Đề thi thử bài Hồn Trương Ba da hàng thịt theo hướng mới

Trong trích đoạn kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ hai lần ghi lại độc thoại nội tâm của nhân vật Hồn Trương Ba: lần thứ nhất, trước khi Hồn Trương Ba đối thoại với xác hàng thịt “Không! Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi! Tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi này lắm rồi, chán lắm rồi! Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc! Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng nhỉ, để nó được tách ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lát!”; lần thứ hai, sau khi Hồn Trương Ba đối thoại với những người thân “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm được đủ mọi cách để lấn át ta… Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? “Chẳng còn cách nào khác”! Mày nói như thế hả? Nhưng có thật là không còn cách nào khác? Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!”
Anh/Chị hãy phân tích những độc thoại nội tâm của Hồn Trương Ba qua hai lần miêu tả trên. Từ đó nhận xét về sự thay đổi của nhân vật Hồn Trương Ba.
HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần Câu Nội dung Điểm
LÀM VĂN 2 Phân tích hai độc thoại nội tâm của nhân vật Hồn Trương Ba: trước khi đối thoại với xác hàng thịt và sau khi đối thoại với những người thân. Từ đó nhận xét về sự thay đổi của nhân vật. 5,0
  a Đảm bảo cấu trúc của bài văn nghị luận 0,25
  b Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Phân tích được hai độc thoại nội tâm của Hồn Trương Ba và nhận xét về sự thay đổi của nhân vật.
0,5
  c Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo những nội dung cơ bản sau:
 
    * Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận
Tác giả Lưu Quang Vũ: là một tài năng đa dạng nhưng kịch là phần đóng góp đặc sắc nhất, là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường những năm 80 của thế kỉ XX, là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại.
– Tác phẩm: là một trong những vở kịch đặc sắc nhất của Lưu Quang Vũ. Từ một cốt truyện dân gian, ông đã xây dựng thành một vở kịch nói hiện đại, chứa đựng nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng và triết lý nhân văn sâu sắc.
– Vấn đề nghị luận: hai đoạn độc thoại nội tâm sâu sắc, giàu ý nghĩa thuộc cảnh VII của vở kịch…
0,5
    * Giới thiệu sơ lược nhân vật
– Trương Ba vốn là người làm vườn khéo léo, yêu cái đẹp, tâm hồn thanh cao trong sạch, sống chan hòa với mọi người, là người rất cao cờ…
– Vì sự tắc trách của Nam Tào, Bắc Đẩu, Trương Ba đột ngột phải chết. Tiên cờ Đế Thích vì tiếc tài cờ của người nông dân ấy đã dùng phép cho hồn của Trương Ba nhâp vào xác của một anh hàng thịt để tiếp tục sống. Tình cảnh “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo” đã đẩy Trương Ba vào bi kịch…
0,25
    * Phân tích hai độc thoại nội tâm của Hồn Trương Ba
– Độc thoại nội tâm thứ nhất:
+ Hoàn cảnh xuất hiện: sau khi Hồn Trương Ba nhập vào xác hàng thịt, cuộc sống của Trương Ba có nhiều xáo trộn. Trưởng Hoạt sang nhà, phê phán Trương Ba dạo này đổi tính đổi nết; lí trưởng đến sách nhiễu vòi vĩnh; con trai Trương Ba càng ngày càng tỏ ra thực dụng, hư hỏng…
+ Nội dung:
/ Hồn Trương Ba “không muốn sống như thế này mãi”: không muốn sống trong tình trạng vênh lệch, “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, hồn của mình mà thân xác của người khác.
/ Chán và sợ “cái thân thể kềnh càng thô lỗ”, chỉ muốn tách khỏi, rời xa thể xác. Linh hồn Trương Ba muốn có một đời sống độc lập để giữ sự thanh cao trong sạch, không bị thể xác phàm tục chi phối, lấn át.
+ Nghệ thuật: những câu cảm thán ngắn dồn dập liên tiếp, những câu phủ định…
ð Khắc họa sự bức bối, đau khổ, ước nguyện khắc khoải của Hồn Trương Ba muốn thoát ra khỏi thân xác mà hồn ghê tởm.
ð Thể hiện khả năng tự ý thức sâu sắc của nhân vật Hồn Trương Ba, không chấp nhận cái tầm thường dung tục, luôn đấu tranh với thể xác phàm phu để giữ gìn nhân cách thanh cao đẹp đẽ.
ð Lời độc thoại mở màn, dự báo cuộc đối thoại căng thẳng quyết liệt sẽ diễn ra tiếp theo giữa Hồn và Xác.
– Độc thoại nội tâm thứ hai:
+ Hoàn cảnh xuất hiện: sau cuộc đối thoại với những người thân như vợ, cháu gái, con dâu. Mỗi người có cách nói, giọng nói riêng nhưng đều khiến Hồn Trương Ba nhận rõ nghịch cảnh trớ trêu, càng làm cho ông đau khổ hơn. Ông hiểu những gì mình đã, đang và sẽ có thể gây ra cho gia đình, những người thân là rất tệ hại mặc dù ông không hề muốn. Sau cuộc đối thoại với người thân, kịch tính càng được đẩy lên cao trào, buộc Hồn Trương Ba phải đưa ra quyết định, sự lựa chọn cuối cùng của mình. Hồn Trương Ba chỉ còn lại trơ trọi một mình với nỗi đau khổ, tuyệt vọng lên đến đỉnh điểm, với những lời độc thoại đầy chua chát và quyết liệt…
+ Nội dung:
/ Hồn Trương Ba thừa nhận sự thắng thế, chi phối, lấn át của xác hàng thịt.
/ Nhưng Hồn Trương Ba không chịu thua, không khuất phục và tự đánh mất mình.
/ Hồn Trương Ba thách thức xác hàng thịt và quyết liệt khước từ đời sống do thể xác phàm tục thô lỗ đem lại.
+  Nghệ thuật: sự đan xen các câu cảm thán và câu hỏi mang tính chất tự vấn, giọng điệu vừa chua chát vừa quyết liệt: Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? “Chẳng còn cách nào khác”! Mày nói như thế hả? Nhưng có thật là không còn cách nào khác? Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!”
ð Lời độc thoại cho thấy cuộc đấu tranh quyết liệt, giằng xé, căng thẳng và trung thực của linh hồn cao khiết chống sự lấn át, chế ngự của thể xác dung tục, tầm thường.
ð Lời độc thoại có tính chất quyết định dẫn tới hành động thắp hương gọi Đế Thích để đi đến lựa chọn cuối cùng: chấm dứt cuộc sống vay mượn, chắp vá, “bên trong một đằng bên ngoài một nẻo”. Trương Ba lại tìm được niềm vui và ý nghĩa cuộc đời mình trong những tình cảm yêu thương, quý trọng của người thân…
2,5
    * Nhận xét về sự thay đổi của nhân vật Hồn Trương Ba
Hai đoạn độc thoại nội tâm không chỉ gợi lên hoàn cảnh trớ trêu bi kịch của Hồn Trương Ba mà còn cho thấy những suy nghĩ sâu sắc, thể hiện khả năng tự ý thức về giá trị bản thân, đề cao ý nghĩa sự sống ngay thẳng, trong sạch, thanh cao của nhân vật.
– Qua hai đoạn độc thoại nội tâm, ta nhận thấy sự thay đổi rõ rệt của nhân vật Hồn Trương Ba: Ở đoạn độc thaoị nội tâm thứ nhất, Hồn Trương Ba buồn rầu, chán nản, muốn trốn chạy, né tránh hiện thực, không muốn thừa nhận sự chi phối lấn át của thể xác hàng thịt phàm tục đối với linh hồn thanh cao của mình, chỉ mong được giải thoát trong sự khắc khoải, tuyệt vọng, bế tắc. Đến đoạn độc thoại nội tâm thứ hai, Hồn Trương Ba đã dám đối diện và thừa nhận sự chế ngự của thể xác đối với linh hồn nhưng lên tiếng thách thức, quyết không chịu thua, không chịu khuất phục và tự đánh mất mình, Hồn Trương Ba đã chủ động tìm ra cách giải thoát sáng suốt để bảo tồn phần người quý giá. Đây là sự thay đổi quan trọng và cần thiết trong suy nghĩ dẫn đến sự thay đổi trong hành động nhưng thực chất lại để khẳng định, đề cao một giá trị vĩnh viễn không thay đổi, đó là sự ngay thẳng, thanh cao, trong sạch, những phẩm chất đẹp đẽ rất đáng nâng niu, trân trọng của con người. Cuộc đấu tranh của Hồn Trương Ba với xác hàng thịt thực chất là cuộc đấu tranh giữa phần người với phần con, phần ý thức với phần bản năng để giữ gìn lương tri nhân phẩm. Đó cũng là một trong những thông điệp nhân văn sâu sắc mà tác giả muốn gửi tới người đọc.
– Qua hai đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật, ta thấy tài năng và tấm lòng của nhà soạn kịch:
+ Tài năng: xây dựng ngôn ngữ độc thoại phù hợp hoàn cảnh, tính cách, cho thấy sự chuyển biến hợp lý của nhân vật, sử dụng kiểu câu, giọng văn phù hợp…
+ Tấm lòng nhân đạo, trân trọng cái đẹp, cái thanh cao, không chấp nhận cái tầm thường, dung tục…
0,5
  d Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
0,25
  e Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
0,25

 
—–HẾT—–
 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *