Đề kiểm tra học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10. Đề đọc hiểu Thuật hứng Nguyễn Trãi, kể lại Truyện An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy theo ngôi kể thứ nhất
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
NAM ĐỊNH |
ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC KỲ I NĂM HỌC 2016 – 2017 Môn: Ngữ văn – Lớp: 10- THPT (Thời gian làm bài: 90 phút) Đề thi gồm có 02 trang |
PHẦN ĐỌC – HIỂU (3,0 ĐIỂM):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 4:
Thuật hứng (Bài XXIV)
Nguyễn Trãi
Công danh đã được hợp(1) về nhàn
Lành dữ âu chi(2) thế nghị(3) khen
Ao cạn vớt bèo cấy muống
Đìa thanh(4) phát cỏ ương sen
Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc(5)
Thuyền chở yên hà(6) nặng vạy(7) then
Bui(8) có một lòng trung lẫn(9) hiếu
Mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen(10)
(Trích theo: Nguyễn Trãi – Nhà văn và tác phẩm trong nhà trường – NXB Giáo dục- trang 38)
Chú giải:
- Hợp: tiếng cổ có nghĩa là đáng, nên.
- Âu chi: lo chi.
- Nghị: dị nghị, ở đây hiểu là chê. Thế nghị khen: người đời chê khen.
- Đìa thanh: đìa là vũng nước ngoài đồng. Thanh là trong.
- Đầy qua nóc: đầy quá nóc nhà, nóc kho.
- Yên hà: khói, ráng.
- Vạy: oằn, cong. Nặng vạy then: chở nặng làm thang thuyền oằn xuống.
- Bui: tiếng cổ, nghĩa là chỉ có.
- Lẫn: (hoặc liễn, miễn): tiếng cổ nghĩa là với hoặc và.
- Mài chẳng khuyết…: mài cũng không mòn, nhuộm cũng không đen. Ý nói lòng trung hiếu bền vững.
Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Câu 2 (0,5 điểm): Nếu là người biên soạn, anh (chị) sẽ chú giải từ phong nguyệt như thế nào ?
Câu 3 (1,0 điểm): Hình ảnh con người Nguyễn Trãi trong hai câu thơ sau:
Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc
Thuyền chở yên hà nặng vạy then
Câu 4 (1,0 điểm): Anh (chị) có đồng tình với quan niệm sống Nguyễn Trãi nói đến trong câu thơ “Công danh đã được hợp về nhàn” không ? Vì sao?
PHẦN LÀM VĂN (7,0 ĐIỂM):
Câu 1 (2,0 điểm):
Trong văn bản của phần đọc – hiểu, Nguyễn Trãi đã nói đến chữ trung và hiếu. Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về chữ trung hoặc chữ hiếu trong thời đại nay.
Câu 2 (5,0 điểm):
- Hãy tưởng tượng mình là nhân vật An Dương Vương hoặc Mị Châu (trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy), tự kể cuộc đời mình.
- Từ câu chuyện trên, anh (chị) có suy nghĩ gì về trách nhiệm của tuổi trẻ đối với việc bảo vệ chủ quyền đất nước.
——————–Hết———————-
(Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm)
Họ và tên thí sinh:…………………………..Số báo danh:……………………………………
Giám thị thứ nhất:……………………… .Giám thị thứ hai:………………………………….
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC KỲ I
NĂM HỌC: 2016 – 2017 – Môn: Ngữ văn – lớp: 10
PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm):
Câu 1: Văn bản trên viết theo phương thức biểu đạt chính là biểu cảm/ Phương thức biểu đạt chính là biểu cảm/ Phương thức biểu cảm/ Biểu cảm
– Điểm 0,5: Trả lời đúng một trong những cách trên.
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 2: Phong nguyệt có nghĩa là gió trăng, trong đó phong là gió, nguyệt là trăng/ Phong nguyệt có nghĩa là gió trăng/ Phong nguyệt là trăng gió.
– Điểm 0,5: Trả lời đúng một trong những cách trên
– Điểm 0,25: Chỉ giải thích được một trong hai chữ: phong hoặc nguyệt
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 3: Hình ảnh con người Nguyễn Trãi trong hai câu thơ 5 và 6 là:
+ Một con người gần gũi, gắn bó, yêu thiên nhiên, yêu quê hương tha thiết
+ Một người nghệ sĩ có tâm tâm hồn lãng mạn, phóng khoáng
– Điểm 1,0: Trả lời đúng 2 ý trên
– Điểm 0,5: Trả lời đúng 1 trong 2 ý trên
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Lưu ý: Trên đây là 2 ý cơ bản nhất, HS có thể diễn đạt theo những cách khác nhau. Nếu HS có những kiến giải khác nhưng hợp lý vẫn cho điểm. VD: Nguyễn Trãi gắn bó với thiên nhiên (0,5 điểm), không màng danh lợi (0,25 điểm)…
Câu 4: HS có thể đồng tình hoặc không đồng tình với quan niệm sống Nguyễn Trãi nói đến trong câu thơ “Công danh đã được hợp về nhàn” miễn là giải thích hợp lý. Có thể triển khai theo hướng như sau:
+ HS đồng tình với quan niệm sống trên vì: Đã đạt được công danh rồi, hoàn thành được sự nghiệp, ước mơ, lý tưởng của mình, đã cống hiến được nhiều cho xã hội, con người cũng cần được nghỉ ngơi, được tận hưởng cuộc sống.
+ HS không đồng tình với quan niệm sống trên vì: Cuộc sống con người là luôn cố gắng, không dừng lại, không bằng lòng với chính mình, luôn cống hiến hết mình cho xã hội; cho phép mình nghỉ ngơi ta sẽ bị lạc hậu, sẽ đánh mất giá trị của bản thân.
– Điểm 1,0: HS trình bày được quan điểm của mình và giải thích một cách hợp lý, chặt chẽ.
– Điểm 0,75: HS trình bày được quan điểm của mình và giải thích một cách tương đối hợp lý
– Điểm 0,5: HS trình bày được quan điểm của mình và có giải thích nhưng chưa thuyết phục
– Điểm 0,25: HS chỉ trình bày quan điểm của mình mà không giải thích.
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
PHẦN LÀM VĂN (7,0 ĐIỂM):
Câu 1 (2,0 điểm):
* Yêu cầu chung: HS biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Đoạn văn phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng, văn viết có cảm xúc, diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận (0,25 điểm):
– Điểm 0,25: Đảm bảo hình thức của một đoạn văn nghị luận.
– Điểm 0: Không có hình thức của một đoạn văn nghị luận.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm)
– Điểm 0,25: Xác định đúng vấn đề nghị luận: Bình luận về chữ trung hoặc hiếu trong thời đại nay.
– Điểm 0: Xác định sai vấn đề nghị luận, lạc sang vấn đề khác.
c) Chia vấn đề nghị luận thành các ý phù hợp; triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ, sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai vấn đề, có dẫn chứng cụ thể và sinh động.(1,0 điểm)
HS có thể trình bày theo định hướng sau:
* Nếu HS bàn về chữ trung:
+ Giải thích: Trung ở đây được hiểu là trung thành, nguyện hi sinh hết mình vì đất nước, nhân dân.
+ Bàn luận:
- Chữ trung: Trung thành với đất nước, nguyện hết mình hi sinh vì đất nước là yêu cầu đầu tiên đối với một công dân. Trong thời đại nay, trung với nước là phải học tập, rèn luyện, đem tài năng, sức lực của mình để dựng xây và bảo vệ chủ quyền của đất nước.
- Phê phán những kẻ bất trung.
+ Bài học nhận thức và hành động, liên hệ với bản thân
* Nếu HS bàn về chữ hiếu:
+ Giải thích: Hiếu là hiếu nghĩa với các bậc sinh thành hoặc những người có ơn nghĩa sâu nặng với mình.
+ Bàn luận:
- Chữ hiếu: Hiếu nghĩa với các bậc sinh thành, hoặc những người có ơn nghĩa sâu nặng với mình là yêu cầu cần có đối với mỗi con người. Điều này làm nhân cách của mỗi chúng ta. Hiếu phải được thể hiện bằng những lời nói, hành động cụ thể.
- Hiếu có thể được hiểu rộng là tôn trọng, yêu thương nhân dân.
- Phê phán những kẻ bất hiếu.
+ Bài học nhận thức và hành động, liên hệ với bản thân
– Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên.
– Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, song còn một vài ý chưa đầy đủ, hoặc liên kết chưa chặt chẽ (đáp ứng được 2/3 yêu cầu trên).
– Điểm 0,5: Đáp ứng được 1/2 yêu cầu trên.
– Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/4 – 1/3 yêu cầu trên.
– Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
d) Sáng tạo (0,25 điểm):
– Điểm 0,25: Có cách diễn đạt độc đáo, sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh, các yếu tố biểu cảm…), thể hiện được quan điểm, thái độ riêng, sâu sắc của người viết nhưng không trái với chuẩn mực đạo lí, pháp luật. (VD: HS có thể so sánh chữ trung trong quan niệm của người xưa và hôm nay…)
– Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo, sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh, các yếu tố biểu cảm…), không có quan điểm, thái độ riêng, sâu sắc của người viết hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo lí, pháp luật.
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm):
– Điểm 0,25: Không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, đặt câu hoặc chỉ 1-2 lỗi nhỏ.
– Điểm 0: Mắc nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ, đặt câu.
Câu 2 (5,0 điểm):
* Yêu cầu chung: HS biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài văn tự sự để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng, văn viết có cảm xúc, diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc bài tự sự (0,5 điểm):
– Điểm 0,5: Trình bày đầy đủ 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được câu chuyện; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm nổi bật câu chuyện; phần Kết bài kết câu chuyện hợp lý, tạo được ấn tượng, cảm xúc cho người đọc.
– Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên.
– Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết bài, Thân bài chỉ có một đoạn hoặc cả bài chỉ có một đoạn.
b) Xác định đúng ngôi kể (0,25 điểm)
– Điểm 0,25: Xác định đúng ngôi kể người viết là An Dương Vương hay Mị Châu.
– Điểm 0: Xác định sai hoặc không xác định được ngôi kể.
c) Người viết hóa thân vào nhân vật để kể lại Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy. (2,5 điểm)
* Nếu nhập vai nhân vật Mị Châu, HS có thể trình bày theo định hướng sau:
+ Giới thiệu nhân vật người kể chuyện – Mị Châu
+ Giới thiệu tình huống truyện
+ Các sự việc tiêu biểu:
- Những ngày sống cùng cha, Mị Châu chứng kiến chuyện xây thành, chế nỏ;
- Cuộc hôn nhân và những ngày sống chung cùng Trọng Thủy;
- Nỗi niềm khi chia tay Trọng Thủy;
- Bi kịch nước mất nhà tan;
- Cái chết và sự hóa thân
+ Bài học thấm thía của bản thân từ câu chuyện của mình.
* Nếu nhập vai vào nhân vật An Dương Vương, HS có thể kể lại tác phẩm theo định hướng sau:
+ Giới thiệu nhân vật người kể chuyện – An Dương Vương
+ Giới thiệu tình huống truyện
+ Các sự việc tiêu biểu:
- Xây thành, chế nỏ;
- Đánh tan quân Triệu Đà;
- Gả con gái cho Trọng Thủy. Lơ là mất cảnh giác, bị Trọng Thủy đánh cắp nỏ thần mà không hay biết;
- Quân Triệu Đà đánh lần 2 thua chạy, phải mang con gái đi trốn;
- Trên đường chạy trốn, bị quân giặc truy đuổi. Đến bước đường cùng, phải tự tay chém con gái yêu, sau đó được Rùa Vàng dẫn xuống biển.
+ Bài học rút ra từ câu chuyện của mình.
Lưu ý: Người viết phải chú ý được mức độ đậm nhạt của những chi tiết, sự việc tiêu biểu. Cần chú ý khi hóa thân vào nhân vật Mị Châu phải làm bật lên được tâm trạng đau đớn, ân hận của Mị Châu khi chứng kiến kết cục bi thảm của một dân tộc do chính mình gây nên. Khi hóa thân vào nhân vật An Dương Vương phải làm bật lên được sự ân hận vì đã lơ là mất cảnh giác, đẩy cả đất nước vào cảnh lầm than.
Cách cho điểm:
– Điểm 2,0 – 2,5: Xác định đúng ngôi kể. Đảm bảo các yêu cầu trên.
– Điểm 1,25 – 1,75: Cơ bản đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, song một số sự việc chưa đầy đủ, hoặc liên kết giữa các sự việc chưa chặt chẽ, hoặc chưa thấy được mức độ đậm nhạt của các sự việc.
– Điểm 0,5 – 1,0: Biết nhập vai nhân vật để kể chuyện nhưng sơ sài, không chặt chẽ, một số sự việc chưa đúng tinh thần của tác phẩm.
– Điểm 0,25: Không biết nhập vai nhân vật để chuyện, hoặc chỉ kể được một vài sự việc nhỏ.
– Điểm 0: Không kể chính xác được một sự việc nào hoặc không làm bài.
d) Từ câu chuyện suy nghĩ về trách nhiệm của tuổi trẻ đối với việc bảo vệ chủ quyền đất nước. (1,0 điểm) HS có thể trình bày theo định hướng sau:
+ Trong hoàn cảnh chủ quyền của đất nước bị đe dọa, tuổi trẻ phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước.
+ Tuổi trẻ cần học tâp, rèn luyện để có kiến thức, sức khỏe mà có thể cống hiến cho đất nước.
+ Sẵn sàng dâng hiến đời mình cho đất nước nếu “Tổ quốc gọi tên mình”.
+ Cảnh giác trước những âm mưu, hành động của các thế lực thù địch.
Cách cho điểm:
– Điểm 0,75 – 1,0: HS có thể trình bày được 2-3 ý trên hoặc các ý khác nhưng hợp lý.
– Điểm 0,25 – 0,5: HS trình bày được 1-2 ý trên hoặc các ý khác nhưng hợp lý.
– Điểm 0: Không trình bày được ý nào hợp lý, sai hoàn toàn hoặc không làm.
e) Sáng tạo (0,25 điểm):
– Điểm 0,25: Có cách diễn đạt độc đáo, sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh, các yếu tố biểu cảm…), văn hay, viết giàu cảm xúc, hoặc có những chi tiết sáng tạo hợp lý.
– Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo, sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh, các yếu tố biểu cảm…), hoặc có những sáng tạo không hợp lý, không lôgic.
f) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):
– Điểm 0,5: Không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0,25: Mắc một số lỗi diễn đạt, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0: Mắc nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ, đặt câu.
Lưu ý: HS có thể trình bày bài thành 2 phần độc lập theo ý hỏi a,b hoặc trình bày gộp làm một bài. Chấp nhận mọi cách kết cấu. Nếu HS tách làm 2 phần a, b thì phần a tối đa cho 4,0 điểm; phần b tối đa cho 1,0 điểm theo hướng dẫn chấm.
Xem thêm :
- Tuyển tập những đề thi học kì ngữ văn 10
- Tổng hợp những đề thi và bài văn hay phân tích truyện An Dương Vương và Mị châu Trọng Thủy