Đề trọng tâm thi TN 2022: Đề chuyên sâu đoạn thơ Đàn Ghi Ta Của Lorca – Thanh Thảo

MỞ BÀI

Tâm hồn những người nghệ sĩ tài hoa vốn đầy lòng trắc ẩn và giữa họ thường có mối đồng cảm tương liên.Cho dù có khoảng cách rất xa về địa lí, thời đại, văn hoá…thì họ vẫn tìm thấy ở nhau sự tri âm tri kỉ. Giống như Nguyễn Du đồng cảm với Tiểu Thanh trong “Độc Tiểu Thanh kí”, Nguyễn Tuân đồng cảm với Cao Bá Quát trong “Chữ người tử tù”, nhà thơ Thanh Thảo cũng tìm thấy sự đồng cảm với người nghệ sĩ thiên tài Lorca ở đất nước Tây Ban Nha xa xôi trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca”. Thanh Thảo là nhà thơ thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.So với các nhà thơ cùng thời, ông có hướng đi riêng.Ông khước từ, không chấp nhận lối diễn đạt dễ dãi, lạc hậu, cũ kỹ vàluôn tìm tòi những điểm mới khác biệt, nỗ lực cách tân, đổi mới thơ Việt và muốn thể hiện cuộc sống ở bề sâu. Ông chịu ảnh hưởng sâu sắc của trường thơ tượng trưng, siêu thực và có rất nhiều bài thơ hay được công chúng biết đến rộng rãi như  “Những người đi tới biển”, “Khối vuông ru-bích”, “Những ngọn sóng mặt trời”… Những sáng tác của ông đều đem đến cái nhìn mới mẻ cho thơ ca hiện đại. Bài thơ “Đàn ghi-tar của Lor ca” trích “Khối vuông Rubic” rất tiêu biểu cho lối tư duy thơ Thanh Thảo giàu suy tư, cảm xúc mãnh liệt, phóng túng và mang nhiều màu sắc tượng trưng, siêu thực và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc về hình tượng Lorca – người nghệ sĩ vĩ đại của xứ sở Tây Ban Nha.

THÂN BÀI

  1. Khái quát

– Hoàn cảnh ra đời và nội dung chính:

+ Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhà thơ Thanh Thảo áo đã mang theo ba lô ra chiến trường những bài thơ của của Lorca. Ông kể, từ khoảng năm 1969, 1970 Lorca  đã sống trong ông và “Đàn ghita của Lorca” ra đời vào một ngày rầu rầu năm 1979. Hình ảnh người nghệ sĩ thiên tài Lorca và những sáng tạo nghệ thuật của ông đã ám ảnh và đi sâu vào tâm thức của Thanh Thảo trong một thời gian dài. Bởi vậy, khi viết bài thơ Thanh Thảo đã viết rất nhanh và hầu như không phải sửa gì.Bài thơ được đưa vào tập “Khối vuông Rubic” năm 1985.

+ Tác phẩm được gợi cảm hứng từ số phận bất hạnh của người nghệ sĩ tài năng và đã làm nổi bật hình tượng Lorca với vẻ đẹp bi tráng. Từ đó, tác phẩm thể hiện niềm thương tiếc vô hạn cũng như sự cảm phục, trân trọng và ngưỡng mộ của Thanh Thảo dành cho Lor-ca. Bài thơ và nhanh chóng gây được tiếng vang lớn trong văn học Việt Nam nhờ nội dung đầy tính nhân văn và hình thức nghệ thuật thơ hết sức sáng tạo, mới mẻ.

– Nhan đề và ý nghĩa của hình ảnh đàn ghi ta:

+ Giới thiệu về Lorca:Bài thơ được viết về P. G. Lor-ca (1898-1936), một người nghệ sĩ đa tài, một trong những tài năng sáng chói của văn học hiện đại Tây Ban Nha. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là thần đồng thiên bẩm trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật như thơ ca, hội họa, âm nhạc…Trước một đất nước Tây Ban Nha với nền chính trị độc tài, đất nước rơi vào cảnh bế tắc, không lối thoát, người dân bị tước đi quyền được tự do, hạnh phúc và một nền nghệ thuật già nua, Lor-ca đã dùng tài năng thiên bẩm của mình cất lên tiếng hát, tiếng đàn, lời thơ ca ngợi sự tự do, phản đối chế độ phản động, đòi công bằng cho nhân dân đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ sự đổi mới, cách tân nghệ thuật. Hoảng sợ trước sức ảnh hưởng rộng rãi của Lorca ở Tây Ban Nha và Tây Âu, năm 1936 chế độ phản động cực quyền thân phát xít đã bắt giam và sát hại ông khi ông mới 38 tuổi. Cái chết đã gây cơn chấn động, gieo nỗi bàng hoàng, phẫn nộ không chỉ ở Tây Ban Nha mà còn trên khắp thế giới. Lorca vì thế trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật mãnh liệt cho các nghệ sĩ trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Nhà thơ Thanh Thảo bằng sự tình kính, ngưỡng mộ của mình đã viết nên bài thơ như lời chào vĩnh biệt, dựng lên một tượng đài về người anh hùng bất diệt, hiên ngang, sừng sững trước kẻ thù.

+  Đàn ghi ta: là tín hiệu nghệ thuật đầu tiên xuất hiện ngay từ nhan đề tác phẩm, cũng là hình ảnh xuất hiện trong suốt bài thơ. Đàn ghi ta vốn là nhạc cụ truyền thống, là niềm tự hào của Tây Ban Nha vì thế nó còn được gọi là Tây Ban Cầm. Trong nhan đề còn có đại từ sở hữu “của” có nghĩa hình ảnh đàn ghi ta ở đây không có nghĩa chỉ cây đàn ghi ta nói chung mà là cây đàn của Lorca. Đó là cây đàn đã gắn bó thân thiết với Lorca trên suốt chặng đường sáng tạo nghệ thuật, trên khắp các cuộc hành trình du ca qua những đồng cỏ, dòng sông, thảo nguyên bát ngát… Bởi vậy mà Lorca đã có những vần thơ như di chúc:

khi tôi chết

hãy chôn tôi với cây đàn ghita

dưới lớp cát

Cây đàn ở đây không chỉ là một sự vật cụ thể mà ngoài ra còn có nghĩa biểu tượng.Cây đàn cũng giống như biến thể của nó là “tiếng ghita” trước hết là biểu tượng cho thế giới nghệ thuật hoàn hảo với những cách tân đổi mới nghệ thuật của Lorca. Đàn ghita là biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn của người nghệ sĩ mà vẻ đẹp tâm hồn ấy được bộc lộ ra qua thế giới nghệ thuật của ông làtình yêu sự sống, là tình yêu đất nước, con người, là niềm tin hi vọng…Và như vậy, có thể nói Thanh Thảo đã đặt cho tác phẩm của mình một nhan đề giản dị nhưng giàu ý nghĩa.

– Lời đề từ: Thanh Thảo đã sử dụng câu thơ trích trong bài thơ “Ghi nhớ”được coi là di chúc, tâm nguyện của Lor-ca trước khi chết để làm lời đề từ cho bài thơ của mình. Câu thơ của Lorca đã thể hiện sự gắn bó của ông với cây đàn, tình yêu nghệ thuật say đắm, khát vọng cách tân nghệ thuật mà đến khi sang thế giới bên kia ông vẫn mong muốn được tiếp tục, đồng thời cũng khẳng định tình yêu tha thiết của Lorca với quê hương đất nước. Không chỉ có vậy, lời thơ còn như một dự cảm của ông về cái chếtvà những lý tưởng cao đẹp sẽ không thể hoàn thành của chính bản thân, thể hiện quan niệm tiến bộ của ông về văn chương, nghệ thuật. Lor-ca hiểu rằng những cách tân nghệ thuật của mình đến một lúc nào đó là sẽ chướng ngại ngăn cản những người đến sau sáng tạo. Bởi vậy, ông đã căn dặn thế hệ sau phải biết chôn vùi nghệ thuật của ông để đi tới và bước tiếp. Chính những tâm nguyện nhân văn ấy của Lorca đã trở thành nguồn cảm hứng mãnh liệt để Thanh Thảo sáng tác bài thơ này.

  1. Sáu dòng thơ đầu: Hình ảnh Lorca trong khung cảnh văn hóa, chính trị của đất nước Tây Ban Nha

– Trong 6 dòng thơ đầu tiên của tác phẩm Thanh Thảo đã có những phác họa về hình ảnh của người nghệ sĩ thiên tài Lor-ca trong khung cảnh chính trị và bối cảnh nghệ thuật Tây Ban Nha lúc bấy giờ.

những tiếng đàn bọt nước

Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

li-la li-la li-la

đi lang thang về miền đơn độc

với vầng trăng chuếnh choáng

trên yên ngựa mỏi mòn

1.1.Khung cảnh văn hóa, chính trị, xã hội của đất nước Tây Ban Nha

Để thể hiện hình tượng Lorca, nhà thơ Thanh Thảo đã tìm hiểu và có nhiều am hiểu về nền văn hóa của đất nước Tây Ban Nha. Nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc ấy được thể hiện qua một số hình ảnh thơ, cũng là những hình ảnh rất quen thuộc trong thơ Lorca:

– Áo choàng đỏ gắt: trước hết gợi người đọc liên tưởng đến những trận đấu bò rực lửa, sôi động, đầy mạo hiểm và hình ảnh của người đấu sĩ trên đấu trường sinh tử.Môn đấu bò tót đã trở thành nét đặc sắc văn hóa của Tây Ban Nha được cả thế giới biết đến. Trong những trận đấu bò, người đấu sĩ thường xuất hiện với chiếc áo choàng đỏ thắm để thu hút và kích thích con bò tấn công, thể hiện tài năng và sức mạnh của người đấu sĩ chinh phục con bò đầy sức mạnh và hung dữ.Hơn nữa, từ “đỏ gắt” gợi không khí oi nồng, tù đọng của nền chính trị độc tài thân phát xít đang thiêu đốt tự do dân chủ và kiềm hãm sự phát triển của một nền nghệ thuật đang già cỗi, gợi cả những những đàn áp đẫm máu ở đất nước Tây Ban Nha thời đó.Từ “gắt” còn gợi tính khốc liệt của cuộc đấu tranh giữa ánh sáng với bóng tối, giữa khát vọng tự do dân chủ với nền chính trị độc tài thân phát xít, giữa khát vọng đổi mới nghệ thuật với nền nghệ thuật già cõi, lạc hậu.

– Li-la-li-la-li-la: Mô phỏng âm thanh du dương bổng trầm của tiếng đàn ghi ta. Li la còn là tên loài hoa li-la với sắc tím dịu dàng trải dài khắp thảo nguyên xanh. Loài hoa này còn được gọi bằng một cái tên kiêu sa, mĩ miều là hoa Tử đinh hương. Chuỗi hợp âm li-la-li-la-li-la góp phần đẩy cao vẻ đẹp của người nghệ sĩ, đưa hình ảnh người nghệ sĩ thăng hoa trong những lý tưởng cao đẹp.Thanh âm trong trẻo thanh tao của tiếng đàn quyện hòa mùi hương hoa Lila dìu dịu lan tỏa với những cánh hoa màu tím nồng nàn đầy sức sống giữa khung cảnh bạo tàn và chết chóc. Đấu trường khốc liệt nhường chỗ cho sự thăng hoa của nghệ thuật.Ai nói nghệ thuật không có sức mạnh.Nghệ thuật chính là sức mạnh vô địch có thể hóa giải mọi hận thù.

– Những hình ảnh vầng trăng, yên ngựa, cô gái Di gan… gợi liên tưởng về một đất nước tươi đẹp, gợi không gian văn hóa của đất nước Tây Ban Nha với tiếng ghi ta làm mê say lòng người, những bộ tộc người Di gan sống du mục, phóng khoáng, thích nhảy múa, ca hát và giỏi bùa chú, những vũ nữ Digan với làn da rám nắng và vũ khúc Flamenco cháy bỏng, những đồng cỏ, thảo nguyên mênh mông, bát ngát…

 

1.2. Hình ảnh Lorca

Hình ảnh Lorca được miêu tả gắn liền với bản sắc văn hóa đậm đà của đất nước Tây Ban Nha. Chính nền văn hóa ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn và tài năng nghệ thuật của Lorca.Tài năng của Lorca cũng được bộc lộ trong bầu không khí văn hóa ấy.Lorca hiện lên trong đoạn thơ không chỉ là một đấu sĩ trên đấu trường để giành quyền tự do, dân chủ, là người nghệ sĩ với khát vọng cách tân đổi mới nghệ thuật mà còn là một người nghệ sĩ đang thăng hoa trong bản hòa tấu ghi ta đầy lãng mạn, đem đến cho văn chương, nghệ thuật sức mạnh to lớn. Hình ảnh Lorca được miêu tả qua các hình ảnh:

– Tiếng đàn bọt nước: Lorca trước hết hiện lên là một người nghệ sĩ với tiếng đàn bọt nước. Tiếng đàn không chỉ là âm thanh đàn ghi-ta mà nó còn là một hoán dụ về thế giới nghệ thuật hoàn hảo, tròn trịa của Lor-ca, là vẻ đẹp tâm hồn và biểu trưng cho cả cuộc đời người nghệ sĩ.Bọt nước theo nghĩa đen là những bong bóng nước tròn trịa, mong manh và dễ vỡ, vốn là một thi liệu khá quen thuộc trong thơ của Lor-ca biểu trưng cho những cái đẹp lung linh, nhưng dễ dàng tan biến vào hư vô. Hình ảnh “tiếng đàn bọt nước” trong bài thơ là một hình ảnh đặc sắc, có sử dụng nghệ thuật chuyển đổi cảm giác từ thính giác sang thị giác,“bọt nước” vốn là danh từ chuyển sang thành tính từ làm nhiệm vụ bổ nghĩa cho tiếng đàn, không chỉ gợi thế giới nghệ thuật hoàn hảo của Lorca mà còn gợi những liên tưởng về số phận đầy bất trắc của người nghệ sĩ và của nghệ thuật. Tiếng đàn bọt nước đầy biến ảo khi tròn to khi phập phồng thổn thức khi vỡ ra tức tưởi như một “thiên bạc mệnh” về số phận người nghệ sỹ.Từ đó thể hiện sự ngợi ca, ngưỡng mộ của Thanh Thảo với Lor-ca cũng như sự xót thương, đau đớn trước bi kịch của người nghệ sĩ thiên tài.

– Áo choàng đỏ gắt:Lorca không chỉ hiện lên trong bài thơ là một nghệ sĩ tài năng với thế giới nghệ thuật hoàn hảo mà còn như một đấu sĩ trên đấu trường. Hình ảnh “áo choàng đỏ gắt” trong thơ của Thanh Thảo còn có ý nghĩa chỉ hình ảnh Lorca trên đấu trường với nền chính trị độc tài và nền nghệ thuật lạc hậu, già nua với khí chất ngang tàng, hiên ngang, bất khuất của người chiến sĩ yêu tự do, của một người nghệ sĩ ý thức được thiên chức sáng tạo nghệ thuật.

– Trong ba câu thơ:

đi lang thang về miền đơn độc

với vầng trăng chếnh choáng

trên yên ngựa mỏi mòn

Lorca hiện lên trong ba dòng thơ là một người nghệ sĩ tự do, lãng mạn và cô độc. Người nghệ sĩ ấy lang thang, mộng du cùng bầu trời, đồng cỏ, dòng sông, du ca với vầng trăng, yên ngựa. Những cụm từ “lang thang”, “đơn độc”, “mỏi mòn” đã thể hiện sự cô độc của Lorca trên cuộc hành trình, dường như chỉ có một mình Lorca dám đi tìm cái đẹp giữa một thế giới bạo tàn.Theo những vần thơ của Thanh Thảo, người đọc dõi mắt theo từng bước chân lãng tử của người nghệ sỹ trên hành trình “lang thang về miền đơn độc” cùng với “vầng trăng – yên ngựa”. Hệ thống thi ảnh này thường được bắt gặp trong thơ Lorca cùng với chàng kị sỹ một mình trên lưng «con ngựa đen/ vầng trăng đỏ” với những bản đàn ghita phiêu bồng và giấc mơ tranh đấu.Dáng điệu “chuếnh choáng” là một hình ảnh mang cái hồn say của người nghệ sỹ không phải cái say tầm thường của những cốc rượu vang đỏ mà là say trong tranh đấu, say trong sáng tạo nghệ thuật. Nếu như chàng Đôn-ki-hô-tê trong trang văn của Xec-van-tec mải miết với giấc mơ hiệp sĩ thì Lorca mãi “mỏi mòn” trong hành trình chống lại tộc ác của bè lũ Phrăng-cô. Cô đơn trong sáng tạo nghệ thuật và cô độc trong chiến đấu nhưng không vì thế “con họa mi của xứ Granada lại ngừng hót“. Chàng vẫn “Mãnh liệt như trăm ngàn sư tử/ Vững chắc như cẩm thạch” (Thơ Lorca).

  1. Sáu dòng thơ tiếp theo (từ dòng 7-12): Cái chết bi tráng của Lorca

Trong sáu dòng thơ tiếp Thanh Thảo đã tái hiện cái chết đầy bi tráng làm nổi bật vẻ đẹp bi tráng của hình tượng Lor-ca trong cuộc đấu tranh đầy khốc liệt, không cân sức với nền chính trị độc tài và nền nghệ thuật già nua.

Tây Ban Nha

hát nghêu ngao

bỗng kinh hoàng

áo choàng bê bết đỏ

Lor-ca bị điệu về bãi bắn

chàng đi như người mộng du”

– Sinh thời, Lorca đã dự cảm về cái chết của mình, về sự dở dang trong hành trình sáng tạo nghệ thuật và đấu tranh cho dân chủ nên mới sáng tác nên những vần thơ như di chúc nhắn nhủ khi ông chết hãy chôn ông cùng với cây đàn. Tuy nhiên không ai có thể ngờ rằng cái chết đã đến với Lorca quá sớm ở độ tuổi 38, độ tuổi mà tài năng đang vào độ chin rộ.Bởi vậy, lời thơ của Thanh Thảo ở đây vang lên như một chuỗi đứt đoạn để diễn tả cuộc đời “Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”. Giữa lúc Tây Ban Nha đang bế tắc cất lên tiếng hát tán lạc, giải sầu, giữa lúc người nghệ sĩ Lorca đang du ca cùng tiếng đàn bọt nước, với tiếng hát nghêu ngao vô tư, yêu đời thì phát súng của bọn phát xít đã bắn hạ Lorca đáng thương. Thanh Thảo thốt lên sững sờ «bỗng kinh hoàng”. Như không tin vào vào những gì đã thấy, đã biết.Cả dân tộc Tây Ban Nha bàng hoàng, cả thế giới nín lặng ngạc nhiên đến sững sờ, kinh hoàng và đổ vỡ ghê gớm khi người nghệ sĩ luôn đứng về nhân dân bị bắt và bị giết chết.Báo chí Tây Ban Nha vẫn nói “Vụ Lorca vẫn là vết thương mãi chưa lành”.

– Bản giao hưởng chùng xuống rồi lại vút lên cao trong cái chết đầy bi tráng. Thanh Thảo tạo dựng cái chết đầy bi phẫn của người nghệ sĩ – chiến sĩ thông qua các hình ảnh:

+ Chàng đi như người mộng du: Mộng du là trạng thái hoạt động trong vô thức của con người, là trạng thái tâm hồn không nhận thức được, tâm hồn và thể xác dường như tách lìa khỏi nhau. Khi bị điệu về bãi bắn, hình ảnh Lorca đi như người mộng du một lần nữa nhấn mạnh trạng thái bất ngờ, không hiểu vì sao mình phải chết.Hình ảnh thơ này cũng có nghĩa thể hiện người nghệ sĩ ngang tàng dường như không quan tâm đến xung quanh, bất chấp và coi thường cái chết.Ngoài ra, hành động vô thức này còn gợisự hư ảo, chập chờn của con người đang dần đi vào cõi chết.

+ Áo choàng bê bết đỏ:màu đỏ ở đây là màu máu, chiếc áo choàng của người đấu sĩ giờ đây bê bết máu có ý nghĩa chỉ cái chết. Lorca đã từng thốt lên “Tôi không muốn nhìn thấy máu !”. Nhưng máu đã đổ.Người đấu sĩ muốn một cái chết vinh quang giữa đấu trường cùng với đôi kiếm sắc nhưng lại bị kẻ thù hành hình một cách lén lút bất minh.Nếu như hình ảnh chiếc áo choàng đỏ gắt ở những dòng thơ đầu tiên gợi khí chất ngang tàng của người đấu sĩ trên đấu trường thì ở đây vẫn trong chiếc áo choàng ấy,người đấu sĩ Lorca đã ngã xuốngtrong một cuộc đấu không cân sức với nền chính trị độc tài và nền nghệ thuật già nua. Như vậy, có thể đánh giá cái chết của Lorca được miêu tả trong đoạn thơ là một cái chết đầy bi tráng.

– Nghệ thuật đối lập: Trong sáu dòng thơ này nhà thơ Thanh Thảo đã sử dụng triệt để biện pháp nghệ thuật đối lập để nhấn mạnh cái chết của Lorca. Đối lập giữa sự sống và cái chết; giữa tiếng hát vô tư yêu đời “hát nghêu ngao” với hiện thực bạo lực, phũ phàng, đẫm máu “áo choàng bê bết đỏ”;giữa khát vọng dân chủ và đổi mới nghệ thuật của Lorca với nền nghệ thuật và đua và nền chính trị độc tài. Tất cả nhằm gây ấn tượng mạnh, cứa sâu vào lòng người sự chua xót trước hình ảnh người nghệ sĩ tài ba nhưng bất hạnh.

  1. Sáu dòng thơ tiếp theo (từ dòng 13-18): Tiếng đàn của Lorca

– Sáu dòng thơ tập trung miêu tả tiếng đàn ghita. Nhạc tính của đoạn thơ còn được thể hiện trong hình thức trùng điệp của cấu trúc câu:

tiếng ghi ta nâu

bầu trời cô gái ấy

tiếng ghi ta lá xanh biết mấy

tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan

tiếng ghi ta ròng ròng

máu chảy

Tiếng đàn ghita được nhắc lại bốn lần và tiếng ghi ta lặp đi lặp lại xoáy vào tâm can người đọc, trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi.Nhà thơ Thanh Thảo đã miêu tả tiếng đàn qua nghệ thuật chuyển đổi cảm giác. Tiếng đàn không được miêu tả qua âm thanh mà được cảm nhận qua màu sắc, hình khối, thành dòng máu chảy:

+ Tiếng ghita nâu:Tiếng ghi ta trước hết được cảm nhận qua sắc nâu. Màu nâu là màu của đất, màu vỏ đàn ghita, màu da của cô gái Digan màu mắt, màu tóc của những con người trên mảnh đất mà Lor-ca hết lòng tranh đấu. Hình ảnh “bầu trời” lại là tượng trưng cho khao khát khung trời tự do,là lý tưởng cao đẹp của tác giả. Còn “cô gái ấy” lại chính là người tình thủy chung trong trái tim Lor-ca đem đến cho người nghệ sĩ động lực đấu tranh không mệt mỏi, mà đến khi chết người vẫn nhớ về. Màu sắc nâu ấy hay chính là tiếng lòng trầm tĩnh của Lorca, là vẻ đẹp tâm hồn của Lorca với tình yêu quê hương, đất nước, con người và tình yêu lứa đôi và tình yêu nghệ thuật đến thiết tha.

+ Tiếng ghi ta lá xanh: Màu xanh là biểu tượng của xuân thì tươi sắc, màu của cỏ cây, màu của sự sống, của đồng cỏ thảo nguyên, của những rặng Oliu hay hàng bạch dương…là sắc màu của niềm tin và hi vọng. Tiếng ghita lá xanh thể hiện thế giới tâm hồn, thế giới nghệ thuật của Lorca với lòng yêu đời, yêu sự sống, đầy niềm tin và hi vọng vào cuộc sống tươi đẹp.

Những dòng thơ đầy màu sắc này khiến chúng ta liên tưởng đến những giây phút cuối đời của Lorca. Đứng trước họng súng, người nghệ sĩ ấy vẫn nghĩ về tình yêu quê hương đất nước, con người, tình yêu nghệ thuật, vẫn đầy niềm tin và hi vọng, vẫn nghĩ về tình yêu và hướng về “bầu trời cô gái ấy” với bao khát vọng hạnh phúc. Đó là bầu trời của khát vọng, bầu trời yêu thương nơi có bóng hình nàng Maria thủy chung.Điều đó càng có ý nghĩa nhấn mạnh vẻ đẹp tâm hồn của Lorca.

+ Tiếngghita tròn bọt nước vỡ tan:Tiếng ghi-ta không chỉ được cảm nhận qua màu sắc mà còn vỡ ra thành hình khối,đường nét như hình hài của sinh mệnh thể hiện cao trào sự bi phẫn, đau thương.Tiếng ghita tức tưởi vỡ òa cũng biết nói tiếng nói của sự căm phẫn bạo tàn.Hay nói đúng hơn đó là tiếng kêu cứu của nghệ thuật khi bị đẩy đến bờ vực của sự tuyệt diệt.Nếu như hình ảnh “những tiếng đàn bọt nước” trong dòng thơ đầu tiên của bài thơ gợivẻ đẹp hoàn hảo, vẹn nguyên, tròn đầy nhưng lại mong manh, dễ vỡ, thể hiện những dự cảm về số phận đầy bất trắc của nghệ thuật và người nghệ sĩ thì hình ảnh bọt nước ở dòng thơ này đã “vỡ tan”. Nó không còn là những dự cảm mà đã trở thành hiện thực phũ phàng.Người nghệ sĩ thiên tài Lorca và thế giới nghệ thuật lung linh của mình đã bị vùi dập dưới chế độ độc tài tàn ác. Tiếng ghita vỡ tan thành dòng máu chảy là ám chỉ sự bất hạnh và cái chết. Những câu thơ dài ngắn khác nhau, khi dãn cách, khi dồn dập, đặc biệt là câu thơ cuối cùng chỉ còn lại hai chữ “máu chảy” cho thấy một hiện thực đẫm máu, cho thấy số phận bi kịch và bất hạnh đến tột cùng của người nghệ sĩ.

Cả cuộc đời người nghệ sĩ Lor-ca hi sinh cho thứ nghệ thuật chân chính, trác tuyệt và tiếng đàn là biểu tượng cho thế giới nghệ thuật cũng như cuộc đời đầy bi tráng của Lor-ca. “Tiếng ghi-ta ròng ròng máu chảy” còn có nhiều sắc thái biểu cảm, nó là nỗi đau đớn uất nghẹn, tuôn trào không dứt, biểu trưng cho vết thương không thể cầm máu.Nỗi đau của tiếng đàn cũng là nỗi đau của người nghệ sĩ khi khát vọng chưa thành. Ta cũng đã từng bắt gặp nỗi đau của người nghệ sĩ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:

Một cung gió thảm mây sầu

Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay

Nỗi đau của Kiều khi hầu đàn Hồ Tôn Hiến khiến cho dây đàn nhỏ máu chính là sự đồng cảm giữa nghệ thuật và tâm hồn của người sinh ra nó.Thì ra nghệ thuật trong bản thể của nó cũng là một sinh mệnh.

– Nghệ thuật đối lập tiếp tục được phát huy, đối lập ý thơ giữa ba dòng thơ đầu và ba dòng thơ sau, cụ thể là đối lập giữa tài năng và vẻ đẹp tâm hồn của người nghệ sĩ với hiện thực phũ phàng, đẫm máu. Từ đó, tô đậm cái chết đầy oan khuất của người nghệ sĩ thiên tài.

  1. Bốn dòng thơ tiếp theo (Từ dòng 19-22): Niềm tin tiếng đàn Lorca bất tử

Nửa sau của bài thơ gồm 13 dòng thơ là những suy tư của tác giả về cuộc đời, sự nghiệp và cách ra đi của Lorca.Trong đó, bốn câu thơ sau đây tiếp tục miêu tả hình tượng Lorca, tiếng đàn và thể hiện sự đồng cảm, xót thương, ngưỡng mộ với Lorca. Những tình cảm mạnh mẽ ấy đã hóa thành niềm tin tiếng đàn Lorca bất tử:

không ai chôn cất tiếng đàn

tiếng đàn như cỏ mọc hoang

giọt nước mắt vầng trăng

long lanh trong đáy giếng

4.1. Hai dòng thơ đầu

Lorca người nghệ sĩ lãng du cùng bầu trời, đồng cỏ, dòng sông với lá bùa cô gái Di gan và tiếng đàn bọt nước. Người nghệ sĩ ấy dám một mình chống lại cả một thể chế độc tài nên bị sát hại. Tuy Lorca đã chết và cây đàn vẫn cùng ông du ca trên khắp các chặng đường nghệ thuật có thể cũng đã bị chôn vùi cùng thân xác của ông. Nhưng tiếng đàn của Lorca là âm thanh, là thế giới nghệ thuật và vẻ đẹp tâm hồn của người nghệ sĩ với tình yêu đất nước, con người, tình yêu nghệ thuật và sự sống thì không có gì có thể hủy diệt. Sức sống của tiếng đàn được ví như cỏ mọc hoang.Cỏ là một loài thực vật có sức sống rất mãnh liệt, rễ của nó kiên cường bám sâu vào lòng đất và nó có thể tồn tại, sinh sôi trong điều kiện khắc nghiệt.Vì thế biện pháp so sánh “Tiếng đàn như cỏ mọc hoang” có ý nghĩa tiếng đàn Lorca có sức sống mãnh liệt, bền bỉ của loài cỏ dại, không gì có thể tiêu diệt và vùi dập nó.

– Bài thơ “Đàn ghita của Lorca” thuộc thể loại thơ viết về chân dung nghệ sĩ. Trong thể loại này, các tác giả thường viết về những người nghệ sĩ có tài, có tâm và được người đời kính trọng.Tác phẩm không chỉ để tái hiện cuộc đời, sự nghiệp của người nghệ sĩ mà còn là để bày tỏ tình cảm, sự tri âm tri kỉ của những người nghệ sĩ với nhau.Thậm chí, từ câu chuyện cuộc đời và sự nghiệp của người nghệ sĩ có mối tương giao, tác giả còn muốn bày tỏ những suy nghĩ, chiêm nghiệm của mình về nhân sinh, nghệ thuật.Thanh Thảo trong bài thơ này cũng vậy, thông qua cuộc đời của người nghệ sĩ tài năng ở một xứ sở xa xôi, Thanh Thảo đã bày tỏ những suy ngẫm của mình về sức sống của nghệ thuật chân chính.Tác phẩm nghệ thuật là con đẻ của người nghệ sỹ nhưng khi nghệ sỹ đã trao nó cho công chúng thì sự sống chết mất còn là do sức sống của chính tác phẩm quyết định. Nhiều khi trái tim nghệ sỹ đã ngừng đập nhưng nghệ thuật của họ vẫn tồn tại có khi vĩnh hằng và “chỉ riêng nghệ thuật có thể đứng ngoài cái chết” (Sê đư rin).Nghệ thuật chân chính được sáng tạo ra từ trái tim nặng trĩu tình đời, tình người của người nghệ sĩ nên nó có sức sống trường tồn, bất tử với thời gian. Tiếng đàn Lorca như cỏ mọc hoang cũng như nghệ thuật của ông chính là nghệ thuật chân chính, có sức sống mãnh liệt tiềm tàng, liên tục lan rộng ra không chỉ trên mảnh đất Tây Ban Nha mà còn trên toàn thế giới.

          – Ngoài ra, dòng thơ “tiếng đàn như cỏ mọc hoang” còn có ý nghĩa nói về thế giới nghệ thuật của Lorca sau khi ông chết. Lorca vốn cô độc trên con đường đấu tranh cho dân chủ tự do và cách tân, đổi mới nghệ thuật. Bởi vậy sau khi ông chết, những cách tân, đổi mới nghệ thuật của ông không có người tiếp tục và dẫn đường nên tồn tại như có mọc hoang.Và với Thanh Thảo đó là điều rất đáng tiếc.

4.1. Hai dòng thơ sau

            Hai dòng thơ trước hết tái hiện lại những diễn biến trong cái chết của Lorca, khiến chúng ta nghĩ đến tin đồn bọn Phrăng-cô sau khi khi giết chết Lorca đã lo sợ không thể chống đỡ được trước sự nổi giận của quần chúng nhân dân nên chúng đã ném xác Lorca xuống giếng để phi tang. Nhà thơ Thanh Thảo rất sáng tạo khi xóa bỏ những liên từ khiến người đọc thơ có nhiều liên tưởng thi vị từ việc lựa chọn các liên từ khác nhau như của, là, và, như, với…để đặt giữa hai cụm từ “giọt nước mắt”, “vầng trăng” để dòng thơ có thể trở thành “Giọt nước mắt của vầng trăng”, “giọt nước mắt là vầng trăng”, “giọt nước mắt và vầng trăng”…Những giọt nước mắt khóc thương cho Lorca kết thành giọt nước mắt khổng lồ như vầng trăng. Hay phải chăng “giọt nước mắt” là vẻ đẹp của nghệ thuật được kết tinh từ những giọt mồ hôi, từ máu và nước mắt của sự lao động nghệ thuật chân chính qua bao thời gian công sức đã nhào nặn thành viên ngọc lấp lánh mang hình hàicủa vầng trăng tinh khiết, lung linh, bất tử. Hay đó chính là vẻ đẹp của cuộc đời Lorca đã hóa thân thành viên ngọc quý lung linh tỏa sáng giữa đời. Hoặc bất ngờ thay, nơi đáy giếng tối tăm và lạnh lẽo nơi mà bọn phát xít ngỡ tưởng đã vùi lấp được linh hồn và thể xác của người công dân Lorca lại là nơi tỏa sáng tâm hồn anh, nghệ thuật của Lorca kết tinh từ tâm hồn, nỗi đau của người nghệ sĩ sẽ như ánh trăng mãi mãi long lanh, tỏa rạng. …Tất cả là đểthể hiện sự thương tiếc vô hạn trước cái chết của Lorca và niềm tin Lorca cùng thế giới nghệ thuật của Lorca sẽ trở nên bất tử.

  1. Bốn dòng thơ tiếp theo (Từ dòng 23 – 26): Suy tư về cuộc giã từ của Lorca

                                                  đường chỉ tay đã đứt

dòng sông rộng vô cùng

Lorca bơi sang ngang

trên chiếc ghita màu bạc

Thanh Thảo đã thể hiện những suy tư về cuộc giã từ của Lorca thông qua những hình ảnh có tính ẩn dụ, tượng trưng:

– Đường chỉ tay đã đứt: Đường chỉ tay là những đường rãnh trên lòng bàn tay của con người. Theo tâm linh, đường chỉ tay thể hiện những bí mật về tính cách và số phận con người. Cụm từ “đường chỉ tay đã đứt” chỉ sự đứt đoạn bất ngờ, có nghĩa là sinh mệnh chấm dứt. Những đường chỉ tay bị đứt trên lòng bàn tay đã ấn định cái chết của Lorca, nhấn mạnh cái chết bất ngờ và bi thảm của Lorca. Vậy là, người nghệ sĩ tài hoa đã dừng bước phiêu du trước dòng sông của định mệnh.

– Dòng sông rộng vô cùng:Là hình ảnh ẩn dụ chỉ dòng sông thời gian, dòng sông cuộc đời, dòng sông giữa hai bờ sinh tử. Theo dân gian giữa cõi sinh và cõi tử có một dòng sông ngăn cách, linh hồn của người chết phải vượt qua dòng sông ấy để bước sang thế giới bên kia là cõi vô hạn.

– Nghệ thuật đối lập giữa đường chỉ tay đã đứt với dòng sông rộng vô cùng, đối lập giữa sự đứt đoạn của số phận với sự vô tận của dòng sông thời gian suy cho cùng là đối sự lập giữa cái hữu hạn và cái vô hạn. Từ đây để cho thấy Lorca đã vượt qua ranh giới của sự hữu hạn để bước vào địa hạt của cõi vô hạn, để trở thành bất tử.

– Chiếc ghita màu bạc: Gợi liên tưởng hình ảnh Lorca vượt qua dòng sông thời gian, dòng sông cuộc đời, dòng sông giữa hai bờ sinh tử để đi sang cõi vô hạn trên một chiếc ghita màu bạc. Hình ảnh chiếc ghita màu bạc chính là biến thể của chiếc ghita nâu, ghita lá xanh… tượng trưng cho thế giới nghệ thuật và tâm hồn của Lorca, cho sự trong sạch, ngay thẳng, chân thành không chịu quỳ gối trước cường quyền bạo ngược. Sắc bạc ấy như sáng lên, ánh lên long lanh, lấp lánh của khát vọng tự do, những cách tân nghệ thuật mà Lor-ca hằngtheo đuổi.Con thuyền thi ca, nghệ thuật ấy đã chở tình yêu và nỗi nhớ của chàng trôi dần vào bến bờ bất tử. Lorca đã mang theo nghệ thuật của mình sang thế giới bên kia và giờ đây ở thế giới bên kia hẳn Lorca vẫn tiếp tục lãng du với cây đàn và những tiếng đàn bọt nước.

– Hình ảnh Lorca trong cuộc giã từ trên chiếc ghita màu bạc đi vào cõi bất tử không chỉ thể hiện tình yêu nghệ thuật của người nghệ sĩ ấy mà hơn nữa còn thể hiện ý thức của người nghệ sĩ chân chính. Người nghệ sĩ chân chính Lorca đã biết đặt lợi ích của nghệ thuật lên trên hết, biết ý thức về cái chết của mình và không muốn nghệ thuật của mình là vật cản cho người đời sau.Lorca muốn chôn theo thế giới của nghệ thuật của mình để nghệ thuật đời sau tiếp tục đi tới và hồi sinh mạnh mẽ.

  1. Năm dòng thơ cuối: Hình ảnh Lorca trong cuộc từ giã

Ở khổ cuối của bài thơ, Thanh Thảo đưa người đọc vào thế giới suy tư về sự giải thoát của Lorca:

chàng ném lá bùa cô gái Digan

vào xoáy nước

chàng ném trái tim mình

vào lặng yên bất chợt

li-la li-la li-la

Bốn dòng thơ ở khổ cuối có hình thức cấu trúc và ý nghĩa hoàn chỉnh được thể hiện theo kiểu lối thơ vắt dòng miêu tả trên cuộc hành trình đi từ cõi hữu hạn sang cõi vô hạn, Lorca đã có những hành động dứt khoát. Điệp từ “chàng ném” được lặp lại hai lần như là một biểu tượng về sự từ bỏ mạnh mẽ và dứt khoát của Lorca.

+ Ném lá bùa cô gái Digan: Lá bùa ở đây là để hộ mệnh. Sinh thời, Lorca đã dự cảm được những bất hạnh và cái chết nên trên chặng đường du ca nên luôn mang theo lá bùa để hóa giải những bất trắc có thể xảy ra. Nhưng cái chết đã đến, lá bùa không còn tác dụng, chàng ném lá bùa vì không còn cần nữa.Hành động ném lá bùa vào xoáy nước trên dòng sông thời gian, dòng sông số phận thể hiện sự dứt khoát từ bỏ, không một chút tiếc nuối.

+ Ném trái tim:Trái tim và nhịp đập của nó là biểu tượng về sự sống. Khi trái tim không còn đập nữa, sự sống không còn nữa, Lorca đã dứt khoát ném trái tim vào cõi lặng yên bất chợt,vứt bỏ cả sự sống “trái tim mình” trong lãng quên, trong lặng yên để dọn đường cho hậu thế, cho những con người sau vươn lên và tỏa sáng, thể hiện tấm lòng cao thượng của người anh hùng, người nghệ sĩ vĩ đại.

Các hành động “ném lá bùa”, “ném trái tim” như thế đều có ý nghĩa thể hiện sự lựa chọn đầy chủ động của  Lorca, dứt khoát chia tay, từ bỏ những ràng buộc, hệ lụy ở chốn trần gian để thanh thản bước vào cõi lặng im bất chợt. Và như vậy, trong cuộc chiến với nền chính trị độc tài và nền nghệ thuật già nua người nghệ sĩ tưởng chừng đơn độc ấy đã chiến thắng. Lorca đã thanh thản bước vào cõi bất tử và tư tưởng dân chủ, thế giới nghệ thuật của Lorcacùng những bài ca tranh đấu của Lorca vẫn đồng hành cùng thời gian và đi cùng năm tháng, với những thăng trầm của lịch sử nhân loại và nó mãi mãi được hát vang trong lòng của nhân dân yêu chuộng hòa bình, tự do.

+ Chuỗi âm thanh li-la-li-la-li-la từng xuất hiện ở đầu tác phẩm đã được trở lại một lần nữa trong dòng thơ kết. Nó mô phỏng âm thanh tiếng đàn ghita, giúp lời thơ rất giàu nhạc tính, khiến tiếng đàn ghi ta cứ vang vọng mãi trong tâm trí của mỗi người. Sự nối tiếp của ba từ “li-la”  cũng gợi hình ảnh những tràng hoa, chuỗi hoa nối tiếp, giăng hàng trước bức tượng đài Lorca thể hiện sự ngưỡng mộ, niềm tiếc thương vô hạn với người nghệ sĩ thiên tài của đất nước Tây Ban Nha. Đó cũng có thể là những đóa hoa của sự sống đang nảy nở từ chính cái chết đau thương, ngang trái. Câu thơ gợi cho người đọc nhớ tới một ý thơ của Chế Lan Viên: “Mọc chùng hoa trên đá, mùa xuân không lụi tàn”.Cấu trúc lặp vòng và âm hưởng ngân dài, vang mãi của tiếng đàn cùng với dấu ba chấm (…) ở dòng thơ cuối cúng một lần nữa gợi tiếng đàn Lorca bất tử, gợi dòng thời gian chảy mãi, cuộc sống vẫn tiếp tục hành trình vô tận và nghệ thuật mãi mãi hồi sinh.

Lorca đã về nơi an nghỉ cuối cùng. Chỉ còn vang vọng nơi đây âm vọng của tiếng đàn li-la li-la li-la như bản nhạc thiết tha thấm đẫm hương thơm của loài hoa Lila. “Đàn ghi ta của Lorca” của Thanh Thảokhiến người đọc cứ mãi nhớ tới bài thơ “Ghi nhớ” của anh:

Khi nào tôi chết

hãy vùi thây tôi

cùng với cây đàn dưới lớp cát hàng bạch dương

Khi nào tôi chết

hãy vùi thây tôi giữa rặng cây cam

và đám bạc hà.

Khi nào tôi chết

hãy vùi thây tôi tôi xin các người đó

nơi một chiếc chong chóng gió.

KẾT LUẬN

  1. Nghệ thuật

Thanh Thảo đã thành công trong việc thể hiện một phong cách thơ hiện đại nhuốm màu sắc thơ siêu thực và tượng trưng.Thanh Thảo đã lựa chọn thể thơ tự do với những câu thơ dài ngắn khác nhau giúp ông thỏa sức thể hiện những cung bậc tình cảm, cảm xúc của bản thân. Có thể để cho trí tưởng tượng của mình vươn cao, vươn xa hơn.Với lối thơ không viết hoa đầu dòng, cảm xúc liền mạch Thanh Thảo đã mang đến cho người đọc một mĩ cảm hiện đại giàu tính sáng tạo. Sự trộn lẫn giữa trường phái tượng trưng siêu thực và sức sáng tạo của Thanh Thảo đã cho ra đời một tuyệt bút đầy ngẫu hứng với sự kết hợp giữa thơ, nhạc và họa, giữa những thi ảnh của Lorca và những thi ảnh của chính nhà thơ Thanh Thảo, giữa chất giao hưởng phương Tây với màu sắc thơ phương Đông.Nhạc tính được tạo bởi nhiều yếu tố nghệ thuậtkhác nhau như âm thanh, trùng điệp, thể thơ, nhịp điệu, từ láy, cấu trúc giao hưởng… cùng những biện pháp so sánh, liên tưởng, tượng trưng, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác…Kết cấu bài thơ như một khối vuông Rubic trong đó sáu khổ thơ là sáu mặt của khối vuông và dòng thơ cuối là sợi dây gắn kết.Khối vuông Rubic xoay thế nào vẫn là khối vuông và bài thơ hiểu thế nào vẫn đến cùng một điểm là thể hiện hình tượng Lorca trong sự tiếc thương, ngưỡng mộ.Tất cả tạo nên màu sắc riêng của Thanh Thảo trong nỗ lực cách tân nghệ thuật trên con đương đổi mới.Nỗ lực sáng tạo bất tận ấy thể hiện mong muốn của nhà thơ góp phần cải tạo tiếng Việt, làm tiếng Việt thêm phần giàu đẹp, phong phú và đa dạng hơn.

  1. Nội dung

Bài thơ đã rất thành công khi tạo dựng một tượng đài Lorca bằng ngôn ngữ của thơ và âm nhạc.Bất kỳ một cuộc chiến nào cũng có người chiến thắng và kẻ bại trận nhưng những người biết hi sinh vì mọi người luôn luôn là người anh hùng với chiến thắng vĩ đại nhất. Phêđêricô Gacxia Lorca là một người như thế. Ý nghĩa cao hơn của thi phẩm là Thanh Thảo đã mang đến cho người đọc một tình yêu vô bờ bến đối với người nghệ sĩ củanhân dân chống phát xít bạo tàn,thể hiện tiếng nói tri âm của một người nghệ sĩ với một người nghệ sĩ, người chiến sĩ với người chiến sĩ. Tác phẩm đã góp phần lên án, tố cáo sự tàn bạo của nền chính trị độc tài phát xít, đẩy nhân dân vào hoàn cảnh lầm than bế tắc, đưa đất nước bao chùm trong u tối, ngột ngạt, đau thương tột cùng.Bài thơ là tiếng nói ca ngợi lòng yêu tự do, yêu dân tộc, ý chí kiên cường  không khuất phục trước thế lực tàn ác, dám đứng lên đấu tranh, giành quyền tự do cho nhân dân, tự chủ cho dân tộc, đồng thời, bộc lộ triết lý về nghệ thuật của Thanh Thảo về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, chính sức sống của nghệ thuật đã làm nên sự bất tử của người nghệ sĩ.

 

 

LUYỆN ĐỀ

Đề số 1: Vẻ đẹp của hình tượng Lorca trong bài thơ “Đàn ghita của Lorca” của Thanh Thảo.

MỞ BÀI

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm

–  Dẫn vào hình tượng

THÂN BÀI

  1. Khái quát(Tham khảo bài phân tích)

– Giới thiệu Lorca

– Hoàn cảnh ra đời và nội dung chính:

  1. Vẻ đẹp của hình tượng Lorca

2.1. Hình ảnh Lorca trên đấu trường khổng lồ:(Khổ 1)

          – Xuất hiện trong không gian văn hóa, chính trị của đất nước Tây Ban Nha

áo choàng đỏ gắt

2.2. Là người nghệ sĩ tài năng, lãng mạn nhưng cô đơn(Khổ 1)

          – những tiếng đàn bọt nước

          – đi lang thang… mỏi mòn

2.3. Cái chết bi tráng của Lorca

Tây Ban Nha hát nghêu ngao …như người mộng du”

2.4. Là người nghệ sĩ có số phận oan khuất

“Tiếng ghita nâu…. Máu chảy”

2.5. Lorca là người nghệ sĩ bất tử với tiếng đàn của mình

“Không ai chôn cất…. li-la”

KẾT LUẬN

– Khẳng định vấn đề nghị luận: Đánh giá nghệ thuật và nội dung

– Nêu cảm nghĩ của bản thân

 

Đề số 2: Hình tượngtiếng đàn trong bài thơ “Đàn ghita của Lorca” của Thanh Thảo.

MỞ BÀI

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm

–  Dẫn vào hình tượng

THÂN BÀI

  1. Khái quát (Tham khảo bài phân tích)

– Giới thiệu Lorca

– Hoàn cảnh ra đời và nội dung chính:

– Giới thiệu về đàn ghita

  1. Hình tượng tiếng đàn

2.1. Nhận xét chung

– Hình tượng tiếng đàn xuyên thấm vào hình tượng Lorca và trở thành một hình ảnh có tính biểu tượng. Tiếng đàn xuất hiện từ đầu đến cuối bài thơ với nhiều cung bậc khác nhau, lúc vui tươi, lúc là biểu tượng cho tình yêu, lúc thể hiện sự chia cắt, dự cảm về cái chết và nỗi đau…

2.2. Tiếng đàn là ẩn dụ về cuộc đời, số phận, thế giới nghệ thuật  cũng như vẻ đẹp và cái chết của Lorca

– Tiếng đàn là ẩn dụ cho thế giới nghệ thuật của Lorca, là dự cảm về số phận đầy bất trắc của người nghệ sĩ và nghệ thuật:

“Những tiếng đàn bọt nước”

Tiếng đàn là ẩn dụ cho tâm hồn, cho cuộc đời đoản mệnh và cái chết bi tráng của Lorca:

“Tiếng ghita nâu… máu chảy”

2.3. Tiếng đàn tượng trưng cho sức sống bất diệt của thế giới nghệ thuật cunga như sự bất tử của Lorca.

– Tiếng đàn tượng trưng cho sức sống bất diệt của thế giới nghệ thuật cũng như sự bất tử của Lorca:

“Không ai chôn cất tiếng đàn

Tiếng đàn như cỏ mọc hoang”

– Tiếng đàn là âm thanh biểu hiện cho dòng cảm xúc mãnh liệt của Thanh Thảo:

“li-la-li-la-li-la”

KẾT LUẬN

– Khẳng định vấn đề nghị luận:Đánh giá nghệ thuật và nội dung

– Nêu cảm nghĩ của bản thân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *