Đề thi theo ma trận mới của Bộ : Cô lái đò Nguyễn Bính

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm) THEO ĐÚNG MA TRẬN CỦA BỘ

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: (Tự luận)

                                             Cô lái đò

Xuân đã đem mong nhớ trở về
Lòng cô gái ở bến sông kia
Cô hồi tưởng lại ba xuân trước
Trên bến cùng ai đã nặng thề.

Nhưng rồi người khách tình xuân ấy
Đi biệt không về… với bến sông
Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi
Mấy lần cô gái mỏi mòn trông…

Xuân này đến nữa đã ba xuân
Đốm lửa tình duyên tắt nguội dần.
Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi
Cô đành lỗi ước với tình quân.

Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng trong
Cô lái đò kia đi lấy chồng.
Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Để buồn cho những khách sang sông.

(Cô lái đò – Nguyễn Bính, Nguyễn Bính – Thơ và đời,  NXB Văn học, Hà Nội, 1994)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Nhân vật trữ tình trong văn bản trên là ai?

Câu 2. Xác định thể thơ của văn bản trên?

Câu 3. Tìm những từ ngữ diễn tả tâm trạng của cô gái lái đò trong bài thơ?

Câu 4. Chỉ ra dấu ấn của văn hóa dân gian trong bài thơ?

Câu 5. Nêu tác dụng của dấu ban chấm trong khổ thơ sau?

Nhưng rồi người khách tình xuân ấy
Đi biệt không về… với bến sông
Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi
Mấy lần cô gái mỏi mòn trông…

Câu 7. Nhận xét tình cảm của tác giả được thể hiện trong khổ thơ sau?

Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng trong
Cô lái đò kia đi lấy chồng.
Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Để buồn cho những khách sang sông.

Câu 6. Em có đồng tình với việc cô lái đò “bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng trong” không? Vì sao

Câu 8. Anh/Chị viết đoạn văn ngắn (5-7 dòng) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của sự chờ đợi trong cuộc sống?

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Hãy viết một bài văn phân tích, đánh giá về chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Cô lái đò của  (Nguyễn Bính)?

Hướng dẫn trả lời

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm) THEO ĐÚNG MA TRẬN CỦA BỘ

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Nhân vật trữ tình trong văn bản trên là ai?

Nhân vật trữ tình trong bài thơ là tác giả.

Câu 2. Xác định thể thơ của văn bản trên?

Thê thơ: bảy chữ

Câu 3. Tìm những từ ngữ diễn tả tâm trạng của cô gái lái đò trong bài thơ?

Những từ ngữ diễn tả tâm trạng của cô lái đò: mong nhớ, hồi tưởng, mỏi mòn, tắt nguội dần.

Câu 4. Chỉ ra dấu ấn của văn hóa dân gian trong bài thơ?

Những dấu ấn của văn hóa dân gian trong bài thơ.

– Đề tài: Tình yêu nam nữ là đề tài muôn thủa của thi ca

– Mô típ quen thuộc của văn học dân gian: sông – đò

– Giọng thơ: chân chất mang hơi hướng kể chuyện tâm sự

– Không gian, thời gian nghệ thuật mang nét đặc trưng của ca dao dân ca: không gian bến sông, thời gian chờ đợi

Câu 5. Nêu tác dụng của dấu ban chấm trong khổ thơ sau?

Nhưng rồi người khách tình xuân ấy
Đi biệt không về… với bến sông
Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi
Mấy lần cô gái mỏi mòn trông…

– Tạo khoảng lặng để người đọc suy đoán về nguyên nhân người khách tình quân không trở lại.

– Khắc sâu khoảng thời gian chờ đợi và diễn tả tâm trạng mỏi mòn cua cô lái đò.

Câu 7. Nhận xét tình cảm của tác giả được thể hiện trong khổ thơ sau?

Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng trong
Cô lái đò kia đi lấy chồng.
Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Để buồn cho những khách sang sông.

– Tình cảm của tác giả: Ngậm ngùi, tiếc nuối cho một cuộc tình không trọn vẹn cũng là sự nhớ tiếc về một bóng hình đã dời khỏi bến quê sang một bến đỗ khác.

– Nhận xét: tình cảm của tác giả chân thành sâu sắc, cho thấy một tâm hồn đồng điệu với cảnh quê người quê, đặc biệt là sự thấu cảm cho những mối tình lỡ dở.

Câu 6. Em có đồng tình với việc của cô gái lái đò “bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng trong” không? Vì sao?

HS đưa ra quan điểm và có những kiến giải hợp lý. Có thể đi theo hướng sau:

Vừa đồng tình vừa không đồng tình

– Đồng tình vì: Tình yêu có sâu đậm nhưng cũng không thể chờ đợi trong vô vọng và cũng không thể đắm chìm trong tình yêu cô lẻ ấy trọn đời mà không hướng đến tương lai.

– Không đồng tình vì: Trong tình yêu cần có sự chung thủy. Nếu như chờ đợi không kết quả cũng không được buông bỏ mà cần nuôi dưỡng cảm xúc để hướng đến một tình yêu đích thực chứ không nên neo đời mình vào một bến “đục” để rồi khổ một đời người.

Câu 8. Anh/Chị viết đoạn văn ngắn (5-7 dòng) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của sự chờ đợi?

HS trình bày suy nghĩ của bản thân, có thể đi theo hướng sau:

– Sự chờ đợi cho thấy lòng thủy chung, đức hy sinh

– Sự chờ đợi thể hiện niềm tin, hy vọng vào cuộc sống.

– Sự chờ đợi còn có thể giúp cho bản thân có đủ trải nghiệm để tiến tới thành công.

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Hãy viết một bài văn phân tích, đánh giá về chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Cô lái đò của  (Nguyễn Bính).

Dàn ý

Mở bài

– Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ tiêu biểu cho phong trào thơ Mới. Ông gây ấn tượng với độc giả từ hồn thơ lãng mạn, luôn hướng về làng quê Việt Nam và những bài thơ mang đậm đà sắc thái dân dã, mộc mạc.

– Bài thơ “Cô lái đò”  của Nguyễn Bính được in trong tập Lỡ bước sang ngang xuất bản năm 1940, là tác phẩm nghệ thuật đầy chất lãng mạn và bi thương, tác phẩm là câu chuyện buồn, là lời hẹn ước không thành bởi sự xa cách và chờ đợi mỏi mòn.

Thân bài: Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ:

* Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình:

– Đề tài, chủ đề: Bài thơ viết về tình yêu gắn liền với câu chuyện lỡ bước sang ngang. Đây là một đề tài quen thuộc trong thơ Nguyễn Bính.

– Mạch cảm xúc: Nhà thơ kể câu chuyện tình buồn của cô gái lái đò bên bến sông quê. Nỗi niềm và những cung bậc cảm xúc của cô gái như hòa cùng với tình yêu của tác giả với bến quê và người quê để rồi nồi buồn nỗi day dứt về duyên phận cứ giăng mắc khắp cả bài thơ.

– Hình ảnh thơ quen thuộc mà độc đáo: Đó là hình ảnh bến đợi người xưa – một hình ảnh dường như đã trở thành nỗi ám ảnh trong thơ ca. Nhưng khi đi vào trong thơ Nguyễn Bính vẫn mang một nét riêng – đó vừa biểu không gian làng quê thân thuộc vừa là biểu tượng cho không gian tình yêu không gian chờ đợi mang đầy tính bi kịch.

* Phân tích đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ.

– Sự phát triển của hình tượng chính

+ Hình tượng nghệ thuật chính của bài thơ là cô lái đò, một cô gái thôn quê làm nghề lái đò. Đời sống vật chất và tư tưởng tình cảm của cô gắn liền với bến sông quê. Nhưng rồi đến một ngày kia cô cũng rời bỏ nơi quen thuộc ấy đến một bến bờ xa lạ. Mượn mô típ bến – đò quen thuộc trong ca dao, nhà thổi vào hình tượng nhân vật trữ tình một câu chuyện tình buồn làm day dứt người đọc

+ Diễn biến tâm trạng của cô lái đò và tình cảm của tác giả

++, Sự hồi tưởng về cuộc tình trên bến sông quê.

Bài thơ “Cô lái đò” là tâm trạng của nhân vật trữ tình trước sự chờ đợi mòn mỏi và nỗi niềm chua xót vì lời thề nguyền đã phai nhòa theo năm tháng.

“Xuân đã đem mong nhớ trở về

Lòng cô gái ở bến sông kia 

Cô hồi tưởng lại ba xuân trước,

Trên bến cùng ai đã nặng thề.”

Bài thơ mở đầu với hình ảnh mùa xuân, là mùa đẹp nhất trong năm mang đến một không khí ấm áp, tươi vui, hy vọng. Nhưng ở tác phẩm, mùa xuân tươi đẹp ấy lại mang đến nỗi nhớ, sự buồn bã da diết

Khoảng thời gian ba xuân nhấn mạnh sự dài lâu, sự trường tồn và quyết tâm trong tình yêu của cô gái, nhưng sự chờ đợi và chua xót đã phai dần theo thời gian. Lời thề nguyền trên bến sông đã khiến cảm xúc cô lái đò dâng trào, xót xa.

Bốn câu thơ với tông màu lãng mạn, buồn bã, tập trung và sự hồi tưởng tha thiết, đã làm cho độc giả chìm trong không khí tràn đầy nỗi nhớ nhung và sự lẻ loi của cô lái đò trước những hoài niệm.

++, Sự chờ đợi trong mỏi mòn vô vọng

“Nhưng rồi người khách tình, xuân ấy,

Đi biệt không về với bến sông.

Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi,

Mấy lần cô gái mỏi mòn trông.”

Hình ảnh người khách tình đến và đi trong mùa xuân ấy càng tiếp nối và phát triển sự mất mát của cô lái đò. Người khách tình ấy ra đi không lường trước và cũng không trở về nơi đã ước hẹn đã khiến cô gái chơi vơi lạc lõng trước tình yêu này.

Thế nhưng, “đã mấy lần xuân trôi chảy mãi” cô gái vẫn mỏi mòn trông đã làm nổi bật lên sự kiên trì và lòng trung thành của nàng trước những khó khăn, thách thức.

Khổ thơ là bức tranh của sự chia ly, thời gian tiếp tục trôi, mỗi xuân đến cô gái lại cảm nhận được sự cô đơn, lạc lõng trong tình yêu, nhưng thời gian trôi cũng đã làm nổi bật sự kiên trì, thủy chung của cô lái đò.

++, Đốm lửa tình duyên tắt nguội dần

“Xuân này đến nữa đã ba xuân,

Đốm lửa tình duyên tắt nguội dần.

Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi,

Cô đành lỗi ước với tình quân.”

Có lẽ tình yêu sẽ không thể trọn vẹn và viên mãn nếu chỉ có một người chờ đợi suốt một quãng thời gian dài mà không nhận được hồi đáp. Hình ảnh đốm lửa tắt nguội dần cũng chính là cảm xúc trong lòng nàng đã vơi dần theo thời gian và có lẽ đã phải đến hồi kết.

Đồng thời, hình ảnh “đốm lửa tình duyên” cũng chính là sự biểu đạt mạnh mẽ, quyết liệt chấm dứt mối tình dang dở, lẻ loi này. “Chẳng lẽ ôm lòng mong chờ đợi mãi” như câu nói cô tự hỏi chính mình, mối tình này có đáng để mình chở đợi mãi như vậy, một sự chờ đợi vô vọng, mỏi mòn trong tình yêu.

Thi nhân đã sử dụng nghệ thuật ước lệ tượng trưng, hành động “lối ước” tượng trưng cho sự chấm dứt một lời thề nguyện, mỗi ước nguyện có lẽ mãi mãi không bao giờ thực hiện được. Cô lái đò đành chấm dứt mối tình với người khách tình đã rời đi mãi.

++, Lồi hẹn và bước sang ngang

                   “Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng trong,

Cô lái đò kia đi lấy chồng.

Vắng bóng cô em từ dạo ấy,

Để buồn cho những khách sang sông…”

Hành động dứt khoát “Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng trong” cho thấy cô gái đã quyết định dừng lại mối tình dang dở ấy, rời bỏ quá khứ cô đơn, lẻ loi. Không thể nói cô gái là người bộc bạc, không thủy chung vì sự chờ đợi của cô đã quá dài và cô độc, một mối tình mà chỉ có cô là người chờ đợi và nhung nhớ. Cô đành đi lấy chồng, bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời mình, ở cùng người trân trọng và thủy chung với mình.

Sự dời bến của cô để lại niềm tiếc nuối khôn nguôi cho bao khách sang sông.

Khổ thơ như mở ra một khung cảnh, một cuộc sống mới cho cô lái đò, sự chờ đợi mãi khiến cô gái đau đớn, lạc lõng rồi cũng phải kết thúc, cô phải tự mình chấm dứt và viết tiếp câu truyện cho cuộc đời mình.

– Tính độc đáo của các phương diện ngôn từ:

+ Qua các hỉnh ảnh mùa xuân, bến sông và đò, ngôn ngữ mềm mại, trữ tình, đầy cảm xúc, và nghệ thuật ước lệ tượng trưng đã khắc họa nên một bối cảnh lãng mạn, bi thương. Cả bài thơ là sự nhớ nhung, chờ đợi mòn mỏi của cô gái nhưng đành phải tự mình chấm dứt và mở ra một cuộc sống mới hạnh phúc, viên mãn cho cuộc tình dang dở này.

* Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại

+ Khác với những thi nhân khác cùng thời đại đều chọn cho mình phong cách thơ sáng tác tự do, phóng khoáng, Nguyễn Bính lại cho mình một hướng đi khác. Ông luôn đào sâu, khai thác và phát huy một cách xuất sắc nhất những truyền thống, văn hóa dân gian và một tâm hồn nhạy cảm trước thời đại đầy biến động. Thơ ông mang đậm chất quê, giản dị mà đậm hồn dân tộc, ẩn sâu ấy là cái tình, cái lãng mạn thiết tha. Bài thơ “Cô lái đò” được giăng mắc bởi một không gian văn hóa mang đậm hồn dân tộc.

+ Cũng như nhiều bài thơ khác của Nguyễn Bính, bài thơ Cô lái đò mang đậm nhạc tính. Hồn thơ mộc mạc, giản dị hòa quyện với giọng điệu quê và lối nói quê, bài thơ như tiếng đàn bầu du dương, da diết. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc vì đồng điệu trước những thanh âm của bài thơ nên đã phổ thành một bài nhạc với ca từ man mác buồn, mang lại âm hưởng dân gian Bắc bộ đã gây dấu ấn trong lòng khán thính giả yêu âm nhạc Việt Nam.

Kết luận:

Bài thơ “Cô lái đò” của Nguyễn Bính là một tác phẩm nghệ thuật đầy sâu sắc và bi thương, điều ấy được thể hiện qua kết cấu thơ chặt chẽ và hình ảnh tươi sáng mà đầy ý nghĩa. Thơ của Nguyễn Bính mang đậm chất quê hương, mộc mạc và giản dị, thổi hồn lãng mạn vào lòng người đọc.

Bài viết tham khảo

Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ tiêu biểu cho phong trào thơ Mới. Ông gây ấn tượng với độc giả từ hồn thơ lãng mạn, luôn hướng về làng quê Việt Nam và những bài thơ mang đậm đà sắc thái dân dã, mộc mạc.  Bài thơ “Cô lái đò”  của Nguyễn Bính được in trong tập Lỡ bước sang ngang xuất bản năm 1940, là tác phẩm nghệ thuật đầy chất lãng mạn và bi thương, tác phẩm là câu chuyện buồn, là lời hẹn ước không thành bởi sự xa cách và chờ đợi mỏi mòn.

Bài thơ viết về tình yêu gắn liền với câu chuyện lỡ bước sang ngang. Đây là một đề tài quen thuộc trong thơ Nguyễn Bính. Cùng với “Giấc mơ anh lái đò”, “Lỡ bước sang ngang”,…, bài thơ “Cô lái đò” đã dẫn lối  người đọc vào thế giới nghệ thuật thơ lãng mạn với những trạng thái: tình yêu và cách trở, duyên phận và dang dở, chờ đợi và lỗi hẹn,

Nhà thơ kể câu chuyện tình buồn của cô gái lái đò bên bến sông quê. Nỗi niềm và những cung bậc cảm xúc của cô gái như hòa cùng với tình yêu của tác giả với bến quê và người quê để rồi nồi buồn nỗi day dứt về duyên phận cứ giăng mắc khắp cả bài thơ.

Hình ảnh thơ quen thuộc mà độc đáo. Đó là hình ảnh bến đợi người xưa – một hình ảnh dường như đã trở thành nỗi ám ảnh trong thơ ca. Nhưng khi đi vào trong thơ Nguyễn Bính vẫn mang một nét riêng – đó vừa biểu không gian làng quê thân thuộc vừa là biểu tượng cho không gian tình yêu không gian chờ đợi mang đầy tính bi kịch.

Hình tượng nghệ thuật chính của bài thơ là cô lái đò, một cô gái thôn quê làm nghề lái đò. Đời sống vật chất và tư tưởng tình cảm của cô gắn liền với bến sông quê. Nhưng rồi đến một ngày kia cô cũng rời bỏ nơi quen thuộc ấy đến một bến bờ xa lạ. Mượn mô típ bến – đò quen thuộc trong ca dao, nhà thổi vào hình tượng nhân vật trữ tình một câu chuyện tình buồn làm day dứt người đọc

Bài thơ “Cô lái đò” là tâm trạng của nhân vật trữ tình trước sự chờ đợi mòn mỏi và nỗi niềm chua xót vì lời thề nguyền đã phai nhòa theo năm tháng.

“Xuân đã đem mong nhớ trở về

Lòng cô gái ở bến sông kia 

Cô hồi tưởng lại ba xuân trước,

Trên bến cùng ai đã nặng thề.”

Bài thơ mở đầu với hình ảnh mùa xuân, là mùa đẹp nhất trong năm mang đến một không khí ấm áp, tươi vui, hy vọng. Nhưng ở tác phẩm, mùa xuân tươi đẹp ấy lại mang đến nỗi nhớ, sự buồn bã da diết. Ngay từ câu đầu tiên đã khiến độc giả có thể hình dung được khung cảnh hoài niệm, sự lẻ loi của nhân vật trữ tình trước cảnh sắc xuân sang. “Bến sông kia” là nơi chứa đựng những kỷ niệm sâu sắc của cô gái. “Lòng cô gái” lẻ loi chờ đợi, nhớ về những cảm xúc, ký ức và chứng kiến sự trôi qua của thời gian. ba xuân trước chính là thời gian ký ức ấy, cô lái đò hồi tưởng lại những hẹn ước, lời thề nguyền cùng người mình yêu trên bến sông ba xuân trước. Khoảng thời gian ba xuân nhấn mạnh sự dài lâu, sự trường tồn và quyết tâm trong tình yêu của cô gái, nhưng sự chờ đợi và chua xót đã phai dần theo thời gian. Lời thề nguyền trên bến sông đã khiến cảm xúc cô lái đò dâng trào, xót xa. Bốn câu thơ với tông màu lãng mạn, buồn bã, tập trung và sự hồi tưởng tha thiết, đã làm cho độc giả chìm trong không khí tràn đầy nỗi nhớ nhung và sự lẻ loi của cô lái đò trước những hoài niệm.

 “Nhưng rồi người khách tình, xuân ấy,

Đi biệt không về với bến sông.

Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi,

Mấy lần cô gái mỏi mòn trông.”

Hình ảnh người khách tình đến và đi trong mùa xuân ấy càng tiếp nối và phát triển sự mất mát của cô lái đò. Người khách tình ấy ra đi không lường trước và cũng không trở về nơi đã ước hẹn đã khiến cô gái chơi vơi lạc lõng trước tình yêu này. Thế nhưng, “đã mấy lần xuân trôi chảy mãi” cô gái vẫn mỏi mòn trông đã làm nổi bật lên sự kiên trì và lòng trung thành của nàng trước những khó khăn, thách thức. Đồng thời ấy cũng là đức tính đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam khi đối diện với những khó khăn, trở ngại nhưng vẫn luôn tin tưởng, chờ đợi, trung thành với tình yêu của mình. Khổ thơ là bức tranh của sự chia ly, thời gian tiếp tục trôi, mỗi xuân đến cô gái lại cảm nhận được sự cô đơn, lạc lõng trong tình yêu, nhưng thời gian trôi cũng đã làm nổi bật sự kiên trì, thủy chung của cô lái đò.

“Xuân này đến nữa đã ba xuân,

Đốm lửa tình duyên tắt nguội dần.

Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi,

Cô đành lỗi ước với tình quân.”

Có lẽ tình yêu sẽ không thể trọn vẹn và viên mãn nếu chỉ có một người chờ đợi suốt một quãng thời gian dài mà không nhận được hồi đáp. Hình ảnh đốm lửa tắt nguội dần cũng chính là cảm xúc trong lòng nàng đã vơi dần theo thời gian và có lẽ đã phải đến hồi kết. Đồng thời, hình ảnh đốm lửa tình duyên cũng chính là sự biểu đạt mạnh mẽ, quyết liệt chấm dứt mối tình dang dở, lẻ loi này. “Chẳng lẽ ôm lòng mong chờ đợi mãi” như câu nói cô tự hỏi chính mình, mối tình này có đáng để mình chở đợi mãi như vậy, một sự chờ đợi vô vọng, mỏi mòn trong tình yêu. Thi nhân đã sử dụng nghệ thuật ước lệ tượng trưng, hành động “lối ước” tượng trưng cho sự chấm dứt một lời thề nguyện, mỗi ước nguyện có lẽ mãi mãi không bao giờ thực hiện được. Cô lái đò đành chấm dứt mối tình với người khách tình đã rời đi mãi.

Khổ thơ như mở ra một khung cảnh, một cuộc sống mới cho cô lái đò, sự chờ đợi mãi khiến cô gái đau đớn, lạc lõng rồi cũng phải kết thúc, cô phải tự mình chấm dứt và viết tiếp câu truyện cho cuộc đời mình.

“Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng trong,

Cô lái đò kia đi lấy chồng.

Vắng bóng cô em từ dạo ấy,

Để buồn cho những khách sang sông…”

Hành động dứt khoát “Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng trong” cho thấy cô gái đã quyết định dừng lại mối tình dang dở ấy, rời bỏ quá khứ cô đơn, lẻ loi. Không thể nói cô gái là người bộc bạc, không thủy chung vì sự chờ đợi của cô đã quá dài và cô độc, một mối tình mà chỉ có cô là người chờ đợi và nhung nhớ. Cô đành đi lấy chồng, bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời mình, ở cùng người trân trọng và thủy chung với mình. Nhưng điều tiếc nuối của tác giả là cô gái đã “bỏ dòng trong”. Phải chăng nơi cô đến là “bến đục”. Cả bài thơ không hề nhắc đến ngoại hình của cô lái đò nhưng ở 2 câu thơ cuối ta có thể hình dung được cô là người có nhan sắc khiến những người khách sang sông phải buồn và nhớ nhung khi vắng bóng cô em. Cả khổ thơ mang đến một cảm giác buồn man mác khi cô lái đò từ bỏ mọi thứ để đi lấy chồng, khi trên dòng sông ấy, bến đò ấy thiếu vắng hình bóng của cô, nhưng với ngôn ngữ tươi sáng, tích cực đã khiến cho khổ thơ bừng sáng, tràn đầy hy vọng và luôn đổi mới, tạo nên một kết thúc sâu sắc, mới mẻ.

Qua các hỉnh ảnh mùa xuân, bến sông và đò, ngôn ngữ mềm mại, trữ tình, đầy cảm xúc, và nghệ thuật ước lệ tượng trưng đã khắc họa nên một bối cảnh lãng mạn, bi thương. Cả bài thơ là sự nhớ nhung, chờ đợi mòn mỏi của cô gái nhưng đành phải tự mình chấm dứt và mở ra một cuộc sống mới hạnh phúc, viên mãn cho cuộc tình dang dở này.

Khác với những thi nhân khác cùng thời đại đều chọn cho mình phong cách thơ sáng tác tự do, phóng khoáng, Nguyễn Bính lại cho mình một hướng đi khác. Ông luôn đào sâu, khai thác và phát huy một cách xuất sắc nhất những truyền thống, văn hóa dân gian và một tâm hồn nhạy cảm trước thời đại đầy biến động. Thơ ông mang đậm chất quê, giản dị mà đậm hồn dân tộc, ẩn sâu ấy là cái tình, cái lãng mạn thiết tha. Bài thơ “Cô lái đò” được giăng mắc bởi một không gian văn hóa mang đậm hồn dân tộc.  Cũng như nhiều bài thơ khác của Nguyễn Bính, bài thơ Cô lái đò mang đậm nhạc tính. Hồn thơ mộc mạc, giản dị hòa quyện với giọng điệu quê và lối nói quê, bài thơ như tiếng đàn bầu du dương, da diết. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc vì đồng điệu trước những thanh âm của bài thơ nên đã phổ thành một bài nhạc với ca từ man mác buồn, mang lại âm hưởng dân gian Bắc bộ đã gây dấu ấn trong lòng khán thính giả yêu âm nhạc Việt Nam.

Tầng sâu nhất của thơ Nguyễn Bính không chỉ là hồn dân tộc, mà còn là “giọng nói của toàn nhân loại thức dậy” qua giọng nói của một con người, một cá nhân. Nói cách khác, thơ Nguyễn Bính “dường như nói bằng hàng nghìn giọng, mê đắm và thuyết phục, nó nâng cái mô tả từ chỗ ngắn ngủi một lần và tạm thời lên chỗ tồn tại muôn đời”. Bài thơ “Cô lái đò” của Nguyễn Bính là một tác phẩm nghệ thuật đầy sâu sắc và bi thương, điều ấy được thể hiện qua kết cấu thơ chặt chẽ và hình ảnh tươi sáng mà đầy ý nghĩa. Bài thơ mang đậm chất quê hương, mộc mạc và giản dị, thổi hồn lãng mạn vào lòng người đọc.

 

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *