Đề thi HSG Trại hè Hùng Vương 16 (năm 2022) – Ngữ văn 10 – THPT Chuyên Lào Cai

KỲ THI OLYMPIC HÙNG VƯƠNG

NĂM HỌC 2021 –  2022

Môn: Ngữ văn 10

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (8,0 điểm)

Trong lời bài hát Blowin’ in the wind (Trong gió thổi bay) của Bob Dylan (Nhạc sĩ đạt giải Nobel Văn học 2016), có một câu hỏi đầy khắc khoải: Cần đi thêm bao chặng đường dài để người thực sự thành người?

(Lời gốc: How many roads must a man walk down before you call him a man? Nguồn trích dẫn: https://www.bobdylan.com/songs/blowin-wind/)

Anh/chị có suy nghĩ như thế nào về vấn đề được đặt ra từ lời hát trên?

Câu 2 (12,0 điểm)

Anh/chị hãy viết một bài luận với nhan đề: “Hiểu văn học – hiểu chính mình”từ những trải nghiệm khi đọc các tác phẩm văn học của bản thân.

 

————————Hết————————-

 

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

Yêu cầu chung:

  1. Thí sinh có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng phải đảm bảo nội dung chính, chấp nhận bài viết có những ý ngoài đáp án nhưng phải có căn cứ xác đáng, lí lẽ thuyết phục, trân trọng bài làm của học sinh, khuyến khích những bài văn sáng tạo, có cách kiến giải riêng hợp lí, thuyết phục, có thể bỏ qua những lỗi nhỏ về kỹ năng hoặc có ý chưa sâu so với đáp án.
  2. Chỉ có điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kiến thức lẫn kỹ năng.
  3. Giảm khảo cần trừ điểm đối với những lỗi chính tả, ngữ pháp, hành văn… trong bài viết.
  4. Căn cứ vào hướng dẫn chấm, giám khảo có thể chia điểm lẻ trong mỗi câu chi tiết đến 0,25 điểm. Bài thi không làm tròn điểm.

 

Yêu cầu cụ thể:

Câu 1 (8,0 điểm)

Về kĩ năng:

Biết làm văn nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí; bài viết có bố cục rõ ràng; lập luận chặt chẽ; diễn đạt mạch lạc, lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; chữ viết rõ ràng, sạch đẹp.

Về kiến thức:

– Hiểu đúng vấn đề nghị luận, từ đó có những nhận thức hành động đúng đắn.

– Thí sinh có thể trình bày những quan điểm riêng, nhưng cần có lí lẽ và căn cứ xác đáng, thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.

– Học sinh có thể trình bày và diễn đạt theo những cách khác nhau song cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

  1. Mở bài và kết bài tốt: (1,0 điểm)
  2. Giải thích: (1,5 điểm)

– Người (1): Con người hiểu theo nghĩa nhân hình, một loài động vật phát triển bậc cao.

– Người (2): Được hiểu là con người thực sự với tính người (Nhân tính), tức là phần tốt đẹp nhất trong tâm hồn và trí tuệ để phân biệt con người với bản năng thú tính.

=>Ca từ day dứt gợi thực trạng trạng “chưa thành người”, chưa có nhân tính của một phần nhân loại đồng thời cho thấy hành trình làm người/ trở thành người thực sự của con người là một hành trình dài và chắc hẳn không dễ dàng.

  1. Bình luận, chứng minh: (4,5 điểm)

* Đánh giá ca từ gợi ra những vấn đề mang tính phổ quát, mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, khơi gợi nhiều suy ngẫm, trăn trở về con đường trở thành con người thực sự.

* Lý giải:

Vì sao người cần thực sự thành người? (Ý nghĩa của hành trình để người thực sự thành người)

+ Con người khi sinh ra mới chỉ có nhân hình, nhân dạng, chưa trở thành còn người thực sự, bởi con người thực sự không nằm ở phạm trù sinh học, mà nằm ở trí tuệ và trái tim. Chỉ khi con người có trí tuệ hiểu biết để nhận thức thế giới, nhận thức bản thân, nhận thức chân lý; có trái tim biết yêu thương, đồng cảm sẻ chia, có khát vọng cống hiến, sống có ích…, khi đó con người mới trở thành Người thực sự. Do đó hành trình để người thực sự thành người là một hành trình sống dài lâu với rất nhiều điều cần bồi đắp, tu dưỡng.

+ Cần trở thành con người thực sự để nhân loại khẳng định được giá trị sống của mình, để trân giữ và tôn vinh những điều tốt đẹp thiêng liêng mà loài người đã kiến tạo dựng xây vun đắp, để xứng đáng với 2 chữ Con Người, để phân biệt mình với các giống loài vô tri, để có được cuộc sống tràn đầy ý nghĩa, để được trải nghiệm đủ đầy và tìm kiếm niềm hạnh phúc…

Vì sao người chưa thực sự thành người? Câu hỏi trong ca từ đã khắc khoải gợi về cuộc sống đáng buồn của con người khi tính người chưa thực trở về với tất cả.

+ Một bộ phận con người trong hành trình tồn tại của mình đã để dục vọng tàn ác, tình cảm hời hợt, sự ti tiện đớn hèn, những mưu mô thủ đoạn… lên ngôi, không thực sự sống đúng với lương tri và nhân phẩm của một con người.

+ Chiến tranh chính là biểu hiện của sự phi nhân tính khủng khiếp nhất khi con người gây ra cái chết phi lý, trái tự nhiên, vô nghĩa và đau đớn cho đồng loại.

+ Xã hội hiện đại ngày nay, loài người còn phải đối mặt với nguy cơ máy móc hóa khi chúng ta sống thờ ơ, vô cảm, bàng quan trước đau khổ của đồng loại, có mắt không nhìn thấy bất công, ngang trái, có tai không nghe tiếng nức nở, đau thương, có miệng không dám nói lời xót thương hay căm giận…Con người trở thành những cỗ máy vô tri.

Cần đi thêm bao chặng đường dài để người thực sự thành người?

+ Con đường của trí tuệ người: Con người cần hành trang trí tuệ để trở thành con người thực sự, bởi đó là con đường giúp con người nhận thức về thế giới, thấu hiểu bản thể, phân định đúng sai, từ đó có những phương hướng và hành động đúng đắn, phù hợp với lẽ phải và lương tri. Trí tuệ cũng là cội nguồn của sáng tạo giúp con người kiến tạo những giá trị mới, phát minh mới để thế giới văn minh, sự sống con người hài hòa với sự sống của trái đất.

+ Con đường của trái tim người: Học cách yêu thương, sẻ chia, xúc cảm, hướng tới lẽ sống thiện lương, nhân hậu, tốt lành, vị tha là con đường quan trọng nhất để con người có thể trở thành người thực sự. Trí tuệ sẽ chắp cánh cho trái tim để con người làm được những thực sự lớn lao, xứng đáng với Con Người.

+ Con đường của ước mơ khát vọng người: Là khi con người không trì trệ bằng lòng với mặt đất bình yên dưới chân mà khao khát hướng lên bầu trời cao rộng, khoáng đạt phía trên mình, vượt lên trên chính mình, dũng cảm dẫn thân để thoát khỏi vô minh, hiện thực hóa những khát vọng tốt lành…

….

* Mở rộng nâng cao: (Phần này học sinh có thể có những ý mở rộng khác với hướng dẫn chấm, giám khảo vẫn có thể chấm điểm tối đa cho học sinh nếu các ý mở rộng hợp lý, sâu sắc, sáng tạo).

– Thực tế cuộc sống cho thấy, nhân loại ngày càng văn minh tiến bộ hơn, nhưng vẫn còn đó những kẻ làm người nhưng chưa thực sự là người, có con người sống mà như qua đời(Thơ Nguyễn Trọng Tạo), sống vô ích, vô nghĩa; có con người sống mà bị tha hóa, bản năng hóa, máy móc hóa… nên câu hỏi trong ca từ vẫn còn đó đầy nhức nhối.

– Hành trình để người thực sự là người chưa bao giờ là dễ dàng bởi chúng ta không chỉ phải vượt qua những khó khăn, rào cản, thử thách của thế giới bên ngoài mà hơn hết, cần vượt qua sự vô minh, phần con bản năng, phần ích kỷ dục vọng với những cám dỗ, sự thỏa hiệp trong chính chúng ta. Do vậy cần nhận thức sâu sắc và cụ thể hóa bằng hành động mỗi ngày để hành trình vươn lên hướng thượng, hướng thiện, trở thành người thực sự không phải là hành trình muộn mằn, đánh đổi bằng cả cuộc đời.

  1. Rút ra bài học nhân thức và hành động (1,0 điểm)

III. Về biểu điểm

– Điểm 7- 8: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề một cách sâu sắc, thuyết phục; văn phong chuẩn xác, biểu cảm; có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả và dùng từ.

– Điểm 5- 6: Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội; trình bày vấn đề cơ bản rõ ràng nhưng chưa thật sâu sắc; mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt và chính tả.

– Điểm 3- 4: Trình bày được khoảng một nửa yêu cầu về kiến thức; còn mắc lỗi về diễn đạt và chính tả.

– Điểm 1- 2: Bài viết tỏ ra chưa hiểu rõ vấn đề, lúng túng trong cách giải quyết, mắc nhiều lỗi diễn đạt và chính tả.

 

Câu 2 (12,0 điểm)

  1. Về kĩ năng:

Thí sinh phải huy động kiến thức về lí luận văn học, tác phẩm văn học, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bình luận, cảm thụ văn chương của mình để làm bài.

– Bài viết có văn phong sáng rõ, bố cục rõ ràng, hợp lý, lập luận và dẫn chứng thuyết phục, diễn đạt lưu loát, biết vận dụng kết hợp các thao tác lập luận hiệu quả.

– Thể hiện tốt năng khiếu viết văn, có sự sáng tạo trong cách nghĩ, cách viết.

  1. Về kiến thức:

– Thí sinh xác định đúng vấn đề cần bàn luận.

– Bài viết có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo những ý sau:

  1. Mở bài và kết bài tốt: 1,0 điểm
  2. Giải thích (2,0 điểm)

– Văn học là loại hình nghệ thuật ngôn từ phản ánh hiện thực bằng cách sáng tạo các hình tượng nghệ thuật qua đó bày tỏ thái độ quan điểm của người nghệ sĩ với cuộc sống.

– Hiểu văn học là đọc kĩ, đọc sâu để nắm vững tác phẩm sẽ giúp người đọc hiểu chính mình, hiểu rõ hơn về bản thân ở nhiều phương diện, từ đó thanh lọc tâm hồn, mài sắc suy nghĩ, rèn luyện phẩm chất.

à Văn học có vai trò quan trọng trong cuộc đời, giúp con người nhận diện được chính bản thân mình, khơi dậy những nhận thức sâu sắc về cuộc đời. Thông qua tác phẩm văn học, con người có thêm những trải nghiệm trong cuộc sống, khơi dậy những tình cảm mới mẻ, khát vọng vươn tới những chân lý cao đẹp.

  1. Bình luận (4,0 điểm)

– Văn học là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc. Qua tác phẩm văn học, con người thấy mình trong đó, cảm nhận được những cung bậc tình cảm đa dạng trong thế giới nội tâm con người, gợi ra những tình cảm chưa có và tạo nên những tình cảm sẵn có.

– Văn học nghệ thuật tồn tại với tư cách là một hình thái nhận thức, có tác dụng soi sáng, mở rộng sự hiểu biết cho con người. Văn học đưa ta tới những chân trời hiểu biết mới, giúp ta hiểu hơn về cuộc sống con người ở mọi không gian và thời gian. Từ đó giúp ta soi chiếu, liên hệ, nhận thức về chính bản thân mình.

– Văn học giúp con người hoàn thiện thêm về nhân cách và tâm hồn của mình; thông qua văn học, con người thấm thía những bài học đạo đức nhân sinh sâu sắc.

  1. Chứng minh (4,0 điểm)

* Học sinh lựa chọn được tác phẩm tiêu biểu, sát với vấn đề cần nghị luận để phân tích, chứng minh.

* Yêu cầu: Khi phân tích một số tác phẩm văn học, phải chỉ rõ việc tìm hiểu sâu một tác phẩm có thể giúp cắt nghĩa, lí giải thêm nhiều điều về bản thân. Cảm nhận của học sinh về tác phẩm cần chân thành, sâu sắc, tinh tế.

  1. Đánh giá mở rộng nâng cao (1,0 điểm)

– Những tác phẩm văn học thực sự giá trị luôn giúp người đọc hiểu rõ hơn về mình, làm đời sống tinh thần trở nên phong phú hơn, hoàn thiện thêm nhân cách con người.

– Việc hiểu chính mình qua hiểu văn học không thay thế được việc trực tiếp trải nghiệm để khám phá bản thân. Việc hiểu chính mình sẽ giúp người đọc hiểu tác phẩm một cách sâu sắc hơn.

– Chỉ những tác giả có trí tuệ nhạy bén, có sự trải đời, có tài năng nghệ thuật mới có thể viết nên những tác phẩm giúp người đọc hiểu chính mình. Chỉ những người đọc có trình độ thưởng thức, có tâm hồn sâu sắc, có sự am hiểu văn học mới có thể hiểu tác phẩm.

III.Về biểu điểm:

– Điểm 11 – 12: Bài viết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, sâu sắc, độc đáo; diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc; có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả và dùng từ.

– Điểm 9 – 10: Bài viết có nội dung tương đối đầy đủ (có thể còn thiếu một vài ý nhỏ); bố cục rõ ràng; diễn đạt trôi chảy; câu văn có hình ảnh, cảm xúc. Mắc một số lỗi nhỏ về chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 7 – 8: bài viết đáp ứng khoảng 2/3 nội dung cơ bản của đáp án. Văn có thể chưa hay nhưng rõ ý. Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 5 – 6: Bài viết đáp ứng khoảng ½ nội dung cơ bản của đáp án. Mắc nhiều lỗi hành văn, chính tả.

– Điểm 3 – 4: Hiểu và trình bày vấn đề còn sơ sài; kết cấu không rõ ràng; còn mắc nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 1 – 2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.

*L­­ưu ý:

– Trên đây chỉ là những gợi ý có tính chất định h­­ướng, giám khảo cần thảo luận kỹ về yêu cầu và biểu điểm để bổ sung cho hoàn chỉnh trư­­ớc khi chấm.

– Ngư­­ời chấm cần linh hoạt trong đánh giá, cần căn cứ vào tình hình và chất lượng thực tế của mỗi bài làm để cho điểm thích hợp.

– Cần khuyến khích những tìm tòi, sáng tạo riêng cả trong nội dung và hình thức của bài làm.

   …………………………………HẾT……………………………..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *