Đề thi về bài Đàn ghi ta của Lorca Thanh Thảo

NGUYỄN KHUYẾN
 
ĐÀN GHI-TA CỦA LOR-CA
 
Đề bài 1:
Về bài Đàn ghi ta của Lorca có ý kiến cho rằng :” Bài thơ đã để lại ám ảnh sâu sắc trong lòng người đọc về cái chết kinh hoàng của Lorca. Tuy nhiên ấn tượng sau cùng không phải là cái thảm khốc mà chính là sự bất tử của người nghệ sĩ Lorca“. Qua hình tượng người nghệ sĩ Lorca, anh/ chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên, từ đó liên hệ với bi kịch của Vũ Như Tô trong tác phẩm Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài của Nguyễn Huy Tưởng.
Gợi ý
Mở bài
* Đôi nét về tác giả
Được công chúng đặc biệt chú ý bởi những bài thơ và trường ca mang diện mạo độc đáo viết về chiến tranh và thời hậu chiến.
– Thơ Thanh Thảo là sự lên tiếng của người trí thức nhiều suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội và thời đại. Tuy nhiên, ông muốn cuộc sống phải được cảm nhận và thể hiện ở bề sâu nên luôn khước từ lối biểu đạt dễ dãi.
* Tác phẩm Đàn ghi ta của Lorca
– Bài thơ được in trong tập ” Khối vuông ru bích
Thể hiện tư duy thơ Thanh Thảo: giàu suy tư, nhuốm màu sắc tượng trưng, siêu thực.
Thân bài
Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm:
– Từng được biết đến Tây Ban Nha qua những tác phẩm của Hêminguê- một nhà văn Mĩ, lại đọc thơ Lorca từ khi còn trẻ, hình ảnh Tây Ban Nha và hình ảnh trong những câu thơ Lorca đã lặn sâu vào tâm trí và trở thành một ám ảnh để khi viết bài thơ, nó bật ra một cách hoàn toàn tự nhiên.
– Được viết liền mạch trong khoảng thời gian rất ngắn, sau khi ngồi chơi và đàm đạo về thơ Lorca với những người bạn tâm đắc -> kết quả của ấn tượng và nhận thức sâu sắc của Lorca.
– LORCA là nhà thơ mà Thanh Thảo rất ngưỡng mộ. Cả thơ ca, cuộc đời và cái chết của Lorca đã gây cho tác giả những xúc cảm và ấn tượng. Chính những hình ảnh và nhạc điệu trong nhiều bài thơ của Lorca đã dẫn dắt Thanh Thảo khi viết “Đàn ghita của Lorcaorca”
Giới thiệu khái quát nguời nghệ sĩ Phêđêricô Gaxia Lorca (1898-1936)
– Là một trong những tài năng sáng chói của văn học hiện đại Tây Ban Nha.
– Trước một Tây Ban Nha – dưới sự cai trị của chế độ độc tài- đã trở nên phản động về chính trị và già cỗi về nghệ thuật, Lorca đã nồng nhiệt cổ vũ nhân dân đấu tranh với mọi thế lực áp chế, đòi quyền sống chính đáng đồng thời cũng khởi xướng và thúc dẩy mạnh mẽ những cách tân trong lĩnh vực nghệ thuật. Lorca đã tự nguyện làm người du ca đi lang thang với cây đàn ghita hát lên những bài ca lãng tử, dùng tiếng đàn giãi bày nôĩ đau buồn và niềm khát vọng yêu thương của nhân dân.
– Ông đã bị chế độ phản động cực quyền thân phát xít bắt giam và bắn chết. Cái chết thảm khốc của Lỏca đã dâng lên một làn sóng phẫn nộ hết sức mạnh mẽ trên thế giới với bè lũ Phrăngcô. Tên tuổi của Lorca trở thành biểu tượng chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ văn hoá dân tộc và văn minh nhân loại.
Lorca và cái chết thảm khốc
– Thanh Thảo đã ghi lại những giây phút bi phẫn nhất trong cuộc đời Lorca khi ông bị phát xít giết hại và ném xác xuống giếng để phi tang
Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
– Chàng nghệ sĩ “đi như người mộng du” giữa bầy ác quỷ, tiếng hát nghêu ngao và tiếng đàn của chàng “bỗng kinh hoàng”, “đứt ngang giây”, chỉ còn lại, chỉ nhìn thấy “áo choàng bê bết đỏ”.
– Ở đây nhà thơ như nhập thân vaò hình tượng, đồng thời cũng tự phân thân để trải nghiệm đến tận cùng hai tâm trạng- tâm trạng của Lorca và tâm trạng của dân tộc Tây Ban Nha mà Lorca là đại diện ưu tú. Nỗi kinh hoàng của dân tộc Tây Ban Nha không chỉ là vì cái chết của Lorca mà còn vì cách ứng xử tàn bạo, vô nhân đạo trước khát vọng tự do của con người.
– Ở khổ thơ đầu, hình ảnh “áo choàng đỏ gắt” gợi ra cốt cách tự do và tính cách dữ dội, phong cách anh hùng và cá tính nghệ sĩ thì ở khổ thơ này, hình ảnh “áo choàng bê bết đỏ” lại gợi tấm thảm kịch của con người mang khát vọng tự do. “Áo choàng đỏ gắt” là một biểu tượng có chức năng khái quát, “áo choàng bê bết đỏ” lại là một sự kiện cụ thể (Lorca bị điệu về bãi bắn)
=> Thanh Thảo không đi sâu miêu tả sự kiện Lorca bị giết mà chỉ gợi một ấn tượng dữ dội về nó để biêt hiện cảm xúc đau đớn của chính mình và gợi nỗi đau trong lòng người đọc.
tiếng ghi-ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi-ta ròng ròng
máu chảy
Lor-ca đã ngã xuống trước làn đạn của bè lũ phát xít dã man, đã để lại một “bầu trời” thương nhớ mênh mông cho “cô gái ấy”, cho người yêu (nàng An-na Ma-ri-a)! “Tiếng ghi ta nâu”, “tiếng ghi ta lá xanh” là biểu tượng cho một tâm hồn nghệ sĩ mang một tình yêu tha thiết và yêu đời, gắn bó với quê hương, với nhân dân. Sau loạt đạn của quân thù, một tài năng đã bị huỷ diệt; tiếng đàn bị “vỡ tan” như bọt nước, bị “đứt ngang dây”, với bao máu đỏ chảy “ròng ròng”. Thanh Thảo qua các ẩn dụ, so sánh, tượng trưng và điệp ngữ đã tạo nên những vần thơ giàu hình tượng và biểu cảm, bộc lộ nỗi tiếc thương Lor-ca, một thiên tài bị cái ác sát hại.
Lorca và sự bất tử
– Câu thơ “không ai chôn cất tiếng đàn” viết theo lối tượng trưng diễn tả tình thế bi thảm của Lorca, không ai dám chôn cất một nghười bị hành hình, song cũng chính nó khẳng định sức sống kì diệu của tiếng đàn nói riêng, của những sáng tạo nghệ thuật nói chung mà Lorca để lại. Người nghệ sĩ tạo nên tiếng đàn có thể bị vùi dập, bị giết hại nhưng nghệ thuật thì không thể bị hủy diệt.
– Sắc thái khẳng định này càng rõ hơn trong hình ảnh so sánh “tiếng đàn như cỏ mọc hoang”. Cỏ mọc hoang là loại cỏ không được nuôi trồng , chăm sóc vẫn tự mọc, tự sống.Đây là hình ảnh ẩn dụ biểu tượng cho sức sống kiên cường, mãnh liệt, bền bỉ. Ví tiếng đàn như cỏ mọc hoang , nhà thơ khẳng định niềm tin mãnh liệt vào sự bất tử của tiếng đàn, của người nghệ sĩ, của nghệ thuật chân chính.
– Hình ảnh “Giọt nước mắt vầng trăng/Long lanh trong đáy giếng” gợi nhiều liên tưởng. Hình ảnh “vầng trăng” xuất hiện hai lần đều không phải như những thực thể của thế giới khách quan mà như một biểu tượng gắn liền với những năng lượng tinh thần đặc biệt. Lần thứ nhất, trăng xuất hiện trong trạng thái “chếnh choáng” rất nghệ sĩ. Lần thứ hai lại được gợi ra trong một nỗi đau rất con người mà cũng thẳm sâu như chính vũ trụ- nơi trăng kia hiện diện. Ở câu thơ này, vầng trăng trước hết thuộc về vụ trụ bát ngát với ánh sáng dịu dàng và vẻ đẹp mĩ lệ. Đối lập với vầng trăng là đáy giếng- nơi kẻ thù ném xác Lorca hòng xoá dấu vết tội ác, nơi tăm tối mịt mùng, không sao soi thấu được, nơi lưu giữ hiện thân của đau thương và tội ác xấu xa. Hai hình ảnh tương phản này gợi hai thế giới hoàn toàn cách biệt, xa lạ và không thể nào tìm mối liên hệ. Vậy mà Thanh Thảo đã phát hiện ra mối liên hệ giữa chúng bằng một liên tưởng độc đáo. Tr­ước hết, “giọt nước mắt vầng trăng” vừa có thể hiểu là giọt nước mặt của vầng trăng (trăng khóc cho cái chết oan khuất của Lorca  hay chính là vũ trụ đã cảm thấu nỗi đau khôn cùng của con người), vừa có thể hiểu rằng là giọt nước mắt của vũ trụ rơi vào đáy giếng để soi sáng sự thật bị chôn vùi. “Đáy giếng” là nơi chôn vùi thân xác Lorca , nơi cất giấu một bí mật về tội ác của chế độ độc tài, “đáy giếng” cũng là nơi đón nhận sự toả sáng của mối đồng cảm sâu xa từ vũ trụ.
– – Sức tưởng tượng mạnh mẽ: “Đường chỉ tay đã đứt” là sự chấm dứt cuộc sống vật chất, “dòng sông rộng vô cùng” là cuộc đời vô hạn vẫn tiếp tục chảy trôi gợi một cảm giác bi quan: có lẽ sự tồn tại hữu hạn, mong manh của một đời người ngắn ngủi đứt gãy nửa chừng sẽ bị dìm cho chìm nghỉm dưới đáy sông, sẽ trở nên vô nghĩa trước cái vô cùng của sóng nước. Thế nhưng Thanh Thảo lại bằng tưởng tượng đem đến một cảm nhận hoàn toàn ngược lại:
Lorca bơi sang ngang
trên chiếc ghita màu bạc
“bơi” là hành động để tồn tại và khẳng định sự tồn tại trên dòng sông, “bơi sang ngang” là không bị cuốn đi và không muốn buông trôi theo dòng nước- phải chống chọi với sức băng cuốn của sóng nước song cũng thể hiện rõ tư thế đứng cao hơn mọi sự chảy trôi thông thường; bơi bằng và trên chiếc “ghita màu bạc” là dùng cây đàn ghita chở tải sự sống của mình vượt lên mọi sự băng hoại, chảy trôi. Chiếc đàn ghia ta đã chở sự sống và linh hồn Lorca vượt qua giới hạn ngắn ngủi của đời người để đến với cõi vô cùng của cuộc sống. Đó vừa là thực tế, vừa là niềm tin tuyệt đối của Thanh Thảo vào sự bất tử của Lorca. Vậy là, sự tưởng tượng xét đến cùng lại bắt nguồn từ nhận thức về giá trị tinh thần của tiếng đàn Lorca, từ giá trị của tiếng nói và những cống hiến của Lorcacho nghệ thuật. Vậy là ta lại thấy ở đây một khía cạnh nữa trong quan niệm nghệ thuật của Thanh Thảo: sự sống vật chất của người nghệ sĩ chỉ là hữu hạn song sản phẩm nghệ thuật mà nghệ sĩ tạo ra sẽ đưa nghệ sĩ vào cõi bất tử.
Dòng tưởng tượng tiếp tục trào dâng mạnh mẽ về sự sống bất diệt và niềm kiêu hãnh của Lorca: “lá bùa cô gái Digan” là vật có phép thiêng để trừ tà và tránh tai hoạ. Ném “lá bùa” vào “xoáy nước” là sẵn sàng đối mặt với hiểm hoạ và định mệnh trong cuộc đời- hành động làm bật lên tư thế đầy kiêu hãnh (“xoáy nước” là hiểm hoạ trên dòng sông số phận, “ném lá bùa” là ném sự bảo vệ về sinh mạng). “Ném trái tim” lại là sự dâng hiến trọn vẹn trong thanh thản và vô tư những rung cảm trong sáng, chân thành và thiêng liêng nhất của chính mình- hành động làm bật lên sự cao cả của tấm lòng, sự cao thượng trong tình cảm. Cả t­ thế kiêu hãnh và trái tim cao thượng đều là dấu hiệu của cốt cách nghệ sĩ- hiệp sĩ, nó làm tỏa sáng vẻ đẹp của hình tượng Lorca (hai lần Thanh Thảo dùng từ “ném”. Lần thứ nhất là hành động của một hiệp sĩ dám coi khinh cái chết bởi cái chết do kẻ thù gây ra cũng không thể ngăn cản tư tưởng, tâm hồn Lorca  hòa vào sự sống bất tử của nhân dân. Lần thứ hai là hành động của một nghệ sĩ sẵn sàng và tự nguyện dâng trọn tâm hồn mình cho cuộc đời để ra đi trong yên lặng. Chính sự dâng hiến vô tư và tự nguyện ấy đã khiến tiếng đàn ghita của Lorca ngân vang bất diệt không chỉ bằng âm thanh mà còn bằng cả dư âm. Hai lần Thanh Thảo mô tả tiếng đàn “li – la li – la li – la”. Lần thứ nhất là những âm thanh vang lên trong không gian dữ dội của đất nước Tây Ban Nha thành lời ca tranh đấu. Lần thứ hai là những âm thanh vang lên trong “lặng im bất chợt”, vang lên từ cõi vô cùng và sự bất diệt. Lần thứ nhất là âm thanh thực. Lần thứ hai đã là những dư âm không dứt để khơi dậy và nối dài cảm xúc, rung động và tỏa sáng lí tưởng cao cả đẹp đẽ của Lorca).
Liên hệ bi kich của Lorca với bi kịch của Vũ Như Tô
* Giống nhau
– Vũ Như Tô và Lor ca là những nghệ sĩ có những ước mơ, khát vọng đẹp. Vũ Như Tô muốn xây Cửu Trùng Đài để tranh tinh xảo với hoá công, làm rạng rỡ đất nước…, Lor ca là người nghệ sĩ đam mê cách tân nghệ thuật, là người chiến sĩ đấu tranh cho tự do, dân chủ.
– Cả hai nhân vật đều lâm vào bi kịch đớn đau trong bối cảnh xã hội thối nát, bạo tàn.
+ Vũ Như Tô vì xây Cửu Trùng Đài mà bị nhân dân căm ghét và cuộc nổi loạn của phu phen cùng các phe cánh thống trị phong kiến đã đốt cử trùng đài và giết chết Vũ Như Tô.
+ Lor ca là một tài năng sáng chói của văn học Tây Ban Nha, là một tâm hồn trong trắng, một thi sĩ giàu mộng mơ, yêu tha thiết tự do và cái đẹp, một chiến sĩ kiên cường. Hoảng sợ trước sự ảnh hưởng của ông, chế độ độc tài Phát xít sát hại Lor ca.
* Khác nhau
Vũ Như Tô
– Vũ Như Tô là vở bi kịch của Nguyễn Huy Tưởng viết năm (1941). Nhân vật Vũ Như Tô có tài, khao khát sáng tạo cái đẹp để cống hiến cho nghệ thuật, cho cuộc đời. Tuy vậy, Vũ Như Tô là người nghệ sĩ thiếu nhãn quan chí trị – xã hội sắc bén, ông chỉ biết sống chết cho nghệ thuật, xa rời thực tiễn. Ông tưởng dựa vào thế lực, tiền bạc của bọn vua chúa phong kiến để xây một công trình tuyệt thế cho nhân dân, nhưng ông đâu biết rằng toà lâu đài ấy xây bằng mồ hôi, máu của nhân dân. Bởi vậy, đến lúc chết Vũ Như Tô vẫn không biết mình xây cửu trùng đài là có công hay có tội.
– Nguyễn Huy Tưởng trân trọng tài năng, hoài bão của Vũ Như Tô nhưng không đồng tình với nhân vật của mình. Qua bi kịch của Vũ Như Tô Nguyễn Huy Tưởng cho thấy cái đẹp không tách rời cái chân và cái thiện, tác phẩm nghệ thuật chân chính không chỉ đơn giản là cái đẹp thuần tuý, không chỉ là thứ nghệ thuật cao siêu mà phải dựa trên quyền lợi của cộng đồng, phục vụ nhân dân. Người nghệ sĩ có quyền vươn lên những mộng lớn nhưng phải phù hợp với thực tế đời sống, với đòi hỏi của muôn đời.
– Bi kịch của nhân vật Vũ Như Tô được truyền tải đến người đọc qua những tình huống kịch tính của thể loại bi kịch.
Lor ca
– Lor-ca là một nghệ sĩ du ca lãng tử, một chiến sĩ yêu tự do nhưng cô đơn trong tranh đấu. Người nghệ sĩ, chiến sĩ ấy suốt cả đời mình đã đấu tranh đòi công lí cho nhân dân và những cách tân trong nghệ thuật. Lor ca điển hình cho thân phận người nghệ sĩ tài hoa mà mệnh bạc, phải chết oan khuất dưới tay bọn phát xít tàn bạo. Tuy vậy, Lor-ca là một tâm hồn bất diệt, một nghệ sĩ chân chính. Nhân cách và tài năng nghệ thuật của ông sẽ sống mãi với muôn đời.
– Qua bài thơ, Thanh Thảo bày tỏ tấm lòng tri âm, ngưỡng vọng sâu sắc tới Lor-ca. Nhà thơ cũng gửi tới người đọc một thông điệp đầy tiến bộ: cái đẹp của nhân cách con người, cái đẹp của sự sáng tạo nghệ thuật chân chính sẽ có sức sống bất diệt. Đây cũng là con đường mà Thanh Thảo hằng theo đuổi.
– Bi kịch của Lor ca được truyền tải tới người đọc qua thể thơ tự do mang phong cách tượng trưng, siêu thực giàu cảm xúc, thấm đẫm chất nhạc và tính triết lí sâu sắc.
Kết bài
Qua hình tượng Lor- ca và tiếng đàn ghi ta, tác giả diễn tả cái chết bi tráng đột ngột của người nghệ sĩ đấu tranh cho tự do và cách tân nghệ thuật. Đồng thời, bày tỏ nỗi tiếc thương vô hạn , sự đồng cảm sâu sắc và niềm tin mãnh liệt vào sự bất tử của tên tuổi và sự nghiệp của Lor- ca.
Đề bài 2:
Phân tích vẻ đẹp hình tượng Lorca trong đoạn thơ sau.
những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la-li-la-li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn
(Trích:Đàn ghi ta của Lorca – Thanh Thảo)
Gợi ý làm bài:
1.Mở bài
– Thanh Thảo là cây bút tiên phong trên con đường hiện đại hóa thơ Việt Nam theo hướng tượng trưng siêu thực.
– Thơ ông là tiếng nói của người tri thức nhiều suy tư trăn trở  về các vấn đề xã hội và thời đại.
– Bài thơ Đàn ghi ta của Lorca rút trong tập Khối vuông ru-bích là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho tư duy của Thanh Thảo
–  6 câu thơ đầu đã làm nổi bật vẻ đẹp hình tượng Lorca : yêu tự do,khát vọng cách tân nền ghệ thuật già nua của đất nước Tây Ban Nha.
2.Thân bài.
a.Giới thiệu đôi nét về Lorca.
– Là một trong những tài năng sáng chói của văn học hiện đại Tây Ban Nha.
–  Lorca có một nhân cách cao đẹp.Ông vừa cổ vũ nhân dân đấu tranh đòi quyền sống chính đáng vừa khởi xướng và thúc đẩy mạnh mẽ những cách tân nghệ thuật.
-Lorca trở thành một biểu tượng và là ngọn cờ tập hợp các nhà văn hóa đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít,bảo vệ văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại.
b.Vẻ đẹp hình tượng Lorca qua 6 câu thơ.
* Văn hóa Tây Ban Nha qua 6 câu đầu
– “tiếng đàn bọt nước”
+ Âm thanh tiếng đàn ghi-ta –một nhạc cụ truyền thống của đất nước Tây Ban Nha
+Cuộc đời mong manh ngắn ngủi của người nghệ sĩ Lorca.
-“áo choàng đỏ gắt”.
+ Văn hóa đấu bò tót của đất nước Tây Ban Nha
+ Nền chính trị căng thẳng và bất ổn của đất nước Tây Ban Nha
-“li-la-li-la-li-la”.
+ Giai điệu tiếng đàn
+Vẻ đẹp loài hoa li-la.
*Vẻ đẹp hình tượng Lorca.
Trên nền văn hóa Tây Ban Nha người nghệ sĩ hiện lên với khát vọng cao đẹp:
Đấu tranh chống lại chế độ phát xít độc tài đòi tự do dân chủ.
Đấu tranh với nền nghệ thuật già nua của đất nước Tây Ban Nha khát khao đổi mới để thúc đẩy văn hóa văn học của đất nước
Nhưng trong cuộc đấu tranh đó Lorca đơn độc “đi lang thang về miền đơn độc”, “trên yên ngựa mỏi mòn”
Đoạn thơ làm nổi bật sự đối lập giữa khát vọng tự do của người nghệ sĩ với sự tàn bạo của bọn phát xít,giữa tiếng hát yêu đời và hiện thực phũ phàng đẫm máu.
*Đặc sắc về nghệ thuật.
-Những hình ảnh so sánh,ẩn dụ tượng trương độc đáo gây ấn tượng mạnh với người đọc.
-Thể thơ tự do kết hợp với việc không dùng dấu chấm câu giúp dễ bộc lộ cảm xúc,làm mạch thơ không dứt,tình cảm được trải dài.
3.Kết bài.
-Chỉ 6 câu thơ ngắn gọn,những hình ảnh ẩn dụ kết hợp với âm thanh,màu sắc diễn tả được những nỗi đau,những dự cảm thường xuất hiện trong thơ Lorca,Thanh Thảo đã khái quát được cả một cuộc đời bất hạnh và nhân cách cao đẹp của Lorca
– Lorca là bức chân dung của một thanh niên có lí tưởng mà bị vùi dập dưới bàn tay tàn bạo của bọn phát xít.
 

, , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *