Đề văn lớp 11 sách kết nối : viết văn bản thuyết minh về tác phẩm Thơ tình người lính biển

VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH VỀ MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

THƠ TÌNH NGƯỜI LÍNH BIỂN

                                                               Trần Đăng Khoa

Anh ra khơi

Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng

Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng

Biển một bên và em một bên

 

Biển ồn ào, em lại dịu êm

Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ

Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía

Biển một bên và em một bên

 

Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn

Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc

Thăm thẳm nước trời, nhưng anh không cô độc

Biển một bên và em một bên

 

Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên

Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng

Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng

Biển một bên và em một bên

 

Vòm trời kia có thể sẽ không em

Không biển nữa. Chỉ mình anh với cỏ

Cho dù thế thì anh vẫn nhớ

Biển một bên và em một bên…

                                                                                 (Hải Phòng, 1981)

 

* Trần Đăng Khoa sinh năm 1958, quê ở tỉnh Hải Dương. Thế giới thơ ông chân thực, hồn nhiên, có những bài chạm đến suy tư sâu sắc.

* Nhà thơ Trần Đăng Khoa sáng tác bài Thơ tình người lính biển vào năm 1981, khi ông đang là lính hải quân. Bài thơ đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc thành bài hát Chút thơ tình người lính biển.

Trả lời các câu hỏi sau (Theo ma trận của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản.

Câu 2: Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ

Câu 3: Trong khổ thơ thứ ba có những hình ảnh nào được nhân vật trữ tình nhắc tới?

Câu 4: Nêu mạch cảm xúc của bài thơ?

Câu 5: Anh/chị hiểu như thế nào về hình ảnh “những vành tang trắng” trong câu thơ “Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng”?

Câu 6: Anh/chị có nhận xét gì về tình cảm của tác giả được thể hiện qua bài thơ?

Câu 7: Trong bài thơ, bạn ấn tượng nhất với câu thơ nào? Vì sao?

Câu 8. Nếu là cô gái trong bài thơ, bạn muốn nói điều gì với người yêu là lính biển trong cuộc chia tay lưu luyến này?

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về tác phẩm trên

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Phần Câu Nội dung Điểm
I ĐỌC HIỂU 10,0
  1 Thể thơ: Tự do

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0,5
2 Nhân vật trữ tình trong bài thơ: người lính biển/ nhân vật trữ tình “anh”.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0,5
3 Những hình ảnh được nhân vật trữ tình nhắc tới trong khổ thơ thứ ba: thành phố lên đèn, tàu buông neo, chùm sao xa lắc, nước trời thăm thẳm, anh, biển và em.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời được từ 1-3 ý: 0,25

– Học sinh trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0,5
4 Bài thơ diễn tả dòng cảm xúc từ lúc chia tay ở bến cảng cho tới lúc người lính làm nhiệm vụ ở đảo xa; đồng thời, đan xen những suy tư về cá nhân và đất nước.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm

– Học sinh trả lời 01 ý tương đương đáp án: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

HS diễn đạt tương đương vẫn cho điểm tuyệt đối.

1,0
5 HS nêu cách hiểu về hình ảnh “những vành tang trắng” trong câu thơ “Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng”:

– Nghĩa thực: vành khăn trắng để tang những người đã mất vì thiên tai, bão tố.

– Nghĩa biểu tượng: những nỗi đau chung mà đất nước đã từng trải qua không chỉ bởi thiên tai mà còn là biết bao mất mát bởi chiến tranh. Nỗi đau ấy vẫn chưa nguôi ngoai trong lòng dân tộc…

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm

– Học sinh trả lời được 1 ý: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

HS diễn đạt tương đương vẫn cho điểm tuyệt đối.

1,0
6  HS đưa ra lời nhận xét của mình về tình cảm của tác giả được thể hiện qua bài thơ:

– Tình cảm của tác giả:

+ Đồng cảm, sẻ chia với cảm xúc lưu luyến của người lính biển trong phút chia tay người yêu.

+ Trân trọng, tự hào trước tâm hồn đẹp của người lính biển bởi ở họ luôn có sự hài hòa giữa tình cảm cá nhân và trách nhiệm với Tổ quốc.

– Nhận xét:

+ Đây là tình cảm chân thành, thể hiện trái tim sâu sắc, tinh tế của nhà thơ gửi tới những người đồng đội của mình.

+ Tình cảm của tác giả cũng là tiếng lòng chung của biết bao người Việt Nam yêu nước đối với những người lính biển.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời đúng như đáp án hoặc ý tương đương: 1,0 điểm

– Học sinh trả lời đúng được 01 ý trong đáp án hoặc 1 ý tương đương: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời có nội dung phù hợp, đảm bảo hai yêu cầu trên nhưng diễn đạt chưa tốt: 0,75 điểm

– Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm

1,0
7 HS cần trình bày được:

– Nêu được câu thơ mà mình ấn tượng nhất.

– Lí giải lí do ấn tượng của bản thân.

– Khẳng định vai trò của câu thơ trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án và lý giải thuyết phục: 1,0 điểm

– Học sinh nêu được tình cảm của bản thân nhưng lý giải chưa rõ ràng: 0,75 điểm

– Học sinh nêu được ấn tượng nhưng chưa lý giải: 0,5 điểm- Học sinh trả lời không hợp lí hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0
8 Học sinh có thể trả lời theo nhiều cách xử lí của bản thân trước tình huống đặt ra, miễn sao có sức thuyết phục. Sau đây là gợi ý:

– Thể hiện sự lưu luyến, nhớ thương và niềm tự hào khi có người yêu là lính biển.

– Khẳng định sẽ thường xuyên viết thư, nhắn tin, gọi điện…

– Động viên người yêu yên tâm công tác.

 Hướng dẫn chấm:

GV linh hoạt và tôn trọng các cách xử lí khác với gợi ý trong đáp án. Các cách xử lí khá thuyết phục đều đạt: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0,5

 

 

 

 

 

LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm

Trần Đăng Khoa đã ghi dấu tên tuổi của mình trong lòng độc giả với bài thơ Thơ tình người lính biển. Bài thơ ra đời cách đây đã hơn 30 năm nhưng sức lan tỏa của nó chưa hề mất đi.

Thân bài:

* Giới thiệu ngắn gọn về quê quán, gia đình, con người, sự nghiệp văn chương của tác giả

– Quê quán, gia đình, con người

Trần Đăng Khoa sinh năm 1958, quê ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Khi đang còn theo học lớp 10 ở trường phổ thông cấp 3 Nam Sách, ông đã nhập ngũ và phục chiến đấu ở Tiểu đoàn 691 Trung đoàn 2 Quân tăng cường Hải Hưng. Khi đất nước đã được hòa bình thống nhất, Trần Đăng Khoa đã được điều về quân chủng hải quân, tiếp đó ông theo học tại Trường Viết văn Nguyễn Du, được cử sang học ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Nga. Khi về nước ông công tác ở một số đơn vị trong Quân đội, năm 1994 ông đã về sinh hoạt ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ năm 2004 tác giả Trần Đăng Khoa đã chuyển về công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến nay.

– Sự nghiệp văn chương

Trần Đăng Khoa được biết đến là cây bút nổi bật trong nền thơ ca Việt Nam, ông là nhà thơ có nét riêng xuất sắc trong số những nhà thơ đương đại trước năm 1975. Ông luôn luôn có cái nhìn bao quát về cuộc sống, các chất liệu được dệt trong từng tác phẩm đa phần là sự vật quen thuộc xung quanh. Suốt quãng thời gian hơn 50 năm sáng tác, ông đã cho ra đời hơn 20 tập thơ và trường ca như: Bên cửa sổ máy bay, Khúc hát người anh hùng, Chân dung và đối thoại cùng một số tập bút ký cũng như tiểu luận phê bình. Đáng chú ý nhất vẫn là các tập thơ từ thuở bé như Từ góc sân nhà em, Góc sân và khoảng trời.

* Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác và thể loại của tác phẩm

– Nhà thơ Trần Đăng Khoa sáng tác bài Thơ tình người lính biển vào năm 1981, khi ông đang là lính hải quân có dịp đi nhiều vùng biển Tổ quốc, đến nhiều đơn vị hải quân, từ những hạm đội, hải đoàn đến những đảo xa tận Trường Sa. Bài thơ in trong tập “Bên cửa sổ máy bay” (1985), sau đó đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc thành bài hát Chút thơ tình người lính biển.

– Thê loại: Thơ trữ tình, thể thơ tự do

 * Trình bày giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm

Bài thơ là cuộc chia tay giữa anh lính hải quân với người yêu để xuống tàu làm nhiệm vụ bảo vệ biển trời thương yêu của Tổ quốc. Chia tay nhưng không hề bi lụy, bi thương mà vẫn ánh lên niềm tin, lạc quan và vẻ đẹp của tình yêu son sắt thủy chung. Bởi có lẽ người lính ở đây hiểu rõ hơn ai hết trong mối quan hệ giữa tình yêu cá nhân và tình yêu Tổ quốc chỉ có thể hài hòa và đẹp đẽ khi anh làm tròn được trách nhiệm của mình đối với quê hương. Bảo vệ Tổ quốc cũng chính là anh đang bảo vệ tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Bài thơ có giá trị tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc:

– Về tư tưởng, bài thơ thật bình dị, thật gần gũi. Cái bình dị, gần gũi được gói gọn trong tình yêu Tổ quốc thiêng liêng và tình yêu lứa đôi thủy chung của người lính biển. Câu thơ: “Biển một bên và em một bên…” được lặp lại như một điệp khúc trong năm khổ thơ. Nhịp điệu bài thơ khoan thai, dìu dặt tựa như những con sóng vỗ mạn thuyền. Biển, chính là Tổ quốc, còn em chính là tình yêu lứa đôi – đại diện cho cái rộng lớn và cái nhỏ bé. Cái chung và cái riêng cùng vun đắp cho khát vọng niềm tin của người lính biển. Tình cảm đó đã tạo thành câu thơ điệp lại năm lần trong năm khổ thơ dệt nên điểm nhấn cho bài thơ. Tất cả cùng hòa điệu trong âm hưởng “Biển một bên và em một bên…” tạo ra sự lan tỏa sâu rộng về tình yêu Tổ quốc quyện hòa cùng tình yêu lứa đôi lay thức trách nhiệm công dân trong lòng bao thế hệ. Chỉ một chàng trai lính biển rất đỗi yêu thương người bạn gái nhưng cũng ý thức rõ tình yêu chỉ thực sự đến với họ một khi chính anh làm tròn bổn phận người thanh niên đối với Tổ quốc. Đấy chính là lòng tự hào của tuổi trẻ, của tình yêu đã qua thử thách. Tình yêu chỉ đẹp khi biết đặt nó giữa cuộc đời, giữa ý thức công dân của tuổi trẻ đối với Tổ quốc.

– Về nghệ thuật, bài thơ có nhịp điệu dào dạt như những nhịp sóng vỗ bờ da diết, dìu dặt. Giọng điệu sâu lắng, âm hưởng trầm bổng, dạt dào thương nhớ, câu từ giản dị nhưng giàu sức gợi hình gợi cảm, kết hợp nhiều biện pháp nghệ thuật: So sánh, nhân hóa, ẩn dụ, điệp ngữ, đối lập tương phản. Đặc biệt câu thơ “Biển một bên và em một bên…” được nhắc đi nhắc lại năm lần, đều được đặt ở cuối khổ thơ kèm theo dấu ba chấm như không bao giờ dừng, là một dụng ý nghệ thuật đắc địa.

  1. Kết bài: Khẳng định đóng góp của tác phẩm cho nền văn học hoặc cho đời sống văn hóa của đất nước và thế giới.

Bài thơ là một bản tình ca đẹp về người lính biển. Người lính biển trong bài thơ không chỉ biết sống cho lí tưởng, cho tình yêu hải đảo, tình yêu Tổ quốc, mà còn rất nồng nàn, say đắm trong tình yêu đôi lứa.

Bài viết tham khảo:

Trần Đăng Khoa đã ghi dấu tên tuổi của mình trong lòng độc giả với bài thơ Thơ tình người lính biển. Bài thơ ra đời cách đây đã hơn 30 năm nhưng sức lan tỏa của nó chưa hề mất đi.

Trần Đăng Khoa sinh năm 1958, quê ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ông tha gia nhập ngũ và phục chiến đấu ở Tiểu đoàn 691 Trung đoàn 2 Quân tăng cường Hải Hưng. Khi đất nước đã được hòa bình thống nhất, Trần Đăng Khoa đã được điều về quân chủng hải quân, tiếp đó ông theo học tại Trường Viết văn Nguyễn Du, được cử sang học ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Nga. Khi về nước ông công tác ở một số đơn vị trong Quân đội, năm 1994 ông đã về sinh hoạt ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ năm 2004 tác giả Trần Đăng Khoa đã chuyển về công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến nay. Trần Đăng Khoa được biết đến là cây bút nổi bật trong nền thơ ca Việt Nam, ông là nhà thơ có nét riêng xuất sắc trong số những nhà thơ đương đại trước năm 1975. Ông luôn luôn có cái nhìn bao quát về cuộc sống, các chất liệu được dệt trong từng tác phẩm đa phần là sự vật quen thuộc xung quanh. Suốt quãng thời gian hơn 50 năm sáng tác, ông đã cho ra đời hơn 20 tập thơ và trường ca như: Bên cửa sổ máy bay, Khúc hát người anh hùng, Chân dung và đối thoại cùng một số tập bút ký cũng như tiểu luận phê bình. Đáng chú ý nhất vẫn là các tập thơ từ thuở bé như Từ góc sân nhà em, Góc sân và khoảng trời. Với những đặc sắc ở trong ngòi bút, ông đã ghi dấu ấn trong lòng độc giả biết bao nhiêu ký ức về miền tuổi thơ với chất thơ nhẹ nhàng, hồn nhiên mà cũng rất chân thực nhưng cũng không kém phần sâu sắc với nhiều tầng ý nghĩa khác nhau. Thơ của tác giả Trần Đăng Khoa không chỉ hồn nhiên, trong sáng mà còn du dương giống như những bản đồng dao với cách gieo chữ có hồn và có nhịp. Trong thơ của ông, nhạc điệu không chỉ là giai điệu của tâm hồn mà còn có khả năng tạo hình và tạo nghĩa rất tinh tế. Ngoài ra, nhà thơ Trần Đăng Khoa còn lồng ghép rất linh hoạt nhiều phép nghệ thuật như nhân hóa, ẩn dụ hoặc là từ láy khiến cho thơ của ông không chỉ hóm hỉnh, vui nhộn mà còn có chiều sâu rất rất tinh tế. Chính điều này đã khiến cho thơ của ông khác lạ so với các nhà thơ cùng độ tuổi lúc bấy giờ là cách đưa thế giới xung quanh vào trong từng tác phẩm bằng một tâm hồn sâu sắc cùng với đôi mắt quan sát nhạy bén.

Thơ tình người lính biển là bài thơ trữ tình, được viết theo thể thơ tự do. Bài thơ được Trần Đăng Khoa sáng tác vào năm 1981 khi ông đang là lính hải quân có dịp đi nhiều vùng biển Tổ quốc, đến nhiều đơn vị hải quân, từ những hạm đội, hải đoàn đến những đảo xa tận Trường Sa. Bài thơ in trong tập “Bên cửa sổ máy bay” (1985), sau đó đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc thành bài hát Chút thơ tình người lính biển.

Bài thơ là cuộc chia tay giữa anh lính hải quân với người yêu để xuống tàu làm nhiệm vụ bảo vệ biển trời thương yêu của Tổ quốc. Chia tay nhưng không hề bi lụy, bi thương mà vẫn ánh lên niềm tin, lạc quan và vẻ đẹp của tình yêu son sắt thủy chung. Bởi có lẽ người lính ở đây hiểu rõ hơn ai hết trong mối quan hệ giữa tình yêu cá nhân và tình yêu Tổ quốc chỉ có thể hài hòa và đẹp đẽ khi anh làm tròn được trách nhiệm của mình đối với quê hương. Bảo vệ Tổ quốc cũng chính là anh đang bảo vệ tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Mở đầu là hình ảnh cặp uyên ương chia tay nhau trên bến cảng. Người lính biển rảo bước cùng người yêu của mình và ở đó anh nhận ra những vầng mây treo ngang trời như những cánh buồm trắng. Đấy là những hình ảnh thân quen của người lính biển, như thôi thúc anh tạm xa người yêu về cùng với biển đảo thân yêu. Trong khoảnh khắc hạnh phúc thật dung dị, thật hiếm hoi này biển và em lại ngân lên. Đấy là Tổ quốc thiêng liêng, là tình em chung thủy đan cài…Trong khoảnh khắc hạnh phúc lứa đôi, họ sánh bước bên nhau nơi bến cảng xôn xao, nhà thơ đã khắc họa tính cách của biển và em: “Biển ồn ào, em lại dịu êm”. Hai hình ảnh ngỡ như tương phản nhau. Bởi cả hai đã lắng sâu trong trái tim người lính biển. Người con gái buông câu nói diết da, nén nỗi chia xa đầy luyến lưu rồi lặng lẽ mỉm cười, như lời động viên tha thiết của mình khi ngoài kia biển đang thôi thúc tinh thần và trách nhiệm của chàng trai. Để rồi người lính đi giữa cái chung và riêng trước phút chia tay mà hóa thân thành con tàu lắng sóng từ hai phía. Trong khoảnh khắc ấy, người lính biển chợt nhận ra nơi anh sẽ đến để thực hiện nghĩa vụ cao quý của mình bằng tâm thế thật lạc quan. Ở đó có thể là đảo chìm, đảo nổi, có thể anh đang cùng đồng đội trên tàu tuần tra…Vì lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, đã có không ít những người lính ra đi không trở về, thi thể họ vùi chôn nơi đáy biển. Và biết bao ngôi mộ gió khắc khoải ru hồn: “Đất nước gian nan chưa bao giờ bình yên / Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng”. Nhưng không vì thế làm cho thế hệ trẻ chùn bước. Theo tiếng gọi thiêng liêng của đất nước, họ sẵn sàng đi đến nơi đầu sóng ngọn gió để hoàn thành nghĩa vụ của mình một cách hiên ngang: “Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng”. Hình ảnh “Anh đứng gác” đã hóa thân thành cột mốc lãnh hải, là biểu tượng của lòng yêu nước và sự kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam. Từ thuở cha ông bằng thuyền nan dong buồm đi cắm mốc chủ quyền quốc gia trên biển. Các thế hệ của dân tộc ta luôn nối tiếp nhau vượt qua bao gian nan thử thách để giữ vững chủ quyền của dân tộc. Các anh luôn trung thành, luôn thủy chung với tình yêu đất nước, với tình yêu lứa đôi dẫu bao giả định, bao bất trắc có thể xảy ra. Đó là tình yêu vĩnh hằng thiêng liêng của người lính biển: “Vòm trời kia có thể sẽ không em / Không biển nữa. Chỉ mình anh với cỏ / Cho dù thế thì anh vẫn nhớ / Biển một bên và em một bên…”.

Bài thơ có giá trị tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc. Về tư tưởng, bài thơ thật bình dị, thật gần gũi. Cái bình dị, gần gũi được gói gọn trong tình yêu Tổ quốc thiêng liêng và tình yêu lứa đôi thủy chung của người lính biển. Câu thơ: “Biển một bên và em một bên…” được lặp lại như một điệp khúc trong năm khổ thơ. Nhịp điệu bài thơ khoan thai, dìu dặt tựa như những con sóng vỗ mạn thuyền. Biển, chính là Tổ quốc, còn em chính là tình yêu lứa đôi – đại diện cho cái rộng lớn và cái nhỏ bé. Cái chung và cái riêng cùng vun đắp cho khát vọng niềm tin của người lính biển. Tình cảm đó đã tạo thành câu thơ điệp lại năm lần trong năm khổ thơ dệt nên điểm nhấn cho bài thơ. Tất cả cùng hòa điệu trong âm hưởng “Biển một bên và em một bên…” tạo ra sự lan tỏa sâu rộng về tình yêu Tổ quốc quyện hòa cùng tình yêu lứa đôi lay thức trách nhiệm công dân trong lòng bao thế hệ. Chỉ một chàng trai lính biển rất đỗi yêu thương người bạn gái nhưng cũng ý thức rõ tình yêu chỉ thực sự đến với họ một khi chính anh làm tròn bổn phận người thanh niên đối với Tổ quốc. Đấy chính là lòng tự hào của tuổi trẻ, của tình yêu đã qua thử thách. Tình yêu chỉ đẹp khi biết đặt nó giữa cuộc đời, giữa ý thức công dân của tuổi trẻ đối với Tổ quốc.

Về nghệ thuật, bài thơ có nhịp điệu dào dạt như những nhịp sóng vỗ bờ da diết, dìu dặt. Giọng điệu sâu lắng, âm hưởng trầm bổng, dạt dào thương nhớ, câu từ giản dị nhưng giàu sức gợi hình gợi cảm, kết hợp nhiều biện pháp nghệ thuật: So sánh, nhân hóa, ẩn dụ, điệp ngữ, đối lập tương phản. Đặc biệt câu thơ “Biển một bên và em một bên…” được nhắc đi nhắc lại năm lần, đều được đặt ở cuối khổ thơ kèm theo dấu ba chấm như không bao giờ dừng, là một dụng ý nghệ thuật đắc địa. Qua đó bày tỏ tâm trạng, nỗi niềm, cả ý chí, nghị lực và quan niệm của tuổi trẻ giữa tình yêu đôi lứa và nghĩa vụ đối với Tổ quốc.

Bài thơ là một bản tình ca đẹp về người lính biển. Người lính biển trong bài thơ không chỉ biết sống cho lí tưởng, cho tình yêu hải đảo, tình yêu Tổ quốc, mà còn rất nồng nàn, say đắm trong tình yêu đôi lứa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *