Đề thi theo hướng mới : Cảm nhận hai đoạn thơ Tây Tiến Quang Dũng

 
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO           KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA
             QUẢNG NGÃI                                                                          NĂM 2019
TRƯỜNG THPT CHUYÊN                                               Bài thi: NGỮ VĂN
              LÊ KHIẾT                             Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề      

ĐỀ THAM KHẢO

                                                    (Đề thi có 02 trang)
 
ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản dưới đây:
Trong một buổi diễn thuyết đầu năm học, Brian Dison – Tổng giám đốc tập đoàn Coca Cola đã nói chuyện với sinh viên về mối tương quan giữa nghề nghiệp với những trách nhiệm khác của con người. Trong bài diễn thuyết có đoạn:
“Bạn chớ đặt mục tiêu của bạn vào những gì mà người khác cho là quan trọng. Chỉ có bạn mới biết rõ điều gì tốt nhất cho chính mình.
Bạn chớ nên thờ ơ với những gì gần gũi với trái tim bạn. Bạn hãy nắm chắc lấy như thể chúng là những phần trong cuộc sống của bạn. Bởi vì nếu không có chúng,  cuộc sống của bạn phần nào sẽ mất đi ý nghĩa.
Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình.
Bạn chớ bỏ cuộc khi bạn vẫn còn điều gì đó để cho đi. Không có gì là hoàn toàn bế tắc, mà nó chỉ thật sự trở nên bế tắc khi ta thôi không cố gắng nữa.
Bạn chớ ngại nhận rằng mình chưa hoàn thiện. Đó chính là sợi chỉ mỏng manh ràng buộc mỗi người chúng ta lại với nhau.
Bạn chớ ngại mạo hiểm. Nhờ mạo hiểm với những vận hội của đời mình mà bạn biết cách sống dũng cảm…”.
        (Theo Quà tặng cuộc sống – Sống trọn vẹn từng ngàykienthuccuocsong.edu.vn)                                                                              
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1: Chỉ ra tác hại của lối sống “thờ ơ với những gì gần gũi với trái tim bạn” được nêu trong đoạn trích.
Câu 2: Theo anh/chị, “điều gì tốt nhất cho chính mình” được nói đến trong câu: “Chỉ có bạn mới biết rõ điều gì tốt nhất cho chính mình” là gì?
Câu 3: Việc tác giả nêu lên mối tương quan giữa nghề nghiệp với những trách nhiệm khác của con người có tác dụng gì?
Câu 4: Brian Dison nói: Bạn chớ ngại mạo hiểm. Nhờ mạo hiểm với những vận hội của đời mình mà bạn biết cách sống dũng cảm…”, anh/chị có đồng tình với điều đó không? Vì sao?

  1. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)
Viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến của Brian Dison trong phần đọc hiểu:“Không có gì là hoàn toàn bế tắc, mà nó chỉ thật sự trở nên bế tắc khi ta thôi không cố gắng nữa”.
Câu 2 (5,0 điểm)
Trong bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng có viết:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
(…)
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
(Quang Dũng – Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012, tr. 88-89)
Cảm nhận về hai đoạn thơ, từ đó đối sánh để chỉ ra sự biến đổi về cảm xúc và bút pháp miêu tả của tác giả.
————————HẾT————————                                                                                          (Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm)
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO          KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ TTHÔNG QUỐC GIA
             QUẢNG NGÃI                                                                          NĂM 2019
TRƯỜNG THPT CHUYÊN                                              Bài thi: NGỮ VĂN
              LÊ KHIẾT                      

ĐỀ THAM KHẢO

                                           
HƯỚNG DẪN CHẤM                         
(Hướng dẫn chấm có 04 trang)                                           

Phần Câu/ Ý Nội dung Điểm
I.
ĐỌC HIỂU
1 – Tác hại của lối sống thờ ơ với những gì gần gũi với trái tim bạn được nêu trong đoạn trích: “nếu không có chúng, cuộc sống của bạn phần nào sẽ mất đi ý nghĩa” 0.5
2 – “ điều gì tốt nhất cho chính mình” được nói đến trong đoạn trích là: sự tự nhận thức về khả năng, trình độ của bản thân mỗi người để có thể thích ứng với thực tế nghề nghiệp theo đuổi. 0.5
3  – Việc tác giả nêu lên mối tương quan giữa nghề nghiệp với những trách nhiệm khác của con người nhằm:
+ Giúp sinh viên biết cách định hướng nghề nghiệp gắn với những trách nhiệm khác của con người.
+ Truyền thông điệp tới độc giả: Hãy rèn luyện thêm nhiều hơn nữa những kĩ năng sống thiết yếu để hoàn thiện mình và sống trọn vẹn cuộc sống.
1.0
4 – Bày tỏ thái độ: đồng tình hay không đồng tình
– Nếu lập luận theo hướng khẳng định, cần nhấn mạnh: Mạo hiểm giúp con người có thêm bản lĩnh trước cuộc sống, chiến thắng ngay chính bản thân mình; nhờ mạo hiểm con người có thể bộc lộ chính năng lực, bản ngã cá nhân của mình để làm được những điều lớn lao, giúp con người có chính kiến, quyết đoán và không ỷ lại…
– Nếu lập luận theo hướng phủ định ý kiến, cần nhấn mạnh: Cuộc sống muôn hình vạn trạng, luôn chấp chứa cả những rủi ro, thất bại, sự mạo hiểm đôi khi không mang lại cho con người thành công, thắng lợi như mong muốn. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bản thân và xã hội.
– Nếu lập luận theo hướng vừa khẳng định vừa phủ định ý kiến thì cần kết hợp cả 2 nội dung trên.
1.0
II.
LÀM VĂN
1 Trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến của Brian Dison trong phần đọc hiểu :“Không có gì là hoàn toàn bế tắc, mà nó chỉ thật sự trở nên bế tắc khi ta thôi không cố gắng nữa”. 2.0
Yêu cầu về hình thức:
– Viết đúng 1 đoạn văn, khoảng 200 từ.
– Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu…
 
Yêu cầu về nội dung:
Học sinh có thể trình bày nội dung đoạn văn theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý sau:
– Giải thích ngắn gọn nội dung ý kiến: Không có khó khăn nào là không tìm ra cách giải quyết nhưng sẽ không thể tìm ra cách giải quyết những khó khăn đó nếu ta không hết sức cố gắng vì nó.
– Bàn luận, chứng minh:
+ Khi đứng trước những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, chúng ta thường nghĩ đó là sự bế tắc, đường cùng. Nhưng thực ra, đó chỉ là rào cản tạm thời để thử thách ý chí, nghị lực con người.
+ Mỗi người đừng tự đẩy mình vào bế tắc, phải luôn cố gắng, nỗ lực không ngừng để vượt qua khó khăn.
+ Ý chí, nghị lực, sự tự tin, bản lĩnh, dũng cảm…sẽ giúp chúng ta chiến thắng mọi khó khăn, thách thức trong cuộc sống.
+ Đề cao những người luôn biết cố gắng vượt qua khó khăn và phê phán những người chưa cố gắng đã vội nản lòng, bỏ cuộc.
– Rút ra bài học nhận thức và hành động.
 
 
0.5
 
 
 
 
1.0
 
 
 
 
 
 
 
 
 
0.5
  2 Cảm nhận về hai đoạn thơ, từ đó đối sánh để chỉ ra sự biến đổi về cảm xúc và bút pháp miêu tả của tác giả. 5.0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. 0,25
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận về hai đoạn thơ; đối sánh để chỉ ra sự biến đổi về cảm xúc và bút pháp miêu tả của tác giả. 0,25
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng.  
    1. Cảm nhận về hai đoạn thơ:
* Đoạn 1:
– Ba câu thơ đầu:
+ Địa bàn diễn ra cuộc hành quân là núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, dữ đội, hiểm trở với nhiều dốc cao vực thẳm như thử thách ý chí can trường của những người lính..
+ Gợi hình ảnh đoàn quân Tây Tiến hiện lên giữa trùng trùng gian khó vẫn nhìn cảnh vật với cái nhìn hồn nhiên, tinh nghịch (súng ngửi trời).
+ Nghệ thuật: dùng từ láy tượng hình (khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút), phối thanh nhiều trắc, thủ pháp đối lập, biện pháp nhân hóa, hình ảnh ấn tượng, câu thơ giàu chất tạo hình…
– Câu thơ thứ tư:
+ Mở ra một không gian xa, rộng mênh mang dưới tầm mắt của người lính đang ở trên cao nhìn xuống.
+ Cho thấy tâm hồn mềm mại, giàu trí tưởng tượng của những người lính…
+ Nghệ thuật: câu thơ toàn thanh bằng, gợi cảm giác nhẹ nhàng như tiếng thở phào của người lính sau chặng hành quân vất vả.
* Đoạn 2:
– Bức tranh sông nước Châu Mộc chiều sương thấp thoáng dáng người, dáng hoa rất thi vị, tươi đẹp – “thi trung hữu họa”.
– Khắc họa vẻ đẹp tâm hồn người lính Tây Tiến: nhạy cảm, mơ mộng, lãng mạn, bay bổng…
– Nghệ thuật: âm điệu thơ trầm bổng; bút pháp chấm phá tinh tế; biện pháp điệp ngữ, nhân hóa ấn tượng; từ ngữ gợi hình, gợi cảm…
=> Bằng ngòi bút vừa hiện thực vừa lãng mạn, qua hai khổ thơ, Quang Dũng vừa khắc họa được vẻ đẹp hùng vĩ nên thơ của thiên nhiên núi rừng miền Tây Bắc vừa làm toát lên vẻ đẹp tâm hồn người lính Tây Tiến: trong gian khổ và thử thách, trong gian truân và chết chóc, họ vẫn lạc quan, yêu đời, hồn nhiên, mơ mộng.
3,0
    2. Đối sánh hai đoạn thơ, chỉ ra sự biến đổi về cảm xúc và bút pháp miêu tả:
– Về cảm xúc:
+ Đoạn 1: hướng đến vẻ dữ dội, hoang sơ, khắc nghiệt của thiên nhiên miền Tây Bắc gắn với người lính Tây Tiến trong cuộc hành quân.
+ Đoạn 2: hướng vào vẻ đẹp nên thơ, trữ tình của Tây Bắc trong một chiều sương ở Châu Mộc.
– Về bút pháp:
+ Đoạn 1: tác giả dùng bút pháp thiên về tả thực với những nét mạnh, đậm, giàu tính tạo hình.
+ Đoạn 2: tác giả dùng bút pháp lại thiên về gợi tả cái hồn của cảnh thiên nhiên.
1,0
    d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. 0,25
    e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu 0,25

 
 
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *