ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN
LỚP 10
Thời gian làm bài:180 phút
Câu 1. (8,0 điểm)
“Giá trị lớn nhất của một trái tim biết yêu thương là sự chân thành.”
(C. Dikens)
Anh/chị có suy nghĩ gì về ý kiến trên?
Câu 2. (12,0 điểm)
Nguyễn Minh Châu tâm sự: “Nhà văn muốn có tầm cỡ thời đại thì phải ngụp sâu vào dân tộc mình, nhân dân mình.”
Anh/ chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ bằng một số tác phẩm trong chương trình Ngữ Văn 10.
………………………HẾT……………………..
HƯỚNG DẪN CHẤM
Câu | Nội dung | Điểm |
Câu 1
(8,0 đ) |
1) Yêu cầu về kỹ năng:
– Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí, huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ quan điểm riêng. – Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ; diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; vận dụng tốt các thao tác lập luận; dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc. |
|
2) Yêu cầu về kiến thức:
– Trên cơ sở hiểu ý nghĩa nhận định, bài làm của thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng phải có căn cứ xác đáng. Thí sinh được tự do bày tỏ quan điểm của mình nhưng phải có thái độ chân thành nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Sau đây là một số định hướng: |
||
a. Giải thích:
– Trái tim biết yêu thương: là sự quan tâm đến người khác, biết chia sẻ tình cảm của mình với những người xung quanh. – Sự chân thành: là tình cảm được biểu hiện một cách tự nhiên; không giả dối, vụ lợi. – Chủ đề đặt ra cho bài viết: Giá trị lớn nhất của một trái tim biết yêu thương là sự chân thành. Đó là tình cảm cao quý và đáng trân trọng nhất trong quan hệ, đối xử giữa con người với con người trong cuộc sống. |
1,0 |
|
b. Bình luận
– Vì sao một trái tim cần biết yêu thương? + Cuộc sống của con người chỉ có ý nghĩa khi đặt trong các mối quan hệ với gia đình và xã hội. Con người luôn cần được sự quan tâm giúp đỡ của người khác. Ngược lại bản thân mỗi người cũng phải biết quan tâm giúp đỡ mọi người. Sự sẻ chia sẽ đem đến tình yêu thương cho tất cả mọi người trong mọi mối quan hệ. Có như vậy, cuộc sống sẽ có ý nghĩa và tốt đẹp hơn. + Sự yêu thương luôn đem đến cho người nhận niềm vui, đồng thời cũng khiến người cho cảm thấy hạnh phúc. Từ đó có thể giúp con người tự nhận thức được giá trị của mình, giá trị của những người sống xung quanh mình để điều chỉnh hành vi, thái độ sống, hướng đến cuộc sống ngày càng tích cực hơn. + Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, con người đang có khuynh hướng vị kỉ, ít quan tâm đến người khác; dẫn đến thái độ thờ ơ với cuộc sống. Vì vậy “một trái tim biết yêu thương” sẽ giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, tránh được những sự việc đáng tiếc xảy ra trong đời sống cá nhân, riêng lẻ của từng người. – Vì sao sự yêu thương cần được thể hiện một cách chân thành? + Tình cảm luôn tác động mạnh mẽ đến nhận thức của con người. Nếu tình cảm bị lừa dối hay lợi dụng sẽ khiến người nhận dễ bị tổn thương gây ra những phản ứng tiêu cực. Vì vậy, sự yêu thương cần phải được thể hiện một cách chân thành. + Nếu sự yêu thương bị giả dối sẽ ngày càng tạo thành hố sâu trong mối quan hệ giữa con người với con người. Thế giới sẽ ngày càng bị chia cắt. Con người sẽ rơi vào lối sống ích kỉ. – Sự yêu thương chân thành là tình cảm cao quý và đáng trân trọng nhất mà con người cần vươn đến và phải đạt được. – Con người cần phải sống như thế nào để thể hiện sự yêu thương chân thành? + Phải giữ gìn trái tim trong sáng, tình cảm chân thành, không sống vụ lợi cá nhân. Phải biết yêu thương người khác như yêu thương chính bản thân mình. + Tình cảm yêu thương chân thành đó phải được thể hiện bằng những thái độ, hành động cụ thể thiết thực đối với những người xung quanh. – Dẫn chứng (thí sinh đưa ra những dẫn chứng cụ thể và phân tích để làm sáng rõ vấn đề) – Mở rộng, nâng cao: Phê phán những con người: Sống vô cảm, lạnh lùng, không có tình yêu thương. |
6,0
|
|
c. Bài học nhận thức và hành động | 1,0 | |
Lưu ý: Thí sinh có thể diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau nhưng phải nêu đủ các ý trên mới đạt điểm tối đa. | ||
Câu 2 (12,0 đ) |
1) Yêu cầu về kỹ năng:
Thí sinh biết cách làm bài nghị luận về một vấn đề văn học. Luận điểm rõ ràng, lô gíc; lập luận sắc sảo, thuyết phục. Văn giàu cảm xúc, hình ảnh; không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả…. |
|
2) Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể trình bày vấn đề theo những cách khác nhau, song bài viết phải làm nổi bật được các nội dung chính sau: |
||
a. Giải thích
– Nhà văn có tầm thời đại: nhà sáng tạo lớn, có sức ảnh hưởng sâu rộng, lớn lao đối với thời đại và nền văn học dân tộc. – Nhà văn muốn có tầm cỡ thời đại thì phải ngụp sâu vào dân tộc mình, nhân dân mình: Để khẳng định vị trí của mình trong nền văn học dân tộc nhà văn phải nếm trải cuộc sống của nhân dân, tắm mình trong cội nguồn dân tộc mình. Tác phẩm văn học do nhà văn đó sáng tạo nên phải có sức khái quát cao về hiện thực, phản ánh được vẻ đẹp tâm hồn dân tộc. => Nhận định nhấn mạnh bản chất của văn học và quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ. Để trở thành nhà văn lớn, có tầm cỡ thời đại thì cần nhiều yếu tố, nhưng trước hết người nghệ sĩ phải gắn bó với đời sống nhân dân. |
2,0
|
|
b. Bàn luận
Tại sao Nhà văn muốn có tầm cỡ thời đại thì phải ngụp sâu vào dân tộc mình, nhân dân mình: – Văn học bắt nguồn từ cuộc sống “Cuộc đời là nơi bắt đầu và cũng là nơi đi đến của văn học”. Thiếu hơi thở của sự sống văn học sẽ chỉ là những sản phẩm mơ ru. Vốn sống, khả năng hiểu biết cuộc đời, sự gắn bó từng trải của người cầm bút sẽ làm nên những sáng tác thấm đượm men say của sự sống. Để có những tác phẩm giàu giá trị hiện thực người nghệ sĩ phải hòa mình vào hơi thở của thời đại, phải thiết tha với những nhịp sống của cuộc đời, trở trăn trước mọi vấn đề dân tộc. – Khi “ngụp sâu vào dân tộc mình, nhân dân mình” nhà văn được sống trọn vẹn với nhân dân, với dân tộc mình; khi đó trái tim người nghệ sĩ sẽ ngân rung những xúc cảm chân thành và sáng tạo nên những trang viết chất chứa mọi cung bậc cảm xúc của con người thời đại: có thể đó là nỗi buồn về cái đẹp bị tàn phai, niềm đau số phận, sự cắn rứt lương tri, nỗi u uất về thế sự, niềm tự hào về vẻ đẹp thiên nhiên, con người…. – Qua những tái hiện tài tình của nhà văn, người đọc được trải nghiệm cuộc sống của những người dân cách xa chúng ta nhiều thế kỉ; ta hiểu cách cảm cách nghĩ của họ, đồng cảm trước những khổ đau bất hạnh của họ; thấy được vẻ đẹp tâm hồn dân tộc từ những nếp sinh hoạt giản đơn của những con người bình dị. – Những hiện thực được phơi trải trên trang viết là xúc cảm bị dồn nén mạnh mẽ của nhà văn khi lăn lộn với đời sống nhân dân và lắng đọng những giá trị văn hóa dân tộc. Những trang viết đó có sức khái quát, có tầm ảnh hưởng sâu rộng, đem đến cho con người niềm vui, sự sảng khoái say mê trước cái đẹp, khơi dậy những cảm xúc trong sáng lành mạnh, trân trọng những giá trị cuộc sống. Từ những vấn đề cuộc sống của nhân dân, của dân tộc được phản ánh trong tác phẩm nghệ thuật chúng ta nhận ra quan điểm nhân sinh, triết lý cuộc sống sâu sắc của nhà văn gửi gắm ở đó. – Những hiện thực cuộc sống càng trở nên sinh động, hấp dẫn hơn khi biểu đạt qua nghệ thuật điêu luyện tỏa sáng tài năng của nghệ sĩ như: ngôn ngữ, hình ảnh, các thủ pháp nghệ thuật… |
3,0
|
|
c. Chứng minh
Học sinh được tùy chọn tác giả, tác phẩm tiêu biểu để làm sáng tỏ vấn đề. Song cần đảm bảo yêu cầu: dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu, toàn diện. Việc phân tích dẫn chứng phải hướng về làm sáng tỏ những biểu hiện của vấn đề, tránh viết chung chung, tràn nan, không bám sát luận đề. |
6,0 | |
d- Đánh giá:
– Trở thành nhà văn mang tầm thời đại – đó là mơ ước của bất cứ người nghệ sĩ nào. Bởi vậy mỗi nhà văn muốn khẳng định tên tuổi mình phải “Sống toàn tim, toàn trí, sống toàn hồn/ Sống toàn thân và thức nhọn giác quan”(Xuân Diệu). – Những tác phẩm nghệ thuật chân chính sẽ giúp người đọc mở rộng tầm hiểu biết, thanh lọc tâm hồn con người, hướng con người đến Chân – Thiện – Mĩ |
1,0 |
|
Lưu ý: Chỉ cho điểm tối đa khi thí sinh đạt được cả yêu cầu về kĩ năng và kiến thức. |
……………………Hết………………….