Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn Việt Bắc- Từ ấy

 
ĐỀ SỐ 11- LUYỆN THI QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN NĂM 2019                                                                                                                                                                   ( Thời gian: 120 phút)
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Cuộc sống có thể hạnh phúc hơn chỉ khi con người biết đủ đầy, hài lòng với những gì mình đang và đã có. Người ngốc nghếch nhất trên đời này là người tham lam, vì luôn muốn có được nhiều hơn những gì đang sở hữu, nên họ lúc nào cũng phải tranh tranh đấu đấu, đêm ăn không ngon, ngủ không yên, khiến thân tâm mỏi mệt, không còn thời gian để tận hưởng những điều tốt đẹp của cuộc sống, vậy nên không biết được hạnh phúc thực sự là gì.
Đời người vốn dĩ như một chiếc thuyền. Người ta càng mang theo ít đồ đạc, thì con thuyền cuộc đời càng nhẹ, lướt càng nhanh. Vì thế, nếu người ta tiêu bỏ đi lòng tham, con thuyền có thể tiến lên nhẹ nhàng và cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn. Khi người ta chết, không ai mang sang thế giới bên kia được thứ của cải gì. Nếu người ta có thể kiềm chế lòng tham về sự giàu sang và danh tiếng, cuộc sống sẽ trở nên êm đềm và có thể đạt đến đích dễ dàng hơn.
Thiên Thanh
http://songdep.tv
 

  1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên.
  2. Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu: Đời người vốn dĩ như một chiếc thuyền. 
  3. Anh/ chị hiểu như thế nào về câu: Cuộc sống có thể hạnh phúc hơn chỉ khi con người biết đủ đầy, hài lòng với những gì mình đang và đã có.
  4. Người viết nhắn nhủ điều gì khi quan niệm: Khi người ta chết, không ai mang sang thế giới bên kia được thứ của cải gì.Viết đoạn văn ( khoảng 5-7 dòng) thể hiện lời nhắn nhủ đó.

Phn II. Làm văn (7,0 đim)
Câu 1. (2,0 đim)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của việc “kiềm chế lòng tham về sự giàu sang và danh tiếng”đối với con người trong cuộc sống hôm nay được trích ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (5,0 đim)
Cảm nhận khúc dạo đầu ân tình chung thuỷ, niềm trăn trở nhớ thương và cảnh tiễn đưa qua đoạn thơ trích trong bài thơ Việt Bắc ( Tố Hữu):
Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”
Từ đó, liên hệ với bài thơ Từ ấy ( Ngữ văn 11) để nhận xét về phong cách trữ tình- chính trị trong thơ Tố Hữu.
 
———–HẾT———-
 
 
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ 11
 

Phần Câu/Ý Nội dung Điểm
I Đọc hiểu 3.0
1 Phương thức biểu đạt chính chính: nghị luận. 0.5
2 – BPTT: so sánh (“Đời người” so sánh “như một chiếc thuyền”…).
– Tác dụng:
+ Tạo tính hình tượng cho lời văn.
+ Thể hiện rõ những thăng trầm trong cuộc đời của mỗi con người. Từ đó, người viết gửi gắm một lối sống đúng đắn, tốt đẹp nhất.
1.0
3 Hiểu câu: Cuộc sống có thể hạnh phúc hơn chỉ khi con người biết đủ đầy, hài lòng với những gì mình đang và đã có:
+ Hạnh phúc của con người chính là biết thỏa mãn những gì đang có. Thế nhưng nhiều người lại chạy theo những thứ hào nhoáng bên ngoài, chạy theo những cái lợi trước mắt mà quên mất những điều giản dị mà chân thành ngay bên cạnh.
+ Hạnh phúc vốn xuất phát từ những điều nhỏ nhoi, đơn giản mà chân thành, ấm áp.
0.5
 
 
 
4 Đoạn văn thể hiện được các ý:
– Khi còn sống, ta phải sống tốt, sống đẹp, sống có ích cho cuộc đời
– Không bon chen, giành giật, mưu lợi cá nhân mà làm hại người khác.
1.0
 
 
II Làm văn
1 Viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của việc “kiềm chế lòng tham về sự giàu sang và danh tiếng” đối với con người trong cuộc sống hôm nay được trích ở phần Đọc hiểu. 2.0
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
( Nếu HS viết từ 2 đoạn trở lên thì không cho điểm cấu trúc)
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một tư tưởng đạo lí: ……
0.25
 
 
 
 
0.25
 
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; các phương thức biểu đạt, nhất là nghị luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Cụ thể:
c.1. Câu mở đoạn: Dẫn ý liên quan để nêu vấn đề cần nghị luận: phải biết kiềm chế lòng tham để có lối sống tốt.
c.2. Các câu phát triển đoạn:
– Giải thích:
+ Lòng thamlà muốn sở hữu những cái của người khác, muốn đoạt được thật nhiều thứ về mình bằng mọi cách, mọi thủ đoạn. Khi nói đến lòng tham, ta hiểu ngay trong đó là tính ích kỉ, vụ lợi của cá nhân;
+ Kiềm chế lòng tham:là biết tịnh tâm, giữ mình, không để bản thân sa ngã trước sự giàu có và danh tiếng;
– Phân tích, chứng minh, bàn luận về ý nghĩa việc kiềm chế lòng tham…
+ Tại sao con người phải kiềm chế lòng tham?
++ Vì lòng tham làm con người mù quáng, bất chấp tất cả để làm những việc trái với pháp luật và đạo đức ( muốn giàu có nhanh, muốn có địa vị cao nhưng không xuất phát từ thực lực của chính bản thân);
++ Kiềm chế lòng tham giúp con người biết chế ngự sự ích kỉ cá nhân, biết cân bằng lợi cá nhân và lợi ích cộng đồng, xử lí đúng đắn mối quan hệ giữa riêng và chung;
++ Kiềm chế lòng tham giúp con người có đời sống gia đình hạnh phúc, xã hội văn minh…
++ Dẫn chứng văn học: cổ tích  Ăn khế trả vàng;  thực tế xã hội: những vụ án tham nhũng, án buôn bán ma tuý…được xử lí trong những ngày gần đây…
+ Bàn bạc mở rộng: Phê phán những kẻ có lòng tham vô đáy, tha hoá nhân cách, đạo đức, là gánh nặng của gia đình, xã hội..
c.3. Câu kết đoạn: đưa ra bài học nhận thức và hành động phù hợp: + Về nhận thức: cá nhân phải hiểu rõ ý nghĩa của việc kiềm chế lòng tham để xác định lối sống đúng đắn
+ Về hành động: cá nhân phải học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, biết làm giàu chân chính, biết phấn đấu vươn lên bằng ý chí, nghị lực của bản thân.
1.00
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
0,25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. ( Sai từ 2 lỗi trở lên sẽ không tính điểm này) 0,25
2 Cảm nhận khúc dạo đầu ân tình chung thuỷ, niềm trăn trở nhớ thương và cảnh tiễn đưa qua đoạn thơ trích trong bài thơ Việt Bắc…Từ đó, liên hệ với bài thơ Từ ấy ( Ngữ văn 11) để nhận xét về phong cách trữ tình- chính trị trong thơ Tố Hữu. 5,0
1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
(0,25)
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
 
(0,25)
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:
3.1.Mở bài: 0.25
– Giới thiệu khái quát về tác giả Tố Hữu: là một nhà thơ lớn, một nhà thơ trữ tình chính trị, thơ ông luôn phản ánh những chặng đường đấu tranh gian khổ song cũng nhiều thắng lợi của dân tộc.
– Giới thiệu tập thơ Việt Bắc, bài thơ Việt Bắc;
– Nêu vấn đề cần nghị luận:
+ Ý chính: khúc dạo đầu ân tình chung thuỷ, niềm trăn trở nhớ thương và cảnh tiễn đưa được thể hiện qua đoạn thơ 8 cân đầu trích trong bài thơ Việt Bắc
+Ý phụ:Cùng với đoạn thơ trong Việt bắc, bài thơ Từ ấy đã thể hiện sâu sắcphong cách trữ tình- chính trị trong thơ Tố Hữu.
3.2.Thân bài: 3.50
a. Khái quát sơ lược về tác phẩm và đoạn thơ cần cảm nhận: 0.25 đ
– Việt Bắc là một địa danh – là cái nôi của cách mạng Việt Nam tiền khởi nghĩa, là cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến chống Pháp.
– Việt Bắc là nơi lưu giữ nhiều kỉ niệm giữa cán bộ cách mạng và đồng bào nơi đây.
– Sau chiến-thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, tháng 10/1954 các cơ quan TW của Đảng và Chính phủ từ biệt căn cứ địa cách mạng Việt Bắc trở về Hà Nội. Một loạt những vấn đề đặt ra trong đời sống tình cảm của dân tộc: liệu những người chiến thắng có giữ được tấm lòng thuỷ chung với đông bào Việt Băc và quê hương cách mạng? có nhớ những tháng ngày gian khổ hào hùng và sâu nặng nghĩa tình trong kháng chiến ? …
-Nhân sự kiện lịch sử trọng đại ấy của dân tộc, Tố Hữu sáng tác bài thơ Việt Bắc. Bài thơ gồm có hai phần: phần đầu tái hiện những kỉ niệm của cách mạng và kháng chiến ở Việt Bắc; phần sau gợi ra viễn cảnh tươi sáng của đất nước và ca ngợi công ơn của Đảng, Bác Hồ đổi với dân tộc.
– Đoạn thơ gồm 8 dòng đầu của bài thơ Việt Bắc.
b. Cảm nhận khúc dạo đầu ân tình chung thuỷ, niềm trăn trở nhớ thương và cảnh tiễn đưa qua đoạn thơ:
b.1. 4 câu đầu làkhúc dạo đầu ân tình chung thuỷ, niềm trăn trở nhớ thương của người Việt Bắc:
– Mở đầu là một câu hỏi ngọt ngào bâng khuâng khi hướng về thời gian: “Mình về mình …nhìn sông nhớ nguồn”.
+ Mình và ta là những đại từ nhân xưng quen thuộc trong ca dao xưa, là cách xưng hô bình dị, thương mến vô cùng của tình yêu đôi lứa. Hai câu hỏi trong đoạn mở đầu đã gợi nhắc tới những câu ca dao nói về cảnh chia tay bịn rịn nhớ nhung của lứa đôi: mình về có nhớ ta chăng – ta về ta nhớ hàm răng mình cười; Bao giờ chạch đẻ ngọn đa, sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình…
+Tố Hữu đã mượn một hình thức ngôn từ quen thuộc của văn hoá dân gian để gửi gắm những nội dung tình cảm lớn lao của thời đại mới; những câu ca ngọt ngào của tình yêu đã trở thành những câu hỏi xao xuyến của nghĩa tình cách mạng, thể hiện nỗi nhớ nhung của người ở lại với người về xuôi.
– Hai câu tiếp là câu hỏi hướng về không gian: Mình về…nhớ nguồn
+Hai vế của câu thơ đan xen những hình ảnh của cả miền xuôi như cây, sông và miền núi như núi, nguồn. Hoàn cảnh chia xa, nồi nhớ và sự gắn bó khăng khít đã hiện ngay trong cả chia tách và đan xen hoà quyện của ngôn từ. Nhìn cây, nhìn sông là những hình ảnh nhắc tới một thực tế chắc chắn trong tương lai khi người kháng chiến đã về xuôi, đã sống với quê hương, với đồng bằng, vì thế cũng có thể coi là biểu tượng cho việc trở về của người kháng chiến với chốn đô hội phồn hoa; còn nhớ núi, nhớ nguồn là để tâm hồn trở về với quá khứ, với Việt Bắc, điều này có xảy ra hay không còn tuỳ thuộc vào sự thuỷ chung của người ra đi.
+ Tố Hữu đã khơi rất sâu vào nguồn mạch đạo lý ân nghĩa thủy chung của dân tộc để thể hiện tình cảm cách mạng. M­ười lăm năm ấy là trở về với cội nguồn những năm tiền khởi nghĩa sâu nặng biết bao ân tình.
– 4 câu thơ điệp lại 4 chữ mình, 4 chữ “nhớ”, 1 chữ ta hòa quyện, 1 câu hỏi về thời gian (15 năm…) một câu hỏi về không gian (nhìn cây…). Khổ thơ ngắn nhưng đã dồn góp lại cả một thời cách mạng.
b.2. 4 câu tiếp làcảnh tiễn đưabâng khuâng trong nỗi lưu luyến nhớ nhung của người đi kẻ ở:
– Câu thơ đầu nhắc tới Tiếng ai tha thiết bên cồn cho thấy những nhớ nhung xao xuyến, những day dứt trăn trở trong lòng người ở lại đã được người ra đi thấu hiểu, cảm nhận.
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi: Sự đăng đối trong hai vế câu thơ đã góp phần thể hiện sự đăng đối đồng điệu trong cảm xúc con người. Bâng khuâng là từ láy gợi ra những trạng thái cảm xúc mơ hồ khó tả bởi sự đan xen buồn vui, luyến tiếc, nhớ nhung khiến con người như ngơ ngẩn. Bồn chồn là tâm trạng thấp thỏm nôn nao khiến con người không yên, tuy cũng là từ láy miêu tả trạng thái cảm xúc nhưng bồn chồn nhiều khi không dừng lại ở những nỗi niềm trong tâm tưởng mà còn có thể hiện trong ánh mắt, dáng vẻ, hành động…
– Hình ảnh hoán dụ về chiếc áo chàm vừa gợi ra trang phục đặc trưng của người Việt Bắc vừa khắc hoạ tính cách mộc mạc, tấm lòng son sắt của họ với cách mạng, với kháng chiến. Câu thơ đồng thời cho thấy sự xót xa và niềm cảm phục, thương mến của người đi với những người Việt Bắc.
Cầm tay nhau…hôm nay:gợi sự quyến luyến không nỡ rời, xúc động nghẹn ngào nói không nên lời trong lòng người về xuôi.Tình cảm cồn cào bối rối ấy làm thay đổi cả nhịp thơ. Tiết tấu 2/2 của nhịp lục bát bỗng xao động trong nhịp 3/3/2 diễn tả thật đắt tấm lòng ng­ười đi với ngư­ời ở lại. Dấu chấm lửng như­ khoảng trống khó lấp đầy, sự im lặng hàm chứa bao xao xuyến không lời.
b.3. Đánh giá chung: tám dòng thơ đầu là cảnh chia tay đầy lưu luyến, bịn rịn nhưng là cuộc chia tay lớn mang tính chất chính trị trọng đại trong hình thức cuộc chia tay tình tứ của lứa đôi. Đoạn thơ đậm đà tính dân tộc với thể thơ lục bát truyền thống được sử dụng nhuần nhuyễn, kết cấu đối đáp thường thấy trong ca dao được sử dụng sáng tạo, cặp đại từ nhân xưng mình ta với sự biến hoá linh hoạt, tác giả tạo dựng được hình tượng kẻ ở, người đi đại diện cho tình cảm của cả cộng đồng.
c. Liên hệ với bài thơ Từ ấy ( Ngữ văn 11) để nhận xét về phong cách trữ tình- chính trị trong thơ Tố Hữu:1.0đ
– Nhận xét về bài thơ: Bài thơ Từ ấy được coi là thi phẩm có ý nghĩa mở đầu, định hướng cho toàn bộ quá trình sáng tác của Tố Hữu đó là tuyên ngôn sống và sáng tác nghệ thuật của một con người tự nguyện gắn bó cả cuộc đời mình với quần chúng lao khổ, phấn đấu vì cuộc sống hạnh phúc của đồng bào, vì tương lai tươi sáng của đất nước.
– Nhận xét phong cách trữ tình- chính trị trong thơ Tố Hữu từ Từ ấy đến Việt Bắc:
+ Giống nhau: cả 2 bài thơ đều thống nhất ở phong cách thơ trữ tình chính trị trong thơ Tố Hữu. Nhà thơ chọn thời điểm lịch sử mang tính bước ngoặt của đời mình, cũng là của dân tộc để rung cảm thành thơ. Tình cảm thuỷ chung cách mạng được hoà điệu trong ngôn ngữgần gũi, hình ảnh tươi sáng…làm nên tính dân tộc đậm đà;
+ Khác nhau: cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu bắt đầu từ Từ ấy trước hết là cái tôi – chiến sĩ. Càng về sau, cái tôi – chiến sĩ trong thơ Tố Hữu càng rõ nét hơn: cái tôi nhân danh Đảng, nhân danh cộng đồng, dân tộc, nhất là trong Việt Bắc. Điều đó thể hiện sự phát triển vượt bậc trong việc thể hiện tư tưởng lớn, tình cảm lớn của nhà thơ.
3.3.Kết bài: 0.25
– Tóm lại vẻ đẹp của đoạn thơ mở đầu Việt Bắc
– Cảm nghĩ về phong cách thơ Tố Hữu
– Bài học cuộc sống rút ra từ thơ Tố Hữu
(4.00)
4. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
( 0,25)
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.( Sai từ 2 lỗi trở lên sẽ không tính điểm này)
( 0,25)

 

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *