TRƯỜNG THPT BÙI THỊ XUÂN TỔ NGỮ VĂN (đề thi có 2 trang) |
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ II NĂM HỌC 2017-2018 MÔN: NGỮ VĂN 11 Ban AB Thời gian làm bài: 90 phút; Ngày thi: 3/5/2018 |
ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Càng sống lâu (dù vẫn còn rất trẻ) tôi càng nhận ra sự phù phiếm, vô ích của việc cậy nhờ vào cái mác “danh giá” nơi mình làm, chỗ mình học để coi đó là thương hiệu bảo chứng cho mọi hành vi, lời nói. Đâu phải cứ học cái trường danh giá đó thì nói gì cũng đúng, làm gì cũng giỏi. Đâu phải cứ làm công ty nổi tiếng đó thì sẽ mặc nhiên được đặc quyền đặc lợi hơn phần còn lại của xã hội. Tôi tiếp tục nghĩ đơn giản thế này: Ngoài chuyện tối thiểu là phải chứng minh bằng hành động chứ không phải cái mác hàng hiệu, khi đã bước ra khỏi cái mái nhà của nơi mình học, chỗ mình làm thì mỗi người đều phải được áp dụng một tiêu chí đánh giá ngang nhau về thái độ, hành vi cư xử ngoài xã hội. Học Ivy League, làm công ty ngon mà ra ngoài không xếp hàng, thúc cùi chỏ vô bụng bà bầu để được tính tiền trước ở siêu thị, thang máy chưa mở cửa hẳn mà đã nhảy phóc vô hay mở cửa xe hơi quăng ly Starbucks kèm ống hút xuống mặt đường…thì sẽ rất xứng đáng được nghe “anh/chị rất tốt nhưng chúng tôi rất tiếc” ở mọi lĩnh vực. Đó là chưa kể, nó sẽ còn ảnh hưởng ngược lại cái mác hàng hiệu mà mình đang ra rả lợi dụng. Phải biết tội nghiệp nó chứ.
(Trích Không nổi tiếng cũng có sao đâu, Lương Nguyễn An Điền, NXB Tổng hợp TPHCM)
Câu 1
Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên. (0,5 điểm)
Câu 2
Vì sao tác giả cho rằng việc cậy nhờ vào cái mác “danh giá” nơi mình làm, chỗ mình học là sự phùphiếm, vô ích? (0,5 điểm)
Câu 3
Xác định và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ trong những câu văn sau:
Đâu phải cứ học cái trường danh giá đó thì nói gì cũng đúng, làm gì cũng giỏi. Đâu phải cứ làm công ty nổi tiếng đó thì sẽ mặc nhiên được đặc quyền đặc lợi hơn phần còn lại của xã hội. (1,0 điểm)
Câu 4
Viết 1 đoạn văn ngắn khoảng 5- 7 dòng trả lời câu hỏi sau:
Theo em, chúng ta nên có thái độ và hành động cụ thể như thế nào để xứng đáng với cái mác hàng hiệu mà mình đang mang như: học ở một ngôi trường danh giá, làm việc ở một công ty nổi tiếng …? (1 điểm)
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Trải lòng mình với Tràng giang, Huy Cận viết: Tình yêu quê hưong trong bài thơ gợi lên và mở ra tình yêu lớn hơn của mỗi miền quê, mỗi cảnh vật. Tình yêu đó mang nỗi buồn sông núi, nỗi buồn về đất nước. ( Tác phẩm văn học trong nhà trường 1930 – 1945, tập 2, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội).
Hãy làm rõ nhận xét trên thông qua việc phân tích hai khổ thơ cuối trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận(Sách Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam – 2014, tr. 28 – 29 – 30).
———— HẾT ————
Thí sinh không sử dụng tài liệu. Giám thị coi thi không giải thích gì thêm.
ĐÁP ÁN
- ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: nghị luận (0.5 điểm)
Tác giả cho rằng việc cậy nhờ vào cái mác “danh giá” nơi mình làm, chỗ
mình học là sự phù phiếm, vô ích vì:
– Đâu phải cứ học cái trường danh giá đó thì nói gì cũng đúng, làm gì cũng giỏi.Đâu phải cứlàm công ty nổi tiếng đó thì sẽ mặc nhiên được đặc quyền đặc lợi hơn phần còn lại của xã hội.(0,25 điểm)
– Phải chứng minh bằng hành động chứ không phải cái mác hàng hiệu, khi đã bước ra khỏi cái mái nhà của nơi mình học, chỗ mình làm thì mỗi người đều phải được áp dụng một tiêu chí đánh giá ngang nhau về thái độ, hành vi cư xử ngoài xã hội (0.25 điểm)
- Biện pháp tu từ: ( 1 điểm)
– Điệp ngữ :Đâu phải cứ … thì
– Điệp cấu trúc: Đâu phải cứ học cái trường danh giá đó thì nói gì cũng đúng, làm gì cũng giỏi.Đâu phải cứlàm công ty nổi tiếng đó thì sẽ mặc nhiên được đặc quyền đặc lợi hơn phần còn lại của xã hội.
– Tác dụng: Biện pháp tu từ này có giá trị gợi hình gợi cảm cao, tạo âm điệu nhịp nhàng cho câu văn, nhấn mạnh ý nghĩa không phải ai học trường danh giá, làm công ty tốt đều làm giỏi, hay được đối xử ưu tiên.
Học sinh có thể nêu một trong hai biện pháp tu từ trên.
Yêu cầu:
– Viết 1 đoạn văn, đủ số dòng quy định.
– Nội dung : Chúng ta cần có thái độ và hành động có trách nhiệm, phù hợp để xứng đáng với cái mác hàng hiệu mình đang mang như: trường học danh giá, công ty nổi tiếng… góp phần làm cho ngôi trường ấy, công ty ấy ngày càng tốt hơn, nổi tiếng hơn. Đó là những hành động có ý nghĩa, chẳng hạn như: học giỏi, lời nói hòa nhã, lịch sự, ứng xử văn minh…( 1 điểm)
Học sinh có thể có cách diễn đạt khác miễn phù hợp.
II. LÀM VĂN (7 điểm)
2.1. Yêu cầu về kĩ năng
– Biết cách làm bài nghị luận văn học kết hợp với nghị luận xã hội.
– Vận dụng tốt các thao tác lập luận.
– Bố cục mạch lạc, rõ ràng, diễn đạt lưu loát; lời văn trong sáng.
– Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
– Có những cách viết sáng tạo, độc đáo.
2.2. Yêu cầu về kiến thức
Trên cơ sở hiểu biết về tác giả Huy Cận và bài thơ Tràng giangtrong SGK Ngữ văn 11, thí sinh làm sáng rõ ý kiến trên thông qua việcphân tích bài thơ để thấy được Tình yêu quê hưong trong bài thơ gợi lên và mở ra tình yêu lớn hơn của mỗi miền quê, mỗi cảnh vật. Tình yêu đó mang nỗi buồn sông núi, nỗi buồn về đất nước theo những cách khác nhau miễn là thuyết phục, hợp lí. Sau đây là một số gợi ý:
* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm.
* Giải thích: Nỗi sầu của cái tôi cô đơn trước vũ trụ rộng lớn và lòng yêu quê hương đất nước tha thiết của tác giả.
* Khổ 3:
– Tiếp tục hoàn thiện bức tranh tràng giang với hình ảnh những lớp bèo nối nhau trôi dạt trên sông (gợi cuộc đời trôi dạt, không biết phải về đâu. Đó phải chăng cũng chính là thân phận của cả một thế hệ con người trong thời đại bế tắc) và những bờ xanh tiếp bãi vàng lặng lẽ. Cảnh có thêm màu sắc nhưng chỉ càng buồn hơn, chia lìa hơn. Khung cảnh tuy đẹp nhưng chủ yếu vẫn gợi ra nỗi buồn, nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn trước cuộc đời.
* Khổ 4:
– Hai câu thơ đầu là bức tranh phong cảnh kì vĩ, nên thơ. Cảnh được gợi lên bởi bút pháp nghệ thuật cổ điển với hình ảnh mây trắng, cánh chim chiều; đồng thời mang dấu ấn tâm trạng của tác giả.
– Hai câu sau trực tiếp bộc lộ tấm lòng thương nhớ quê hương tha thiết của Huy Cận (so sánh với hai câu thơ của Thôi Hiệu trong Hoàng Hạc lâu).
*Đánh giá: Ý kiến trên thật đúng đắn.
Nghệ thuật:
– Sự kết hợp hài hòa giữa sắc thái cổ điển và hiện đại.
– Nghệ thuật đối, bút pháp tả cảnh giàu tính tạo hình, hệ thống từ láy giàu giá trị biểu cảm.
– Nỗi buồn thế hệ, tình yêu quê hương đất nước thầm kín của tác giả.
2.3. Biểu điểm
– Điểm 6 – 7: Phân tích bài thơ cách thuyết phục, trình bày được suy nghĩ của bản thân đủ các ý chính trên. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có thể còn vài sai sót về dùng từ.
– Điểm 4 – 5: Cơ bản biết cách phân tích bài thơ và trình bày được suy nghĩ của bản thân tương đối đầy đủ về những ý chính trên. Bố cục rõ ràng, lập luận tương đối chặt chẽ, có thể còn vài sai sót về diễn đạt, dùng từ, chính tả.
– Điểm 2 – 3: Chưa làm rõ được yêu cầu đề bài, còn mắc nhiều lỗi về diễn đạt, chính tả.
– Điểm 1: Chưa hiểu đề, sai lạc kiến thức, mắc nhiều lỗi về diễn đạt, chính tả.
– Điểm 0: không làm bài hoặc hoàn toàn lạc đề.
HẾT