Đề thi ngữ văn 11: truyện ngắn Nghèo của Nam Cao

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 1 LỚP 11

Môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài 90 phút (Không kể thời gian phát đề) 

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (6,0 ĐIỂM)

Đọc văn bản:

(Lược một đoạn: Gia đình anh chị Chuột vô cùng nghèo đói, anh Chuột lại bệnh nặng, phải vay tiền của bà Huyện để mua gạo, mua thuốc. Chị Chuột phải nấu cám và bảo là chè để dỗ hai con ăn cho đỡ đói, dành cơm trắng cho anh Chuột đang đau ốm.)

Thằng cu chừng đói quá không chịu được, lại há mồm ra. Mẹ nó đút cho nó một xêu nhỏ nữa. Nó nhắm mắt, duỗi cổ, cố nuốt cho trôi. Nhưng cũng như lần trước, nó lại ọe ra, và khóc òa lên. Chị đĩ(1) Chuột lấy tay áo lau nước mắt không cầm nổi đã trào ra hai má hõm xanh bủng như người ngã nước. Cái Gái lấy ngón tay “di” một cục chè rồi bỗng nói to lên:
– À! Con biết rồi! Không phải chè, cám mà! Cám nấu mà bu bảo chè!

 Nhưng mẹ nó lại đưa mắt lườm nó, lấy ngón tay chỉ ra phía nhà ngoài nói khẽ, nhưng hơi gắt:
– Khe khẽ cái mồm một tí! Réo mãi lên, thằng bố mày nó nghe thấy thì nó chết. Nó đã ốm nằm đấy, thuốc không có, mà còn bực mình thì nó chết.
Rồi hai mẹ con lại lẳng lặng ăn, cố nuốt những bát cám đặc khè cho đỡ đói. Thằng cu nhất định không ăn, ngồi khóc tỉ ti đòi cơm. Chị đĩ Chuột đành dỗ nó:
–  Thôi nín ngay, bu ăn xong bu xin thầy một miếng cho mà ăn.
Chị bế con rón rén bước vào chỗ chồng nằm. Thằng bé vẫn sụt sịt. Anh đĩ Chuột giở mình, hơi nghiêng mặt quay ra. Một làn ánh sáng mờ lướt qua làm cái mặt hốc hác và màu da đã xanh lại xanh thêm. Mái tóc dài quá xòa xuống tai và cổ, hai con mắt ngơ ngác và lờ đờ, những chiếc răng dài và thưa ở cái mồm hé ra để cho dễ thở khiến anh có cái vẻ đáng sợ của con ma đói. Thấy vợ con, anh nhếch miệng cố gượng một cái cười méo xệch và vừa thở phều phào vừa hỏi bằng một thứ tiếng yếu ớt như từ thế giới bên kia đưa lại:
–  Nó làm sao thế?
– Nó vòi đấy chứ có làm sao? Cơm gạo đỏ không chịu ăn, đòi ăn cơm trắng của thầy cơ.
– Thì lấy cho nó ăn, tôi ăn làm sao hết?
Chị đĩ Chuột lấy liễn cơm chực moi cho con một ít, nhưng anh bảo:
– Mang cả ra cho nó ăn, tôi không ăn nữa đâu. Còn bao nhiêu vét cho cái gái với bu em ăn hết đi, để nó thiu ra đấy.
Chị đĩ Chuột cười, bảo chồng:
– Thằng cu nó dở người, chứ mẹ con tôi ăn cơm đỏ đã no rồi, còn ăn vào đâu được nữa?
Anh biết vợ nói dối, chực nói, nhưng lại thôi, buồn rầu buông một tiếng thở dài. Vợ lo ngại hỏi:
– Bây giờ người thế nào, để tôi kể với ông lang, lấy thuốc?
– Tiền đâu mà thuốc thang mãi?
– Tôi vừa bán con chó mực với hai buồng chuối non được bốn hào.

Chồng nhìn vợ, ngẫm nghĩ một chút rồi bảo:
– Đừng lấy thuốc nữa, tôi sắp khỏe rồi, chỉ ăn cho nó khỏe lên chắc bệnh phải hết. Bu em đong cho tôi cả bốn hào gạo đỏ, đừng đong gạo trắng ăn nhạt lắm.
(
….)
Anh đĩ Chuột bảo:
– Cho cả nó đi, kẻo nó khóc. Bảo cái Gái về tôi bảo.
Người cha khốn nạn nhìn đứa con chòng chọc, thở dài. Một giọt lệ từ từ lăn xuống chiếu.

– Thầy bảo gì con ạ?
– Lúc nãy mẹ con mày ăn cám phải không?

Gái gượng cười cãi:
– Ăn chè đấy chứ.

Bố nó chép miệng:

– Khốn nạn! Chè đâu mà ăn, cơm còn không có nữa là chè! Rõ mày thì khổ từ trong bụng mẹ…

Cái Gái cúi đầu không nói. Anh đĩ Chuột thở dài:
– Con đi lấy cho thầy cái ghế buộc giậu, với sợi thừng ở gác bếp để thầy mắc lại cái võng, thế này cao quá.

Cái Gái lấy ghế và thừng vào. Anh bảo:

– Để đấy cho thầy rồi ra vườn làm cỏ đi.

(Lược đoạn cuối: Khi cái Gái ra vườn, anh Chuột đã lựa chọn cái chết để vơi bớt gánh nặng cho gia đình và giải thoát cho chính mình).

(Truyện ngắn “Nghèo”Tuyển tập Nam Cao  tập 1– NXB Văn học 2002 )

Chú thích: (1) Từ “đĩ” trước đây  không mang nghĩa tiêu cực như ngày nay mà là từ ở nông thôn thường dùng. Cách đặt tên người cũng nôm na, bình dị.

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định đề tài của tác phẩm.

Câu 2. Tác phẩm phản ánh bối cảnh xã hội nào ở nước ta?

Câu 3. Anh/chị hãy nêu một câu văn miêu tả tâm trạng của nhân vật anh Chuột.

Câu 4. Anh/chị hãy nêu chủ đề của truyện ngắn trên.

Câu 5. Nhận xét về vai trò của yếu tố miêu tả và biểu cảm trong những câu văn sau: “Nó nhắm mắt, duỗi cổ, cố nuốt cho trôi. Nhưng cũng như lần trước, nó lại ọe ra, và khóc òa lên. Chị đĩ Chuột lấy tay áo lau nước mắt không cầm nổi đã trào ra hai má hõm xanh bủng như người ngã nước.”

Câu 6. Câu nói của anh Chuột  “Đừng lấy thuốc nữa, tôi sắp khỏe rồi, chỉ ăn cho nó khỏe lên chắc bệnh phải hết. Bu em đong cho tôi cả bốn hào gạo…” có ẩn ý gì? Qua đó thể hiện phẩm chất gì của anh?

Câu 7. Chi tiết nào khiến anh/chị xúc động nhất? Vì sao?

Câu 8. Anh/chị hãy kể tên ba tác phẩm cùng đề tài với văn bản trên mà anh/chị biết.

 

PHẦN II. LÀM VĂN ( 4,0 ĐIỂM)

Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá hình tượng nhân vật anh Chuột trong truyện ngắn trên.

 

ĐÁP ÁN, THANG ĐIỂM VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   Đọc hiểu 6,0
  1 Đề tài của văn bản: Đề tài người nông dân 0.5
2 Tác phẩm phản ánh bối cảnh xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám ( Hoặc: Xã hội thực dân nửa phong kiến; xã hội thực dân phong kiến)

Hướng dẫn chấm:

– Nêu như đáp án: 0.5đ

– Học sinh nêu: Xã hội cũ- 0.25đ

– Nêu không chính xác: 0.0đ

0.5
3 Nêu một câu văn miêu tả tâm trạng của nhân vật anh Chuột

Hs lựa chọn một câu miêu tả tâm trạng của nhân vật trong văn bản

Hướng dẫn chấm:

– Nêu chính xác 1 câu văn: 0.5đ

– Học sinh nêu hơn 1 câu văn: 0.25đ

– Nêu không chính xác: 0.0đ

0.5

 

4 Chủ đề của truyện:

Phản ánh tình cảnh bi đát của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. (0.5đ)

– Nhà văn thể hiện niềm xót thương trước số phận đau khổ của người nông dân, qua đó gián tiếp lên án xã hội thực dân phong kiến. (0.5đ)

Hướng dẫn chấm:

Học sinh có thể diễn đạt khác đi nhưng đảm bảo các ý và hợp lí vẫn chấp nhận

1.0
5 Nhận xét về vai trò của yếu tố miêu tả và biểu cảm

Yếu tố miêu tả và biểu cảm trong các câu văn là:(0.5đ)

+ Miêu tả:nhắm mắt, duỗi cổ, cố nuốt”; “hai má hõm xanh bủng như người ngã nước”(0.25)

+ Biểu cảm: “khóc òa lên”; “nước mắt không cầm nổi đã trào ra hai má”(0.25)

Nhận xét vai trò: (0.5đ) Làm cho tình cảnh và tâm trạng của nhân vật thêm sinh động, chân thực; góp phần làm câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn

Hướng dẫn chấm:

Học sinh có thể diễn đạt khác đi nhưng đảm bảo các ý và hợp lí vẫn chấp nhận

1.0

 

 

6 – Ẩn ý trong câu nói của anh Chuột (0.75đ): Anh chuẩn bị cho cái chết của mình và muốn vợ thay vì mua thuốc thì đong gạo để vợ con anh không bị đói.

Phẩm chất (0.25đ): Yêu thương vợ con, chấp nhận cái chết để vợ con vơi bớt gánh nặng.

Hướng dẫn chấm:

Học sinh có thể diễn đạt khác đi nhưng đảm bảo các ý và hợp lí vẫn chấp nhận.

1.0

 

 

 

 

 

7 Chi tiết xúc động nhất:

– Lựa chọn chi tiết (0.5đ)

– Lí giải thuyết phục. (0.5đ)

1.0

 

  8 Kể tên ba tác phẩm cùng đề tài : Hs kể tên ba tác phẩm (Ví dụ: Lão Hạc – Nam Cao, Chí Phèo – Nam Cao, Tắt đèn – Ngô Tất Tố)

Hướng dẫn chấm:

– Kể tên chính xác 3 tác phẩm cùng đề tài:0.5đ

– Học sinh nêu chính xác tên 3 tác phẩm cùng đề tài nhưng không nêu tên tác giả; nêu 3 tác phẩm cùng đề tài nhưng khác thời kì: 0.5đ

– Học sinh nêu chính xác 1-2 tác phẩm: 0,25điểm.

0.5
II

 

 

  VIẾT 4.0
1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề

0.25
2. Xác định đúng yêu cầu của đề.

Phân tích, đánh giá hình tượng nhân vật anh Chuột trong truyện ngắn trên.

0.25
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS có thể trình bày bài viết theo nhiều cách trên cơ sở đảm bảo những yêu cầu sau:

2.5
a. Anh Chuột là người có số phận khốn khổ (0.75đ)

– Cái nghèo đeo bám lấy gia đình anh chị Chuột. Anh lại ốm nặng rất cần tiền mua thuốc.

– Vợ anh phải vay tiền bà Huyện để thuốc thang chạy chữa cho chồng và mua gạo cho cả gia đình trong cơn đói kém.

– Cái đói và bệnh tật làm anh tiều tụy cái mặt hốc hác và màu da đã xanh lại xanh thêm; hai con mắt ngơ ngác và lờ đờ…Nhà văn đã miêu tả nhân vật bằng những chi tiết chân thực, đầy ám ảnh, xót xa. Những so sánh, liên tưởng về con ma đóimột thứ tiếng yếu ớt như từ thế giới bên kia đưa lại vừa là cách miêu tả chân thực vừa mang hàm ý dự cảm về tình cảnh bi đát của anh.

– Chứng kiến nỗi khổ của vợ con, tình cảnh cùng quẫn của gia đình, anh đau đớn, tuyệt vọng để rồi đưa ra một lựa chọn về cái chết đầy bi kịch.

b. Anh Chuột là người thương yêu vợ con (0.75đ)

– Nhìn thấy vợ con anh gượng cười, dù là nụ cười méo xệch.

– Vợ con giấu nhưng anh biết cả nhà không có cơm ăn, phải ăn cám. Anh xót xa mà bất lực. Lời anh nói: “Đừng lấy thuốc nữa, tôi sắp khỏe rồi, chỉ ăn cho nó khỏe lên chắc bệnh phải hết. Bu em đong cho tôi cả bốn hào gạo đỏ, đừng đong gạo trắng ăn nhạt lắm” vừa để yên lòng vợ con vừa là cách nói ẩn ý để anh đi đến quyết định cho mình. Chi tiết anh “nhìn đứa con chòng chọc, thở dài. Một giọt lệ từ từ lăn xuống chiếu” chất chứa những đau xót, bất lực của người cha.

– Cuối cùng, anh đã lựa chọn cái chết. Đó là cách duy nhất anh có thể làm để vơi đi gánh nặng cho vợ con, là cách thể hiện tình yêu gia đình trong tuyệt vọng của anh.

c. Đánh giá về tư tưởng tác giả gửi gắm qua nhân vật anh Chuột (0.5đ)

– Qua nhân vật anh Chuột nhà văn đã thể hiện bi kịch của người nông dân khi bị đẩy đến tận cùng của sự nghèo đói.

– Nhà văn xót thương số phận của  những người nghèo khổ.

– Ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân: yêu thương gia đình, vị tha.

-> Góp phần thể hiện giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm.

d. Nghệ thuật xây dựng nhân vật (0.5đ)

– Nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật qua ngôn ngữ, hành động, và diễn biến tâm trạng. Đặc biệt nhà văn đã miêu tả rất chân thực những đau đớn và giằng xé trong nội tâm nhân vật.

– Hình tượng nhân vật anh Chuột được nổi bật qua tình huống truyện éo le: Người chồng, người cha rơi vào bước đường cùng khi vừa bệnh tật vừa chứng kiến sự đói  khát của những người thân yêu.

– Ngôn ngữ nhân vật bình dị, mộc mạc, phản ánh cuộc sống ở nông thôn và cách nói quen thuộc của người nông dân.

4. Chính tả, từ ngữ, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0.5
5. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0.5

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *