoạn Thuý Kiều ở lầu xanh

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ II

MÔN: NGỮ VĂN 11

Thời gian làm bài: 90 phút

 

 

ĐỌC HIỂU (6.0đ)

(Lược dẫn: Thúy Kiều bị Mã Giám Sinh đưa vào lầu xanh nên nàng quyết tự vẫn. Sợ mất cả vốn lẫn lời, Tú Bà dỗ dành Thúy Kiều ra ở lầu Ngưng Bích để “tìm nơi xứng đáng làm con cái nhà”, đồng thời mụ ta cấu kết với Sở Khanh để lừa nàng. Sau khi mắc mưu Sở Khanh, nàng tin lời hắn trốn khỏi lầu Ngưng Bích nên bị Tú Bà bắt lại, đánh một trận “uốn lưng thịt đổ, dập đầu máu sa”, Thúy Kiều buộc phải tiếp khách tại lầu xanh. Đoạn trích sau đây nói về tâm trạng của Thúy Kiều khi sống trong hoàn cảnh ấy). 

 

Ôm lòng đòi đoạn xa gần,

Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau!

Nhớ ơn chín chữ cao sâu1 ,

Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.

Dặm nghìn nước thẳm non xa,

Nghĩ đâu thân phận con ra thế này.

Sân hoè 2đôi chút thơ ngây,

Trân cam3ai kẻ đỡ thay việc mình?

Nhớ lời nguyện ước ba sinh,

Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?

Khi về hỏi liễu Chương Đài4,

Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay!

Tình sâu mong trả nghĩa dày,

Hoa kia đã chắp cành này cho chưa ?

Mối tình đòi đoạn vò tơ,

Giấc hương quan5 luống lần mơ canh dài.

Song sa vò võ phương trời ,

Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng.

Lần lần thỏ bạc ác vàng,

Xót người trong hội đoạn trường đòi cơn.

Đã cho lấy chữ hồng nhan,

Làm cho cho hại, cho tàn, cho cân.

Đã đày vào kiếp phong trần,

Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi.

(Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du, Đào Duy Anh hiệu khảo, chú giải, nhà xuất bản Văn học)

Chú thích:

(1). Chín chữ cao sâu: Sinh (đẻ), cúc (nâng đỡ), phủ (vuốt ve) súc (nuôi, cho bú, cho ăn), trưởng (nuôi cho lớn), dục (dạy dỗ), cố (trông nom), phục (tùy tính mà dạy), phúc (che chở). Chín chữ cao sâu chỉ ơn đức của cha mẹ cao như trời, sâu như biển.

(2). Sân hòe: Đời Tống Vương Hộ tự tay trồng ba cây hòe ở sản, nói rằng con cháu ta tất có người làm tam công. Sau này người ta thường dùng cây hòe để chỉ con cháu. Câu này chỉ em Thúy Kiều còn trẻ dại ở nhà với cha mẹ.

(3). Trân cam: Đồ ăn quý và ngon dâng cha mẹ.

(4). Liễu Chương Đài: Do điển Hoàn Hoành thời Đường lấy người kỹ nữ là Liễu thị, đi làm quan xa, để Liễu thị ở Chương Đài (Tràng An). Ý thơ là việc Kiều tưởng tượng khi Kim Trọng trở lại, hỏi thăm người tình cũ thì người tình ấy (tức là Kiều) đã sang tay kẻ khác mất rồi.

(5). Giấc hương quan: Giấc mộng về quê hương.

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Trong đoạn trích này, Thúy Kiều nhớ ai?

Câu 2. Xác định người kể chuyện trong đoạn trích.

Câu 3. Đoạn trích trên sử dụng hình thức ngôn ngữ nào

Câu 4. Chỉ ra chi tiết có vai trò quan trọng trong đoạn trích. Theo anh/chị, chi tiết đó có vai trò như thế nào trong việc thể hiện nội dung văn bản?

Câu 5. Anh/chị hãy xác định chủ đề của văn bản trên?

Câu 6. Dấu hiệu nào trong đoạn trích trên cho thấy đây là truyện thơ Nôm bác học?

Câu 7. Nhận xét về thái độ, tình cảm mà Nguyễn Du dành cho nhân vật qua đoạn thơ in đậm trong đoạn trích.

Câu 8. Qua đoạn trích trên, anh/chị suy nghĩ gì về số phận người phụ nữ trong xã hội cũ?

PHẦN VIẾT (4,0 điểm)

Dựa vào kiến thức đã học về tác gia Nguyễn Du, tác phẩm Truyện Kiều, anh/ chị hãy thuyết minh về đoạn trích trên.

ĐÁP ÁN ĐỀ MINH HỌA KTĐG GIỮA  KÌ II

               NĂM HỌC 2023-2024- MÔN: NGỮ VĂN 11

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6.0
  1 Trong đoạn trích này, Thúy Kiều nhớ gia đình và Kim Trọng 0.5
2 Tác giả Nguyễn Du 0.5
3 Độc thoại nội tâm 0.5
4 – Chi tiết có vai trò quan trọng là chi tiết : Ôm lòng đòi đoạn xa gần, Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau! – Đây là chi tiết tâm trạng, chi tiết này chất chứa nỗi niềm của Thúy Kiều. Nàng đau đớn thương xót cha mẹ, lo lắng khi nghĩ về em nhỏ, day dứt khi nhớ về Kim Trọng. Thúy Kiều là người có hiếu, có nghĩa, có tình. 0.75
5  – Đoạn trích nêu bật nỗi lòng đau đớn vì tha hương lưu lạc và cảm giác thời gian kéo dài nặng nề vì cuộc sống vô nghĩa của Thúy Kiều.

– Qua nỗi nhớ cha mẹ, các em và Kim Trọng của Thúy Kiều, ta thấy được nàng là cô gái giàu tình cảm, giàu đức hy sinh, khao khát thoát khỏi cuộc sống hiện tại, đoàn tụ với gia đình.

– Tình cảm xót thương, cảm thông của tác giả dành cho nhân vật Thúy Kiều.

0.75
6 Dấu hiệu trong đoạn trích trên cho thấy đây là truyện thơ Nôm bác học: -Nhân vật Thúy Kiều tài sắc hơn người, giỏi cầm kì thi họa , hiếu nghĩa đủ đường…

– Sử dụng nhiều điển tích, điển cố.

– Ngôn ngữ mang tính ước lệ tượng trưng giàu hình ảnh.

– Sử dụng các phép điệp, đối, ẩn dụ, so sánh,.. mang tính hình tượng.

0.75
7 – Bốn dòng thơ là sự đay nghiến, oán trách số phận hồng nhan. Bề ngoài Thúy Kiều có vẻ cam chịu, mà bên trong là sự lên án bất công của tạo hóa. Nguyễn Du dường như đã nhập thân để hiểu tận cùng nỗi đau của Thúy Kiều và bất bình thay cho nàng. Đồng thời thi nhân bày tỏ sự thương cảm, xót xa cho Thúy Kiều nói riêng và những những người phụ nữ “phận bạc” trong xã hội phong kiến nói chung. 1.0
8 – Học sinh viết đoạn văn có câu chủ đề, diễn đạt trôi chảy, thuyết phục với ít nhất 4 ý lí giải:

– Tài năng

– Cốt cách thanh cao; hiếu thuận, chung tình

– Coi trọng phẩm tiết

– Thân phận nhỏ bé, bị vùi dập, bị đồng tiền chi phối, chà đạp

1.25
II   VIẾT 4.0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài thuyết minh

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề

0.5
  b. Xác định đúng yêu cầu của đề.

Thuyết minh về giá trị tư tưởng và nghệ thuật của đoạn trích

0.5
  c. Triển khai vấn đề thuyết minh thành các luận điểm

Bài viết phải thể hiện được tính ngắn gọn, chính xác, khoa học và phù hợp với đối tượng thuyết minh; có các yếu tố bổ trợ để tăng tính hấp dẫn, đảm bảo các yêu cầu sau:

2.0
  – Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.

– Thân bài:

+ Giới thiệu ngắn gọn về con người, sự nghiệp văn chương của Nguyễn Du(thông tin cơ bản về tiểu sử và vị trí của ông trong nền văn học dân tộc)

+ Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác và thể loại của tác phẩm(xuất xứ, thể loại, thể thơ, đề tài, cảm hứng chủ đạo, bố cục, vị trí đoạn trích, tóm tắt nội dung cốt truyện cho tới trước đoạn trích)

+ Trình bày giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật của đoạn trích:

++ Giá trị tư tưởng: làm rõ tư tưởng nhân đạo lớn lao của Nguyễn Du và giá trị hiện thực của đoạn trích thông qua diễn biến tâm trạng của nàng Kiều; (đoạn trích đồng cảm, xót xa cho số phận bị vùi dập của Kiều; phê phán, tố cáo xã hội phong kiến với nhiều bất công ngang trái; trân trọng vẻ đẹp tâm hồn; nên trích thơ minh họa)

++ Giá trị nghệ thuật: sự hài hòa giữa ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân; nhiều từ ngữ, cách diễn đạt trở thành điển phạm cho các tác phẩm đời sau; nghệ thuật xây dựng nhân vật thông qua thủ pháp ước lệ, nghệ thuật miêu tả nội tâm thông qua ngôn ngữ độc thoại, ngôn ngữ nhân vật có tính cá thể hóa,…

+ Có thể sử dụng yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận,…

– Kết bài:

Khẳng định đóng góp của đoạn trích/ tác phẩm cho nền văn học

  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0.5
  e. Sáng tạo: Thể hiện trọng tâm và thuyết phục về vấn đề thuyết minh; có cách diễn đạt mới mẻ. 0.5
Tổng điểm 10.0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *