BIÊN SOẠN ĐỀ
ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Tôi nghĩ rằng “vận may” khác với “thành quả”. Ta không thể đạt được sự may mắn. Ta không thể tạo ra vận may. Điều đó cũng giống như ta không thể sắp đặt trước một cuộc hẹn mà ở đó ta sẽ gặp tiếng sét ái tình. Nhưng mặt khác, chúng ta có thể nỗ lực để tạo ra những thành quả. Đừng gọi thành quả của mình là may mắn, vì như vậy là vứt bỏ ý chí và nỗ lực của bản thân. Cũng đừng xem may mắn là thành quả, vì như thế là từ chối vẻ đẹp bí ẩn và đầy bất ngờ của cuộc sống.
(…) Hãy cứ tin vào sự may mắn, rằng đôi lúc nó rơi xuống cuộc đời ai đó như một món quà (…) Tuy nhiên, như một câu ngạn ngữ xưa đã nói “sự may mắn chẳng tặng không ai cái gì bao giờ, nó chỉ cho vay mà thôi”. Vì vậy, đừng tìm kiếm nó, đừng trông chờ hay thậm chí đổ lỗi cho nó… Và hãy nhớ rằng mọi vận may chỉ là khởi đầu.
(Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn 2018, trang 166&167)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2 . Vì sao tác giả cho rằng: đừng tìm kiếm, đừng trông chờ hay thậm chí đổ lỗi cho vận may?
Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về câu ngạn ngữ được nêu trong đoạn trích: “Sự may mắn chẳng tặng không ai cái gì bao giờ, nó chỉ cho vay mà thôi”?
Câu 4. Lời khuyên: “ Đừng gọi thành quả của mình là may mắn, vì như vậy là vứt bỏ ý chí và nỗ lực của bản thân” trong đoạn trích có ý nghĩa gì với anh chị?
LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) để thuyết phục mình và mọi người nhận thức được mọi vận may chỉ là khởi đầu.
Câu 2 (5.0 điểm)
Trình bày cảm nhận của anh/ chị về vẻ đẹp thiên và con người Việt Bắc trong đoạn thơ sau:
Ta về, mình có nhớ ta
…Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.
(Trích Việt Bắc – Tố Hữu, dẫn theo Ngữ văn 12, tập một, Sđd, tr. 111)
————————-HẾT—————————-
HƯỚNG DẪN CHẤM
Phần | Câu | Yêu cầu cần đạt | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 3,0 | |
1 | Phương thức biểu đạt chủ yếu: nghị luận/phương thức nghị luận | 0,75 | |
2 | Tác giả cho rằng: đừng tìm kiếm, đừng trông chờ hay thậm chí đổ lỗi cho vận may vì: – Tìm kiếm, trông chờ vận may sẽ dẫn đến thụ động, dựa dẫm, kìm hãm sự nỗ lực của bản thân, thành công đạt được có thể không bền vững. Mỗi người hãy luôn sống chủ động, tích cực. – Không nên đổ lỗi cho vận may vì như thế chứng tỏ bản thân chưa có đầy đủ nhận thức về cuộc sống. |
0,75 | |
3 | Thí sinh có thể đưa ra những cách hiểu khác nhau nhưng cần bám sát vào nội dung câu ngạn ngữ: – Sự may mắn chẳng tặng không ai cái gì bao giờ, nó chỉ cho vay, cho một sự khởi đầu làm tiền đề, để từ sự may mắn đó, ta tiếp tục đặt những mục tiêu cao hơn, tiếp tục bỏ công sức, tâm huyết, kiên trì, nỗ lực để đạt những thành quả lớn lao, đẹp đẽ và ý nghĩa hơn. Sự may mắn đó là điều kiện mà cuộc sống đặt ra để thử thách bản lĩnh của mỗi người. – Thành quả chúng ta đạt được chính là sự trả lại cho cuộc sống món quà ban đầu mà nó đã tặng cho ta. Câu ngạn ngữ là lời khuyên sâu sắc về cách đón nhận “vận may” trong cuộc sống. |
0,75 | |
4 | Thí sinh trả lời theo quan điểm cá nhân. Có thể tham khảo ý kiến sau: – Khẳng định đây là lời khuyên đúng đắn và rất có ý nghĩa với bản thân, vì mỗi thành quả đạt được, ngoài yếu tố may mắn bao giờ cũng là kết quả của một quá trình cố gắng, quyết tâm. – Trong cuộc sống cần biết nắm bắt cơ may, đồng thời cố gắng, nỗ lực hết mình để gặt hái thành quả. |
0,75 | |
II | LÀM VĂN | 7,0 | |
1 | Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) để thuyết phục mình và mọi người nhận thức được mọi vận may chỉ là khởi đầu | 2,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận. | 0,25 | ||
b. Xác định được đúng vấn đề cần nghị luận: mọi vận may chỉ là khởi đầu | 0,25 | ||
c. Triển khai vấn đề thành các luận điểm, vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. | 1,0 | ||
* Khẳng định: Mọi vận may chỉ là khởi đầu khẳng định vận may không thể là yếu tố quyết định, cũng không thể là cơ sở đánh giá sự thành công hay thất bại của một ai đó. * Lí giải: Tại sao vận may chỉ là khởi đầu? Yếu tố quyết định đến thành công của mỗi người là gì? Điều gì mới làm nên sự phát triển vững bền cho một con người, một xã hội?… * Bài học nhận thức và hành động Từ việc bàn luận về cách đón nhận vận may trong cuộc đời, thí sinh cần nêu được những định hướng trong nhận thức và hành động phù hợp, ý nghĩa cho bản thân. |
|||
d. Sáng tạo Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện những suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. |
0,25 | ||
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. |
0,25 | ||
2 | Cảm nhận về vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Bắc qua đoạn sau | 5,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận và phạm vi dẫn chứng. Có đủ các phẩn mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. |
0,25 |
||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Bức tranh thiên nhiên miền Tây và hình ảnh người lính Tây Tiến. | 0,5 | ||
c. Triển khai vấn đề thành các luận điểm, vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Có thể trình bày theo định hướng sau: * Giới thiệu vài nét về tác giả và tác phẩm, vị trí của đoạn thơ. *Cảm nhận về vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Bắc trong đoạn thơ -Vẻ đẹp thiên nhiên: bức tranh bốn mùa vừa mang nét đặc trưng riêng biệt, vừa mang nét chung của vùng Việt Bắc thân thương -Vẻ đẹp con người: là trung tâm của cảnh, mang vẻ đẹp giản dị, khỏe khoắn của người lao động, mang vẻ gần gũi thân thương. *Nghệ thuật tả cảnh tả người: mang những nét vừa cổ điển, vừa hiện đại *Đánh giá khái quát về giá trị của đoạn thơ, về phong cách tác giả thể hiện trọng đoạn trích. |
3,5 | ||
d. Sáng tạo:Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện những suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. | 0,5 | ||
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. |
0,25 |
Lưu ý chung:
– Do đặc trưng của môn Ngữ văn, bài làm của thí sinh cần được đánh giá tổng quát, tránh đếm ý cho điểm.
– Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ yêu cầu đã nêu ở mỗi câu đồng thời diễn đạt lưu loát, chặt chẽ, có cảm xúc.
– Không cho điểm cao với những bài chỉ nêu chung chung.
– Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Bài viết có thể không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.
– Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.