Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn, đề 39

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn. Đề thi thử theo cấu trúc mới. Đọc hiểu bài thơ Tự sự. Tính dân tộc trong 8 câu đầu bài thơ Việt Bắc- Tố Hữu. Hình tượng đất nước- Nguyễn Khoa Điềm

   SỞ GD&ĐT THANH HOÁ
TRƯỜNG THPT HÀ TRUNG
        (Đề thi có 02 trang)
 
              KỲ THI THỬ THPT QUỐC GIA
               NĂM HỌC 2016 – 2017 , LẦN 1
                      Môn: NGỮ  VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

 
MỤC TIÊU ĐỀ KIỂM TRA
Kiến thức: 
– Kiểm tra mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng được quy định trong chương trình môn Ngữ văn lớp 12 theo hai nội dung: Đọc hiểu, Làm văn ( NLXH, NLVH) với mục đích đánh giá năng lực đọc hiểu và tạo lập văn bản của học sinh thông qua hình thức kiểm tra tự luận.
Kĩ năng:
Rèn luyện, củng cố cho học sinh các kĩ năng:
– Kĩ năng đọc hiểu và trả lời câu hỏi.
– Kĩ năng tìm hiểu đề, lập dàn ý, viết đoạn văn, tạo lập văn bản.
– Kĩ năng sử dụng các thao tác lập luận.
– Kĩ năng nắm bắt, phân tích, giải quyết, trình bày vấn đề; nâng cao năng lực tư duy tổng hợp….
Thái độ:
– Giáo dục cho học sinh thái độ nghiêm túc trong học tập, rèn luyện; có cách suy nghĩ, nhìn nhận đúng đắn, cách lí giải phù hợp trước các vấn đề văn học và đời sống.
– Giáo dục kĩ năng sống, bồi dưỡng tâm hồn, giúp học sinh tự nhận thức được các giá trị chân chính trong cuộc sống mà mỗi người cần hướng tới.
 HÌNH THỨC ĐỀ KIỂM TRA :

  • Hình thức tự luận
  • Cách tổ chức kiểm tra : Cho học sinh làm bài thi tự luận trong 120 phút.

ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
      Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
 
                                                       TỰ SỰ

Dù đục, dù trong con sông vẫn chảy

Dù cao, dù thấp cây lá vẫn xanh

Dù người phàm tục hay kẻ tu hành

Cũng phải sống từ những điều rất nhỏ.

Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó

Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?

Đất ấp ôm cho mọi hạt nảy mầm

Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng.

 Nếu tất cả đường đời đều trơn láng

Chắc gì ta đã nhận được ra ta!

Ai trên đời cũng có thể tiến xa

Nếu có khả năng tự mình đứng dậy

 Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy

Không chỉ để dành cho một riêng ai.

(Nguyễn Quang Vũ,  Hoa học trò, số 6,1994)

Câu 1. Xác định 2 phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên.
Câu 2. Anh/Chị hiểu thế nào về ý nghĩa 2 câu thơ sau:

Đất ấp ôm cho mọi hạt nảy mầm

 Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng”.

Câu 3. Theo anh/chị, vì sao tác giả nói rằng:

Nếu tất cả đường đời đều trơn láng

Chắc gì ta đã nhận được ra ta!”

Câu 4. Thông điệp nào của văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?
LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về 2 câu thơ trong văn bản ở phần Đọc hiểu:

Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó

Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?

Câu 2 (5,0 điểm):
      Có ý kiến cho rằng: với giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc thì dù viết về vấn đề gì, thơ Tố Hữu vẫn luôn dễ đi vào lòng người.
Anh, chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua 8 câu thơ đầu bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu).
                                                –  Mình về mình có nhớ ta
                                      Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
                                                    Mình về mình có nhớ không
                                       Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
 
–   Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…
(Trích Việt Bắc – Tố Hữu , Ngữ văn 12 Tập 1,  NXB GD, 2010, Tr 109)
 
……..Hết…
 
YÊU CẦU CHUNG
– Giám khảo phải nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt Hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức độ điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.
– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa
– Điểm bài thi có thể cho lẻ đến 0,25 điểm và không làm tròn.
YÊU CẦU CỤ THỂ:
  

     SỞ GD&ĐT THANH HOÁ
     NHÓM TẬP HUẤN SỐ 10
            (Đề thi có 02 trang)
 
               KỲ THI THỬ THPT QUỐC GIA
                       NĂM HỌC 2016 – 2017
                           Môn: NGỮ  VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
 

ĐỌC HIỂU (3,0 điểm):
    Đọc đoạn văn bản sau và thực hiện các yêu cầu :
Hòn đá có thể cho lửa, cành cây có thể cho lửa. Nhưng chỉ có con người mới biết nuôi lửa và truyền lửa. Lửa xuất hiện khi có tương tác, ít ra là hai vật thể tạo lửa. Lửa là kết quả của số nhiều. Cô bé bán diêm là số đơn. Cô đã chết vì thiếu lửa. Để rồi từ đó loài người đã cảnh giác thắp nến suốt mùa Giáng sinh để cho không còn em bé bán diêm nào phải chết vì thiếu lửa.
       Nước Việt hình chữ “S”, hiện thân của số nhiều, lẽ nào không biết nuôi lửa và truyền lửa, lẽ nào thiếu lửa? Không có lửa, con rồng chẳng phải là rồng, chỉ là con giun, con rắn. Không có lửa làm gì có “nồng” nàn, “nhiệt” tâm! Làm gì có “sốt” sắng, “nhiệt” tình, đuốc tuệ! Làm gì còn “nhiệt” huyết, “cháy” bỏng! Sẽ đâu rồi “lửa” yêu thương? Việc mẹ cha, việc nhà, việc nước, làm gì với đôi vai lạnh lẽo, ơ hờ? Không có lửa em lấy gì “hun” đúc ý chí, “nấu” sử sôi kinh? Em… sống đời thực vật vô tri như lưng cây, mắt lá, đầu cành, thân cỏ…. Cho nên: Biết ủ lửa để giữ nhân cách – người, nhân cách – Việt. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Thế nhưng: Nếu không có lửa làm sao thành mùa xuân?”.
(Trích Thắp mình để sang xuân, Nhà văn Đoàn Công Lê Huy)
 
Câu 1: Xác định thao tác lập luận chính trong đoạn văn bản trên.
Câu 2: Ý nghĩa của từ “lửa” được in đậm trong hai câu văn sau:Hòn đá có thể cho lửa, cành cây có thể cho lửa. Nhưng chỉ có con người mới biết nuôi lửa và truyền  lửa”.
Câu 3: Tại sao tác giả lại nói:Biết ủ lửa để giữ nhân cách – người,  nhân cách – Việt”?
 Câu 4: Thông điệp ý nghĩa nhất đối với anh/chị được rút ra từ đoạn văn bản trên.
 II.PHẦN LÀM VĂN: (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ), trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu ở đoạn trích trong phần Đọc – hiểu: “Nếu không có lửa làm sao thành mùa xuân?”. 
Câu 2 (5,0 điểm):
Nét riêng trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về hình tượng Đất Nước qua đoạn thơ sau:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa”…

 mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó…”

(Đất Nước trích Trường ca Mặt Đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ  văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam 2012, tr.118)
 
……..Hết…….
V.HƯỚNG DẪN CHẤM
YÊU CẦU CỤ THỂ:
ĐỌC – HIỂU 3,0
1 phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản là: nghị luận và biểu cảm
( Nếu HS trả lời đúng một phương thức biểu đạt cho 0,25 điểm)
0,5
2 ,Ý nghĩa 2 câu thơ:

” Đất ấp ôm cho mọi hạt nảy mầm

Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng”

“ Đất” theo nghĩa đen là nguồn sống, nguồn dinh dưỡng cho muôn hạt nảy mầm. “Đất” còn mang nghĩa ẩn dụ chỉ cuộc đời rộng lớn, luôn tạo cơ hội cho mọi người. Hạnh phúc ở quanh ta nhưng không tự nhiên đến. Nếu muốn có cuộc sống tốt đẹp, muốn có hạnh phúc, tự mỗi người phải có suy nghĩ và hành động tích cực; phải nỗ lực vươn lên. Cũng như: “Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng”.
0,75
3
Tác giả cho rằng:

” Nếu tất cả đường đời đều trơn láng

Chắc gì ta đã nhận được ra ta”

Bởi vì: “Đường đời trơn láng” tức là cuộc sống quá bằng phẳng, yên ổn, thuận lợi,  không có khó khăn, giông tố. Con người không được đặt vào hoàn cảnh có vấn đề, có thách thức; không phải nỗ lực hết mình để vượt qua trở ngại,  chinh phục thử thách mới đến được đích. Khi đó con người không có cơ hội để trải nghiệm nên cũng không khám phá  hết những gì mình có; không đánh giá hết ưu điểm cũng như nhược điểm của bản thân. Con người có trải qua thử thách mới hiểu rõ chính mình và trưởng thành hơn.
4. Học sinh có thể chọn một trong những thông điệp sau và trình bày suy nghĩ thấm thía của bản thân về  thông điệp ấy:
– Dù là ai, làm gì, có địa vị xã hội thế nào cũng phải sống từ những điều rất nhỏ.
– Con người có trải qua thử thách mới hiểu rõ chính mình và trưởng thành hơn.
– Muốn có được hạnh phúc phải tự mình nỗ lực vươn lên.
– Cuộc sống không phải lúc nào cũng như ta mong muốn, biết đòi hỏi nhưng cũng phải biết chấp nhận, biết nhìn đời bằng con mắt lạc quan, biết cho đi thì mới được nhận lại.
II     LÀM VĂN 7,0
1 ,Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về 2 câu thơ trong văn bản ở phần Đọc –  hiểu:

” Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó

Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?”

 
2,0
Về kĩ năng: Thí sinh biết cách triển khai đoạn văn và trình bày được một đoạn văn hoàn chỉnh. Diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, trong sáng. Không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. 0,25
Về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đạt được những yêu cầu sau: 1,75
1
– Cuộc đời méo mó: cuộc đời không bằng phẳng, chứa đựng nhiều ngang trái, trớ trêu, thậm chí xấu xa, tồi tệ. Đó là một tất yếu chúng ta phải chấp nhận vì bản chất cuộc đời là không đơn giản, không bao giờ hoàn hảo.
-Tâm: là tấm lòng, tình cảm chân thành. “Tròn tự trong tâm”: là cái nhìn, thái độ, suy nghĩ đúng đắn của con người. Luôn tích cực, lạc quan trước cuộc đời cho dù hoàn cảnh có như thế nào.
0,5
2 – Thói đời, con người thường hay chê bai, oán thán, cay cú, hậm hực khi cuộc sống không được như mong muốn. Chính cái “chê” ấy nhiều khi khiến cuộc đời trở nên “méo mó” hơn trước mắt chúng ta. Thái độ “tròn tự trong tâm”, sống lạc quan, chủ động trước hoàn cảnh; không gục ngã trước khó khăn, bất công, ngang trái… là thái độ sống tích cực. giúp ích nhiều cho cá nhân và xã hội. 0,75
4 – Con người hoàn toàn có thể thay đổi cuộc sống chỉ cần mỗi cá nhân chủ động, tích cực từ trong tâm. “Thiên đường” hay “địa ngục” đều do mình quyết định. Biết sống “tròn tự trong tâm” cuộc sống  sẽ đẹp hơn. 0,5
2
Có ý kiến cho rằng: với giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc thì dù viết về vấn đề gì, thơ Tố Hữu vẫn luôn dễ đi vào lòng người.
Anh, chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua 8 câu thơ đầu bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu).
5,0
Về kĩ năng: – Thí sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học, vận dụng tốt các thao tác lập luận.
– Bài viết đảm bảo bố cục ba phần, rõ ràng, mạch lạc; diễn đạt trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
0,5
Về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đạt được những yêu cầu sau: 4,5
1
Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận:
+) Tố Hữu, một trong những lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ Tố Hữu gắn bó chặt chẽ với các chặng đường Cách mạng: gian khổ mà hào hùng, vẻ vang của dân tộc.
+)  Việt Bắc là một trong những thành tựu xuất sắc, kết tinh vẻ đẹp hồn thơ và phong cách nghệ thuật của Tố Hữu. viết về cuộc chía tay lịch sử giữa những người cán bộ kháng chiến với quê hương cách mạng sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi. Bài thơ không chỉ chứa đựng nội dung sâu sắc mà còn có giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết cùng nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc, tạo nên một sức hấp dẫn rất riêng. Điều này đươc thể hiện rõ nét ở 8 câu thơ đầu tiên của thi phẩm.
0,5
2
Giải thích ý kiến: Giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc là hai đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu. Nó được thể hiện rất rõ trong 8 câu đầu bài thơ Việt Bắc.
+) Giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết là giọng thủ thỉ tâm tình; giọng của tình thương mến; đằm thắm, réo rắt, ngân nga, sâu lắng. Bài thơ nói chung, đoạn thơ nói riêng, nói đến nghĩa tình cách mạng nhưng thi sĩ lại dùng giọng, lời của người yêu để trò chuyện, giãi bày tâm sự, cảm xúc. Nó tạo nên âm hưởng trữ tình sâu đậm cùa khúc hát ân tình.
+). Nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc
* Thể thơ: Thể thơ lục bát được sử dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo.
* Kết cấu: theo lối đốì đáp giao duyên của nam nữ trong ca dao dân ca
* Ngôn ngữ ; dung dị, sử dụng cặp đại từ nhân xưng “mình –  ta” linh hoạt.
* Hình ảnh: gần gũi, quen thuộc,  tự nhiên : Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn; áo chàm đưa buổi phân li, cầm tay nhau…
* Nhạc điệu:  ngọt ngào, lắng sâu, da diết, được tạo bởi thể thơ lục bát với cách gieo vần, ngắt nhịp, hài thanh rất nhịp nhàng, hài hoà.
3 ,Chứng minh:
– Bốn câu đầu là lời ướm hỏi của Việt Bắc :
+)  Hai câu hỏi được láy đi, láy lại “Mình về mình có nhớ ta?”, “Mình về mình có nhớ không?” cho thấy một niềm day dứt khôn nguôi của kẻ ở. Hỏi và nhắc đến “mười lăm năm ấy” là quãng thời gian kháng chiến gian khổ, chiến khu Việt Bắc đã cưu mang, đùm bọc, chở che cho cán bộ, là căn cứ địa vững chắc của cách mạng. Hình ảnh “Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn” ngầm gợi đạo lí thuỷ chung, truyền thống ân nghĩa. Đây không phải là những câu hỏi thông thường mà là lời của tình sâu nghĩa nặng.
+) Nhịp thơ lục bát đều đặn, hài hoà tạo nên âm hưởng da diết, lắng sâu, xoáy vào lòng người đi.
– Bốn câu sau là nỗi niềm, tâm trạng của người cán bộ kháng chiến về xuôi:
+) Trước nỗi niềm của kẻ ở , người đi im lặng trong trạng thái trữ tình sâu lắng để tri âm “tiếng ai” ngân nga, đồng vọng trong lòng mình. Sự hô ứng ngôn từ (“thiết tha”- “tha thiết”) đã tạo nên mạch ngầm đồng vọng của tiếng nói tri âm. Hình ảnh  “cầm tay nhau” hàm chứa nhiều cảm xúc.
+) Những từ láy “bâng khuâng”, “bồn chồn” đặt trong nhịp chẵn 4/4 và sự đối xứng của hình ảnh thơ “bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi”, diễn tả cảm xúc day dứt trong lòng người đi.
+) Nhịp chẵn lục bát đang đều đặn 2/2/2, 4/4 bỗng đổi thành 3/3/2 ở câu cuối đoạn thơ “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…” rất phù hợp với việc diễn tả sự bối rối trong lòng người.
– Kết cấu đối đáp, cách xưng hô mình – ta khiến cho cuộc chia tay giữa Việt Bắc và những người cán bộ kháng chiến giống như cuộc chia tay của một đôi bạn tình có nhiều gắn bó sâu sắc, lưu luyến bịn rịn không nỡ rời xa.
– Ngôn ngữ quen thuộc, hình ảnh thơ gần gũi, lối diễn đạt dung dị khiến cho lời thơ như những lời thủ thỉ, tâm tình. Cách gieo vần, ngắt nhịp, hài thanh hài hoà tạo nên nhạc điệu ngân nga, réo rắt, da diết, lắng sâu.
 
4  Bình luận: Bài thơ nói chung, đoạn thơ nói riêng viết về một sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại, viết về nghĩa tình cách mạng nhưng với giọng thơ tâm tình ngọt ngào và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc đã làm cho nó không hề khô khan mà ngược lại rất dễ đi vào lòng người, khơi dậy nhiều rung động sâu sắc cho độc giả. Cũng chính nhờ đặc điểm này mà Việt Bắc không chỉ là một bản hùng ca tráng lệ, nó còn là một bản tình ca tha thiết, sâu lắng, ngọt ngào. 0,5
5 Đánh giá chung: Giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc là đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu. Nó không chỉ là giọng điệu riêng của thơ ông mà còn góp phần làm nên sức hấp dẫn đặc biệt cho loại thơ trữ tình chính trị.
Đề số 2:
1, Thao tác lập luận bình luận 0.5
2     Từ lửa được nói đến trong câu văn mang ý nghĩa ẩn dụ, nó là: nhiệt huyết, đam mê, khát vọng, ý chí, niềm tin, là tình yêu thương mãnh liệt… ngọn lửa ấy được con người nuôi dưỡng trong tâm hồn và có thể lan truyền từ người này sang người khác. 0.75
3    “Biết ủ lửa để giữ nhân cách – người,  nhân cách – Việt” “Biết ủ lửa” tức là biết nhen nhóm, nuôi dưỡng lửa trong tâm hồn mình. Có ngọn lửa  của đam mê, khát vọng mới dám sống hết mình, dám theo đuổi ước mơ hoài bão. Có ngọn lửa của ý chí, nghị lực sẽ có sức mạnh để vượt qua khó khăn trở ngại, đến được cái đích mà mình muốn. Có ngọn lửa của tình yêu thương sẽ sống nhân ái, nhân văn hơn, sẵn sàng hi sinh vì người khác. Ngọn lửa ấy giúp ta làm nên giá trị nhân cách con người. 0.75
4
HS có thể rút ra những thông điệp khác nhau từ đoạn văn bản trên và trình bày suy nghĩ thấm thía của mình về thông điệp đó.
Ví dụ : không có lửa cuộc sống con người chi còn là sự tồn tại.
1.0
II LÀM VĂN 7.0
1 Viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ)  trình bày suy nghĩ của anh chị về  ý kiến được nêu ở đoạn trích trong phần đọc – hiểu: “Nếu không có lửa làm sao thành mùa xuân?”  2.0
Về kĩ năng: HS biết cách triển khai đoạn văn và trình bày được một đoạn văn hoàn chỉnh. Diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, trong sáng. Không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. 0.25
Về kiến thức: HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đạt được những yêu cầu sau: 1.75
– Mùa xuân – mùa khởi đầu của một năm, mùa để vạn vật hồi sinh, trỗi dậy. Yếu tố làm nên mùa xuân của đất trời là sức sống; còn yếu tố làm nên mùa xuân của cuộc đời, của con người là lửa.
–  Lửa là nhiệt huyết, khát vọng, đam mê; là ý chí, nghị lực, niềm tin; là tình yêu thương của con người với con người…
– Có lửa để con người mạnh mẽ, tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám theo đuổi ước mơ, hoài bão. Có lửa con người mới sống hết mình trong cháy khát, đam mê. Có lửa để con người sống NGƯỜI hơn, nhân văn hơn. Lửa thôi thúc ta vươn tới những tầm cao mới, lửa làm nảy nở những búp chồi hạnh phúc …
– Nếu lửa chỉ cháy trong một cá nhân chẳng khác nào một ngọn nến le lói trong bóng đêm. Ngọn lửa phải lan tỏa, chúng ta cùng cháy mới có thể thắp lên “mùa xuân”.
2     Nét riêng trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về hình tượng Đất Nước qua đoạn thơ : 5,0
Yêu cầu về kĩ năng:
– Thí sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học, vận dụng tốt các thao tác lập luận.
– Bài viết đảm bảo bố cục ba phần, rõ ràng, mạch lạc; diễn đạt trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể có những cách cảm nhận khác nhau, nhưng phải đảm bảo các ý cơ bản sau:
1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm 0,5
– Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông giàu suy tư, chiêm nghiệm, cảm xúc dồn nén.
– Đoạn trích “Đất Nước” thuộc chương V của bản trường ca Mặt đường khát vọng viết năm 1971 tại chiến khu Bình – Trị – Thiên.
– Chín dòng thơ đầu thể hiện những nét riêng trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về hình tượng Đất Nước.
2 Giải thích 0,5
– “Nét riêng”: là cái sáng tạo độc đáo, mới mẻ thể hiện phong cách của người nghệ sĩ khi khám phá, xây dựng hình tượng nghệ thuật.
– Nét riêng của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ là đã xây dựng được một hình tượng Đất Nước giản dị, quen thuộc qua  hình thức nghệ thuật độc đáo.
3 Phân tích
– Hình tượng Đất Nước dung dị, đời thường được xây cất bằng những hình ảnh mộc mạc, giản dị: câu chuyện cổ tích, miếng trầu, cái kèo, cái cột, hạt gạo,…
– Hình tượng Đất Nước được cảm nhận trong chiều sâu văn hóa và lịch sử:
+) Đất Nước mĩ lệ, nên thơ trong không gian huyền thoại của những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết,…
+) Cội nguồn Đất Nước gắn với quá trình hình thành văn hóa, lối sống, phong tục tập quán, đời sống tinh thần của người Việt: tục ăn trầu, tóc búi sau đầu; truyền thống chống giặc kiên cường, bền bỉ; lối sống ân nghĩa, thủy chung; truyền thống lao động cần cù; quá trình hình thành, phát triển ngôn ngữ dân tộc;…
– Hình tượng Đất Nước mang đậm phong cách Nguyễn Khoa Điềm:
+) Sử dụng nhuần nhuyễn và sáng tạo chất liệu văn hóa dân gian: tác giả chỉ bắt lấy linh hồn của những câu chuyện, những nét đẹp phong tục… đem đến cho độc giả những liên tưởng sâu xa, thú vị. Vì vậy Đất Nước trong mỗi người đẹp một cách riêng.
+) Kết hợp hài hòa giữa chất trữ tình và tính chính luận:
~ Giọng thơ trầm lắng, cảm xúc dồn nén đầy ngưỡng vọng, tự hào về cội nguồn, về lịch sử hình thành và phát triển của Đất Nước.
~ Những chiêm nghiệm, suy tư về Đất Nước của tác giả đã hướng thế hệ trẻ về cội nguồn lịch sử dân tộc, về ý thức trách nhiệm của thế hệ mình đối với Đất Nước.
4 Đánh giá 0,5
– Hình tượng Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm không xa lạ mà gần gũi, không trừu tượng mà cụ thể, không tráng lệ, kì vĩ mà dung dị, đời thường. Góp phần thể hiện chủ đề đoạn trích “Đất Nước của Nhân dân”
– Với phong cách tài hoa độc đáo, Nguyễn Khoa Điềm đã tạo nên một không gian nghệ thuật riêng vừa bình dị, thân quen vừa bay bổng, lãng mạn khơi dậy tình yêu và trách nhiệm của mọi người đặc biệt là thế hệ trẻ đối với Đất Nước.
Xem thêm :

  1. Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn
  2. Tuyển tập đề thi ,những bài văn hay về Việt Bắc- Tố Hữu : Việt Bắc
  3. Tuyển tập đề thi, những bài văn hay về Đất nước- Nguyễn Khoa Điềm : Đất nước
, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *