Đề thi tham khảo Ngữ Văn – Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 ( lần 1)

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐỀ THI THAM KHẢO

KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2020

Bài thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

 

  1. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích

Thế nào là anh hùng? Theo tôi, anh hùng là người can đảm cống hiến trong mọi hoàn cảnh

Thế nào là anh hùng? Theo tôi, anh hùng là người can đảm cống hiến trong mọi hoàn cảnh dù là khó khăn nhất; là một cá nhân hành động không vị kỉ và luôn đòi hỏi bản thân mình phải tốt hơn so với mức kì vọng của mọi người, là người xem thường nghịch cảnh để kiên quyết thực hiện điều mình tin tưởng mà không hề sợ hãi. Anh hùng là người muốn cống hiến, sẵn sàng trở thành hình mẫu và sống thật với niềm tin xác quyết của mình. Anh hùng luôn xây dựng chiến lược để đảm bảo đạt được kết quả và theo đuổi đến khi thành quả mong muốn trở thành hiện thực; họ sẵn sàng thay đổi phương pháp nếu cần thiết và hiểu tầm quan trọng của những hành động nhỏ. Anh hùng không phải là mẫu người “hoàn hảo” vì chẳng có ai hoàn hảo. Chúng ta đều mắc sai lầm, nhưng điều đó không phủ nhận những cống hiến của chúng ta trong đời.

(Trích Đánh thức con người phi thường trong bạn – Anthony Robbins, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr. 397 – 398)

 

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả cho rằng anh hùng là người có thái độ như thế nào trước khó khăn, nghịch cảnh?

Câu 3. Anh/Chị hiểu như thế nào về câu: Anh hùng không phải là mẫu người “hoàn hảo” vì chẳng có ai hoàn hảo?

Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với quan niệm: Chúng ta đều mắc sai lầm nhưng điều đó không phủ nhận những cống hiến của chúng ta trong đời? Vì sao?

  1. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về những hành động nhỏ làm nên người anh hùng giữa đời thường.

Câu 2 (5.0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Mị trong đêm mùa xuân ở Hồng Ngài (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài)

 

Đáp án gợi ý đề thi tham khảo THPT Quốc gia môn Văn 2020

  1. Đọc hiểu

Câu 1. Phương thức biểu đạt: Nghị luận

Câu 2. Anh hùng là người có thái độ ntn trước khó khăn nghịch cảnh:

– Theo tác giả, anh hùng là người can đảm cống hiến, không kì vị và luôn đòi hỏi bản thân phải tốt hơn so với mức kì vọng của mọi người trọng mọi hoàn cảnh, dù là hoàn cảnh khó khăn nhất

– Xem thường nghịch cảnh để kiên quyết chiến đấu không sợ hãi

– Luôn muốn cống hiến, sẵn sàng trở thành hình mẫu và luôn sống thật với niềm tin xác quyết của mình

Câu 3. Anh hùng không phải là mẫu người “hoàn hảo” vì chẳng có ai hoàn hảo.

Câu này có thể hiểu như sau:

Trong cuộc sống, mỗi con người đều suy nghĩ và góc nhìn là khác nhau, không ai giống ai cả, nên đôi khi trong mắt họ, những điều mà “anh hùng” chiến đấu và thực hiện chưa chắc đã là điều họ mong muốn và chờ đợi. Nên đối với mọi người, anh hùng chưa chắc đã là mẫu người hoàn hảo

Bên cạnh đó, anh hùng suy cho cùng cũng chỉ là con người, mà con người thì không có ai hoàn hảo trong mắt tất cả mọi người, họ chỉ có thể là phiên bản hoàn hảo nhất của bản thân họ mà thôi.

Câu 4. Chúng ta đều mắc sai lầm, nhưng điều đó không phủ nhận những cống hiến của chúng ra trong đời

– ĐỒNG Ý với quan niệm trên bởi vì:

+ Đã là con người thì ai cũng sẽ có lúc mắc sai lầm, có thể ngay lúc thực hiện việc đó ta không hề biết đó là sai lầm, nhưng khoảnh khắc ta nhìn lại vấn đề đó, ta sẽ tự nhận thấy hành động đó không phù hợp, gọi là sai lầm. Nhưng chỉ cần chúng ta biết để sửa, biết để thay đổi và cố gắng, thì sai lầm đó không thể phủ nhận những cống hiến của chúng ta đã có.

+ Ta có thể cống hiến vô vàn điều tốt đẹp trên cuộc đời, nhưng chúng ta nếu phạm phải 1 sai lầm thì điều đó nếu ảnh hưởng tới cuộc đời của bạn thì quá bất công rồi.

Lưu ý: Câu này hỏi về quan niệm cá nhân nên không có đúng hay sai, các em hoàn toàn có thể viết CÓ hoặc KHÔNG, nhưng phải có những lập luận và lí lẽ cho bản thân.

  1. Làm văn

Câu 1 (2.0 điểm)

– Hình thức: Đoạn văn 200 chữ bố cục mở – thân – kết đoạn và đảm bảo các ý chính để nghị luận về đề tài “những hành động nhỏ làm nên anh hùng giữa đời thường”

– Nội dung:

Giới thiệu đề tài:

– Nêu ra vấn đề nghị luận, dẫn dắt đề bài

– Đưa ra quan điểm chung của bản thân về đề bài.

Bàn luận vấn đề:

Anh hùng là gì?

Anh hùng là những con người sống và thực hiện những hành động dựa trên lý tưởng của bản thân và kì vọng của mọi người. Là những người không ngại khó khăn, thử thách, nghịch cảnh mà luôn luôn làm những điều tốt đẹp hướng tới xã hội và cộng đồng.

Anh hùng về danh từ có thể hiểu là người lập nên công trạng to lớn với nhân dân đất nước hoặc có những hành động hoặc bản lĩnh phi thường; về động từ chỉ các hành động anh hùng. Từ anh hùng được sử dụng với nghĩa tốt để tuyên dương các cá nhân, tập thể hoặc hành động nào đó.

Hành động nhỏ giữa đời thường?

– Hành động nhỏ giữa đời thường không phải là những gì quá to tát như giải cứu thế giới, giải cứu nhân loại mà chúng ta thường xem trên các bộ phim, nó đơn giản chỉ là những hành động, nghĩa cử tốt đẹp mà chúng ta đối xử với nhau hàng ngày, mong muốn đem lòng tốt của bản thân cho mọi người xung quanh.

Lập luận, quan điểm bản thân:

– Ngày nay, có rất nhiều những “anh hùng” xuất hiện chỉ bằng những hành động nhỏ của mình giữa cuộc sống đầy rẫy những khó khăn này. Họ hành động đôi khi không phải vì cái danh “anh hùng” được mọi người bình bầu mà nó chỉ đơn giản là xuất phát từ tấm lòng, từ quan niệm sống và cách nhìn nhận về vấn đề đó, khiến họ không thể ngồi im hay khoanh tay đứng nhìn.

Phản đề: Hiện tượng anh hùng bàn phím: Cư dân mạng đặt ra nhiều cụm từ dùng để chỉ đến những người sử dụng máy tính, internet để làm, hoặc nói bất cứ thứ gì mình thích: nói xấu, bới móc, thích gây chú ý, chê trách người này và đả kích người kia,…  và “anh hùng bàn phím” là cái tên đang được đề cập nhiều nhất.

– Liên hệ thực tế:

+ Mới nhất: Trong tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp như hiện nay, có rất nhiều những nhà hảo tâm đã làm cơm trưa, phục vụ miễn phí cho các y bác sĩ trong bệnh viện, cổ vũ để các bác sĩ có thêm động lực, giúp phần nào để đất nước đẩy lùi khó khăn và vượt qua dịch bệnh. Hay nhà hảo tâm giúp cho người nghèo đảm bảo những bữa cơm trưa trong những ngày cả nước thực hiện “Cách ly toàn dân”. Họ làm việc này xuất phát từ cái tâm, không màng lợi ích. Và đó chính là “hành động nhỏ” tạo nên những “anh hùng” đời thường.

+ Hành động nhỏ làm nên những người anh hùng mà ta thường bắt gặp:

  • Là sẵn sàng chia sẻ chút thức ăn ít ỏi dù bản thân mình cũng không giàu sang gì.
  • Là hành động giúp đỡ người già, người khuyết tận qua đường
  • Là lời động viên, khích lệ những người đang bi quan, giúp họ có cái nhìn khác với cuộc sống khó khăn ở hiện tại
  • …….

Tổng kết vấn đề

– Đúc kết lại suy nghĩ của em

– Có thể mở rộng và liên hệ bản thân.

 

Câu 2 (5.0 điểm)

Bài viết tham khảo

Thành công nhất của nhà văn Tô Hoài khi xây dựng nhân vật Mị là sự phân tích tâm lý nhân vật, vì đây không những thể hiện tài năng của nhà văn mà còn bộc lộ sự hiểu biết sâu sắc về con người. Mị xuất hiện trong Vợ chồng A Phủ như một con người đầy tâm trạng, ngay cả khi nhân vật này không nói, không suy nghĩ gì.

Dàn ý diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân

  1. Giới thiệu sơ lược về Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

+ Mị là cô gái người Mông trẻ trung, hồn nhiên, có tài thổi sáo “thổi lá cũng hay như thổi sáo có biết bao nhiêu người mê”

+ Mị đã từng yêu, từng được yêu, luôn khao khát đi theo tiếng gọi của tình yêu.

+ Hiếu thảo, chăm chỉ, ý thức được giá trị cuộc sống tự do nên sẵn sàng làm nương ngô trả nợ thay cho bố.

  1. Phân tích tâm trạng Mị trong đêm mùa xuân.

Trước đêm mùa xuân, do bị đày đoạ, áp chế, Mị trở thành người phụ nữ “vô hồn”, mất cả cảm giác về thời gian lẫn không gian. Kiếp sống của Mị chẳng khác nào kiếp sống con trâu, con ngựa trong nhà thống lí Pá Tra. Tuy nhiên, sức sống trong Mị chưa hoàn toàn lụi tắt. Mỗi khi bước vào buồng, Mị lại ngồi xuống giường trông ra cửa sổ. Điều ấy cho thấy Mị luôn hướng ra bên ngoài, ẩn chứa một khát khao, dù khá mong manh và mơ hồ. Sức sống có thể bị dập tắt vĩnh viễn, nhưng cũng có thể sẽ trỗi dậy khi có điều kiện.

Sự tác động của bối cảnh bên ngoài đối với Mị trong đêm mùa xuân. Mùa xuân năm ấy ở Hồng Ngài đẹp và gợi cảm biết bao: Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa xếp yên đầy các nhà kho. Trẻ con đi hái bí đỏ, tinh nghịch, đã đốt những lều canh nương để sưởi lửa… Hồng Ngài năm ấy ăn tết giữa lúc gió thổi và cỏ ranh vàng ửng… Trong các làng Mèo, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xoè như con bướm, sặc sỡ… Đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân trước nhà. Ngoài đầu núi lấp ló đã co tiếng ai thổi sáo tủ bạn đi chơi… Chính không gian rộn rã sắc màu cùng tiếng sáo tha thiết đã đánh thức cô Mị ngày xưa. Tiếng sáo như chạm vào nỗi nhớ. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bồi hồi. Mị ngồi nhẩm lại bài hát của người đang thổi…

Mùa xuân đó đầy sắc màu, rộn rã âm thanh. Điều ấy xa lạ với không gian trong căn phòng bé nhỏ của Mị, nhưng gần gũi với thế giới mà Mị đã từng sống rất hạnh phúc. Chúng gợi cho Mị nhớ lại thời xa xưa. Ngày xưa, Tết Mị uống rượu. Bây giờ, Mị cũng uống rượu. Rồi Mị say.

Rượu – chất men đánh thức phần đời đã mất của Mị. Khi uống rượu say, Mị lại được sống về những ngày trước. Ngày trước Mị vui sướng biết bao. Tai Mị vẳng nghe tiếng sao vọng lại đầu làng. Đấy là tiếng sáo của tình duyên, của tuổi thanh xuân căng đầy sức sống. Mị không còn là cô con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra nữa. Mị đang uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị. Ra thế, Mị còn trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ.

Sự đối lập giữa hoàn cảnh đêm xuân, giữa thế giới được đánh thức với cuộc sống thực tại: Khi say, Mị nhớ và sống lại với ngày xưa, nhưng thực ra, Mị vẫn đang ở nhà thống lý Pá Tra. Mị vẫn đang sống kiếp đoạ đày với A Sử. Sự đối lập giữa một bên là hạnh phúc tuổi trẻ với một bên là kiếp sống trâu ngựa đã khiến Mị suy nghĩ đến việc kết liễu đời mình như ngày mới về làm dâu nhà thống lý. Mị lại ước gì có nắm lá ngón trong tay, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa. Càng nhớ lại chỉ thấy nước mặt ứa ra. Ôi chao, tiếng sáo ấy, tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường. Mị đang muốn quên đi, Mị không muốn nhớ lại cái ngày trước mà không được. Tiếng sáo ấy lửng lơ, tiếng sáo ấy làm Mị thiết tha bổi hổi. Mị muốn đi chơi. Mị muốn thoát ra ngoài cái ô cửa ô mờ đục, trăng trắng này!

Nhưng Mị lại thực hiện một sự giải thoát bằng cách khác. Đó là bỏ nhà đi chơi như những người trẻ trung đang dập dìu ngoài làng. Mị đã ý định giải thoát một cách lặng lẽ mà mãnh liệt: Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng… Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở trong vách… Mị rút thêm cái áo. Mị làm tất cả, thật bình thản và quyết liệt như ngày xưa, khi trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo.

Ý định giải thoát của Mị không thành: Trông thấy Mị, A Sử lấy làm lạ. Nó chỉ biết rằng Mị muốn đi chơi. Thằng chồng ác hơn con hổ ấy không biết trước mặt mình đã là một cô Mị khác, cô Mị của ngày xưa mà hắn đã từng lừa lọc để đánh cắp đem về. Hắn thẳng tay vùi dập tàn nhẫn sự trở về đó: A Sử bước lại, nắm lấy Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói Mị đứng vào cột nhà. Tóc Mị xoã xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột làm cho Mị không cúi, không nghiêng đầu được nữa…

Nhưng A Sử chỉ trói được thể xác Mị: Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi… Mị chưa giải thoát được thể xác, nhưng Mị đã giải thoát được tinh thần, dù chỉ trong tâm tưởng: Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được. Khi ấy, Mị mới biết mình đang bị trói, đang ở trong căn nhà tù ngục này. Lòng Mị đau đớn, thổn thức nghĩ mình không bằng con trâu con ngựa.

  1. Kết luận

Cuộc trỗi dậy lần thứ nhất của Mị không thành. Mị không thoát khỏi căn nhà ấy, dù chỉ một phút giây. Nhưng Mị đã không còn là con ngựa, con rùa lùi lũi nơi xó cửa nữa. Mị đã sống lại những thời khắc của tuổi thanh xuân tươi trẻ và tự do. Vì thế, khi bị A Sử trói, lúc bàng hoàng tỉnh, Mị chợt nhớ đến câu chuyện một người đàn bà trong nhà này bị trói đến chết không ai hay. Và, Mị sợ quá, Mị còn muốn sống, Mị còn ham sống.

Cuộc trỗi dậy như một đợt sóng dâng lên rồi tràn ra. Nó không làm mảy may thay đổi cuộc đời Mị. Nhưng từ đó, sóng ngầm vẫn không mất. Nó sẽ tuôn trào thành những đợt sóng mới, mãnh liệt hơn lúc nào hết, bằng chứng là hành động cởi trói cho A Phủ và cùng anh ta trốn khỏi Hồng Ngài sau này.

Thành công của nhà văn là khắc hoạ một nhân vật sống chủ yếu bằng tâm trạng, với tâm trạng. Cả đêm mùa xuân, Mị hành động được rất ít, nhưng người đọc vẫn thực sự hấp dẫn với một con người đang từ cõi âm u mơ hồ trỗi dậy. Không gian, thời gian, giọng kể của tác phẩm theo một tiết tấu của chính tâm trạng ấy. Hẳn Tô Hoài đã đặt cả tấm lòng của mình vào tâm trạng của Mị, để người đọc dõi theo tâm trạng ấy, khi tha thiết, khi nghẹn ngào xót xa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *