Đề văn 11 Làm mẹ – Nguyễn Ngọc Tư, suy nghĩ về vẻ đẹp của sự đồng cảm – sẻ chia trong cuộc sống

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KỲ I – NĂM HỌC 2023-2024

MÔN: NGỮ VĂN – Lớp: 11

Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

ĐỌC – HIỂU (5,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

“Bây giờ chưa hết tháng ba nhưng mỗi tối từ chợ về, dì Diệu đã tranh thủ ngồi may đồ cho em bé. Đã biết là con gái nên bộ nào dì cũng dún bèo cổ, bèo tay, bèo lai áo… coi rất dễ thương ngộ mắt. Ban ngày, dì ra sạp vải, lúc nào có khách thì lo buôn bán, đo đắt, lúc nào rảnh dì ngồi đơm nút, vắt khuy. Tay dì tẩn mẩn xỏ từng đường kim tí xíu. Dì vừa làm vừa mủm mỉm cười một mình, rồi vui quá xá là vui, một mình vui không hết, dì Diệu khoe:

– Tui sắp có con gái rồi nghen.

Một người dòm lom com vô cái eo thon thả của dì rồi cười:

– Nói chơi hoài, có thấy bầu bì gì đâu…

Dì Diệu cười ngặt nghẽo, cười đến khi cái mũi thon thon xinh xẻo của dì ửng đỏ lên:

– Bốn mươi mấy tuổi rồi, bầu bì gì nữa. Tui xin con nuôi.

Mấy bà bạn bàn ra bàn vô, nói chuyện tò vò nuôi con nhện, chuyện con quạ nuôi tu hú nhằm lung lạc dì, nhưng dì Diệu vẫn khăng khăng chắc lòng chắc dạ, làm như dì đã thấy ràng ràng một tương lai chắc chắn rồi vậy. Thấy dì Diệu cười cười hoài, kiểu “chuyện của tui, chị em sao biết được”, thấy tức chết.

(Lược một đoạn: Vì có một khối u nhỏ trong người, dì Diệu không thể có con. Dù chú Đức, chồng dì chỉ cần hai vợ chồng sống hạnh phúc nhưng dì Diệu luôn canh cánh trong lòng. Chị Lành là người lao động thuê nhà trong khu, là người phụ nữ quá lứa, khỏe mạnh, chất phác và rất hiền lành. Gia cảnh nhà chị khốn khó, chị lại đang cần tiền gửi cho ba má. Chị Lành đắn đo nhiều lẽ, chị sợ những thâm tình ràng buộc, không tròn lời hứa với dì Diệu, sợ bà con dị nghị không chồng lại có con, chị cần tiền nhưng cũng cần con… Nhưng vì dì Diệu quá tốt, chị cũng đồng ý thụ tinh nhân tạo và có em bé trong sự vui mừng của hai người đàn bà).    

Dì Diệu bắt đầu chuẩn bị cho một đứa con ra đời. Dì mua mấy tấm hình em bé về dán trong căn nhà chị Lành. Đứa nào đứa nấy ú na ú nần, thấy cưng không chịu được. Dì biểu chị Lành phải siêng nhìn để sinh con ra nó sẽ xinh đẹp như thế. Chị Lành thắc mắc:

– Giống trong hình làm chi, giống ba giống má nó là được rồi.

Dì Diệu ngẩn người, ờ, dì bắt đầu nghĩ, đứa bé sinh ra sẽ giống ai, giống chú Đức đẹp người, giống dì trong trẻo, trẻ trung hay giống ……

– Nó sẽ giống cả ba người.

Dì chắc chắn như vậy.

Chị Lành thường lén trốn dì Diệu đi gánh nước. Hồi chưa có bầu thì gánh đầy, bây giờ gánh lưng thùng. Chị muốn gởi về cho má nguyên số tiền đó mà không mẻ một đồng nào. Bây giờ, có con, chị thương má nhiều thiệt nhiều. Dì Diệu có hôm dọn hàng về sớm, thấy chị Lành vắt vẻo đôi thùng trên đường mà lòng xót xa:

– Con của chị em mình giờ là cục máu mỏng manh lắm, em làm vậy không được đâu.
Chị Lành rân rấn nước mắt cái câu “con của chị em mình”. Dì Diệu dỗ, “em mà khóc hoài, em bé sinh ra mặt sẽ buồn cho mà coi”. Rất nhẹ và dịu dàng, lòng hai người đàn bà tự dưng chỉ nghĩ về chỗ đứa con.

(…) Dì Diệu cười, rồi làm như một cơn gió từ đâu xộc tới, tim dì riết lại một nỗi đau. Dì thèm biết bao nhiêu cái cảm giác che chở cho một sinh linh sống trong mình, để được thèm tới cùng, tới chảy nước dãi món ngọt, món chua, để có thể cảm nhận từ trái tim chứ không phải bằng bàn tay đôi bàn chân bé bỏng quẩy đạp bụng mình thon thót. Đó là những thứ cảm giác thiêng liêng không vay mượn, thuê mướn được: cảm giác làm mẹ. Dì bắt đầu lo lắng, mình đã làm một việc đúng không.

Chỉ còn một tháng hai mươi ngày nữa, đứa bé sẽ ra đời. Dì Diệu tính từng ngày, từng bữa. Chị Lành tính từng ngày từng bữa. Người trông cho mau, người trông đừng bao giờ đến. Dì Diệu cố quên cái vẻ mặt buồn bã, van nài của chị Lành. Chị biết, khi đứa bé khóc ngoe ngoe cất tiếng khóc chào đời, là chị với nó sẽ phải chia lìa. Hợp đồng đã ghi rõ ràng như vậy. Chị thấy thương mình, thương con và thương dì Diệu. Chị rối rít ăn, rối rít ngủ vì biết rằng mai nầy rồi chẳng còn nhau…

Một sáng, chị Lành biến mất.

Dì Diệu kêu chú Đức về, nước mắt ròng ròng khi thấy bóng chồng qua cửa. Chú đau lòng bảo thôi bỏ đi, dì Diệu cãi, “em bỏ không đành, anh à”. Chú cũng thấy rằng bỏ không được. Máu mủ ruột ràng mình mà bỏ sao được. Hai người đi tìm xơ bơ xấc bấc. Không có, không gặp. Dì Diệu về quê, bà mẹ già chị Lành tay run bẩn, vừa đau vừa xót.

– Vậy ra nó không nói gì với cô sao… Tui hay tin nó hư hỏng, tôi từ nó rồi, tui tính bỏ nó luôn, nhưng thiệt tình tui thương nó lắm, phải nó về, tui cũng nuôi.

Dì Diệu lau nước mắt cho mẹ chị Lành, lòng nghĩ, làm sao mình lại để ra nông nỗi nầy. Dì không tiếc tiền của, sông sức, dì cũng không tiếc tình thương dồn đắp cho chị Lành, dì chỉ cảm thấy xót xa cho mình “làm người thì ai lại đi giành con với người ta”, dì luôn dằn vặt vậy.

Dì Diệu bỏ sạp vải tối ngày chạy xe long rong ngoài đường để may ra tìm được bóng người …

Khi đã không trông chờ gì, một ngày, khi mở cửa, dì Diệu nhìn thấy chị Lành đang ngồi ngoài hàng ba và khóc.

Những người có tình có nghĩa, dễ gì bỏ được nhau.

Dì Diệu cắn cho môi vằn đỏ dấu răng, dì ôm chị Lành vào lòng rất chặt. Dì cảm nhận được từ trái tim bàn chân bé bỏng của đứa bé đang lòi chòi. Nó háo hức nằm giữa hai tấm lòng của hai bà mẹ.

Dì Diệu đi lấy tờ hợp đồng ra và đốt cháy thành một tờ tro mỏng. Đôi khi người ta hay bày chuyện nầy chuyện nọ để làm xao động cuộc đời đang hết sức yên bình, lãng nhách vậy đó…”

(Trích Làm mẹ – Nguyễn Ngọc Tư)

Trả lời câu hỏi:

Câu 1. Đoạn trích trên sử dụng những phương thức biểu đạt nào?

Câu 2. Xác định ngôi kể của đoạn trích.

Câu 3. Giải thích ý nghĩa nhan đề “Làm mẹ.

Câu 4. Kết thúc tác phẩm là hành động dì Diệu: “Dì Diệu đi lấy tờ hợp đồng ra và đốt cháy thành một tờ tro mỏng. Đôi khi người ta hay bày chuyện nầy chuyện nọ để làm xao động cuộc đời đang hết sức yên bình, lãng nhách vậy đó…”. Anh/chị hãy nêu ý nghĩa kết thúc của tác phẩm?

Câu 5. Nhận xét nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Ngọc Tư trong tác phẩm “Làm mẹ”?

Câu 6: Thông điệp nào có ý nghĩa sâu sắc nhất với anh/chị sau khi đọc đoạn trích trên?

VIẾT (5,0 điểm)

Từ truyện ngắn “Làm mẹ” của Nguyễn Ngọc Tư, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về vẻ đẹp của sự đồng cảm – sẻ chia trong cuộc sống.

 

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KỲ I – NĂM HỌC 2023-2024

MÔN: NGỮ VĂN – Lớp: 11

Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

  1. ĐỌC – HIỂU (5,0 điểm):

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

(Lược phần đầu: Nhân vật tôi kể về chuyện gia đình mình, “người ba” lấy người vợ đầu – nhân vật “dì” – không được bà nội đồng ý nên ra ở riêng trên một con thuyền lênh đênh trên sông. Khi đứa con bị ngã xuống sông chết đuối, “người ba” bỏ người vợ đó, về nhà lấy nhân vật “má tôi” theo sắp xếp của bà nội rồi sinh ra nhân vật “tôi”. Tuy nhiên ông vẫn nhớ về người vợ cũ nên lúc nào cũng thẫn thờ ra sông, còn người vợ cũ thì cắm sào neo ghe ở ngã ba sông trước nhà chồng cũ ngó mong hoài. Nhân vật “má tôi” giận hờn, buồn phiền mãi vì mẹ chồng đã để chồng cưới mình nhưng không có tình yêu. Sau đó, “má tôi” thấy mẹ chồng bứt rứt cũng không tỏ ra phiền muộn nữa, cốt để an ủi lúc cuối đời. Khi mẹ chồng vừa khuất, nhân vật “má tôi” quyết định gặp “đối thủ” một lần, chỉ định nhìn vậy thôi, chưa biết làm gì mà cũng không biết làm gì người ta, nhưng chắc chắn phải bảo người ta buông tha chồng mình, không neo ghe trước nhà nữa).

(…) “Họ ngồi đối mặt với nhau. Má tôi thấy lòng mình bình lặng lạ lùng, hồi ngồi dựng cái cảnh gặp mặt nầy, cứ tưởng là phải làm một cái gì ghê gớm lắm. Có thể vì người đàn bà của ba tôi hiện lên rất hiền, dì mặc chiếc áo cộc tay mầu cau khô ở trong, khoác thêm chiếc áo bà ba ở ngoài, mỏng te, nhiều mụn vá. Tóc đã bạc nhiều, lơ thơ vài cọng rủ xuống mặt. Sương gió đã làm cho khuôn mặt dì đen sạm, nhăn nheo. Má tôi nghĩ thầm trong bụng: “Xấu hơn mình nhiều”. Má tôi sợ cứ nhìn chằm chằm người ta hoài cũng không phải nên má ngó lơ chỗ khác. Ðồ vật trên ghe món nào cũng nhỏ nhắn, tuềnh toàng. (…) Má tôi hỏi:

– Chị đi ghe một mình à, một mình cũng được sao?

– Dà, cũng được, chị.

– Ủa, chồng chị đâu?

– Dà, dì bối rối, ảnh… đi xa lắm.

– Còn chồng tôi thì theo vợ bé mất rồi, má tôi nói luôn.

Dì nhìn sững má, dường như để xem xem nỗi đau mất chồng của má với dì có giống nhau. Hồi lâu, dì chợt cúi mặt:

– Uống trà, chị, hoàn cảnh của chị cũng buồn thiệt. Nhưng thể nào rồi ảnh cũng quay về. Thiệt đó chị, đa số đàn ông đều tốt.

(…) Sát bên hông dì, dưới tấm vải trắng thêu dở là hai xấp quần áo cũ, người lớn có, trẻ con có được xấp ngay ngắn, nhưng hết thảy đều cũ kỹ, bạc mầu. Má tôi vọt miệng:

– Ủa, chị có cháu nhỏ à?

Sau nầy, má tôi nói, đó là cái câu tàn độc nhất mà má lỡ miệng đánh ngay vào nỗi đau của dì. Dì nhìn trân trân vào ngọn đèn, cái nhìn đau nặng. “Con bé Phước nhà tôi vô phước lắm chị à, tại tôi không cẩn thận nên cháu vừa mới biết bò đã té sông, trôi mất. Cũng mười mấy năm rồi, bây giờ nó còn sống, chắc tôi thêu gối cưới cho nó cũng vừa. (…) Mớ đồ nầy tôi cất lâu rồi, sợ mốc, cứ mấy tháng là tôi đem ra giặt lại, của con bé con tôi có, của chồng tôi có. Chồng tôi… tôi chỉ còn giữ lại bao nhiêu đây thôi. Chị coi, tôi khùng hôn, không giặt thì không được mà giặt hoài, tới hơi chồng cũng bay, tôi cũng quên mất rồi…”.

Dì cười quay quắt. Má tôi chút nữa đã bật khóc, bà cố nén nghẹn ngào:

– Ðàn bà mình sao khổ vậy?

Tiếng gà gáy xa xa, con nước đêm nay mau lớn quá, mới đây thôi đã ngập nửa cây sào neo ghe rồi. Lúc nầy, nước lớn không nghe bìm bịp kêu, mà nhờ không có, chứ nghe bìm bịp kêu càng buồn nữa. Má tôi ngồi bình tâm lại, vậy thì mình nhỏ nhen gì mà giành với người ta chút nầy nữa. Năm nầy qua năm khác mình được sống chung với ảnh, ban ngày ngoài ruộng, ban đêm chung giường. Ngó mặt nhau ăn cơm, ngủ cũng đấu mặt lại ngủ… Còn người ta, nhớ thương đứt ruột, có thể chạy ào lại để gặp nhau nhưng vì lương tâm không làm được, đành ngồi đây ngó lên, ngồi ở trên ngó xuống. Ðau lắm chớ. Má tôi nhìn ra ngoài trời, vẫn còn khuya lắm, nhưng đã thấy mấy chiếc xuồng đi chợ sớm lướt qua, tiếng mái chèo quẫy chũm trên mặt sông ngọt, nhẹ, cứ tưởng từng lát nước xếp lên nhau như những lát đất cày. Dường như trời bớt gió nhiều rồi. Dì nghiêng đầu ra ngó trời, chừng như nuối tiếc, thảng thốt:

– Trời đất, đêm qua lẹ thiệt. Chắc tôi phải đi bây giờ.

– Sớm vậy sao?

– Dạ, tôi thường đi… trước lúc người ta thức…

– Tại tôi nhiều chuyện làm chị thêu không xong…

– Không, người đàn bà cười, nét mặt thốt nhiên buồn bã, tôi thêu cho hết đêm, xong rồi lại tháo chỉ ra thôi, tôi sợ, nếu không làm gì, tôi… tôi sẽ nhớ chồng con tôi rồi mắc… khóc, cầm lòng không được. Mà, đàn ông chịu cực khổ nhiều lắm rồi, lấy nước mắt trói buộc họ nữa, tội họ lắm, chị à.

Vậy rồi hai người chia nhau đi. Ghe nổ máy rồi, khói xịt tơi bời, dì còn dặn lại: “Nếu ảnh có quay về, chị đừng giận ảnh nghen. Người ta có đi đâu làm gì thì cũng thương mình chị thôi”. Má tôi không nói, quay đi và khóc.

Tháng sau, má tôi quyết định gom mớ của cải cả nhà có được ra chợ, mua cái nhà. Ba tôi biết chút ít nghề mộc nên nhận đóng tủ, bàn ghế ở nhà, má tôi chiên đậu hũ bỏ mối, chị tôi mở tiệm may, tôi vào đại học. Mọi thứ được sắp đặt lại, mới mẻ, gọn ghẽ. Má tôi bắt ba phải xa sông, nhưng chính bà cũng biết, những dòng nhớ vẫn tiếp tục chảy mãi trong hồn ông. Má tôi cũng không kể với ba cái đêm gặp “tình địch” ấy, nhưng mãi mãi, mỗi khi cả nhà ngồi ăn cơm, tim má lại hiện lên hình ảnh cái rổ úp chén đan bằng nan tre đã xỉn mầu, trên đó có cái dĩa, cái tô và ba cái chén, ba đôi đũa như thuở người đàn bà trên ghe còn nguyên một gia đình.

… Bây giờ má tôi muốn gặp dì, nhưng lâu quá, chờ hoài không thấy dì ghé lại đậu ngoài bến như ngày xưa, đã mười mấy năm rồi, không biết có biến cố gì không. Chỉ tội má tôi tảo tần kiếm cho kỳ được. Tôi hỏi má tìm làm gì, má tôi nói để cho hai người gặp lại, coi thần trí ba mầy có đỡ hơn không. Rồi thì ba tôi cũng mỏi mòn nằm xuống trên mảnh vườn của nội tôi, bình yên. Má tôi vẫn không ngừng tìm kiếm dì, hỏi để làm gì, má tôi nói để cho dì hay và nói với dì, nếu sống mà không gần được chừng nào chết, mời dì lên nằm trên đất vườn tôi.

Ðó là nỗ lực cuối cùng má tôi làm để chấm dứt cái cảnh ba nằm bên má mà hồn vẫn hướng về những dòng sông miên man chảy.”

(Trích Dòng nhớ – Nguyễn Ngọc Tư)

Trả lời câu hỏi:

Câu 1: Đoạn trích trên sử dụng những phương thức biểu đạt nào?

Câu 2: Xác định ngôi kể của đoạn trích trên.

Câu 3:  Giải thích ý nghĩa nhan đề “Dòng nhớ.

Câu 4: Truyện không kết thúc ở cuộc chia tay giữa hai người phụ nữ mà kể tiếp chuyện nhân vật “má tôi” đi tìm người vợ cũ của chồng suốt mười mấy năm với “nỗ lực cuối cùng … để chấm dứt cái cảnh ba nằm bên má mà hồn vẫn hướng về những dòng sông miên man chảy.”. Anh/chị hãy nêu ý nghĩa phần kết thúc của tác phẩm?

Câu 5: Nhận xét nghệ thuật kể chuyện của tác giả trong truyện “Dòng nhớ”?

Câu 6: Thông điệp nào có ý nghĩa sâu sắc nhất mà anh/chị nhận được từ đoạn trích trên?

VIẾT (5,0 điểm)

            Từ tác phẩm “Dòng nhớ” của Nguyễn Ngọc Tư, anh/ chị hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về vẻ đẹp của của sự đồng cảm – sẻ chia trong cuộc sống.

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ I – NĂM HỌC 2023-2024

Môn: Ngữ văn, lớp 11

(Đáp án và hướng dẫn chấm gồm 9 trang)

ĐỀ 1

Phần Câu Nội dung Điểm
I Đọc hiểu (5,0 điểm)
1 Những phương thức biểu đạt: Tự sự, miêu tả, biểu cảm

Hướng dẫn chấm:

 Hs trả lời như đáp án: 0,75 điểm

Hs nêu đúng 2 phương thức biểu đạt: 0,5 điểm

Hs nêu đúng 1 phương thức biểu đạt: 0,25 điểm

Hs trả lời sai hoặc không trả lời: 0 điểm

0,75
2 Ngôi kể thứ 3

Hướng dẫn chấm:

 Hs trả lời như đáp án: 0,75 điểm

Hs trả lời sai hoặc không trả lời: 0 điểm

0,75
3 Ý nghĩa nhan đề “Làm mẹ”:

– Nhan đề giống như một lời trần thuật, thông báo thời điểm đặc biệt đó là được làm mẹ.

– Nhan đề thể hiện sự đồng cảm với khao khát làm mẹ của người phụ nữ, đó là thiên chức, là niềm tự hào của phụ nữ, đồng thời hé lộ nỗi đau, bi kịch và cả sự yêu thương, thấu hiểu của hai người đàn bà – hai người mẹ.

– Trân trọng, ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, sự đồng cảm và thấu hiểu giữa người với người, trân trọng niềm hạnh phúc gia đình.

Hướng dẫn chấm:

Hs trình bày như đáp án: 1,0 điểm

Hs nêu được 2 ý như đáp án: 0,75 điểm

Hs nêu được 1 ý như đáp án: 0,5 điểm

1,0
4 Ý nghĩa kết thúc tác phẩm: Truyện kết thúc bằng hành động dì Diệu đốt tờ hợp đồng sinh nở có ý nghĩa đặc biệt:

– Về nghệ thuật: đây là một kết thúc mở, một kết thúc có hậu tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn cho người đọc.

– Về nội dung:

+ Nó khắc họa rõ nét hơn vẻ đẹp của dì Diệu: sự thấu hiểu, chia sẻ cảm thông và sự trân trọng của dì dành cho chị Lành.

+ Thể hiện thông điệp: đề cao vẻ đẹp của tình người, vẻ đẹp của tình mẫu tử.

Hướng dẫn chấm:

Hs trình bày đầy đủ như đáp án: 1,0 điểm

Hs chỉ ra được ý nghĩa về mặt nghệ thuật: 0,25 điểm

Hs nêu được 2 ý nghĩa về mặt nội dung: 0,75 điểm

Hs nêu được 1 ý nghĩa về mặt nội dung: 0,5 điểm.

1,0
5 Nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Ngọc Tư trong tác phẩm Làm mẹ rất đặc sắc:

– Xây dựng tình huống truyện ý nghĩa: xoay quanh hành trình kiếm tìm con của cặp vợ chồng vô sinh, kết cấu truyện bất ngờ, hợp lí, có sự đan xen của các lớp thời gian.

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc (nhân vật dì Diệu, nhân vật chị Lành…)

– Chi tiết truyện đặc sắc (cách dì Diệu chuẩn bị đón đứa trẻ; tình yêu của chú Đức với dì Diệu, hành động bỏ trốn của chị Lành; hành động đốt tờ giấy hợp đồng đẻ mướn giữa dì Diệu và chị Lành thành một tờ tro mỏng;…)

– Ngôn ngữ giản dị, biểu cảm, đậm chất Nam Bộ.

Hướng dẫn chấm:

–         Học sinh trình bày được như đáp án: 1,0 điểm

–         Học sinh nêu được 3 ý: 0,75 điểm

–         Học sinh nêu được 2 ý: 0,5 điểm

–         Hs nêu được 1 ý: 0,25 điểm.

1,0
6 – Học sinh tự lựa chọn thông điệp để lại ấn tượng sâu sắc nhất.

Tham khảo: Cần có tấm lòng cảm thông, yêu thương, thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia với những người xung quanh ta; cần trân trọng tình mẫu tử…

– Lí giải: HS tự lí giải thông điệp thuyết phục, hợp lý

Hướng dẫn chấm:

–         Học sinh rút ra được thông điệp: 0,25 điểm

–         Học sinh lí giải thông điệp thuyết phục, hợp lý: 0,25

0,5
II Viết Từ truyện ngắn “Làm mẹ” của Nguyễn Ngọc Tư, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về vẻ đẹp của sự đồng cảm – sẻ chia trong cuộc sống. 5,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề

Từ tác phẩm (đoạn trích) Làm mẹ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nêu suy nghĩ về vẻ đẹp của sự đồng cảm – sẻ chia trong cuộc sống.

0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách; đảm bảo các yêu cầu sau:

3,75
1. Mở bài: Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề:

– Giới thiệu về tác giả Nguyễn Ngọc Tư và truyện ngắn “Làm mẹ

– Giới thiệu về vấn đề vấn đề nghị luận: Sự đồng cảm và chia sẻ trong cuộc sống.

0,5
2. Thân bài: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, cần đảm bảo một số nội dung cơ bản sau:

2.1. Giới thiệu và phân tích vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học:

a. Tóm tắt cốt truyện và nêu vấn đề:

– Truyện ngắn “Làm mẹ” được xây dựng trên một tình huống tâm lí, xoay quanh hành trình tìm kiếm một đứa con của cặp vợ chồng vô sinh:  dì Diệu nhờ chị Lành mang thai hộ, nhưng cả hai người đàn bà đều yêu thương đứa trẻ, không nỡ rời xa. Thế rồi, phụ bao công ân cần chăm sóc của dì Diệu, đến lúc sắp tới ngày trở dạ thì chị Lành bỏ đi, mang theo đứa bé, mang theo bao nhiêu yêu thương, hi vọng của cả gia đình dì Diệu. Cuối cùng, Dì Diệu tìm thấy chị Lành và dì quyết định xé tờ hợp đồng. Hai người đàn bà ôm nhau khóc trong hạnh phúc.

– Câu chuyện làm ngời sáng lên vẻ đẹp của sự đồng cảm và sẻ chia trong cuộc sống giữa người với người.

b. Biểu hiện sự đồng cảm – sẻ chia trong truyện Làm mẹ:

+ Sự đồng cảm và chia sẻ trước hết thể hiện trong mối quan hệ vợ chồng giữa dì Diệu và chú Đức:  Chính sự đồng cảm và chia sẻ tạo nên những yêu thương và quan tâm dịu ngọt, làm vơi bớt đi nỗi buồn, nỗi trống vắng và thất vọng trong lòng, để cả hai người có thể tiếp tục sống bên nhau trong hạnh phúc, dẫu là hạnh phúc chưa trọn vẹn.

– Sự đồng cảm và chia sẻ được thể hiện rõ rệt nhất trong tình huống Dì Diệu nhờ chị Lành mang thai:

+ Chị Lành vì thương và hiểu khao khát của Dì Diệu mà đồng ý mang thai bất chấp những điều tiếng, thiệt thòi mà mình có thể gặp phải.

+ Dì Diệu vì thương và đồng cảm với thiệt thòi của chị Lành mà quan tâm hết mực.

+ Khi chị Lành bỏ đi, Dì Diệu không giận dữ hay oán trách.

+ Khi chị Lành quay về, Dì Diệu thương yêu, ôm lấy chị, khóc và xé bản hợp đồng. Chị Lành sẽ không phải đi xa sau khi sinh con nữa. Đứa con sẽ thực sự là “con của chúng ta“, “giống cả ba người” như dì Diệu đã từng chia sẻ. Và như thế, đứa bé sẽ có hai người mẹ, hai người mẹ cùng hạnh phúc.

c. Ý nghĩa:

– Đây là câu chuyện vô cùng xúc động, vượt qua cảnh ngộ éo le của bản thân, sự thấu hiểu đã đưa hai người phụ nữ đến gần nhau hơn và sưởi ấm cho nhau những phần thua thiệt của cuộc đời. Họ đã đặt mình vào vị trí của nhau để đồng cảm, sẻ chia, để rồi từ một bản hợp đồng của việc đẻ thuê, đẻ mướn – đứa bé cùng tình yêu thương đã kéo họ lại gần nhau, hiểu cho nhau và trở thành 2 người mẹ của đứa trẻ sắp chào đời.

–  Sự đồng cảm và sẻ chia đã đem lại hạnh phúc cho cả 2 người đàn bà.

– Hình ảnh kết thúc tác phẩm hé lộ vẻ đẹp của tình mẫu tử, của sự đồng cảm – sẻ chia làm ấm lòng bạn đọc.

Hướng dẫn chấm:

–         Hs biết kết hợp lí lẽ, dẫn chứng để phân tích làm sáng tỏ vấn đề một cách sâu sắc, thuyết phục: 1,0 điểm

–         Hs còn phân tích chung chung, sơ sài: 0,5-0,75 điểm

–         Hs không phân tích làm sáng tỏ vấn đề trong tác phẩm: 0 điểm.

1,0
2.2.  Bàn luận về vấn đề xã hội trong đời sống.

a. Giải thích khái niệm:

– Đồng cảm có nghĩa là biết rung cảm trước những vui buồn của người khác, đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu họ.

– Chia sẻ tức là san sẻ và giúp đỡ về vật chất và tinh thần với người khác, để họ có thể vượt qua khó khăn, trắc trở.

=> Đồng cảm và chia sẻ chính là chìa khóa để ta bước vào thế giới tâm hồn của người khác, để cùng nhau gắn kết và xây dựng một cuộc sống trong yêu thương và hạnh phúc.

b. Biểu hiện: hs chỉ ra những biểu hiện của sự đồng cảm – sẻ chia trong đời sống: một ánh mắt, một nụ cười khích lệ, một cái siết tay thật nhẹ, một cái ôm và một lời nói…

c. Vai trò/ý nghĩa của sự đồng cảm và sẻ chia trong đời sống: Hs kết hợp lí lẽ và dẫn chứng để phân tích làm sáng tỏ vai trò/ ý nghĩa của sự đồng cảm – sẻ chia trong đời sống, tham khảo một số gợi ý sau:

– Sự đồng cảm với cảnh ngộ của người khác sẽ giúp san sẻ những khó khăn, thiệt thòi về cả tinh thần, vật chất với những người xung quanh.

– Đồng cảm sẻ chia sẽ kéo gần khoảng cách giữa người với người và là khởi nguồn cho những điều tốt đẹp.

– Đồng cảm, sẻ chia trong các mối quan hệ là chất keo dính bền chặt, lâu dài.

– Có đồng cảm, sẻ chia với nhau thì mới thấu hiểu cho nhau, tin tưởng và sẵn sàng đồng hành.

– Khi bạn biết đồng, sẻ chia bạn sẽ trở nên bao dung hơn, chín chắn và trưởng thành hơn.

Dẫn chứng:  Hs lựa chọn và phân tích dẫn chứng về sẻ chia đồng cảm một cách tiêu biểu, thuyết phục.

d. Bàn bạc, mở rộng:

– Nếu cuộc sống này không có sự đồng cảm thì chúng ta sẽ sống trong sự lạnh lẽo và ghen ghét, đố kị. Như vậy, cuộc đời của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa, sống mà chỉ như đang tồn tại, không có tình yêu thương.

– Phê phán người ích kỉ, luôn đố kị, chỉ nghĩ đến bản thân mình, họ vô cảm trước nỗi khổ đau, mất mát của người khác. Đó là một lối sống cần phê phán, lên án.

Hướng dẫn chấm:

–         Hs biết kết hợp lí lẽ, dẫn chứng để phân tích làm sáng tỏ vấn đề một cách sâu sắc, thuyết phục: 1,0-1,5 điểm

–         Hs còn phân tích chung chung, sơ sài: 0,5-0,75 điểm

–         Hs không phân tích làm sáng tỏ vấn đề trong đời sống: 0 điểm.

1,5
2.3. Bài học nhận thức và hành động: Hs rút ra được bài học nhận thức và hành động cho bản thân, tham khảo:

– Nhận thức sâu sắc về vai trò của sự đồng cảm chia sẻ; tránh xa lối sống vô cảm, ích kỉ; đồng cảm với những người xung quanh và chia sẻ trong khả năng của mình.

– Hành động:  Cần tích cực rèn luyện bản thân, hoàn thiện nhân cách, có những hành động cụ thể biểu hiện sự thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia của mình với mọi người…

Hướng dẫn chấm:

– Nêu được cả bài học nhận thức và hành động: 0,5 điểm

– Học sinh chỉ nêu được bài học nhận thức hoặc chỉ nêu được bài học hành động: 0,25 điểm.

0,5
3. Kết bài:

– Khẳng định vấn đề

– Liên hệ bản thân

0.25
* Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm:

Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0.25
* Sáng tạo

Vận dụng hợp lý các thao tác nghị luận; thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.

0,5
TỔNG ĐIỂM (I + II) 10,0

 

Đề 2:

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I Đọc hiểu (5,0 điểm)
1 Những phương thức biểu đạt: Tự sự, biểu cảm, miêu tả.

Hướng dẫn chấm:

Hs trả lời như đáp án: 0,75 điểm

Hs nêu đúng 2 phương thức biểu đạt: 0,5 điểm

Hs nêu đúng 1 phương thức biểu đạt: 0,25 điểm

Hs trả lời sai hoặc không trả lời: 0 điểm

0,75
2 Ngôi kể thứ 1

Hướng dẫn chấm:

 Hs trả lời như đáp án: 0,75 điểm

Hs trả lời sai hoặc không trả lời: 0 điểm

0,75
3 Ý nghĩa nhan đề Dòng nhớ:

– Gợi dòng nhớ miên man không bao giờ dứt của các nhân vật trong truyện.

– Gợi bi kịch, nỗi khổ đau của các nhân vật suốt một đời nhớ thương, khắc khoải hướng về nhau nhưng tất cả đều sống trong khổ đau, day dứt.

–  Trân trọng, ca ngợi sự đồng cảm và thấu hiểu giữa người với người, sự sẻ chia, sống hết mình vì nhau, nghĩ cho nhau.

Hướng dẫn chấm:

Hs trình bày như đáp án: 1,0 điểm

Hs nêu được 2 ý như đáp án: 0,75 điểm

Hs nêu được 1 ý như đáp án: 0,5 điểm

1,0
4 Ý nghĩa kết thúc của tác phẩm: Truyện kết thúc bằng nỗ lực của nhân vật “má tôi” đi tìm người vợ cũ của chồng suốt mười mấy năm với “nỗ lực cuối cùng … để chấm dứt cái cảnh ba nằm bên má mà hồn vẫn hướng về những dòng sông miên man chảy.

– Về nghệ thuật: Đây là một kết thúc mở – kết thúc bi kịch, gợi sự băn khoăn, day dứt và dòng suy tưởng ở người đọc.

– Về nội dung:

+ Khắc họa kiếp sống đau khổ, không trọn vẹn của tất cả những nhân vật trong truyện.

+ Thể hiện vẻ đẹp của nhân vật má tôi: vẻ đẹp của sự cảm thông, lòng nhân ái, vị tha của con người. Đó cũng là vẻ đẹp của những con người Nam Bộ, luôn phóng khoáng và đậm tình người.

Hướng dẫn chấm:

Hs trình bày đầy đủ như đáp án: 1,0 điểm

Hs chỉ ra được ý nghĩa về mặt nghệ thuật: 0,25 điểm

Hs nêu được 2 ý nghĩa về mặt nội dung: 0,75 điểm

Hs nêu được 1 ý nghĩa về mặt nội dung: 0,5 điểm.

1,0
5 Nhận xét về nghệ thuật kể truyện trong truyện Dòng nhớ:

-Tạo tình huống đặc sắc, bất ngờ, làm nổi bật tính cách và số phận của từng nhân vật trong truyện.

– Nhân vật được khắc họa qua ngôn ngữ đối thoại và độc thoại nội tâm, tạo điều kiện đi sâu khám phá tâm lí nhân vật, xây dựng được chi tiết đặc sắc.

– Ngôn ngữ kể chuyện giản dị, sinh động, đậm chất Nam Bộ.

– Giọng điệu trầm lắng, da diết gợi nỗi đau xót, buồn thương thấm thía trong lòng các nhân vật.

Hướng dẫn chấm:

–         Học sinh trình bày được như đáp án: 1,0 điểm

–         Học sinh nêu được 3 ý: 0,75 điểm

–         Học sinh nêu được 2 ý: 0,5 điểm

–         Hs nêu được 1 ý: 0,25 điểm.

1,0
6 – Học sinh tự lựa chọn thông điệp để lại ấn tượng sấu sắc nhất.

Tham khảo: Con người sống phải biết cảm thông và chia sẻ, biết thấu cảm, vị tha; Hãy luôn yêu thương nhau, tôn trọng nhau để cuộc sống trở nên có ý nghĩa, để cuộc đời không phải là những “dòng nhớ” trong dằn vặt day dứt…

– Lí giải: HS tự lí giải thông điệp thuyết phục, hợp lý

Hướng dẫn chấm:

–         Học sinh rút ra được thông điệp: 0,25 điểm

–         Học sinh lí giải thông điệp thuyết phục, hợp lý: 0,25

0,5
II Viết Từ tác phẩm Dòng nhớ của Nguyễn Ngọc Tư, anh/ chị hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về vẻ đẹp của của sự đồng cảm – sẻ chia trong cuộc sống. 5,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề

Từ tác phẩm (đoạn trích) Dòng nhớ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, trình bày suy nghĩ về vẻ đẹp của sự đồng cảm – sẻ chia trong cuộc sống.

0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách; đảm bảo các yêu cầu sau:

3.75
1. Mở bài: Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề:

– Giới thiệu về tác giả Nguyễn Ngọc Tư và truyện ngắn “Dòng nhớ”

– Giới thiệu về vấn đề vấn đề nghị luận: Sự đồng cảm và chia sẻ trong cuộc sống.

Hướng dẫn chấm: Phần giới thiệu tác giả, tác phẩm/đoạn trích: 0,25 điểm; Nêu vấn đề nghị luận: 0,25 điểm.

0,5
2. Thân bài

2.1. Giới thiệu và phân tích vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học

a. Tóm tắt cốt truyện và nêu vấn đề:

– Truyện xoay quanh mối quan hệ trong hôn nhân gia đình của các nhân vật: má tôi – ba tôi và dì – người vợ trước của ba. Đoạn trích kể về tình huống gặp gỡ giữa “má tôi” và “tình địch” – người vợ trước của ba, dự định bảo người ta buông tha chồng mình, không neo ghe trước nhà nữa. Nhưng cuộc gặp gỡ lại khiến má đồng cảm với số phận bất hạnh của dì. Kết thúc tác phẩm là hình ảnh má đi tìm dì để nếu sống không gần được thì lúc chết “mời lên nằm trên đất vườn tôi”, để chấm dứt cảnh “ba nằm bên má mà hồn vẫn hướng về những dòng sông miên man chảy.”

– Truyện  không có người xấu, không có người ác, ai cũng tốt, mọi người thương quý, yêu mến nhau, vì nhau đến cạn cuộc đời, vậy mà họ lại làm khổ nhau…, từ đó gợi cho chúng ta thấy được ý nghĩa của tình yêu thương, sự đồng cảm, sẻ chia của con người trong cuộc sống.

b. Biểu hiện sự đồng cảm – sẻ chia trong truyện Dòng nhớ:

Hs phân tích biểu hiện của sự đồng cảm, sẻ chia trong truyện Dòng nhớ: thể hiện ở các nhân vật:

–  Nhân vật “má tôi”: bà đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia, xót thương cho nỗi khổ đau của chồng, của “tình địch” mình : “Còn người ta, nhớ thương đứt ruột, có thể chạy ào lại để gặp nhau nhưng vì lương tâm không làm được, đành ngồi đây ngó lên, ngồi ở trên ngó xuống. Ðau lắm chớ”. Để cho chồng và người vợ trước không còn ngóng trông dõi về nhau, bà quyết định chuyển nhà lên chợ, để chồng xa sông mà quên người cũ nhưng bà biết những dòng nhớ vẫn “tiếp tục chảy miên man trong lòng ông”. Rồi khi chồng mất, bà cật lực đi kiếm tìm “tình địch” ròng rã suốt mười mấy năm trong vô chỉ để thực hiện nỗ lực cuối cùng cho ấm lòng người quá cố, cho chấm dứt cái cảnh ông nằm bên bà mà lòng cứ hướng về sông.

– Tấm lòng đồng cảm – sẻ chia của người đàn bà – nhân vật dì: dù có cuộc đời “ba chìm, bảy nổi”, thiếu thốn về vật chất – “chiếc áo bà ba mỏng te, nhiều mụn vá” “ tóc đã bạc nhiều, lơ thơ…”, “khuôn mặt đen sạm, nhăn nheo”, “đồ đạc món nào cũng nhỏ nhắn, tuềnh toàng” nhưng với sẻ chia, đồng cảm với chồng cũ: không muốn lấy nước mắt, nỗi khổ của mình để làm khó chồng cũ.

– Hình ảnh người chồng- nhân vật “ba tôi”: đồng cảm – sẻ chia với nỗi bất hạnh của người vợ cũ nên lúc nào cũng thẫn thờ nhìn ra sông. Nhưng “ba tôi” mặc dù nhớ thương người cũ nhưng cũng chôn chặt day dứt trong lòng, không muốn làm khổ vợ con của mình.

c. Ý nghĩa:

– Đây là câu chuyện vô cùng xúc động, vượt qua cảnh ngộ éo le của bản thân, sự đồng cảm, sẻ chia đã đưa hai người phụ nữ đến gần nhau hơn và sưởi ấm cho nhau những phần thua thiệt của cuộc đời. Họ đã đặt mình vào vị trí của nhau để đồng cảm, thấu hiểu.

– Thể hiện vẻ đẹp của sự đồng cảm, hi sinh, sẻ chia giữa các nhân vật…

Hướng dẫn chấm:

–         Hs biết kết hợp lí lẽ, dẫn chứng để phân tích làm sáng tỏ vấn đề một cách sâu sắc, thuyết phục: 1,0 điểm

–         Hs còn phân tích chung chung, sơ sài: 0,5-0,75 điểm

–         Hs không phân tích làm sáng tỏ vấn đề trong tác phẩm: 0 điểm.

1,0
2.2.  Bàn luận về vấn đề xã hội trong đời sống.

a. Giải thích khái niệm:

– Đồng cảm có nghĩa là biết rung cảm trước những vui buồn của người khác, đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu họ.

– Sẻ chia tức là san sẻ và giúp đỡ về vật chất và tinh thần với người khác, để họ có thể vượt qua khó khăn, trắc trở.

=> Đồng cảm và chia sẻ chính là chìa khóa để ta bước vào thế giới tâm hồn của người khác, để cùng nhau gắn kết và xây dựng một cuộc sống trong yêu thương và hạnh phúc.

b. Biểu hiện: hs chỉ ra những biểu hiện của sự đồng cảm – sẻ chia trong đời sống: một ánh mắt, một nụ cười khích lệ, một cái siết tay thật nhẹ, một cái ôm và một lời nói…

c. Vai trò/ý nghĩa của sự đồng cảm và sẻ chia trong đời sống:

Hs kết hợp lí lẽ và dẫn chứng để phân tích làm sáng tỏ vai trò/ ý nghĩa của sự đồng cảm – sẻ chia trong đời sống, tham khảo một số gợi ý sau:

– Sự đồng cảm với cảnh ngộ của người khác sẽ giúp san sẻ những khó khăn, thiệt thòi về cả tinh thần, vật chất với những người xung quanh.

– Đồng cảm sẻ chia sẽ kéo gần khoảng cách giữa người với người và là khởi nguồn cho những điều tốt đẹp.

– Đồng cảm, sẻ chia trong các mối quan hệ là chất keo dính bền chặt, lâu dài.

– Có đồng cảm, sẻ chia với nhau thì mới thấu hiểu cho nhau, tin tưởng và sẵn sàng đồng hành.

– Khi bạn biết đồng, sẻ chia bạn sẽ trở nên bao dung hơn, chín chắn và trưởng thành hơn.

Dẫn chứng:  Hs lựa chọn và phân tích dẫn chứng về sẻ chia đồng cảm một cách tiêu biểu, thuyết phục.

d. Bàn bạc, mở rộng:

– Nếu cuộc sống này không có sự đồng cảm thì chúng ta sẽ sống trong sự lạnh lẽo và ghen ghét, đố kị. Như vậy, cuộc đời của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa, sống mà chỉ như đang tồn tại, không có tình yêu thương.

– Phê phán người ích kỉ, luôn đố kị, chỉ nghĩ đến bản thân mình, họ vô cảm trước nỗi khổ đau, mất mát của người khác. Đó là một lối sống cần phê phán, lên án.

Hướng dẫn chấm:

–         Hs biết kết hợp lí lẽ, dẫn chứng để phân tích làm sáng tỏ vấn đề một cách sâu sắc, thuyết phục: 1,0-1,5 điểm

–         Hs còn phân tích chung chung, sơ sài: 0,5-0,75 điểm

–         Hs không phân tích làm sáng tỏ vấn đề trong đời sống: 0 điểm.

1,5
2.3. Bài học nhận thức và hành động:

Hs rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân:

– Nhận thức sâu sắc về vai trò của sự đồng cảm chia sẻ; tránh xa lối sống vô cảm, ích kỉ; đồng cảm với những người xung quanh và chia sẻ trong khả năng của mình.

– Hành động:  Cần tích cực rèn luyện bản thân, hoàn thiện nhân cách, có những hành động cụ thể biểu hiện sự thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia của mình với mọi người…

Hướng dẫn chấm:

– Nêu được cả bài học nhận thức và hành động: 0,5 điểm

– Học sinh chỉ nêu được bài học nhận thức hoặc chỉ nêu được bài học hành động: 0,25 điểm.

0,5
3. Kết bài:

– Khẳng định vấn đề

– Liên hệ bản thân

0,25
* Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm:

Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,25
* Sáng tạo

Vận dụng hợp lý các thao tác nghị luận; thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.

Hướng dẫn chấm: huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân khi bàn luận; có cái nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề; có sáng tạo trong diễn đạt, lập luận, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh, đoạn văn giàu sức thuyết phục.

– Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.

– Đáp ứng dược 1 yêu cầu: 0,25 điểm

0,5

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *