Đề thi HSG Trại hè Hùng Vương 16 (năm 2022) – Ngữ văn 11 – THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ – Hòa Bình

ĐỀ THI CHỌN HSG TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG

 MÔN NGỮ VĂN KHỐI 11

NĂM 2022

Thời gian làm bài: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)

Câu 1(8 điểm):

Câu 1. (8 điểm)

          Trong cuốn: Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng, tác giả Lu Mannup khẳng định:

Một trong những lời xui dại man rợ nhất lịch sử nhân loại có lẽ là “Hãy cứ là chính mình”.Bạn cứ làm chính mình làm gì trong khi bản thân đang là một thứ không đủ giỏi, lười biếng, vô trách nhiệm, thất bại và yếu kém?”

          Hãy bày tỏ quan điểm của em về ý kiến trên.

Câu 2(12 điểm):

Nhà văn Ma Văn Kháng từng khẳng định rằng:

Văn chương là chuyện đời thông qua việc đào bới bản thể mình ở chiều sâu tâm hồn, chứ đâu phải là đi hớt lấy cái váng bọt nổi trên mặt của ngoại vật.

Em hãy bình luận ý kiến trên và làm sáng tỏ qua một số tác phẩm (giai đoạn 1930-1945) trong chương trình ngữ văn 11.

 

………………………………………HẾT……………………………

 

 

 

HƯỚNG DẪN CHÁM

Câu Nội dung chính cần đạt Điểm
1 Trong cuốn: Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng, tác giả Lu Mannup khẳng định:

Một trong những lời xui dại man rợ nhất lịch sử nhân loại có lẽ là “Hãy cứ là chính mình”.Bạn cứ làm chính mình làm gì trong khi bản thân đang là một thứ không đủ giỏi, lười biếng, vô trách nhiệm, thất bại và yếu kém?”

          Hãy bày tỏ quan điểm của em về ý kiến trên.

8,0
I/ Mở bài : Giới thiệu vấn đề, trích dẫn nhận định 0,5
II/ Thân bài

a.Giải thích

Lời xui dại man rợ : lời khuyên không đúng đắn, mang đến nhiều tác hại, hậu quả.

Hãy cứ là chính mình”.Bạn cứ làm chính mình làm gì trong khi bản thân đang là một thứ không đủ giỏi, lười biếng, vô trách nhiệm, thất bại và yếu kém? Sống là chính mình trong khi bản thân còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, yếu kém.

=> Lời khẳng định của tác giả Lu Mannup có thể xem là một lời phản biện cho lời khuyên xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống đặc biệt là dành cho những người trẻ. Tác giả khẳng định, không nên, không thể cứ sống là chính mình trong khi bản thân còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, yếu kém như thứ không đủ giỏi, lười biếng, vô trách nhiệm, thất bại và yếu kém

`

 

1,5

b. Bình

Học sinh có thể đưa ra quan điểm của mình theo các hướng khác nhau  như đồng tình, không đồng tình, chỉ đồng tình một phần nhưng cần có lập luận thuyết phục cho quan điểm của mình.

–        chính mình là nhu cầu chính đáng của mỗi cá nhân và lời khuyên này không phải lúc nào cũng là một lời xui dại man rợ  vì khi là chính mình con người sẽ không biến thành một bản sao của người khác, sẽ dám sống, dám theo đuổi những ước mơ, khát vọng của bản thân…

–        Tuy nhiên, Bạn cứ làm chính mình làm gì trong khi bản thân đang là một thứ không đủ giỏi, lười biếng, vô trách nhiệm, thất bại và yếu kém lại là điều nguy hiểm với con người đặc biệt là giới trẻ bởi:

+ Quá trình sống của con người là một quá trình hoàn thiện không ngừng để thay đổi những điểm yếu của bản thân và phát huy những điểm mạnh, nếu cứ dùng suy nghĩ cứ là chính mình trong khi bản thân còn nhiều hạn chế, yếu kém con người sẽ không thể tiến bộ, phát triển mà ngược lại sẽ trở nên bảo thủ, trì trệ, yếu kém.

+ Trong thực tế cuộc sống có rất nhiều người đặc biệt là các bạn trẻ dùng suy nghĩ hãy là chính mình để bao biện cho sự yếu kém, ì trệ, ngại thay đổi của bản thân.

c/ Luận              

Học sinh cần bàn luận về việc cần ứng xử như thế nào với nhu cầu hãy là chính mình rồi rút ra bài học cho bản thân.

Cần khẳng định được là chính mình là một nhu cầu chính đáng, cần có ở mỗi người, chúng ta cần được sống với đúng cảm xúc, suy nghĩ, ước mơ khát vọng của người khác nhưng sống là chính mình không đồng nghĩa với sống bảo thủ, trì trệ, bao biện cho những điểm yếu kém của bản thân. Con người luôn cần vận động, thay đổi để hoàn thiện chính bản thân mình và để thích nghi với sự thay đổi của cuộc sống.

2,0
  III/ Kết bài: Khẳng định tầm quan trọng của vấn đề

*Cách cho điểm:

Điểm 8: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, luận giải sắc sảo, tri thức phong phú.

Điểm 6-7: Đáp ứng tương đối tốt yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, mắc vài lỗi về chính tả, diễn đạt

Điểm 4-5: Đáp ứng được khoảng một nửa số ý cơ bản, ít mắc lỗi về chính tả, diễn đạt.

Điểm 1-2-3: Chưa hiểu rõ vấn đề, bài viết sơ sài, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.

Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.

0,5
 

 

2

Nhà văn Ma Văn Kháng từng khẳng định rằng:

Văn chương là chuyện đời thông qua việc đào bới bản thể mình ở chiều sâu tâm hồn, chứ đâu phải là đi hớt lấy cái váng bọt nổi trên mặt của ngoại vật.

Em hãy bình luận ý kiến trên và làm sáng tỏ qua một số tác phẩm trong chương trình ngữ văn 11.

 

12,0
Thí sinh có quyền triển khai bài làm của mình theo những hướng và các cách khác nhau. Tuy nhiên, bài làm cần đạt được một số yêu cầu cơ bản sau:
I/ Mở bài :

Dẫn dắt để giới thiệu được ý kiến của nhà văn Ma Văn Kháng.

0,5
II/ Thân bài :

1/ Giải thích

– Giải thích:

+ Văn học: là loại hình nghệ thuật phản ánh thế giới thông qua các hình tượng nghệ thuật và chất liệu ngôn từ nhằm thể hiện tình cảm, cảm xúc, tư tưởng của nhà văn

+ Văn học là chuyện đời: mục đích và nội dung chính của văn học không gì khác là những vấn đề của cuộc đời, của hiện thực cuộc sống.

+ thông qua việc đào bới bản thể mình ở chiều sâu tâm hồn: nhà văn cần tìm kiếm được nét riêng của cá nhân mình trong cảm xúc, trong cách nhìn, trong tư tưởng ở độ sâu nhất.

+ chứ đâu phải là đi hớt lấy cái váng bọt nổi trên mặt của ngoại vật: viết văn không đơn thuần chỉ là phản ánh những gì nhìn thấy trên bề mặt của cuộc sống.

=> Ý kiến của nhà văn Ma Văn Kháng vừa nêu ra đặc trưng của văn học vừa là yêu cầu với bất cứ nhà văn nào. Khi sáng tạo ra các tác phẩm nhà văn nào cũng cần hướng đến phản ánh những vấn đề nóng bỏng, nhức nhối của hiện thực cuộc sống nhưng đó không thể là sự phản ánh hời hợt hay dập khuôn mà nhà văn cần đào sâu vào cảm xúc, suy nghĩ của mình để hiện thực cuộc đời in đậm dấu ấn bản thể của nhà văn về cảm xúc, tư tưởng, cách nhìn, cách phản ánh…

1,5
2/ Bình

+ Văn học luôn luôn phải là chuyện đời vì cuộc đời là nơi bắt đầu và cũng là nơi đi đến của văn học. Rời xa cuộc đời văn chương chỉ còn là thứ viển vông, mộng mị.

+ Tuy nhiên hiện thực cuộc đời không thể phản ánh vào văn học theo cách sao chép hay hời hợt, nông cạn, không thể hớt cái váng bọt nổi trên mặt của ngoại vật bởi nếu như vậy hiện thực sẽ trở nên khô cứng, nhàm chán qua sáng tác của các tác giả (nhất là các tác giả cùng một thời đại) và cũng không có khả năng tác động đến nhận thức, tình cảm, cảm xúc của người đọc.

+Nhà văn viết về chuyện đời nhưng thông qua việc việc đào bới bản thể mình ở chiều sâu tâm hồn  vì văn học vốn là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan chứ không phải là sự sao chép hiện thực. Chỉ khi đào bới bản thể mình nhà văn mới có thể chạm đến bề sâu, bề xa, bề sau của cuộc đời cũng như con người, cất lên được những tiếng nói riêng, cách nhìn riêng, thể hiện được quan điểm tư tưởng riêng của mình. Và cũng chỉ bằng cách đó, những gì nhà văn viết ra mới có  khả năng làm rung động, thức tỉnh, lay động ý thức, tình cảm của bạn đọc

Học sinh cần lựa chọn được một số tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc trong văn học Việt Nam giai đoạn 30-45 để làm sáng tỏ cho nhận định. Khi phân tích tác phẩm cần làm rõ chuyện đời mà nhà văn phản ánh trong tác phẩm là chuyện gì, chuyện đời ấy được mang dấu ấn bản thể nào của nhà văn về cảm xúc, tư tưởng, cách nhìn, cách phản ánh và từ đó có tác động như thế nào đến bạn đọc.

 

6,5

 

3/ Luận:

– Ý kiến của Ma Văn Kháng là ý kiến đúng đắn, sâu sắc bởi nó đã nói lên đặc trưng của văn học và những yêu cầu quan trọng với mỗi nhà văn. Tuy nhiên việc đào bới bản thể mình ở chiều sâu tâm hồn không đồng nghĩa với việc tuyệt đối hóa cái tôi cá nhân của tác giả, “đào bới” là để tìm ra những điều độc đáo, riêng biệt chứ không phải những điều kì quái, siêu hình.

– Ý kiến này đã mang đến những bài học quý giá cho cả người cầm bút và người đọc. Để thành công trên con đường sáng tác, các tác giả phải quan sát, phản ánh hiện thực để tác phẩm của mình mang “hơi thở” thời đại nhưng hiện thực đó cần được khúc xạ qua “lăng kính riêng” đó là bản thể ở chiều sâu tâm hồn của tác giả . Còn người đọc khi tiếp nhận các tác phẩm riêng cần nhận ra và trân trọng cái “bản thể riêng ở chiều sâu tâm hồn” của mỗi tác giả, thông qua “chuyện đời” mà nhà văn phản ánh để hiểu đời, hiểu mình và sống tốt đẹp hơn.

 

3,0
III/ Kết bài:

* Cách cho điểm

– Điểm 12: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, tri thức phong phú, lập luận sắc sảo.

– Điểm 10-11: Đáp ứng được hầu hết các ý cơ bản, mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả, diễn đạt.

– Điểm 8-9:  Đáp ứng được phần lớn những ý cơ bản, mắc một số lỗi nhỏ về chính tả, diễn đạt

– Điểm 6-7: Trình bày được khoảng một nửa yêu cầu về kiến thức, mắc một số lỗi chính tả, diễn đạt

– Điểm 4-5: Bài viết sơ sài, sa vào phân tích tác phẩm đơn thuần, mắc một số lỗi chính tả, diễn đạt.

– Điểm 1-2-3: Chưa hiểu rõ vấn đề, kĩ năng làm văn đuối, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt

– Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.

* Lưu ý chung: Khi chấm bài, giám khảo vừa bám sát đáp án và biểu điểm, vừa linh hoạt, trân trọng những suy nghĩ riêng của thí sinh nếu thấy hợp lí.

 

0,5

 

—————————————–HẾT——————————————-

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *