Đề văn k10 Thuật hứng 5, Con ngựa trắng của ba tôi, NLXH chấp nhận thất bại

ĐỀ K10 CẤU TRÚC MỚI 2025

PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

              THUẬT HỨNG

                    (Bài số 5)

Đến trường đào mận (1) ngạt chăng thông

Quê cũ ưa làm chủ cúc thông (2)

Sầu nặng Thiếu Lăng(3) biên đã bạc

Hứng nhiều Bắc Hải(4) chén chưa không.

Mai chăng bẻ, thương cành ngọc(5)

Trúc nhặt vun, tiếc cháu rồng(6).

Bui một tấc lòng ưu ái(7)

Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông

(Thơ văn Nguyễn Trãi, Tuyển chọn Phan Sĩ Tấn, Trần Thanh Đạm,

NXB Giáo dục 1980, tr. 41-42)

Chú thích:

(1) Đào mận: nơi quyền quí

(2) Cúc thông: cúc thông là những loại cây cỏ thanh cao tượng trưng cho cuộc sống của người ở ẩn.

(3) Thiếu Lăng: hiệu của nhà thơ Đỗ Phủ, nhà thơ yêu dân đời Đường.

(4) Bắc Hải: hiệu của Khổng Dung, nhà thơ đời Hán muốn dẹp loạn nhưng không thành công, tìm khuây khỏa trong chuyện làm thơ và uống rượu.

(5) Cành ngọc: hoa mai nở, nhìn như một cành xâu đầy chuỗi ngọc.

(6) Cháu rồng: người xưa gọi măng là long tôn (cháu rồng)

(7) Ưu ái: thương dân yêu nước.

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):

Câu 1. Xác định thể thơ được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 2. Dựa vào nội dung bài Thuật hứng (số 5), phán đoán hoàn cảnh sáng tác bài thơ.

Câu 3. Nêu hiệu quả của nghệ thuật đối được sử dụng trong hai câu thực.

Câu 4. Hai dòng thơ: Bui một tấc lòng ưu ái(7) cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi?

Câu 5. Theo anh/chị, cách ứng xử Quê cũ ưa làm chủ cúc thông có phù hợp với cuộc sống hiện nay không? Vì sao?

  1. PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích tâm trạng của nhân vật tôi trong đoạn trích sau:

Trong tất cả những kỷ niệm ba tôi để lại, cái làm tôi nhớ nhất và tôi không hiểu tại sao lại nhớ đến thế, là con ngựa kim hoa trắng của ba tôi. Những buổi trưa hè oi ả, mệt nhọc mang ba tôi từ những cánh rừng xa về, nó vui mừng hí lên khi nhận thấy cái mái nhà thân thiết trên đấy đậu mấy con chim bồ câu. Chân nó đập lên những lối đi quen biết, mồm nó ngoạm những cây cỏ ngon lành. Tôi chạy ra đón ba tôi và thường thường người giao cương cho tôi cột nó lại. Dưới cánh những con muỗi bay vo ve, nắng hoa xôn xao, da nó động đậy, mỡ mượt trong một vẻ đẹp đẽ, oai nghiêm riêng. Rồi những buổi trưa không còn có trong đời tôi nữa, tôi theo người nhà dắt nó đi tắm, đánh nó bơi qua sông. Tôi sung sướng cười vang trên mặt nước lòa nắng, cưỡi trên mình con ngựa kim hoa mà tiếng hí quen quen, tôi chắc đã lâu ngày rồi, không còn rền qua cánh đồng ngập cỏ nữa.

Bây giờ đời tôi chỉ còn lại những trời quạnh vắng, những buổi trưa đột nhiên vọng một tiếng gà gáy lạ lùng. Tôi thoáng thấy bóng người cưỡi ngựa về sau hàng rào, đi ngược lại thời gian, run run như chỉ đợi một hơi gió mơ hồ là biến mất.

Mẹ tôi bán dần dần nhà cửa, ruộng vườn để trả nợ, và cả con ngựa trắng cũng bị đổi lấy tám mươi đồng. Hôm mẹ tôi định bán nó đi, tôi thấy lòng buồn vô hạn. Tôi không mấy lúc rời cái buồng nhốt nó ra nữa, lưu luyến như đứa trẻ con bị đuổi khỏi căn nhà cũ, còn tiếc rẻ những chốn ăn nằm, đồ đạc quen thân. Tôi cầm một nắm cỏ đút vào mồm con ngựa trắng, vỗ vào mớ lông bờm trắng toát của nó. Từ ngày ba tôi mất đi, nó gầy gò thiểu não, mắt nó ướt và có ghèn, thỉnh thoảng cất tiếng hí không nhất định, mà tiếng hí mới buồn thảm làm sao!

                                                (Trích Con ngựa trắng của ba tôi, Hồ Dzếnh,

                             Nhà văn và tác phẩm trong nhà trường, Thạch Lam, Hồ Dzếnh,

NXB Giáo dục, 1999, tr. 139-140)

Câu 2. (4.0 điểm)

Abraham Lincoln từng nói:“Điều tôi muốn biết trước tiên không phải là bạn đã thất bại ra sao mà là bạn đã chấp nhận nó như thế nào?

Anh(chị) hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ ) trình bày suy nghĩ về vấn đề chấp nhận thất bại.

ĐÁP ÁN HƯỚNG DẪN

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Thể thơ Nôm Đường luật xen lục ngôn 0,5
2 Hoàn cảnh sáng tác bài thơ: Là khi Nguyễn Trãi cáo quan về ở ẩn tại quê nhà 0,5
3 Nghệ thuật đối được sử dụng trong hai câu thực là: Đối giữa “Sầu nặng” với “Hứng nhiều”; “Thiếu Lăng” với “Bắc Hải”; “biên đã bạc” với “chén chưa không”.

– Việc sử dụng nghệ thuật đối có tác dụng:

+ Khắc họa sự đồng điệu trong tâm hồn của những con người có tài có trí lớn. Thiếu Lăng (hiệu của Đỗ Phủ) mang trong mình nỗi sầu khiến mái tóc xanh đã thành bạc. Bắc Hải (hiệu của Khổng Dung) khi chí lớn không thành đã tìm khuây khỏa trong chuyện làm thơ, uống rượu nên chén chưa bao giờ để không.

+ Bộc lộ sự đồng cảm, thấu hiểu, trân trọng ngợi ca của nhà thơ dành cho Đỗ Phủ, Khổng Dung, những con người có hoài bão lớn. Từ đó, Nguyễn Trãi kín đáo bộc lộ tâm trạng, cảm xúc của chính mình.

+ Tạo sự cân xứng, nhịp nhàng cho hai câu thơ và làm tăng hiệu quả diễn đạt.

Hướng dẫn chấm: Mỗi ý trả lời được 0,25 điểm

0,25

 

 

0,75

4 – Hai câu thơ của Nguyễn Trãi đã khẳng định: Tấm lòng thương dân yêu nước của Nguyễn Trãi từ xưa đến nay vẫn như vậy. Và đêm ngày vẫn cuồn cuộn dâng lên như nước thủy triều ở biển đông.

– Hai câu thơ đã gợi trong em những suy nghĩ sâu sắc:

+ Nguyễn Trãi có tâm hồn thanh khiết, cao đẹp. Tấm lòng yêu nước thương dân của Nguyễn Trãi trước sau như một, luôn ắp đầy, sôi sục, cuộn chảy như nước thủy triều.

+ Thế hệ trẻ cần có thái độ ngưỡng mộ, trân trọng, ngợi ca, biết ơn Nguyễn Trãi; cần thức dậy tình yêu quê hương đất nước, tình yêu giống nòi, cộng đồng xã hội.

+ Thế hệ trẻ cần có hành động cụ thể để góp phần đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân, dựng xây quê hương đất nước.

Hướng dẫn chấm: Mỗi ý trả lời được 0,25 điểm

0,25

 

 

 

0,75

 

 

 

5 – Cách ứng xử Quê cũ ưa làm chủ cúc thông nghĩa là: Rời xa nơi quyền quí, trở về quê cũ sống với thiên nhiên, cỏ cây.

– HS bày tỏ quan điểm của bản thân: Phù hợp/ Không phù hợp/ Phù hợp một phần với cuộc sống hiện nay.

– Lí giải:

+ Nếu chọn “cách ứng xử đó phù hợp”, lí giải theo hướng: Cuộc sống hiện nay ngày càng phát triển, điều kiện kinh tế ngày càng tốt hơn. Thế nhưng cuộc sống giàu sang, quyền quí vốn nhiều cạm bẫy và dễ khiến con người tha hóa, đánh mất đi thiên lương. Vì thế chúng ta nên biết từ bỏ danh lợi, trở về cuộc sống giản dị, hòa mình vào thiên nhiên để di dưỡng tâm hồn.

+ Nếu chọn “cách ứng xử đó không phù hợp”, lí giải theo hướng: Khát khao giàu sang, quyền quí là khát vọng chính đáng của mỗi con người. Cuộc sống ngày càng phát triển, con người cũng cần phải để hòa nhập với cuộc sống để phát triển chính bản thân mình. Nếu chọn trở về với cuộc sống thuần nông, nghĩa là tự bản thân mình tách mình ra khỏi xã hội và ngày càng bị tụt hậu.

Hướng dẫn chấm:

– Lí giải hợp lí, đúng quan điểm đưa ra: 0,5 điểm

– Lí giải chung chung: 0,25 điểm

0,25

 

 

0,25

 

 

0,5

II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích tâm trạng của nhân vật tôi trong đoạn trích. 2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn:

 Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tâm trạng của nhân vật tôi 0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:

*Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

– Giới thiệu tên tác phẩm, tác giả: Truyện ngắn Con ngựa trắng của ba tôi, Hồ Dzếnh và vấn đề nghị luận: tâm trạng của nhân vật tôi.

– Phân tích tâm trạng của nhân vật tôi. Có thể theo một số gợi ý sau:

+ Nỗi nhớ da diết của nhân vật tôi về con ngựa kim hoa trắng cùng những kỉ niệm khi cha còn sống.

++ Nhân vật tôi hân hoan chạy ra đón ba cùng con ngựa khi người trở về từ những cánh rừng xa.

++ Nhân vật tôi sung sướng, hạnh phúc khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của con ngựa và được tắm, được cưỡi trên mình con ngựa.

+ Nỗi cô đơn, trống vắng, buồn bã của nhân vật tôi khi ba không còn và con ngựa bị bán đi.

++ Nhân vật tôi lưu luyến không muốn rời xa con ngựa – kỉ vật của người cha

++ Nhân vật tôi xót xa, buồn tủi khi nhìn thấy con ngựa gầy gò, thiểu não do thiếu vắng người chủ.

* Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của đoạn văn.

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

0,5
đ. Diễn đạt:

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ 0.25
  2 Viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ ) trình bày suy nghĩ về vấn đề chấp nhận thất bại. 4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Chấp nhận thất bại 0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý theo bố cục hợp lí ba phần của bài văn nghị luận.

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề: Chấp nhận thất bại

* Triển khai vấn đề nghị luận:

– Giải thích:

+ Thất bại là khi con người không đạt được mục tiêu mà bản thân đã đặt ra từ trước.

+ Chấp nhận thất bại: là thái độ sẵn sàng đón nhận và thừa nhận bản thân đã không đạt được mục tiêu, không hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ đã được đặt ra. Một người đã từng thất bại và có thể thất bại nhiều lần không phải là điều quan trọng nhất mà quan trọng nhất là bạn có sẵn sàng đối mặt và vượt qua thất bại không. Thái độ trước thất bại chính là thước đo phẩm giá con người.

Lí giải vì sao cần phải chấp nhận thất bại? 

+ Con đường đi tới thành công bao giờ cũng nhiều thử thách. Thất bại là điều khó tránh khỏi…Khi đứng trước thất bại, thái độ của con người cũng khác nhau: người biết “ chấp nhận” thì bình tĩnh đón nhận và chịu đựng những tổn thất do mưu sự không thành. Người không quen “ chấp nhận” thì đau đớn, tức giận, đổ lỗi cho hoàn cảnh số phận, bi quan, chán nản, không tiếp tục mục tiêu phấn đấu…

+ Khi thất bại, con người phải biết “ chấp nhận”, phải bình tĩnh phân tích nguyên nhân, tự rút kinh nghiệm cho bản thân, tìm mọi cách sửa chữa sai lầm để đi đến thành công.

+ Câu nói của Lincoln thể hiện thái độ đánh giá cao những người biết “ chấp nhận” thất bại. Vì đó là những người được tôi luyện, có bề dày kinh nghiệm, có bản lĩnh, hiểu giá trị của sự thành công.

– Dẫn chứng chứng minh

– Mở rộng vấn đề, phản đề:

+ Chấp nhận thất bại không phải là sự buông xuôi mà là thái độ dũng cảm đối mặt với thất bại để từng bước vượt qua thất bại.

+ Phê phán những con người hèn nhát không dám đối mặt với thất bại.

Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân:

Cần hiểu thất bại là trên đường đời là tất yếu. Vì thế, sau khi vấp ngã, cần biết chấp nhận và tìm ra con đường để đi đến thành công…

* Khẳng định lại vấn đề nghị luận

1,0
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Đảm bảo cấu trúc: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

– Triển khai ít nhất được hai luận điểm để làm rõ vấn đề nghị luận.

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: chấp nhận thất bại.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

1,5
đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản. 0,25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0,5
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *