Đề thi học sinh giỏi về bài Tây Tiến và Việt Bắc 2

Cổ nhân từng nói: “Thi trung hữu họa”, “Thi trung hữu nhạc”. Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng sự hiểu biết của mình về bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng) và Việt Bắc (Tố Hữu), hãy làm sáng tỏ.
Mở bài  :Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề
+ Giới thiệu ý kiến của cổ nhân :“Thi trung hữu họa”, “Thi trung hữu nhạc”
+ Giới thiệu về bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng) và Việt Bắc (Tố Hữu)
Thân bài ;
1  .  Giải thích
Cắt nghĩa ý kiến:
– Thi: thơ. Thơ là một hình thức sáng tác văn học nghiêng về thể hiện cảm xúc thông qua tổ chức ngôn từ đặc biệt, giàu nhạc tính, giàu hình ảnh và gợi cảm.
– Thi trung hữu họa: Trong thơ có hoạ (có tranh, có cảnh).
Thi trung hữu nhạc: Trong thơ có nhạc.
=> Ý kiến trên của người xưa nói đến đặc trưng của thơ trữ tình là giàu hình ảnh và nhạc điệu. Ý kiến của cổ nhân hoàn toàn đúng đắn và xác đáng.
Lí giải ý kiến:
– Thơ – nhạc – hoạ đều là các loại hình nghệ thuật, song có sự khác biệt, đặc biệt là về chất liệu xây dựng hình tượng nghệ thuật để phản ánh cuộc sống. Nếu hoạ dùng đường nét, màu sắc, nhạc dùng giai điệu, âm thanh thì thơ cũng như các tác phẩm văn chương lại sử dụng ngôn từ làm chất liệu. Ngôn từ có đặc điểm riêng: đó là chất liệu phi vật thể, vì vậy, tác động nhận thức không trực tiếp bằng các loại hình nghệ thuật khác song sức gợi mở của nó lại hết sức dồi dào, mạnh mẽ. Nó tác động vào liên tưởng của con người và khơi dậy những cảm nhận cụ thể về màu sắc, đường nét, hình khối, âm thanh, giai điệu.
– Thi trung hữu họa bởi vì: Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống, thơ ca cũng không nằm ngoài quy luật đó. Thơ ca phản ánh cuộc sống qua hệ thống ngôn từ giàu hình ảnh. Không ở thể loại văn học nào ta bắt gặp nhiều hình ảnh, biểu tượng (hình ảnh có ngụ ý), hình tượng (hình ảnh có ngụ ý xuyên suốt tác phẩm) nổi bật như thơ ca. Hình ảnh trong thơ là sự khách thể hóa những rung cảm nội tâm bởi thế giới tinh thần vốn vô hình nên nhất thiết phải dựa vào những điểm tựa tạo hình cụ thể để hữu hình hóa. Hình ảnh trong thơ nổi bật vì còn mang màu sắc của cảm xúc mãnh liệt và trí tưởng tượng phong phú.
– Thi trung hữu nhạc bởi vì: Thơ ca là sự biểu hiện trực tiếp cảm xúc, tình cảm của con người. Cảm xúc biểu lộ mạnh mẽ ở thanh điệu, nhịp điệu của lời nói (ngôn từ). Tính nhạc là đặc thù cơ bản của việc phô diễn tình cảm của thơ ca. Âm thanh và nhịp điệu làm tăng hàm nghĩa cho từ ngữ, gợi ra những điều từ ngữ không thể nói hết. Nhạc điệu trong thơ thể hiện nhịp vận động của đời sống, của nhịp đập trái tim, bước đi của tình cảm con người.
2.. Chứng minh qua hai bài thơ Tây Tiến và Việt Bắc
a. Thi trung hữu họa:
– Với trí tưởng tượng bay bổng, phong phú, kết hợp bút pháp miêu tả khái quát và cận cảnh, thủ pháp đối lập tương phản… Bài thơ Tây Tiến đã vẽ lên trước mắt người đọc:
+ Bức tranh chân thực về khung cảnh núi rừng miền Tây hiểm trở hùng vĩ nhưng vô cùng trữ tình thơ mộng.
+ Bức chân dung về người lính Tây Tiến hào hùng nhưng cũng rất đỗi hào hoa.
– Bằng lối nói giàu hình ảnh, các cách chuyển nghĩa truyền thống (so sánh, ẩn dụ, tượng trưng, ước lệ…) được sử dụng thích hợp… Bài thơ Việt Bắc đã tái hiện thành công:
+ Bức tranh thiên nhiên, núi rừng Việt Bắc.
+ Bức tranh về cuộc sống con người trong kháng chiến, bức tranh Việt Bắc ra quân hào hùng.
b. Thi trung hữu nhạc:
– Xuân Diệu nhận xét: Đọc bài thơ Tây Tiến như ngậm âm nhạc trong miệng. Tính nhạc trong Tây Tiến thể hiện ở:
+ Thể thơ thất ngôn mang âm hưởng trầm hùng phù hợp với việc biểu đạt nội dung.
+ Phối hợp nhịp nhàng giữa các thanh bằng trắc, sự hiệp vần: ơi, biện pháp điệp từ: nhớ, ngàn thước…
+ Sử dụng thành công hệ thống từ láy.
+ Nhạc điệu của bài thơ còn được tạo nên từ nỗi nhớ tha thiết, tình yêu sâu đậm của nhà thơ với mảnh đất Tây Bắc, với binh đoàn Tây Tiến, với quê hương, đất nước. Đó là nhạc điệu tâm hồn của thi nhân
– Tính nhạc trong Việt Bắc thể hiện ở:
+ Thể thơ lục bát: Nhịp nhàng, tha thiết, ngọt ngào, sâu lắng nhưng biến hóa sáng tạo không đơn điệu.
+ Sử dụng cặp đại từ: mình – ta.
+ Nghệ thuật đối: Được sử dụng với tần số cao, biểu đạt xúc động nỗi lòng sâu kín của kẻ đi
– người ở đồng thời tạo ra sự cân xứng về cấu trúc vẻ đẹp nhịp nhàng của ngôn từ. Tất cả tạo nên nhạc điệu đầy quyến luyến, trầm bổng, ngân nga. Việt Bắc ru người trong nhạc.
+ Biện pháp điệp: điệp từ: nhớ, có nhớ; điệp cấu trúc: mình đi – mình về; câu hỏi tu từ… tạo nên nhịp ru cho bài thơ, diễn tả thành công nỗi lòng kẻ đi – người ở.
+ Cách gieo vần và sử dụng từ láy cũng góp phần tạo nên nhạc điệu cho bài thơ.
+ Việt Bắc có giọng điệu tâm tình, tự nhiên, đằm thắm, là tiếng nói của tình thương mến ngọt ngào, là khúc tình ca và bản hùng ca về kháng chiến và con người kháng chiến… Thơ Tố Hữu phong phú nhạc điệu, một thứ nhạc giàu có tự bên trong của tâm hồn hoà với nhạc điệu lôi cuốn của đời sống.
3.. Đánh giá, nâng cao vấn đề
– Khẳng định câu nói của cổ nhân là hoàn toàn đúng với thơ ca và được minh chứng rõ qua hai bài thơ Tây Tiến và Việt Bắc.
– Hai bài thơ giàu chất nhạc, chất họa, thể hiện tài năng của hai nhà thơ trong việc sử dụng ngôn từ nghệ thuật.
– Bài học cho người nghệ sĩ và người tiếp nhận.
Kết bài :
+Khẳng định lại ý nghĩa của câu nói : Giá trị nổi bật của thơ là chất họa và chất nhạc.
+Khẳng định giá trị của hai bài thơ
Xem thêm bài : CHẤT HỌA VÀ CHẤT NHẠC TRONG TÂY TIẾN CỦA QUANG DŨNG
Tuyển tập đề thi về bài Tây tiến Ngữ văn 12
Tuyển tập đề thi về bài Việt Bắc, Ngữ văn 12 
Tuyển tập đề thi học sinh giỏi môn Văn

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *