Đề thi theo ma trận mới về bài thơ Trăng của Xuân Diệu

DỰ ÁN 10: THƠ

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

TRĂNG

                                               (Xuân Diệu)

Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá,
Ánh sáng tuôn đầy các lối đi.
Tôi với người yêu qua nhẹ nhẹ…
Im lìm, không dám nói năng chi.

Bâng khuâng chân tiếc giậm lên vàng,
Tôi sợ đường trăng tiếng dậy vang,
Ngơ ngác hoa duyên còn núp lá,
Và làm sai lỡ nhịp trăng đang.

Dịu dàng đàn những ánh tơ xanh,
Cho gió du dương điệu múa cành;
Cho gió đượm buồn, thôi náo động
Linh hồn yểu điệu của đêm thanh.

Chúng tôi lặng lẽ bước trong thơ,
Lạc giữa niềm êm chẳng bến bờ.
Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá!
Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ.

(thivien.net/Xuân-Diệu/Trăng/poem-s9WciGZo5h04aAHHV-5hog)

Chú thích

Xuân Diệu (1916 – 1985), còn có bút danh là Trảo Nha, tên khai sinh là Ngô Xuân Diệu. Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho, quê ở làng Trảo Nha (nay là xã Đại Lộc), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Xuân Diệu được mệnh danh là nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh). Ông đã đem đến cho thơ ca đương thời một sức sống mới, một nguồn cảm hứng mới, thể hiện một quan niệm sống mới mẻ, cùng với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo. Ông là nhà thơ của mùa xuân, của tình yêu và tuổi trẻ với một giọng thơ sôi nổi, đắm say, yêu đời thắm thiết.

Xuân Diệu là cây bút có sức sáng tạo mãnh liệt, dồi dào, bền bỉ, có đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực của văn học Việt nam hiện đại. Ông xứng đáng với danh hiệu một nhà thơ lớn, một nghệ sĩ lớn, một nhà văn hóa lớn.

Vội vàng được in trong tập Thơ thơ, là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám.

Trả lời các câu hỏi/thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Văn bản trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2: Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai?

Câu 3: Hãy chỉ ra những từ ngữ miêu tả trăng trong các câu thơ sau:

Chúng tôi lặng lẽ bước trong thơ,
  Lạc giữa niềm êm chẳng bến bờ.
  Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá!
  Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ.

Câu 4: Nêu chủ đề của bài thơ?

Câu 5: Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ sau và nêu tác dụng của chúng:

Cho gió du dương điệu múa cành;
     Cho gió đượm buồn, thôi náo động

 

Câu 6: Anh/ chị hiểu như thế nào về hai câu thơ sau:

Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá!

 Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ.

Câu 7: Ý nghĩa hình ảnh “trăng” trong bài thơ là gì?

Câu 8: Qua bài thơ anh/chị có suy nghĩ gì về tình yêu.(Viết đoạn văn khoảng 5-7 dòng)

 

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của văn bản trên.

 

Hướng dẫn chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Phần Câu Nội dung Điểm
I ĐỌC HIỂU 6.0
1 Văn bản trên được viết theo thể thơ: bảy chữ 0.5
2 Nhân vật trữ tình trong đoạn thơ trên là “Em”. 0.5
3 Những từ ngữ miêu tả trăng:  Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá 0.5
4 Chủ đề của bài thơ: tình yêu 0,5
5  – HS chỉ ra được 2 biện pháp tu từ: Điệp cấu trúc, nhân hoá

+ Điệp cấu trúc “Cho gió…

+ Nhân hóa “gió du dương điệu múa”,  “gió đượm buồn, thôi náo động

– Tác dụng:

+ Tạo nhịp điệu cho câu thơ, đoạn thơ. Đồng thời, làm cho cách diễn đạt giàu hình ảnh, gợi cảm hơn.

+ Gió cũng có cảm xúc như con người đang yêu.; thể hiện tình cảm của nhân vật trữ tình trong tình yêu.

(HS chỉ ra được đủ 2 biện pháp, nêu được tác dụng:1,0 điểm

Chỉ ra được 2 biện pháp: 0,5 điểm, một biện pháp: 0,25điểm

Nêu được tác dụng đủ 2 ý: 0,5 điểm, mỗi ý: 0,25 điểm)

* Lưu ý: Chấp nhận lối diễn đạt khác nhưng nói được bản chất vấn đề. Trả lời sai, không trả lời thì không cho điểm

1.0
6 Bộc lộ tâm sự

– Thế giới tình yêu quá rộng lớn với nhiều trạng thái cảm xúc lúc rõ ràng (sáng quá), lúc xa, lúc rộng lớn khiến cho đôi lứa đang trong tình yêu mà cũng thấy bơ vơ.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 1.0 điểm.

– Học sinh trả lời có nội dung phù hợp nhưng diễn đạt chưa tốt:0,5 – 0,75 điểm.

– Học sinh diễn đạt sơ sài, thiếu ý: 0,25 điểm.

– Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

* Lưu ý: Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng thuyết phục, diễn đạt nhiều cách miễn hợp lý là chấp nhận được..

1.0
7 Trăng là người chứng kiến, soi sáng cho tình yêu lứa đôi.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời đúng 1 ý: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời có nội dung phù hợp nhưng diễn đạt chưa tốt: 0,25 điểm.

– Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

* Lưu ý: Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng thuyết phục, diễn đạt nhiều cách miễn hợp lý là chấp nhận được.

1.0
8 -Tình yêu đôi lứa có thể hiểu là sự gắn kết, yêu thương, trân trọng giữa hai con người với nhau, nó nảy sinh khi họ cảm mến nhau, nhớ nhung về nhau

– Tình yêu sẽ thật đẹp nếu ta hiểu được thực sự ý nghĩa của nó và sử dụng tình yêu của mình một cách có lý trí và đúng đắn.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời đúng 1 ý: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời có nội dung phù hợp nhưng diễn đạt chưa tốt: 0,25 điểm.

– Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

* Lưu ý: Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng thuyết phục, diễn đạt nhiều cách miễn hợp lý là chấp nhận được.

1,0

 

LÀM VĂN

Dàn ý

Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm.

– Giới thiệu tác giả Xuân Diệu, được đánh giá là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ Mới”

– Giới thiệu tác phẩm: sáng tác năm 1938, in trong tập “Thơ Thơ”

– Tác phẩm “Trăng”, chủ đề nói về tình yêu, thi phẩm đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó phai mờ.

Thân bài: Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ:

* Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình:

Chủ đề: Tình yêu – quen thuộc trong thơ Xuân Diệu, một tình yêu ngây thơ, trong sáng, hồn nhiên và đôi chút mơ mộng.

– Mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình: Mở đầu là hình ảnh “trăng” soi sáng cho tình yêu đôi lứa thẹn thùng, bối rối những buổi đầu hò hẹn. Tiếp theo là sự tiếc nuối chưa kịp bày tỏ, sự lo sợ, ngơ ngác tình yêu bị soi sáng chói quá sẽ mất đi cảm xúc. Sự lo lắng, bối rối khiến cho khung cảnh, sự vật trở nên buồn hơn khiến cảnh vật rơi vào yên lắng. Chúng tôi đã thấy được sự đồng điệu trong tâm hồn, cùng nhau mơ mộng về tình yêu không bến bờ nhưng Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá! khiến đôi lứa thấy bơ vơ.

– Hình ảnh “trăng” xuyên suốt tác phẩm như nhân chứng soi sáng cho tình yêu đôi lứa.

– Điểm nhìn: từ ngoài vào trong. (từ ngoại cảnh đến tâm hồn)

* Phân tích đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ.

– Sự phát triển của hình tượng chính

+ Tình yêu đôi lứa thẹn thùng, ngơ ngác những buổi đầu dưới trăng sáng rõ.

+ Sự nuối tiếc khi chưa bày tỏ, lo sợ khi giãi bày. (Cảm xúc thường thấy trong tình yêu.)

+ Cảm xúc bỗng rơi vào tĩnh lặng khiến cho cảnh vật đượm buồn.

+ Đôi lứa hòa vào những mơ mộng về tình yêu không bến bờ nhưng vẫn thấy bơ vơ.

– Tính độc đáo của các phương diện ngôn từ:

+ Hệ thống từ vựng mới và cách sử dụng mới mẻ.

+ Lời thơ giàu tính nhạc.

* Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại

– “Trăng” của Xuân Diệu có bản sắc riêng không giống với nhiều thi nhân như “Trăng” của Hàn Mặc Tử gợi tan vỡ, chia ly; với Hồ Chí Minh “Trăng” là tri kỉ… “Trăng”  của Xuân Diệu có bản sắc riêng, luôn luôn tràn đầy, tràn ngập

Kết bài: Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ.

– Bài thơ “Trăng” thể hiện tình yêu đôi lứa với đầy đủ những cung bậc cảm xúc ngây thơ, bối rối, mơ mộng, lo sợ, bơ vơ. Rất đỗi giản dị nhưng lại chân thực sâu sắc.

– Cách sử dụng từ ngữ mới mẻ độc đáo, tạo tính nhạc cho thơ.

 

 

 

 

 

Bài viết tham khảo

 

Xuân Diệu là được đánh giá là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ Mới”, nổi bật nhất của phong trào thơ mới 1932 – 1945. Thơ Xuân Diệu là một thanh âm cao vút, rộn rã, đầy màu sắc mới lạ, như một luồng gió lạ thổi vào thi đàn văn học Việt Nam. Ông được mệnh danh “ông hoàng thơ tình”, thơ ông tràn ngập lòng yêu đời, yêu người, yêu nhiên nhiên, yêu Đất nước. Đến với tình yêu trong thơ Xuân Diệu ta sẽ thấy được nhiều màu sắc, nhiều cung bậc cảm xúc lúc nhẹ nhàng, tha thiết, lúc lại mãnh liệt, sục sôi, khi lo lắng, u buồn lúc lại trỗi dậy nồng nàn. Đến với bài thơ “Trăng”- sáng tác năm 1938, in trong tập “Thơ Thơ”, độc giả sẽ cảm nhận được một tình yêu nhẹ nhàng, ngây thơ, lo lắng, bồn chồn nhưng cũng đầy mơ mộng, thi phẩm đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó phai mờ. Trong bài thơ “Trăng” của Xuân Diệu có bản sắc riêng, luôn luôn tràn đầy, tràn ngập là nhân chứng soi sáng cho tình yêu đôi lứa.

 

Tình yêu – chủ đề quen thuộc trong thơ Xuân Diệu. Mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình được miêu tả theo hình ảnh ánh trăng. Mở đầu là hình ảnh “trăng” soi sáng cho tình yêu đôi lứa thẹn thùng, bối rối những buổi đầu hò hẹn. Tiếp theo là sự tiếc nuối chưa kịp bày tỏ, sự lo sợ, ngơ ngác tình yêu bị soi sáng chói quá sẽ mất đi cảm xúc. Sự lo lắng, bối rối khiến cho khung cảnh, sự vật trở nên buồn hơn khiến cảnh vật rơi vào yên lắng. Ta thấy được sự đồng điệu trong tâm hồn, cùng nhau mơ mộng về tình yêu không bến bờ nhưng Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá! khiến đôi lứa thấy bơ vơ.

Trong “Trăng” ta thấy một tình yêu ngây thơ, trong sáng, hồn nhiên và đôi chút mơ mộng với nỗi niềm bơ vơ. Hình ảnh “trăng” xuyên suốt tác phẩm như nhân chứng soi sáng cho tình yêu đôi lứa. Mở đầu là hình ảnh “trăng” soi sáng cho tình yêu đôi lứa thẹn thùng, bối rối những buổi đầu hò hẹn.

Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá,
Ánh sáng tuôn đầy các lối đi.
Tôi với người yêu qua nhẹ nhẹ…
Im lìm, không dám nói năng chi.

Trăng đã trở thành nhân chứng soi sáng khắp lối cho tình yêu. Dưới ánh trăng, tình yêu thật ngây thơ, e ấp. Đôi lứa gặp nhau tưởng chừng cảm xúc sẽ trào dâng mà đem lòng bày tỏ, nhưng không biết điều gì đã khiến đôi lứa “Im lìm, không dám nói năng chi. Xuân Diệu đã thể hiện được sự gắn kết giữa vầng trăng và con người. Trăng sáng “tuôn đầy các lối đi” lộ ra cặp tình nhân đang e thẹn. Vầng trăng tuy thân quen nhưng nay sao không khí ngượng ngùng đến thế. Có lẽ ánh trăng chói quá nên con người yêu nhau càng thêm “im lìm, không dám nói năng chi”. Ngỡ rằng cảm xúc phải dâng trào, thơ mộng dưới ánh trăng mà nào nghĩa đến cảnh im lìm, câm nín. Chắc hẳn phải có điều gì đó khiến tâm trạng con người khó thổ lộ đến vậy.

Tiếp theo là sự tiếc nuối chưa kịp bày tỏ, sự lo sợ, ngơ ngác tình yêu bị soi sáng chói quá sẽ mất đi cảm xúc.

Bâng khuâng chân tiếc giậm lên vàng,
Tôi sợ đường trăng tiếng dậy vang,
Ngơ ngác hoa duyên còn núp lá,
Và làm sai lỡ nhịp trăng đang.

Đôi lứa đi dạo dưới ánh trăng mà long bâng khuâng, nuối tiếc, lo sợ, ngơ ngác không biết làm sao để thổ lộ được nỗi niềm. Nhưng lại lo ánh trăng sáng rõ hay sợ mình tỏ bày hết sẽ khiến “sai lỡ nhịp trăng đang”.

Sự lo lắng, bối rối khiến cho khung cảnh, sự vật trở nên buồn hơn khiến cảnh vật rơi vào yên lắng.

Dịu dàng đàn những ánh tơ xanh,
Cho gió du dương điệu múa cành;
Cho gió đượm buồn, thôi náo động
Linh hồn yểu điệu của đêm thanh.

Tình yêu khiến cho khung cảnh cũng thật nên thơ, một bức tranh đầy màu sắc, âm thanh, hình ảnh. Dưới ngòi bút của Xuân Diệu những thứ tưởng như vô hình như gió, âm thanh cũng trở nên hữu hình và có tâm hồn. Ấy là bởi cái đẹp trong mắt kẻ si tình. Chính vì thế nên từng câu thơ viết lên như có linh hồn hòa cùng trái tim đang thổn thức của đôi trai gái thuở ban đầu.

Và rồi chúng tôi đã thấy được sự đồng điệu trong tâm hồn, cùng nhau mơ mộng về tình yêu không bến bờ nhưng vẫn khiến đôi lứa thấy bơ vơ.

Chúng tôi lặng lẽ bước trong thơ,
Lạc giữa niềm êm chẳng bến bờ.
Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá!
Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ.

Với điểm nhìn từ ngoài vào trong Xuân Diệu cho ta thấy dường như tình yêu và cảnh vật thiên nhiên như hòa vào nhau để tôn vinh những xúc cảm tình yêu chân thành, tuy e ấp, ngơ ngác nhưng lại đầy mơ mộng, bâng khuâng. Tình yêu thắm thiết của lứa đôi cũng không ngăn nổi cảm giác “bơ vơ” của thân phận con người . Không phải tự nhiên mà Xuân Diệu được đánh giá là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ Mới”. Việc sử dụng ngôn từ một cách mới mẻ với hệ thống từ vựng mới đã làm nên cái mới đó cho thơ ông. Hơn nữa lời thơ Xuân Diệu trước hết là lời thơ giàu nhạc tính. Một tâm hồn yêu đời yêu người đã tạo nên những câu thơ với nhạc điệu nồng nàn, thiết tha.

“Trăng” của Xuân Diệu có bản sắc riêng không giống với nhiều thi nhân như “Trăng” của Hàn Mặc Tử gợi tan vỡ, chia ly; với Hồ Chí Minh “Trăng” là tri kỉ… “Trăng”  của Xuân Diệu có bản sắc riêng, luôn luôn tràn đầy, tràn ngập. Khát vọng sống cùng khát vọng đổi mới thơ ca đã hòa quyện cộng hưởng nhuẫn nhuyễn trong phong cách thơ Xuân Diệu để tạo nên tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Cũng như khát vọng sống mạnh mẽ, nhiệt tình và sôi nổi, cùng với phong cách thơ Xuân Diệu đầy riêng biệt, thơ của thi sĩ sẽ tiếp tục hành trình trong cuộc sống hôm nay cũng như mai sau.

Mahatma Gandhi đã từng nói: “Nơi nào có tình yêu, nơi đó có sự sống”. Quả thật thơ Xuân Diệu chất chứa tình yêu mãnh liệt như vậy, với ông cuộc sống thiếu tình yêu thì không phải là cuộc sống. Trong bài thơ “Trăng” của Xuân Diệu tình yêu thật ngây thơ, trong sáng, hồn nhiên và đôi chút mơ mộng với nỗi niềm bơ vơ thơ dại. Nhưng không bởi vì thế mà không rực cháy, da diết và mãnh liệt. Tình yêu ấy được thắp sáng bởi trăng, thật ấm áp, mơ mộng, da diết và trường tồn.

 

 

 

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *