Đề thi HSG Trại hè Hùng Vương 16 (năm 2022) – Ngữ văn 11 – THPT Chuyên Lào Cai

KỲ THI OLYMPIC HÙNG VƯƠNG

NĂM HỌC 2021 –  2022

Môn: Ngữ văn 11

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (8,0 điểm)

“Mở quá nhiều tab sẽ làm hao pin” – một phép ẩn dụ cho cuộc sống của gen Z hiện đại: họ đang chạy xung quanh với quá nhiều “tab” mở trong đầu. Thế hệ Z phải liên tục chuyển đổi giữa các màn hình: mạng xã hội, học tập, công việc, giải trí… Và cùng lúc đó, hàng ngàn những mối lo khác cũng đang vây quanh tâm trí họ.

(Dẫn theo https://special.vietnamplus.vn/2022/02/08/genz-the-he-lo-au)

Từ những hiểu biết và trải nghiệm của bản thân, em hãy viết bài văn nghị luận với chủ đề:Gen Z- Thế hệ lo âu- Trưởng thành từ những áp lực.

* Chú thích: Tab: Các giao diện/ ứng dụng/màn hình trên web hoặc điện thoại thông minh, mỗi một giao diện. ứng dụng, màn hình được mở ra là mộttab.

Câu 2 (12,0 điểm)

Bàn về phong cách văn học, Antoine Compagnon từng nhận xét:

“Phong cách vừa hướng về một cái tất yếu đồng thời hướng về một sự tự do

(Antoine Compagnon, Bản mệnh của lí thuyết – Văn chương và cảm nghĩ thông thường, Lê Hồng Sâm và Đặng Anh Đào dịch, NXB ĐHSP, Hà Nội, 2006, tr.244)

Bằng trải nghiệm văn học của mình, em hãy bình luận quan niệm trên.

 

————————Hết————————-

 


HƯỚNG DẪN CHẤM

Yêu cầu chung:

  1. Thí sinh có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng phải đảm bảo nội dung chính, chấp nhận bài viết có những ý ngoài đáp án nhưng phải có căn cứ xác đáng, lí lẽ thuyết phục, trân trọng bài làm của học sinh, khuyến khích những bài văn sáng tạo, có cách kiến giải riêng hợp lí, thuyết phục.
  2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đã nêu ở mỗi câu đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc, không cho điểm cao với những bài viết chỉ nêu chung chung, sáo rỗng.
  3. Giám khảo cần trừ điểm đối với những lỗi chính tả, ngữ pháp, hành văn… trong bài viết.
  4. Căn cứ vào hướng dẫn chấm, giám khảo có thể chia điểm lẻ trong mỗi câu chi tiết đến 0,25 điểm. Bài thi không làm tròn điểm.

Yêu cầu cụ thể:

Câu 1 (8,0 điểm)

Về kĩ năng:

Biết làm văn nghị luận xã hội; bài viết có bố cục rõ ràng; lập luận chặt chẽ; diễn đạt mạch lạc, lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; chữ viết rõ ràng, sạch đẹp.

Về kiến thức:

– Thí sinh có thể trình bày những quan điểm riêng, nhưng cần có lí lẽ và căn cứ xác đáng, thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.

– Học sinh có thể trình bày và diễn đạt theo những cách khác nhau song cần đảm bảo ý cơ bản sau:

Ý Nội dung chính cần đạt Điểm
1 Giới thiệu vấn đề nghị luận rõ ràng, chính xác, hấp dẫn 0.25
2 Giải thích vấn đề 2.0
  Gen Z (Generation Z): thế hệ Z, chỉ nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1996 đến 2012, lớn lên trong thời kỳ công nghệ, Internet bùng nổ, sớm tiếp cận các thiết bị kĩ thuật số và điện tử từ nhỏ.

– Thế hệ lo âu: Thế hệ Z được sinh ra trong thời kỳ phát triển  công nghệ số với nhiều thuận lợi nhưng kèm theo là những vấn đề phát sinh của thời đại mới, chạy xung quanh mở quá nhiều tab như mạng xã hội, học tập, công việc, giải trí… theo đó, hàng ngàn những mối lo âu đang phủ vây tâm trí họ; Trưởng thành từ những áp lực: Thế hệ người trẻ lo âu đã, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn trong cuộc sống trong quá trình trưởng thành.

0.5

 

 

0.5

 

– Vấn đề đặt ra: Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực từ phía truyền thông và công nghệ đang trở thành gánh nặng cho sự trưởng thành, dẫn đến tình trạng tâm lý lo âu, căng thẳng của thế hệ gen Z. Thế hệ Z cần được chuẩn bị những điều gì để có thể trưởng thành? 1.0
3 Bình luận, lý giải, chứng minh 4,0
  * Tại sao nói gen Z là thế hệ lo âu?

-Gen Z là thế hệ đầu tiên hoàn toàn lớn lên với Internet và điện thoại thông minhvới tất cả tính ưu việt và mặt trái của nó. Chính vì vậy, thế hệ Z có nhiều cơ hội để trưởng thành, nhưng cũng trở thành đối tượng dễ bị tổn thương, trở nên đơn độc, mặt khác phải gồng gánh trên vai những trách nhiệm lớn lao của thế hệ mình.

-Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lo âu, căng thẳng của thế hệ Z: áp lực thành công từ thế hệ đi trước, sự kỳ vọng của gia đình, bội thực thông tin từ mạng xã hội và bạn bè xung quanh, áp lực từ việc học tập, tình cảm, lựa chọn nghề nghiệp, công việc, những biến cố trong cuộc sống…

 

 

1,5

* Cần làm gì để giúp thế hệ gen Z sẵn sàng trưởng thành từ những áp lực?

-Đối với gia đình, nhà trường, xã hội: Lắng nghe thấu cảm, sẻ chia một cách chân thành, mang đến sự động viên, hỗ trợ và ủng hộ thay vì phán xét, đồng hành cùng người trẻ…

-Với bản thân thế hệ Z:

+ Nhận thức đúng về giá trị của bản thân, xác định tâm thế trưởng thành cùng áp lực, nâng cao sức chịu đựng bền bỉ, sẵn sàng đón nhận thử thách, học cách chữa lành và kiến tạo nguồn năng lượng tích cực…

+ Giảm bớt số lượng tab mở trong đầu tránh làm hao pin năng lượng thanh xuân của chính mình, tăng thời gian trải nghiệm thực tiễn, đọc sách và hòa nhập với cuộc sống xung quanh…

(Học sinh dùng dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu, đắt giá để chứng minh)

2,5

 

 

4 Bàn luận, mở rộng vấn đề 1.0
  – Gen Z là một thế hệ đầy triển vọng với tinh thần cầu tiến và luôn luôn làm mới mình để bắt kịp với xu thế xã hội. Họ khao khát được thể hiện khả năng của mình, muốn được công nhận nhưng không nên đặt ra cho mình những mục tiêu có phần “quá sức” nhằm đạt được thành tựu hào nhoáng; coi trọng kĩ thuật số nhưng không biến bản thân thành nô lệ của công nghệ…

– Thẳng thắn nhìn nhận đúng năng lực của mình, tin tưởng vào bản thân nhưng không quá ảo tưởng; phê phán những bạn trẻ coi nhẹ giá trị của sự trải nghiệm thực tiễn, yếu đuối, sống bi quan tiêu cực…

5 Bài học nhận thức và hành động

HS rút ra những bài học nhận thức và hành động đúng đắn, sâu sắc, nhân văn, phù hợp với những chuẩn mực đạo đức xã hội.

0.5
6 Khái quát vấn đề: Đúng, lắng đọng, có chiều sâu 0.25

 

Câu 2 (12,0 điểm)

  1. Về kĩ năng:

-Thí sinh phải huy động kiến thức về lí luận văn học, tác phẩm văn học, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bình luận, cảm thụ văn chương của mình để làm bài.

– Bài viết có văn phong sáng rõ, bố cục rõ ràng, lập luận và dẫn chứng thuyết phục; diễn đạt lưu loát, biết vận dụng kết hợp các thao tác lập luận hiệu quả.

– Thể hiện tốt năng khiếu viết văn, có sáng tạo trong cách nghĩ, cách viết.

  1. Về kiến thức:

– Bài viết có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo những ý sau:

Ý Nội dung chính cần đạt Điểm
1 Giới thiệu vấn đề nghị luận rõ ràng, chính xác, hấp dẫn 0.5
2  Giải thích 2.0
  “Phong cách” là những đặc trưng riêng có của mỗi người; ở đây được hiểu là phong cách văn học nói chugn và phong cách nhà văn nói riêng – những nét đặc sắc, độc đáo có tính hệ thống, tương đối ổn định trong sáng tác của nhà văn, bộc lộ tài năng của người nghệ sĩ trong việc phát hiện và thể hiện cuộc sống, đem đến cho người đọc cái nhìn mới mẻ về thế giới và con người, thông qua những phương thức, phương tiện nghệ thuật in đậm dấu ấn cá nhân của chủ thể sáng tạo.

tất yếu – nhất thiết phải có, cố định, có tính quy luật; tự do – không giới hạn, không có sự ràng buộc, quy chuẩn, khuôn mẫu.

1.5
->Câu nói của Antoine Compagnon nhấn mạnh đến mối quan hệ biện chứng giữa sự thống nhất, ổn định và biến đổi, phát triển của phong cách, đó là sự thống nhất trong sự đa dạng của sáng tác. Đây được xem là một trong những đặc trưng cơ bản của phong cách văn học. 0.5

 

3 Bình luận 4.0
  * Câu nói của Antoine Compagnon rất đúng đắn và sâu sắc về đặc trưng cơ bản của phong cách nghệ thuật nhà văn.  
* Lý giải:

+ Vì sao phong cách hướng về một cái tất yếu?

– Văn học nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo đòi hỏi người nghệ sĩ phải có phong cách cá nhân, tức là có nét riêng, đặc sắc, mới lạ thể hiện trong sáng tác của mình; nét riêng, độc đáo, đặc sắc ấy thuộc về cả nội dung và nghệ thuật trong các tác phẩm của một nhà văn nhưng phải xuất hiện thường xuyên, có tính chất bền vững, nhất quán, giúp cho tác giả tạo được cho mình một “chân dung tinh thần” riêng.

– Tính tất yếu, thống nhất và ổn định thể hiện trong cái nhìn, cách cảm nhận, trong hệ thống hình tượng, trong các phương tiện biểu hiện nghệ thuật…

 

 

 

1.5

+ Vì sao phong cách hướng về một sựtự do?

– Phong cách đòi hỏi sự bổ sung, vận động, phát triển, không ngừng đổi mới.

– Người nghệ sĩ phải thường xuyên khám phá, phát hiện và thể hiện cuộc sống phong phú, phức tạp và đầy biến động. Phong cách nghệ thuật của nhà văn, cũng vì vậy mà không thể đơn điệu, bất biến mà cần phải bổ sung những nét mới, giá trị mới và tự làm mới mình trong từng thời kì, qua mỗi tác phẩm. Đó là sự tự do trong sáng tạo làm nên nét mới riêng có của người nghệ sĩ.

1.5
+ Mối quan hệ biện chứng giữa sự thống nhất, ổn định với tính chất đa dạng, phong phú “tự do” của phong cách văn học

– Nhà văn có phong cách không được lặp lại người và cũng không được lặp lại chính mình. Phong cách cá nhân của nhà vănmột mặt vẫn giữ được sự bền vững của cái cốt lõi, mặt khác lại được bổ sung những nét mới, thể hiện sự nhạy bén, nắm bắt kịp thời tinh thần của thời đại mới.

– Sự thống nhất biện chứng này vừa thể hiện sự sâu sắc, phong phú của phong cách, vừa là động lực cho sự phát triển của phong cách văn học, làm cho bức tranh văn học nghệ thuật thêm đa dạng, rộng mở…

1.0
4 Chứng minh   4.0
  Học sinh tự chọn tác phẩm độc đáo, tiêu biểu, phù hợp, phân tích, làm nổi bật đặc trưng cơ bản thuộc về phong cách cá nhân của nhà văn trong hành trình sáng tạo nghệ thuật:

– Nét riêng, vẻ độc đáo, đặc sắc có tính thống nhất, ổn định trong sự đa dạng xuyên suốt hệ thống, chỉnh thể sáng tác của nhà văn.

– Yếu tố then chốt, cốt lõi: những nét đặc sắc, độc đáo có tính nhất quán, bền vững nhưng vẫn luôn có sự bổ sung, đổi mới, sáng tạo vừa làm nên diện mạo mới mẻ vừa khẳng định tầm vóc lớn của một nhà văn.

 

 

5 Đánh giá, mở rộng, nâng cao vấn đề 1.0
– Nhận định của Antoine Compagnon đã nhấn mạnh tới đặc trưng của phong cách nghệ thuật trong sáng tác văn chương: thống nhất trong sự đa dạng của sáng tác

– Yêu cầu đặt ra đối với người sáng tạo và người tiếp nhận:

+ Người sáng tạo: mài sắc tư tưởng, bản lĩnh và tâm huyết; trau dồi tài năng, cá tính sáng tạo, vốn sống và sự trải nghiệm sâu sắc để sáng tạo những tác phẩm văn chương độc đáo có thể mang được ánh sáng riêng đặc sắc đến với độc giả; khẳng định được phong cách nghệ thuật nhà văn.

+ Người tiếp nhận: Nâng tầm của chính bản thân để có khả năng thấy được cái “tạng” riêng của người nghệ sĩ và thấu hiểu những thông điệp cuộc sống mà tác giả gửi gắm…

 

 

6 Khái quát vấn đề đúng, lắng đọng, có chiều sâu 0.5

 

 

———–HẾT———-

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *