SỞ GD&ĐT… TRƯỜNG THPT …. ( Đề gồm 01 trang) |
THI CHẤT LƯỢNG GIỮA HỌC KỲ II Năm học 2017 – 2018 MÔN THI: Ngữ Văn 12 (Thời gian làm bài 120 phút không kể thời gian phát đề) |
Phần I: Đọc – Hiểu ( 3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4
“Bất cứ ai cũng đã từng thất bại, đã từng vấp ngã ít nhất một lần trong đời như một quy luật bất biến của tự nhiên. Có nhiều người có khả năng vực dậy, đứng lên rồi nhẹ nhàng bước tiếp như thể chẳng có chuyện gì xảy ra, nhưng cũng có nhiều người chỉ có thể ngồi một chỗ và vẫn luôn tự hỏi lí do vì sao bản thân lại có thể dễ dàng “mắc bẫy” đến như thế…
Bất kì vấp ngã nào trong cuộc sống cũng đều mang lại cho ta một bài học đáng giá: Về một bài toán đã áp dụng cách giải sai, về lòng tốt đã gửi nhầm chủ nhân hay về một tình yêu lâu dài bỗng phát hiện đã trao nhầm đối tượng.
(…) Đừng để khi tia nắng ngoài kia đã lên, mà con tim vẫn còn băng lạnh. Đừng để khi cơn mưa kia đã tạnh, mà những giọt lệ trên mi mắt vẫn còn tuôn rơi. Thời gian làm tuổi trẻ đi qua nhanh lắm, không gì là mãi mãi, nên hãy sống hết mình để không nuối tiếc những gì chỉ còn lại trong quá khứ mà thôi…”
(Trích“ Hãy học cách đứng lên sau vấp ngã – Nguồn www.vietgiaitri. com, 04/6/2015)
Câu 1 ( 0,5 điểm): Hãy chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên?
Câu 2 ( 0,5 điểm): Tác giả đã đưa ra những dẫn chứng nào để khẳng định“Bất kì vấp ngã nào trong cuộc sống cũng đều mang lại cho ta một bài học đáng giá”?
Câu 3(1,0 điểm): Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ gì trong hai câu văn sau: “Đừng để khi tia nắng ngoài kia đã lên, mà con tim vẫn còn băng lạnh. Đừng để khi cơn mưa kia đã tạnh, mà những giọt lệ trên mi mắt vẫn còn tuôn rơi”? Hãy phân tích hiệu quả biểu đạt của biện pháp tu từ đó?
Câu 4(1,0 điểm): Thông điệp rút ra từ đoạn trích trên?
- Phần II: Làm Văn (7,0 điểm)
Câu 1 (2 điểm): Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ ) trình bày suy nghĩ về vai trò của niềm tin trong cuộc sống .
Câu 2 ( 5,0 điểm) : Anh/ chị hãy phân tích chi tiết tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài (trích Vợ chồng A phủ – Tô Hoài), từ đó liên hệ với chi tiết bát cháo hành của Thị Nở mang cho Chí Phèo ( trích Chí Phèo – Nam Cao) để làm rõ vai trò của chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn.
———- HẾT ———-
Họ và tên thí sinh :……………………………………………. Số báo danh : ………………
SỞ GD&ĐT … TRƯỜNG THPT …. |
ĐÁP ÁN THI CHẤT LƯỢNG GIỮA HỌC KỲ II Năm học 2017 – 2018 |
PHẦN | CÂU | NỘI DUNG | ĐIỂM |
I. ĐỌC HIỂU |
1 | Phương thức biểu đạt chính là nghị luận. | 0,5 |
2 | – Tác giả đã đưa ra những dẫn chứng sau: “Về một bài toán đã áp dụng cách giải sai;về lòng tốt đã gửi nhầm chủ nhân; một tình yêu lâu dài bỗng phát hiện đã trao nhầm đối tượng”để khẳng định“Bất kì vấp ngã nào trong cuộc sống cũng đều mang lại cho ta một bài học đáng giá” | 0,5 |
|
3 | Học sinh trả lời được một trong ba phép tu từ sau: * Biện pháp tu từ: Điệp ngữ (Đừng để khi) ; điệp cấu trúc ngữ pháp (lặp CTNP); đối lập (tia nắng…đã lên><giọt lê….rơi). * Tác dụng: – Điệp ngữ ; điệp cấu trúc ngữ pháp: Tạo âm hưởng nhịp nhàng, cân đối. Nhấn mạnh, khuyến khính mọi người hãy từ bỏ những ưu phiền để sống vui vẻ, hòa nhịp với thế giới xung quanh… – Đối lập: Làm nổi bật sự trái ngược giữa ngoại cảnh với tâm trạng con người, nhằm khích lệ con người từ bỏ những ưu phiền, hướng đến cuộc sống vui tươi, ý nghĩa…. |
1,0 |
|
4 | Hs có thể trả lời nhiều cách như : Sống như thế nào để không phải nuối tiếc khi nhìn lại quá khứ; đứng dậy sau khi vấp ngã để có cuộc sống tươi đẹp trong tương lai; có niềm tin vào cuộc sống…… | 1,0 | |
II. LÀM VĂN |
1 |
Học sinh có thể có nhiều cách làm bài khác nhau nhưng cần đảm bảo được những yêu cầu sau: | |
– Đảm bảo cấu trúc đoạn văn: có thể trình bày theo cấu cấu trúc diễn dịch, quy nạp… | 0,25 | ||
– Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận; | 0,25 |
||
– Nêu vấn đề nghị luận. | 0,25 | ||
-Niềm tin là hi vọng của con người vào những điều tốt đẹp vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống. – Chỉ khi có được niềm tin vào con người và cuộc đời thì những điều tốt đẹp mới có thể xuất hiện . – Chỉ khi giữ được niềm tin thì con người mới tạo nên kì tích, và hơn nữa, mới có thể thư thái và hạnh phúc dù ở trong nghịch cảnh. – Niềm tin là điều quan trọng nhưng nên tùy trường hợp để vận dụng, không nên đặt niềm tin mù quáng, thiếu căn cứ bởi điều đó sẽ phản tác dụng, sẽ đem đến sự hoài nghi, phủ nhận tất cả, sống thiếu lí tưởng sau này. – Để giữ được niềm tin, giữ được sự tồn tại của những giá trị tốt đẹp, cần có một cái nhìn sáng suốt, đặt niềm tin đúng chỗ. Hơn nữa cần phải có lập trường kiên định, có niềm tin đủ lớn, và đặc biệt cần sống một cách nhân văn, tự tạo nên những điều tốt đẹp để tỏa bóng cho mình và cho đời. – Trong xã hội ngày nay, bên cạnh những người sống quá thực dụng, chẳng hề có niềm tin, những người ngây thơ đến ấu trĩ thì vẫn có những người có lí tưởng, có niềm tin và chính họ đã định hướng cho sự phát triển của xã hội. |
1,25 |
||
2 |
Học sinh có thể có nhiều cách làm bài khác nhau nhưng cần đảm bảo được những yêu cầu sau: | ||
1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. | 0,25 | ||
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích chi tiết tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, liên hệ với chi tiết bát cháo hành trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao để thấy được vai trò của chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn. – Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. |
0,25 | ||
a. MB: Giới thiệu khái quát về 2 tác giả, 2 tác phẩm, 2 chi tiết nghệ thuật. | 0,25 | ||
b. TB: * Giải thích: – Chi tiết nghệ thuật chính là “các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng” (Từ điển thuật ngữ văn học) trong tác phẩm văn học. Chi tiết nghệ thuật được biểu hiện phong phú, có thể là một nét chân dung nhân vật, một hành vi lời nói, một biểu hiện cử chỉ, phản ứng nội tâm, một nét phong cảnh, môi trường, một biểu hiện sinh hoạt, một khâu quan hệ nào đó trong đời sống của nhân vật… – Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Đặc điểm của truyện ngắn phải ngắn gọn, cô đúc, kiệm lời, dung lượng nhỏ nhưng sức chứa lớn. Các chi tiết được lựa chọn đưa vào truyện ngắn phải độc đáo, giàu ý nghĩa nghệ thuật + Chi tiết tiếng sáo trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ là một nét vẽ rất thực về cảnh Tây Bắc, trực tiếp đưa người đọc vào không khí náo nức, rộn ràng, khơi gợi nhiều khát khao của con người những đêm tình mùa xuân. + Chi tiết bát cháo hành trong truyện ngắn Chí phèo là biểu hiện tình người ấm nóng nơi làng Vũ Đại khô khát yêu thương, khơi dậy tình thương trong con người. →Trong tác phẩm văn học, chi tiết đóng vai trò quan trọng góp phần làm nên nét độc đáo trong nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của tác phẩm |
0,5 |
||
* Phân tích : * Chi tiết tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài. – Hình tượng tiếng sáo nằm ở phần giữa tác phẩm, đó là những thanh âm của tiếng sáo vùng núi cao Tây Bắc trong đêm tình mùa xuân. Sau những chuỗi ngày sống chỉ mang ý nghĩa của sự tồn tại, tê liệt, chai lì cái nồng nàn của lửa, của men rượu, cái tươi vui rộn rã của mùa xuân Hồng Ngài đã đánh thức tâm hồn Mị, tiếng sáo đã vọng đến đôi tai Mị. Tiếng sáo được miêu tả từ xa đến gần, với những cung bậc khác nhau: khi tiếng sáo lấp ló ngoài đầu núi, tiếng sáo văng vẳng gọi bạn đầu làng, tiếng sáo lửng lơ bay ngoài đường, trong đầu Mị , rập rờn tiếng sáo, tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi + Trước hết, đây là chi tiết có ý nghĩa tả thực về nét đẹp văn hóa của miền núi cao Tây Bắc. ∟Tiếng sáo vang lên với những cung bậc khác nhau, khi xa khi gần, khi trầm bổng khoan thai, khi rập rờn, khi lấp ló… ∟Âm thanh tiếng sáo vang lên những ca từ mộc mạc thể hiện lẽ sống hồn nhiên, yêu đời, phóng khoáng của những con người nơi đây →. Tiếng sáo mang đến chất thơ, làm dịu mát cuộc sống trăm đắng ngàn cay với nỗi đời cơ cực của con người nơi đây, khiến mảnh đất Tây Bắc vốn xa lạ, hoang vu trở nên gần gũi, thơ mộng. + Không dừng lại ở ý nghĩa tả thực, chi tiết tiếng sáo góp phần diễn tả vẻ đẹp tâm hồn Mị trong đêm tình mùa xuân. ∟Tiếng sáo lay thức tâm hồn Mị, khiến lòng Mị thiết tha, bổi hồi, nhẩm thầm bài hát của người đang thổi và những kí ức đẹp đẽ nồng nàn của người con gái đã trở về. ∟Tiếng sáo đã làm bừng lên khát vọng sống, Mị ý thức hiện tại mình vẫn còn trẻ, Mị ý thức về quyền hạnh phúc. ∟Tiếng sáo khiến Mị quên đi thực tại khổ đau: khi Mị định ăn lá ngón để chết ngay chứ không muốn nghĩ về ngày trước nữa thì tiếng sáo lửng lơ ngoài đường lại đưa Mị trở về với niềm khát sống, khi bị trói đứng cả đêm, tâm hồn Mị vẫn bay bổng cùng tiếng sáo, tiếng sáo đưa Mị theo những cuộc chơi. →Tiếng sáo trở thành biểu tượng đẹp đẽ cho khát vọng tự do, khát vọng sống, khát vọng tình yêu trong tâm hồn Mị. Chi tiết tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân đã góp phần thể hiện tư tưởng, thái độ của nhà văn và thành công của ngòi bút Tô Hoài. Đó là tấm lòng nâng niu trân trọng của nhà văn đối với nét đẹp văn hóa của và vẻ đẹp tâm hồn con người Tây Bắc. Chi tiết giàu chất thơ, lai láng dư vị trữ tình có sức sống lâu bền trong tâm hồn người đọc. |
1,5 |
||
* Chi tiết bát cháo hành khi Thị Nở mang cho Chí Phèo – Bát cháo hành xuất hiện ở gần cuối thiên truyện. Khi Chí Phèo uống rượu nhà Tự Lãng đã không về túp lều của mình mà ra thẳng bờ sông. Ở đó, Chí bắt gặp Thị Nở – người đàn bà ngớ ngẩn, xấu ma chê quỷ hờn, đi kín nước nhưng ngủ quên ở bờ sông. Khung cảnh hữu tình cùng với hơi men của rượu đã đưa đến mối tình Chí Phèo – Thị Nở. Sau đêm đó, Chí bị cảm, Thị Nở thương tình, sau một đêm trằn trọc suy nghĩ, Thị chạy đi tìm gạo và nấu cháo hành mang sang cho Chí. + Bát cháo hành – biểu tượng của tình người rất thật, rất hồn nhiên, vô tư, không vụ lợi mà Thị Nở dành cho Chí. + Bát cháo hành – vị thuốc giải cảm cho Chí. Ăn bát cháo hành hơi nóng nghi ngút đã làm cho Chí “vã mồ hôi ra như tắm”. Bát cháo tưởng vặt vãnh đã trở thành liều thuốc giải cảm hữu hiệu cho Chí. + Bát cháo hành – vị thuốc giải độc cho cuộc đời Chí. Không chỉ giải cảm, bát cháo hành – tình người duy nhất đã gợi thức phần lương tri ngủ quên trong lốt “con quỷ dữ Chí Phèo”. Từ ăn năn, hối hận, Chí bỗng thấy thèm lương thiện, thèm trở về cuộc sống ngày trước. Bát cháo hành đã dẫn đường cho hi vọng hoàn lương + Bát cháo hành cũng chính là chi tiết đẩy bi kịch của Chí lên tới đỉnh điểm, dẫn tới một kết thúc thảm thương đầy đau đớn. →Bát cháo hành – một chi tiết nghệ thuật mang đầy dụng công của Nam Cao. Nó góp phần thể hiện tư tưởng nghệ thuật của nhà văn: Điều mà chúng ta thiếu đó chính là lòng tốt – một lòng tốt rất bình thường cũng có thể cứu rỗi con người. Và kết cục của Chí Phèo thể hiện một niềm tin của nhà văn: dẫu có bị bầm dập về nhân hình lẫn nhân tính, lương thiện trong con người đặc biệt là những người nông dân cũng không mất đi, nó chỉ cần đợi có cơ hội là sẽ bùng lên mạnh mẽ. Qua chi tiết nó cũng cho ta thấy một hiện thực mà nhà văn đau đáu: đó là những định kiến làng xã nông thôn đã tước đi quyền được sống của con người… Qua đó nhà văn cũng gióng lên một hồi chuông khẩn thiết đòi thay máu cho xã hội để ít nhất con người được sống lương thiện. |
1,0 |
||
* Đánh giá chung: Như vậy, việc lựa chọn chi tiết “đắt giá” đưa vào truyện ngắn không chỉ thể hiện tài quan sát, tài vận dụng đồng thời còn là quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người, về cuộc sống. Chính vì thế có ý kiến cho rằng Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn. |
0,5 |
||
c. KB: Khẳng định lại vai trò của chi tiết nghệ thuật làm nên sức lâu bền của tác phẩm và sự thành công của nhà văn. | 0,25 | ||
3. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. | 0,25 | ||
4. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận ( HS có thể phân tích hai chi tiết nghệ thuật và sau đó chỉ ra đặc điểm, vai trò của chi tiết trong truyện ngắn) |
0,25 |
HẾT
Xem thêm: ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NGỮ VĂN :Dạng đề liên hệ tác phẩm 12-11, VỢ CHỒNG A PHỦ, CHÍ PHÈO