ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm) THEO ĐÚNG MA TRẬN CỦA BỘ
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: (Tự luận)
Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm;
Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em.
Không gì buồn bằng những buổi chiều êm.
Mà ánh sáng đều hoà cùng bóng tối.
Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối;
Vài miếng đêm u uất lẩn trong cành.
Mây theo chim về dãy núi xa xanh;
Từng đoàn lớp nhịp nhàng và lặng lẽ.
Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ.
Thôi hết rồi! Còn chi nữa đâu em!
Thôi hết rồi, gió gác với trăng thềm.
Với sương lá rụng trên đầu gần gũi,
Thôi đã hết hờn ghen và giận dỗi
(Được giận hờn nhau! Sung sướng bao nhiêu!)
Anh một mình, nghe tất cả buổi chiều
Vào chậm chậm ở trong hồn hiu quạnh.
Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh.
Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!
Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi,
Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời.
Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm!
Gió bao lần từng trận gió thương đi,
– Mà kỷ niệm, ôi, còn gọi ta chi…
(Trích Tương tư chiều – Xuân Diệu)
Câu 1: Văn bản trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?
Câu 3: Nhân vật trữ tình được nói đến trong bài thơ là ai?
Câu 4: Tác giả đã sử dụng cách gieo vần nào?
Câu 5: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu thơ:
“Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ.”
Câu 6: Nội dung của bài thơ là gì?
Câu 7: Nhận xét về tình cảm của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ sau:
Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh.
Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!
Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi,
Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời.
Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm!
Gió bao lần từng trận gió thương đi,
– Mà kỷ niệm, ôi, còn gọi ta chi…
Câu 8: Từ nội dung bài thơ trên, anh (chị) hãy viết một đoạn văn (khoảng 5-7 dòng) trình bày suy nghĩ về tình yêu của giới trẻ hiện nay.
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của văn bản trên.
Hướng dẫn chi tiết
ĐỌC – HIỂU
Câu 1: Văn bản trên được viết theo thể thơ 8 chữ
Câu 2: Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm
Câu 3: Nhân vật trữ tình được nói đến trong bài thơ là: Anh
Câu 4: Tác giả đã sử dụng cách gieo vần chân
Câu 5:
– Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: “Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ.” là biện pháp ẩn dụ.
– Tác dụng:
+ Nhằm làm cho lời thơ trở nên sinh động, hấp dẫn, giàu giá trị biểu cảm
+ Nhằm làm rõ hơn, cụ thể hơn nỗi nhớ, khát khao được gần người thương của nhà thơ, tưởng chừng như “không gian” vô tận này sẽ “tan thành lệ” chìm vào sự tĩnh lặng và u buồn của tâm hồn nhà thơ.
Câu 6: Nội dung:
Bài thơ thể hiện sự đau khổ, nhớ nhung, khát khao gặp lại người yêu của nhân vật trữ tình. Đồng thời đây cũng chính là tiếng lòng tha thiết với cuộc đời và tình yêu của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu.
Câu 7: Suy nghĩ về tình cảm của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ:
– Tình cảm của nhân vật trữ tình: Yêu thương, nhớ nhung.
– Suy nghĩ về tình cảm của nhân vật trữ tình: Chân thành, nồng nàn, da diết và cuồng nhiệt.
Câu 8:
– Nêu suy nghĩ về tình yêu của giới trẻ hiện nay.
– Trình bày hợp lí, thuyết phục.
(Gợi ý:
– Tuổi trẻ hôm nay vẫn phát huy được những vẻ đẹp của tình yêu như sự thuỷ chung; băn khoăn, lo âu trăn trở; khát khao, tin tưởng; chủ động vươn tới một tình yêu tốt đẹp,…
– Bên cạnh đó, một bộ phận nhỏ các bạn trẻ có quan niệm sai lầm trong tình yêu. Họ sống thực dụng, không trân trọng những giá trị truyền thống đẹp đẽ của tình yêu.
– Rút ra được bài học cho bản thân)
LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây)
Dàn ý
Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm.
– Xuân Diệu là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, là người đưa thơ mới lên vị trí đỉnh cao với tập thơ đầu tay và tiêu biểu nhất là “Thơ Thơ”.
– Bài thơ in trong tập “Thơ Thơ” xuất bản năm 1938.
Thân bài: Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ:
* Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình:
(Chủ đề, mạch cảm xúc, hình ảnh, điểm nhìn…)
– Chủ đề: Bài thơ thể hiện sự đau khổ, nhớ nhung, khát khao gặp lại người yêu của nhân vật trữ tình. Đây cũng là tiếng lòng tha thiết với cuộc đời, với tình yêu của thi sĩ Xuân Diệu.
– Mạch cảm xúc: Bài thơ bắt đầu với khung cảnh buổi chiều trong thời khắc hoàng hôn của một ngày đông đã khơi gợi nỗi nhớ đến da diết, đau đớn của một tình yêu đã từng có những lúc gắn bó gần gũi.
– Hình ảnh:
+ Hình ảnh của khung cảnh buổi chiều trong thời khắc hoàng hôn với: mặt trời đi ngủ sớm, ánh sáng, bóng tối, gió lướt thướt, cỏ rối, mây theo chim về dãy núi xa xanh, không gian xám, gió gác, trăng thềm, sương lá rụng. Đó là những hình ảnh thiên nhiên thấm đầy tâm trạng, xúc cảm của nhân vật trữ tình.
+ Hình ảnh của nỗi nhớ từ trong lòng tràn ra bao trùm cả cảnh vật: hồn hiu quạnh, nhớ tiếng, nhớ hình, nhớ ảnh, đôi môi đang cười, đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm. Đó là hình ảnh diễn tả tâm trạng của nhân vật trữ tình
– Điểm nhìn: từ góc độ của nhân vật trữ tình là “Anh” để thể hiện sự đau khổ, nhớ nhung, khát khao gặp lại người yêu
* Phân tích đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ.
– Sự phát triển của hình tượng chính
+ 9 câu thơ đầu: Mở ra một khung cảnh buổi chiều thật gợi nhớ. Khung cảnh buổi chiều trong thời khắc hoàng hôn của một ngày đông được mô tả trong đoạn đầu của bài thơ có lớp lang, trình tự. Đầu tiên là ở tầng thấp, trên những ngọn cỏ đến một tầng cao hơn là những vòm cây. Tiếp theo, trên tầng không gian cao hơn hiện ra hình ảnh rất đặc trưng của cảnh hoàng hôn: chòm mây, cánh chim. Tất cả được vây bọc bởi khung cảnh hoàng hôn: “Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ”.
+ 7 câu thơ tiếp: Trong sự vây bọc bởi khung cảnh hoàng hôn, lòng người cảm nhận thấm thía nỗi cô đơn từ trong cảnh vật lan toả vào tâm hồn mình và bỗng hiện về trong tâm tưởng bao kỷ niệm đẹp của những phút gần gũi, những giờ tình tự, để nỗi cô đơn càng thấm thía vị xót xa. Lời thơ thốt lên như tiếng kêu than đau đớn, tiếc nuối. Trong giây phút ở cao độ của nỗi đau xót, cô đơn ấy, lòng người bỗng nhận ra một điều thật giản dị mà sâu sắc, như một quy luật của tình yêu tự chiêm nghiệm được: “Được giận hờn nhau! Sung sướng bao nhiêu!”.
+ 7 câu cuối: Nỗi nhớ hiện ra như một nỗi day dứt thật sâu đậm và cụ thể “Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh”. Rồi lại “Anh nhớ em, anh nhớ lắm ! Em ơi !… – Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời – Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm”. Bài thơ dừng lại ở đúng chỗ cao trào của xúc cảm và tâm trạng, như một bản đàn đột ngột dừng lại ở những cung bậc cao và đang đi dồn dập, tạo ra một khoảng lặng bất ngờ, để những âm thanh rung động còn ngân vang trong tâm trí người khác.
– Tính độc đáo của các phương diện ngôn từ:
+ Thể thơ: 8 chữ
+ Gieo vần chân
+ Ngôn từ trong sáng, giàu hình ảnh, diễn đạt chính xác các cung bậc cảm xúc nhớ nhung, đau khổ khi bỏ lỡ người mình yêu.
+ Sự phối hợp hài hoà các thanh bằng, trắc
+ Sử dụng thành công các biện pháp nghệ thuật: nhân hoá, điệp từ, điệp cấu trúc.
+ Tả cảnh ngụ tình
* Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại
Nỗi nhớ trong bài “Tương tư chiều” khác với nỗi nhớ trong bài “Tương tư” của Nguyễn Bính. Nếu như “Tương tư” là tâm trạng mong mỏi, là nỗi tơ tưởng của chàng trai thầm yêu mà không gặp được người mình yêu thì “Tương tư chiều” của Xuân Diệu là nỗi nhớ da diết đến đau đớn của một tình yêu đã từng có những lúc gắn bó gần gũi, nó không mơ màng, vương vấn mà thật sâu đậm và cụ thể. Sự khác biệt không chỉ ở nội dung cảm xúc, mà còn ở cách thể hiện tâm trạng trữ tình. Ở Nguyễn Bính, cách thể hiện đậm phong vị dân gian. Trong thơ Xuân Diệu, cái quan trọng lại là sự diễn tả xúc cảm, cảm giác mang tính cụ thể, trực tiếp và cá thể.
Kết bài: Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ.
Bài thơ tiêu biểu cho những nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật thơ Xuân Diệu. Cùng với các bài thơ khác, “Tương tư chiều” đã thổi vào thơ Mới và Xuân Diệu xứng đáng là nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ Mới.
Bài viết tham khảo
Thơ mới được coi là một cuộc cách mạng trong thi ca Việt Nam. Ở thời kì này ta có thể thấy được “một hồn thơ rộng lớn” như Thế Lữ, “ảo não” như Huy Cận, “trong sáng” như Nguyễn Nhược pháp và nổi bật trong đó, ta có Xuân Diệu – một nét thơ “tha thiết, rạo rực, băn khoăn” (thi nhân Việt Nam). Xuân Diệu là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, là người đưa Thơ mới lên vị trí đỉnh cao với tập thơ đầu tay và tiêu biểu nhất là “Thơ thơ”. Bài thơ “Tương tư chiều” được trích từ tập thơ này, đã thể hiện nét độc đáo trong nội dung và nghệ thuật.
Bài thơ thể hiện sự đau khổ, nhớ nhung, khát khao gặp lại người yêu của nhân vật trữ tình. Đây cũng là tiếng lòng tha thiết với cuộc đời, với tình yêu của thi sĩ Xuân Diệu. Bài thơ bắt đầu với khung cảnh buổi chiều trong thời khắc hoàng hôn của một ngày đông đã khơi gợi nỗi nhớ đến da diết, đau đớn của một tình yêu đã từng có những lúc gắn bó gần gũi.
Có hai hệ thống hình ảnh xuất hiện trong thi phẩm. Đó là, hình ảnh của khung cảnh buổi chiều trong thời khắc hoàng hôn với: mặt trời đi ngủ sớm, ánh sáng, bóng tối, gió lướt thướt, cỏ rối, mây theo chim về dãy núi xa xanh, không gian xám, gió gác, trăng thềm, sương lá rụng. Đó là những hình ảnh thiên nhiên thấm đầy tâm trạng, xúc cảm của nhân vật trữ tình. Bên cạnh đó là hình ảnh của nỗi nhớ từ trong lòng tràn ra bao trùm cả cảnh vật: hồn hiu quạnh, nhớ tiếng, nhớ hình, nhớ ảnh, đôi môi đang cười, đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm. Đó là hình ảnh diễn tả tâm trạng của nhân vật trữ tình. Bài thơ được miêu tả từ điểm nhìn của nhân vật trữ tình – “Anh” để thể hiện sự đau khổ, nhớ nhung, khát khao gặp lại người yêu.
Cái “bệnh tương tư” của những đôi lứa tình nhân muôn thuở đã được văn chương cổ kim Đông Tây nói đến không biết bao nhiêu lần mà vẫn cứ luôn mới mẻ, hấp dẫn với mọi trái tim đang yêu ở các thời đại. “Tương tư chiều” của Xuân Diệu cũng diễn tả cái tâm trạng muôn thuở ấy của những đôi lứa yêu nhau, nhưng cũng lại là một tâm trạng mang những nét đặc trưng của một thời đại – thời đại thơ mới, khi cái “tôi” thực sự ý thức đầy đủ về mình và dám bày tỏ hết mình trong thơ, mà ở Xuân Diệu, đó là một cái “tôi” có bản sắc riêng biệt rất đậm nét.
Bài thơ mở ra một khung cảnh buổi chiều thật gợi nhớ:
Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm
Anh nhớ em, em hỡi ! Anh nhớ em
Còn gì gợi nhớ hơn những buổi chiều xa cách, nhất là những chiều lạnh mà “mặt trời đi ngủ sớm”. Buổi chiều thường gợi nỗi nhớ mong, có lẽ bởi nó cho người ta cảm nhận thấm thía nỗi cô đơn xa cách. Khung cảnh buổi chiều trong thời khắc hoàng hôn của một ngày đông được mô tả trong đoạn đầu của bài thơ có lớp lang, trình tự. Đầu tiên là ở tầng thấp, trên những ngọn cỏ:
Gió lướt thướt kéo mình qua có rối
Gió vô hình nhưng được cảm nhận qua chuyển động của những ngọn cỏ thành ra như một hiện tượng hữu hình. Góp phần tạo nên ấn tượng về hình ảnh của gió còn là những thanh sắc tập trung đậm đặc trong câu thơ (5/8 tiếng là thanh sắc mà bốn tiếng là ở đầu câu: “gió lướt thướt kéo”). Câu thơ vẽ ra hình ảnh chuyển động của gió chậm chạp nhưng mềm mại và ướt át trên đầu những ngọn cỏ đã đẫm sương lạnh vào lúc hoàng hôn. Sang câu thơ sau, cái nhìn đưa lên một tầng cao hơn là những vòm cây:
Vài miếng đêm u uất lẩn trong cành
Bóng tối đã vào trong các vòm lá, nhưng vẫn là lỗ đỗ từng khoảng sáng tối xen lẫn bóng đêm được cảm nhận như một khối đông đặc “miếng đêm”. Câu thơ với sự phối hợp các thanh bằng trắc, cùng với ý nghĩa của từ “u uất” đặt ở giữa câu thơ, đã tạo nên cảm giác về một sự ngưng đọng, đối lập với sự chuyển động mềm mại của gió. Tiếp theo, trên tầng không gian cao hơn hiện ra hình ảnh rất đặc trưng của cảnh hoàng hôn:
Mây theo chim về dãy núi xa xanh
Từng đoàn lớp nhịp nhàng và lặng lẽ
Câu một có năm dấu sắc, gợi gió lết bết trườn qua chậm chạp trên những ngọn cỏ. Câu ba tuy chủ từ là “mây” nhưng âm thanh nhẹ nhõm của năm thanh bằng gợi hình ảnh cánh chim nhẹ bay xa. Có thể thấy rằng khung cảnh buổi chiều là một cảnh thiên nhiên thấm đầy tâm trạng, xúc cảm. Nhà thơ đã để cho cảm xúc của lòng mình tràn ngập vào ngoại cảnh.
Trong sự vây bọc bởi khung cảnh hoàng hôn “Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ”, lòng người cảm nhận thấm thía nỗi cô đơn từ trong cảnh vật lan toả vào tâm hồn mình: “Anh một mình, nghe tất cả buổi chiều – Vào chậm chậm ở trong hồn hiu quạnh”. Và bỗng hiện về trong tâm tưởng bao kỷ niệm đẹp của những phút gần gũi, những giờ tình tự, để nỗi cô đơn càng thấm thía vị xót xa. Lời thơ không còn giữ được cái trầm lắng ở đoạn đầu, mà đến đây, lời thơ thốt lên như tiếng kêu than đau đớn, tiếc nuối:
Thôi hết rồi ! Còn chi nữa đâu em !
Thôi hết rồi, gió gác với trăng thềm
Với sương lá rụng trên đầu gần gũi
Thôi đã hết hờn ghen và giận dỗi
Trong giây phút ở cao độ của nỗi đau xót, cô đơn ấy, lòng người bỗng nhận ra một điều thật giản dị mà sâu sắc, như một quy luật của tình yêu tự chiêm nghiệm được: “Được giận hờn nhau! Sung sướng bao nhiêu!”. Thì ra, hạnh phúc của tình yêu còn là ở cả trong những sự “|hờn ghen, giận dỗi” ấy nữa. Đọc thơ tình Xuân Diệu không thể không nhớ những câu như “Yêu là chết ở trong lòng một ít”; “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu” hay “Uống xong lại khát là tình – Gặp rồi lại nhớ là mình của ta”,…
Ở đoạn đầu của bài thơ, nỗi nhớ từ trong lòng tràn ra, bao trùm cả không gian và thời gian của buổi chiều, rồi lại từ cảnh vật lan thấm vào mọi ngõ ngách của lòng người, đẩy tâm trạng lên đến cao độ, thốt lên thành lời kêu than đau đớn. Nỗi nhớ hiện ra như một nỗi day dứt thật sâu đậm và cụ thể: “Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh”. Rồi lại “Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi !… – Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời – Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm”.
Thành công của bài thơ còn được thể hiện ở tính độc đáo của các phương diện ngôn từ. Thể thơ 8 chữ, gieo vần chân. Ngôn từ trong sáng, giàu hình ảnh, diễn đạt chính xác các cung bậc cảm xúc nhớ nhung, đau khổ khi bỏ lỡ người mình yêu. Sự phối hợp hài hoà các thanh bằng, trắc. Sử dụng thành công các biện pháp nghệ thuật: nhân hoá, điệp từ, điệp cấu trúc, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình.
Bài thơ có nét hấp dẫn riêng độc đáo khi viết về nỗi niềm tương tư. Nỗi nhớ trong bài “Tương tư chiều” khác với nỗi nhớ trong bài “Tương tư” của Nguyễn Bính. Nếu như “Tương tư” là tâm trạng mong mỏi, là nỗi tơ tưởng của chàng trai thầm yêu mà không gặp được người mình yêu thì “Tương tư chiều” của Xuân Diệu là nỗi nhớ da diết đến đau đớn của một tình yêu đã từng có những lúc gắn bó gần gũi, nó không mơ màng, vương vấn mà thật sâu đậm và cụ thể. Sự khác biệt không chỉ ở nội dung cảm xúc, mà còn ở cách thể hiện tâm trạng trữ tình. Ở Nguyễn Bính, cách thể hiện đậm phong vị dân gian. Trong thơ Xuân Diệu, cái quan trọng lại là sự diễn tả xúc cảm, cảm giác mang tính cụ thể, trực tiếp và cá thể.
Bài thơ tiêu biểu cho những nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật thơ Xuân Diệu. Cùng với các bài thơ khác, “Tương tư chiều” đã thổi vào thơ Mới và Xuân Diệu xứng đáng là nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ Mới.