Đề tham khảo theo hướng mới về tác phẩm Tuyên Ngôn Độc Lập

ĐỀ 2.  Nhận xét đoạn mở đầu bản “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh, có ý kiến cho rằng: “Đoạn mở đầu bản “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ Tịch Hồ Chí Minh vừa khéo léo vừa kiên quyết lại hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc”. Bằng cảm nhận của mình về đoạn trích sau, anh/chị hãy làm sáng tỏ điều đó: “Hỡi đồng bào cả nước, Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mĩ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.” (Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012)
Từ đó, anh/chị hãy liên hệ đến bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh để thấy được nét thống nhất và đa dạng trong phong cách nghệ thuật của Người.
Hướng dẫn
1.Yêu cầu chung
– Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài phát triển được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
– Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Đoạn mở đầu Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết rất cao tay: vừa khéo léo vừa kiên quyết lại hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc. Biết liên hệ đến bài thơ Chiều tối để nhận xét về phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh.
– Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm qua việc phân tích để làm sáng tỏ đoạn mở đầu bản Tuyên ngôn và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
Yêu cầu cụ thể
Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn mở đầu bản “Tuyên ngôn độc lập”.
Phân tích làm sáng tỏ đoạn mở đầu bản “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ Tịch Hồ Chí Minh được viết rất cao tay: vừa khéo léo vừa kiên quyết lại hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc.
– Nhiệm vụ của phần mở đầu một bản Tuyên ngôn là nêu nguyên lí làm cơ sở tư tưởng cho toàn bài. Nguyên lí của Tuyên ngôn độc lập là khẳng định quyền tự do độc lập của dân tộc. Nhưng ở đây Bác không nêu trực tiếp nguyên lí ấy mà lại dựa vào hai bản Tuyên ngôn độc lập của Mĩ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1791 để khẳng định “Quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” của tất cả các dân tộc trên thế giới. Đây chính là nghệ thuật “Lấy gậy ông đập lưng ông”.
– Bác đã khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc ta bằng chính những lời lẽ của tổ tiên người Mĩ, người Pháp đã ghi lại trong hai bản Tuyên ngôn từng làm vẻ vang cho truyền thống tư tưởng và văn hóa của những dân tộc ấy. Cách viết như thế là vừa khéo léo vừa kiên quyết:
+ Khéo léo vì tỏ ra rất trân trọng những danh ngôn bất hủ của người Pháp, người Mĩ để “khoá miệng” bọn đế quốc Pháp, Mĩ đang âm mưu xâm lược và can thiệp vào nước ta (sự thật lịch sử đã chứng tỏ điều này).
+ Kiên quyết vì nhắc nhở họ đừng có phản bội tổ tiên mình, đừng có làm dấy bùn lên lá cờ nhân đạo của những cuộc cách mạng vĩ đại của nước Pháp, nước Mĩ, nếu nhất định tiến quân xâm lược Việt Nam.
– Đặt ba cuộc cách mạng ngang hàng nhau, ba nền độc lập ngang hàng nhau, ba bản Tuyên ngôn ngang hàng nhau (và thực sự, cuộc cách mạng tháng Tám 1945 đã giải quyết đúng nhiệm vụ của hai cuộc cách mạng của Mĩ (1776) và của Pháp (1791).
– Ý kiến “Suy rộng ra” là một đóng góp đầy ý nghĩa của Bác đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Nó như phát súng lệnh khởi đầu cho bão táp cách mạng ở các thuộc địa sẽ làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân trên khắp thế giới vào nửa sau TK XX.
– Đoạn trích đã đưa ra căn cứ, lí lẽ xác đáng cho lập luận. Quá trình dẫn dắt tới căn cứ, lập luận chính xác, chặt chẽ . Qua đó có thể thấy tài năng lập luận bậc thầy, sự sâu sắc trong tư tưởng, lí lẽ sắc bén, ngôn ngữ đanh thép hùng hồn tạo nên sức mạnh luận chiến bất ngờ và sức hấp dẫn kì lạ của văn chính luận Hồ Chí Minh.
Liên hệ bài thơ “ Chiều tối” để làm rõ sự thống nhất, đa dạng trong phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh.
– Chiều tối là một trong những bài thơ trích trong Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh. Bài thơ tả bức tranh chiều tối nơi núi rừng lúc chiều muộn:
+ Cảnh thiên nhiên núi rừng đang chuyển vào đêm tối khi ánh sáng ban ngày lụi dần và tắt hẳn. Nhưng khi màn đêm buông xuống thì ánh sáng của con người trở thành trung tâm chi phối cái nhìn và cảm xúc của nhân vật trữ tình: “lô dĩ hồng”.
+ Ngoại cảnh cũng là tâm cảnh. Qua đó, người đọc cảm nhận được tâm hồn cao đẹp của Hồ Chí Minh: Nhạy cảm trước thiên nhiên, cuộc sống; lòng nhân ái đến mức quên mình, tinh thần lạc quan cách mạng luôn hướng về sự sống ánh sáng của một thi sĩ – chiến sĩ.
– Sự thống nhất, đa dạng trong phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh:
+ Thống nhất: Hồ Chí Minh coi văn học là vũ khí chiến đấu lợi hại,phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng.Nhà văn cũng phải ở giữa cuộc đời, góp phần vào nhiệm vụ đấu tranh và phát triển xã hội. Văn chương Hồ Chí Minh đều thống nhất ở lối viết ngắn gọn, hàm súc, đầy thuyết phục.
+ Đa dạng: Thơ Bác tinh tế và nhạy cảm,có sự kết hợp rất tự nhiên giữa màu sắc cổ điển và tinh thần thời đại. Qua mỗi vần thơ người đọc luôn thấy bức chân dung tinh thần tự họa của Hồ Chí Minh. Văn chính luận của Người sắc sảo, lý lẽ đanh thép, bằng chứng thuyết phục và kết hợp nhiều giọng điệu khác nhau.
NHÓM VĂN TRƯỜNG THPT C THANH LIÊM
Nhiệm vụ được phân công: Biên soạn đề trong bài “Tuyên ngôn độc lập”
của Hồ Chí Minh
 
Đề số 1: Có ý kiến cho rằng: Cách mở đầu và cách tố cáo tội ác, bản chất xảo quyệt của thực dân Pháp trong bản “Tuyên ngôn độc lập” đã chứng tỏ tài  viết văn chính luận đạt đến độ mẫu mực của tác giả Hồ Chí Minh.
Bằng hiểu biết về tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập”, anh /chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
Gợi ý
* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm:  
– Hồ Chí Minh là lãnh tụ kính yêu của dân tộc, danh nhân văn hóa.
– Ngày 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về tới Hà Nội. Tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Người soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Người thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam DCCH đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam mới.
* Giải thích ý kiến:
Tài viết văn chính luận đạt đến độ mẫu mực của tác giả Hồ Chí Minh thể hiện qua cách lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, nêu bằng chứng xác thực, sử dụng ngôn từ hùng hồn, đầy cảm xúc trong bản “Tuyên ngôn độc lập”.
* Phân tích cụ thể 
1/ Nêu nguyên lí chung của Tuyên ngôn Độc lập
– Dẫn hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp 1791
– Ý nghĩa:
+ Đề cao, tôn trọng giá trị hiển nhiên của tư tưởng nhân đạo, thành tựu của tư tưởng và văn minh.
+ Lấy lý tưởng, lý lẽ của chính tổ tiên người Pháp. Mỹ nhằm tố cáo và ràng buộc Pháp, Mỹ không được đi ngược lại với giá trị nhân đạo được nhân loại thừa nhận.
+ Đặt ba bản Tuyên ngôn ngang bằng nhau, khẳng định vị thế và quyền bình đẳng các dân tộc trên thế giới.
+ Cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trên thế giới.
– Nghệ thuật:
+ Lập luận chắc chắn, dứt khoát, dẫn chứng thuyết phục, khẳng định nguyên lí độc lập tự do không ai  có thể chối cãi được.
+ Lối viết lấy “Gậy ông đập lưng ông” rất thuyết phục, tạo nên sức chiến đấu mạnh mẽ
→ Bằng lí lẽ sắc sảo, cách dẫn dắt khéo léo, Hồ Chí Minh đã tạo dựng một cơ sở pháp lí mang tính khách quan, vững chắc cho bản Tuyên ngôn Độc lập.
2/ Tố cáo tội ác của thực dân Pháp và thực tế lịch sử nhân dân ta  đã kiên trì đấu tranh và nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
– Tố cáo tội ác của thực dân Pháp: Lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp nước ta, áp bức đồng bào ta.
+ Vạch rõ tội ác tàn bạo và dã man mang tính toàn diện của thực dânPháp hơn 80 năm trên đất nước Việt Nam về cả chính trị và kinh tế.
+  Pháp kể công “bảo hộ” đất nước ta, nhưng thực chất trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật.
+ Vạch rõ nếu thực dân Pháp là kẻ phản bội đồng minh, đầu hàng phát xít Nhật thì dân ta lại dũng cảm đứng về phe đồng minh chống Nhật.
+ Từ thực tiễn chứng cứ lịch sử khẳng định nhân dân ta giành chính quyền từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp:
–  Mục đích:
+ Bác bỏ một cách đầy hiệu lực luận điệu dối trá về  công lao khai hóa và sứ mệnh bảo hộ Đông Dương mà thực dân Pháp đã rêu rao.
+ Làm cho dư luận quốc tế nhận thức rõ ràng về tình tình Việt Nam
+ Ngăn chặn âm mưu tái chiếm nước ta của các thế lực thù địch và các phe phái khác…
→ Cùng với cơ sở pháp lí, cơ sở thực tiễn đã trở thành nền tảng vững chắc cho lời tuyên bố độc lập.
* Đánh giá
– Nghệ thuật: Lập luận chặt chẽ, lí lẽ xác đáng, bằng chứng xác thực không thể chối cãi được, giọng văn  đanh thép, hùng hồn, ngôn ngữ trong sáng, sắc sảo, súc tích, giàu hình ảnh.
– Ý kiến trên đánh giá đúng tài năng viết văn chính luận của tác giả Hồ Chí Minh.Tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập xứng đáng là một áng văn chính luận mẫu mực”.
 
Đề số 2: Để làm nên một áng văn chính luận mẫu mực, một văn kiện lịch sử vô giá,  bên cạnh việc xác lập cơ sở pháp lý cho bản tuyên ngôn, tác giả còn đưa ra những lí lẽ đanh thép cùng bằng chứng thuyết phục để đập tan các luận điệu xảo trá, bịp bợm của thực dân Pháp và khẳng định sức mạnh, vị thế của nhân dân ta.
Em hãy làm sáng tỏ điều đó qua tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Gợi ý
* Mở bài
Giới thiệu: Tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận.
*Thân bài

  1. Khái quát sơ lược về tác phẩm và nội dung vấn đềphân tích:

– Hoàn cảnh ra đời.
– Đối tượng, mục đích.
– Nội dung: Sau khi xác lập cơ sở pháp lý, HCM tiếp tục chỉ ra cơ sở thực tế cho nền độc lập của Việt Nam.

  1. Phân tích, chứng minh làm sáng tỏ vấn đề:

        * Đập tan mọi luận điệu xảo trá, bịp bợm của thực dân Pháp.
Với luận điệu pháp đến VN để khai hóa, Chủ tịch HCM đã bóc trần luận điệu này bằng hai vũ khí rất lợi hại của văn chính luận là lí lẽ và dẫn chứng. Người đã tố cáo tội ác của pháp trên tất cả các phương diện từ chính trị đến kinh tế, từ văn hóa đến giáo dục:
+ Pháp rêu rao “khai hóa tự do” cho Việt Nam nhưng “lập ra nhà tù nhiều hơn trường học”
+ Pháp rêu rao “khai hóa bình đẳng” cho Việt Nam nhưng lại “lập ra ba chế độ khác nhau ở Bắc, Trung, Nam để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết”
+ Pháp rêu rao “khai hóa bác ái” cho Việt Nam nhưng“chúng thi hành những luật pháp dã man”…
Với luận điệu pháp đến VN để bảo hộ, Chủ tịch HCM đã dùng sự thật lịch sử để bác bỏ luận điệu này của chúng:
+ “Năm 1940, Nhật đến Đông Dương, thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật”.
+ Năm 1945, Nhật hất cẳng Pháp “Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng”.
+ Khẳng định “Trong 5 năm Pháp đã bán nước ta hai lần cho Nhật”.
Với luận điệu pháp thuộc phe đồng minh, HCM đã đập tan luận điệu này bằng cách chứng minh chúng đã phản bội phe đồng minh một cách trắng trợn để tiếp tay cho bọn phát xít:
+ Pháp hai lần bán nước ta cho Nhật.
+ Việt Minh kêu gọi Pháp liên minh chống Nhật thì Pháp lại“thẳng tay khủng bố Việt Minh”.
Với luận điệu VN là thuộc địa của Pháp, HCM một lần nữa đã đập tan luận điệu này bằng giọng điệu chắc nịch, hào hùng. Người khẳng định: “ Sự thật là từ mùa thu năm 1940 nước ta đã thành thuộc địa của Nhật chứ không phải là thuộc địa của Pháp nữa” và “ sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ ko phải từ tay Pháp”. Cụm từ :“sự thật là” đặt ở đầu 2 câu văn đã gián tiếp tô đậm, nhấn mạnh bộ mặt giả dối, bịp bợm của chúng.
=> Như vậy, bằng những lý lẽ sắc sảo, bằng những dẫn chứng điển hình, bằng giọng điệu hào hùng và một vài hình ảnh giàu sức gợi, HCM đã đập tan tất cả các luận điệu xảo trá, bịp bợm của TDP để cho thấy chúng không còn bất cứ một tư cách nào trên đất Việt Nam.
         * Khẳng định sức mạnh và vị thế của nhân dân Việt Nam và Mặt trận Việt minh.
-Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta đã thực hiện được ba nhiệm vụ vĩ đại của lịch sử là đánh đổ TDP, làm cho phát xít Nhật phải đầu hàng và vua Bảo Đại thoái vị. Đó là toàn bộ sức mạnh to lớn rất đáng tự hào của người dân Việt Nam.
–  Không chỉ khẳng định sức mạnh, Người còn khẳng định tư cách và vị thế của nhân dân Việt Nam khi chứng minh cách ứng xử vô cùng nhân văn mà người Việt Nam dành cho Pháp. (dẫn chứng).
– Từ những lí lẽ đó Người đi đến khẳng định “Nước Việt Nam có quyền”“Sự thật đã trở thành một nước độc lập”. Đây là lời khẳng định và là lời tuyên bố công khai.
– Bày tỏ quyết tâm “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”, thể hiện quyết tâm, kêu gọi đồng bào cả nước chung sức giữ gìn độc lập, tự do vừa giành được.

  1. Đánh giá chung:

– Chỉ với một dung lượng ngắn gọn, HCM đã từng bước xác lập cơ sở thực tế cho nền độc lập của Việt Nam. Mỗi câu văn của Người đều hàm xúc và chắc nịch, nó hàm chứa trong đó sức mạnh của cả trítuệ, lý trí và tình yêu thương dành cho nhân dân, tổ quốc.
– Lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, sắc bén, bằng chứng xác thực, giàu sức thuyết phục.
– Ngôn ngữ vừa chính xác vừa gợi cảm.
– Giọng văn linh hoạt, hùng hồn.
* Kết bài
– Khẳng định lại ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.
– Nêu bài học liên hệ.
 
 

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *