Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn 2019 theo hướng mới. Vợ chồng A Phủ đề 1

ĐỀ LUYỆN THI QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN NĂM 2019                                                                                                                                                             ( Thời gian: 120 phút)
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Nữ vận động viên 19 tuổi Rei Iida, thuộc đội Iwatani Sangyo tham dự cuộc thi chạy tiếp sức mang tên “Công chúa Ekiden” ở quận Fukuoka. Cô thi đấu ở lượt tiếp sức thứ hai và bất ngờ trượt ngã, bị chấn thương nặng ở đầu gối phải. Lúc đó, Rei Iida còn cách đích 200 m.
Cô gái đầy nghị lực này quyết định bò về đích với đầu gối máu chảy ròng ròng để trao chiếc khăn cho đồng đội. Chỉ có như vậy đội Iwatani Sangyo của cô mới có thể tiếp tục cuộc đua. Sau khi video về Rei Iida được đăng tải trên mạng xã hội, cuộc tranh luận lớn đã xảy ra về việc để cho nữ VĐV này tiếp tục thi đấu.
Được biết, huấn luyện viên trưởng của đội Iwatani Sangyo đã thông báo cho ban tổ chức cuộc thi rằng đội mình sẽ bỏ cuộc sau khi biết Iida bị chấn thương và không thể chạy được nữa. Tuy nhiên, cô gái 19 tuổi này đã vượt qua khó khăn, không để cho nhà tổ chức ngăn cản việc cô hoàn thành phần thi.
Với đầu gối chảy máu không ngừng vì bò trên đường, Rei trở thành tấm gương lớn về nghị lực cho tinh thần không bao giờ bỏ cuộc. Rất nhiều người xem bật khóc khi chứng kiến Rei về đích với đầu gối máu chảy không ngừng.
Với Rei Iida, cô gái 19 tuổi này chắc chắn trở thành nguồn cảm hứng lớn trong cuộc sống cho hình ảnh con người vượt khó bằng ý chí “thép”. Mọi trở ngại đều không thể ngăn cản Rei về đích, dù sau cuộc thi thì Rei được các bác sĩ chẩn đoán bị rạn xương và mất từ 3 đến 4 tháng để phục hồi.
(Bị chấn thương nặng, nữ vận động viên Nhật Bản vẫn bò trên đường đua tiếp sức,Tiến Đạt, Zing.vn, ngày 23/10/2018)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 . Nữ vận động viên 19 tuổi Rei Iida đứng trước những thử thách nào?
Câu 2 . Tại sao rất nhiều người xem bật khóc khi chứng kiến Rei về đích với đầu gối máu chảy không ngừng.?
Câu 3. Hành động “Cô gái đầy nghị lực này quyết định bò về đích với đầu gối máu chảy ròng ròng để trao chiếc khăn cho đồng đội” gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?
Câu 4 . Có ý kiến cho rằng: Vận động viên 19 tuổi Rei Iida là người đã chiến thắng trong cuộc thi, anh/chị có đồng tình không? Vì sao?
Phn II. Làm văn (7,0 đim)
Câu 1. (2,0 đim)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về hình ảnh con người vượt khó bằng ý chí “thép”.
Câu 2. (5,0 đim)
Khi thể hiện nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài (truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài), nhà văn để “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng”. Trong “đêm mùa đông trên núi cao”, “mỗi đêm, Mị đã dậy ra thổi lửa hơ tay, hơ lưng, không biết bao nhiêu lần”.
(Tô Hoài – Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.8 và tr.13)
Phân tích nhân vật Mị trong mỗi lần sống với ánh sáng như trên, từ đó làm nổi bật tấm lòng của nhà văn dành cho người dân Tây Bắc.
 
 
.———–HẾT——–HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ 
 

Phần Câu/Ý Nội dung Điểm
I   Đọc hiểu 3.0
  1 Nữ vận động viên 19 tuổi Rei Iida đứng trước những thử thách :
– Bị chấn thương nặng ở đầu gối trên đường thi chạy tiếp sức;
– Chặng đường về đích còn xa;
– Nếu bỏ cuộc, đội Iwatani Sangyo của cô sẽ bị thua.
0.5
  2 Rất nhiều người xem bật khóc khi chứng kiến Rei về đích với đầu gối máu chảy không ngừng, bởi vì:
– Họ xúc động trước cảnh cô vận động viên bị thương nặng trên đường chạy thi;
– Họ cảm phục trước nghị lực và sự quyết tâm của Rei Iida với tinh thần không bao giờ bỏ cuộc.
0.5
 
  3 Hành động có ý nghĩa: Khó khăn, trở ngại là điều không thể tránh khỏỉ trong cuộc đời của con người. Nhưng thành công chỉ đến với những ai có tinh thần quả cảm, có ý chí, nghị lực để vượt qua… 1.0
 
 
  4 Học sinh có thể trả lời: Đồng tình ý kiến, không đồng tình hoặc đồng tình một phần nhưng lí giải họp lí, thuyết phục.
-Đồng tình: Vì vận động viên Rei Iida đã chiến thắng chính mình bằng sự nỗ lực của bản thân, bằng ý chí và tinh thần “thép”.
– Không đông tình hoặc đông tình một phần: Nêu học sinh có lập luận hợp lý,thuyết phục, vẫn linh động cho điểm.
1.0
 
 
 
 
II   Làm văn  
  1 Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về hình ảnh con người vượt khó bằng ý chí “thép”. 2.0
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
( Nếu HS viết từ 2 đoạn trở lên thì không cho điểm cấu trúc)
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Có nghị lực, ý chí “thép” và sự quyết tâm cao độ thì mỗi người sẽ vượt qua mọi trở ngại cuộc sống.
0.25
 
 
 
 
0.25
 
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; các phương thức biểu đạt, nhất là nghị luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Cụ thể:
c.1. Câu mở đoạn: Dẫn ý liên quan (có thể lấy câu chuyện trong phần Đọc hiểu ) để nêu vấn đề cần nghị luận.
c.2. Các câu phát triển đoạn:
-Giải thích: Lí giải được ý chí “thép ”: là cách nói ẩn dụ, chỉ khả năng tự xác định mục đích cho hành động và hướng hoạt động của mình, khắc phục mọi khó khăn nhằm đạt mục đích đó.
– Bàn luận:
+ Con đường dẫn đến thành công và hạnh phúc không hề bằng phẳng và trái lại, có đầy những chông gai thử thách.
+ Để có thể vượt qua khó khăn, chúng ta cần có ý chí. Ý chí sẽ giúp chúng ta có nghị lực kiên cường, lòng quyết tâm sắt đá, lòng dũng cảm để đạp đổ mọi gian khó.
+Ý chí giúp chúng ta vượt qua khó khăn, chinh phục thử thách; ý chí là chìa khóa để mở ta con đường thành công. Nếu thiếu đi ý chí tức là chúng ta đã chịu đầu hàng trước hoàn cảnh, để mặc cho số phận quyết định bản thân mình.
+Chứng minh: Giáo sư vật lý Stephen Hawking bị nhiều loại bệnh khác nhau nhưng vẫn là nhà vật lý vĩ đại. Nhà soạn nhạc Beethoven bị điếc vẫn có những bản nhạc nổi tiếng. Helen Keller bị mù điếc bẩm sinh vẫn hàng ngày đi an ủi các bệnh nhân khác…
+ Phê phán: những người thiếu niềm tin, ý chí, bi quan trong cuộc sống…
c.3. Câu kết đoạn: đưa ra bài học nhận thức và hành động phù hợp:
+ Về nhận thức: hiểu được giá trị ý chí “thép”của con người
+ Về hành động: học tập và rèn luyện ý chí, bản lĩnh, sẵn sàng đối diện với mọi thử thách của cuộc sống.
1.00
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
0,25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. ( Sai từ 2 lỗi trở lên sẽ không tính điểm này) 0,25
  2 Khi thể hiện nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài (truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài), nhà văn để “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng”. Trong “đêm mùa đông trên núi cao”, “mỗi đêm, Mị đã dậy ra thổi lửa hơ tay, hơ lưng, không biết bao nhiêu lần”.
(Tô Hoài – Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.8 và tr.13)
Phân tích nhân vật Mị trong mỗi lần sống với ánh sáng như trên, từ đó làm nổi bật tấm lòng của nhà văn dành cho người dân Tây Bắc.
5,0
1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.              
(0,25)
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Nhân vật Mị trong mỗi lần sống với ánh sáng. Tấm lòng của nhà văn dành cho người dân Tây Bắc.
(0,25)
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:
3.1.Mở bài: 0.25
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
+ Tô Hoài là nhà văn nổi tiếng trên văn đàn văn học hiện đại Việt Nam từ trước năm 1945.
+Thành công của Tô Hoài là những tác phẩm viết về hiện thực cuộc sống, con người Tây Bắc, tiêu biểu là truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”.
– Nêu vấn đề nghị luận: nhân vật Mị qua 2 lần sống với ánh sáng, thể hiện sự thay đổi rất lớn trong tâm trạng và hành động, gửi gắm tấm lòng nhân đạo của tác giả dành cho người dân Tây Bắc.
3.2.Thân bài: 3.50
a.Tổng quan kiến thức:
-Truyện “VCAP” sáng tác năm 1952 in trong tập “Truyện Tây Bắc”(1953). Tác phẩm viết về cuộc sống tăm tối và khát vọng sống mãnh liệt của người dân miền núi dưới ách thống trị của thực dân phong kiến.
-Số phận của Mị:
+ Có gia đình và sống trong hạnh phúc của tình yêu. Nhưng bố mẹ Mị cưới nhau không đủ tiền cưới, phải đến vay nhà thống lí. Vì chưa trả nợ xong nên Pá Tra đã tìm cách bắt Mị về để gạt nợ. Số phận của Mị là số phận của cô “con dâu gạt nợ”.
+ Mị là cô gái xinh đẹp, chăm chỉ, được nhiều người yêu mến, “trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị”. Cô cũng là đứa con hiếu thảo, giàu lòng vị tha và đức hy sinh, thà chết cũng không sống nhục “có đến hàng mấy tháng đêm nào Mị cũng khóc”. Nhưng vì bố mẹ, Mị vẫn chấp nhận số kiếp đau khổ ấy.
+Bình luận: Chỉ vì thần quyền và cường quyền áp bức mà số phận con người bị rẻ rúng, sống kiếp trâu ngựa, bị đày đọa cả thể xác và tinh thần. Từ một cô gái xinh đẹp yêu đời thổi sáo hay, Mị đã trở thành cái xác không hồn, cái bóng vô cảm trong nhà thống lí Pá Tra.
b. Sự thay đổi của nhân vật Mị qua 2 lần thắp ánh sáng:
b.1.Lần thắp sáng thứ nhất:
– Hoàn cảnh tác động đến hành động của nhân vật Mị: đêm tình mùa xuân đã về ở Hồng Ngài:
+ Cảnh mùa xuân được tác giả miêu tả từ xa đến gần, có đầy đủ màu sắc, âm thanh; đẹp nhất màu của những chiếc váy hoa sặc sỡ, hay nhất là âm thanh tiếng sáo gọi bạn tình. Tất cả gợi vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc sống con người, đậm màu sắc văn hoá Tây Bắc;
+ Nghe tiếng sáo, Mị nhẩm thầm bài hát, lòng thấy bồi hồi. Mị lén uống rượu, uống ực từng bát. Mị say. Men rượu thành men nhớ. Mị ý thức về quá khứ của mình: xinh đẹp, trẻ trung, tài năng. Mị nhận ra thân phận hiện tại: hôn nhân không tình yêu với A Sử. Mị muốn chết ngay bằng nắm lá ngón. Càng nghĩ, nước mắt càng ứa ra.
– Phân tích hành động thắp đèn của Mị:
+Sức sống trỗi dậy như những đợt sóng ào ạt, lớp sau mạnh mẽ hơn lớp trước, dẫn Mị đến những hành động dứt khoát “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng”. Thắp đèn hay thắp lên ánh sáng cho cuộc đời tắm tối khổ đau của Mị?
+Để rồi hành động này nối tiếp hành động khác “Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở trong vách”. Mị hành động theo tiếng gọi của lòng mình, như một con người tự do, như bao người khác sửa soạn đi chơi tết.
+ Giữa lúc lòng ham sống đang trỗi dậy thì A Sử xuất hiện như bóng đen nuốt trọn cuộc đời Mị, cướp đi ngọn lửa mới được nhen lên.
+Tuy bị đau đớn về thể xác và thực tại phũ phàng ngăn cản bước chân nhưng trong lòng Mị khao khát tự do.
– Bình luận: Qua lần thắp lên ánh sáng thứ nhất, tác giả cho ta thấy được sức sống tiềm tàng của Mị. Dù trong thân phận là con  dâu gạt nợ, bị vùi dập từ thể xác đến tinh thần, niềm khát khao hạnh phúc, tự do vẫn cháy âm ỉ trong tâm hồn Mị và chỉ cần một cơn gió lớn nó sẽ bùng lên thành ngọn lửa.
b.2.Mị sống với ánh sáng lần thứ hai:
– Sau đêm tình mùa xuân, Mị lại trở về với thực tại phũ phàng trong nhà thống lí. Cái dài và buồn của mùa đông càng khiến Mị héo hắt “ nếu không có bếp lửa kia thì Mị cũng đến chết héo”. Mị chỉ còn biết bầu bạn với ngọn lửa. Chính ngọn lửa ấy đã giúp Mị vượt qua cô đơn, lạnh lẽo của mùa đông và dẫn đường cho Mị nhận ra người đồng cảnh ngộ.
-Tiếp đến là cuộc gặp gỡ ngang trái của Mị và A Phủ: hai con người – một số phận.
+ Ban đầu, Mị tỏ ra dửng dưng vô cảm khi chứng kiến cảnh A Phủ bị trói đứng. Ta không thể trách Mị. Tâm hồn cô gái ấy đã chịu quá nhiều vết cứa của chế độ phong kiến, của bọn chúa đất quan lại, của cường quyền và thần quyền. Cô chịu quá nhiều cay đắng nên không thể cảm động trước cảnh tượng A Phủ, vô cảm với sinh mệnh của A Phủ và với chính mình.
+ Từ sự vô cảm, nhờ có ngọn lửa mà Mị nhận ra “một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”của A Phủ. Mị động lòng thương xót cho số kiếp của A Phủ. Mị nhận ra sự độc ác, vô nhân đạo của chế độ lúc bấy giờ, rồi quan tâm lo lắng cho A Phủ. Mị đã có một hành động quyết liệt và táo bạo khi đã vượt qua nỗi sợ hãi, chính là cởi trói cho A Phủ và giải thoát chính bản thân mình.
– Bình luận: Ánh sáng được nhóm lên cũng là lúc con người bừng tỉnh. Nếu như lần thắp sáng thứ nhất, ánh lửa mới được nhen lên yếu ớt thì lần này ánh sáng ấy chính là cơn gió làm bùng lên khát vọng và ý thức sống mãnh liệt hơn bào giờ hết. Đó là ngọn lửa của tinh thần đấu tranh phản kháng mạnh mẽ của những con người đau khổ,
b.3.Nghệ thuật xây dựng nhân vật
– Điểm nhìn trần thuật: xa đến gần, cao xuống thấp, ngoài vào trong.
– Lời văn trần thuật: lời kể tự nhiên, giàu sắc thái trữ tình nhờ kết hợp kể và tả. Ngôn ngữ kể giàu chất thơ;
– Giọng điệu trần thuật: tha thiết, bồi hồi. Có khi dòng văn suy nghĩ của nhân vật và của nhà văn hoà làm một, tạo xúc động cho người đọc;
– Thể hiện vốn hiểu biết sâu sắc văn hoá dân tộc Tây Bắc của nhà văn;
– Đi sâu vào khai thác diễn biến quá trình phát triển tâm lí nhân vật một cách hợp lí, tự nhiên, không gượng ép.
c. Nhận xét tấm lòng của nhà văn đối với nhân dân Tây Bắc:
– Đồng cảm với nỗi khổ đau mà con người phải gánh chịu (đồng cảm với thân phận làm dâu gạt nợ của Mị).
– Phát hiện ra sức sống tiềm tàng trong con người (sức sống tiềm tàng trong nhân vật Mị được thể hiện trong đêm tình mùa xuân và sự phản kháng mãnh liệt của Mị trong hành động cởi trói cho A Phủ).
-Tấm lòng nhà văn dành cho đồng bào miền núi thật sâu nặng, nghĩa tình, xét đến cùng đó chính là tấm lòng nhân đạo của người nghệ sĩ dành cho đất và người Tây Bắc.
3.3.Kết bài: 0.25
– Qua hai lần nhân vật Mị sống với ánh sáng, nhà văn đã phát hiện và ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ miền núi nói riêng, nhân dân Tây Bắc nói chung. Đây cũng là những chi tiết nghệ thuật giàu ý nghĩa làm nên thành công của truyện;
– Bài học cuộc sống dành cho tuổi trẻ từ nhân vật Mị: sống có khát vọng, luôn đấu tranh để được tự do và hạnh phúc.
(4.00)
4. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
( 0,25)
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.( Sai từ 2 lỗi trở lên sẽ không tính điểm này)
( 0,25)

 
 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *