Đề thi học sinh giỏi về bài Sóng- Xuân Quỳnh và Đàn Ghi ta của Lor-ca – Thanh Thảo

Đề thi học sinh giỏi về bài Sóng- Xuân Quỳnh và Đàn Ghi ta của Lor-ca – Thanh Thảo
Đề bài :
Bàn về ngôn ngữ trong thơ, Nguyễn Đình Thi viết:
“Điều kì diệu của thơ là mỗi tiếng, mỗi chữ, ngoài cái nghĩa của nó, ngoài công dụng gọi tên sự vật, bỗng tự phá tung mở rộng ra, gọi đến xung quanh nó những cảm xúc, những hình ảnh không ngờ, tỏa ra xung quanh nó một vùng ánh sáng động đậy. Sức mạnh nhất của câu thơ là ở sức gợi ấy.”
(Mấy ý nghĩ về thơ, Ngữ văn 12 Nâng cao, tập 1, tr. 52, NXBGD, 2008)
Qua bài thơ Sóng (Xuân Quỳnh) và Đàn ghi ta của Lor-ca (Thanh Thảo), anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận xét trên.
Hướng dẫn cách làm bài :
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng về cơ bản cần có các ý sau:
Mở bài :
+ Giới thiệu bài thơ Sóng và thi sĩ Xuân Quỳnh
+ Giới thiệu bài thơ Đàn ghi ta của LOr- ca và nhà thơ Thanh Thảo
+Giới thiệu ý kiến của Nguyễn Đình Thi :“Điều kì diệu của thơ là mỗi tiếng, mỗi chữ, ngoài cái nghĩa của nó, ngoài công dụng gọi tên sự vật, bỗng tự phá tung mở rộng ra, gọi đến xung quanh nó những cảm xúc, những hình ảnh không ngờ, tỏa ra xung quanh nó một vùng ánh sáng động đậy. Sức mạnh nhất của câu thơ là ở sức gợi ấy.”
+Nêu vấn đề cần nghị luận : Sức mạnh của thơ
Thân bài :
1. Giải thích  ý kiến của Nguyễn Đình Thi:
– Ngôn ngữ thơ (chữ và nghĩa trong thơ) vừa có nghĩa do bản thân câu chữ mang lại (nghĩa của nó, nghĩa gọi tên) vừa có nghĩa do câu chữ gợi ra (cảm xúc, hình ảnh, vùng ánh sáng lay động, sức gợi).
– Khẳng định: Sức mạnh nhất của thơ là sức gợi ấy.
=> Bằng cách diễn đạt hình ảnh rất cụ thể và sinh động, Nguyễn Đình Thi đã nhấn mạnh và làm nổi bật một đặc trưng bản chất của thơ ca: ngôn ngữ trong thơ, vấn đề chữ và nghĩa. Tác giả vừa khẳng định vừa cắt nghĩa, lí giải sức mạnh của thơ nằm ở sức gợi.
2. Chứng minh nhận định qua ai bài thơ
Học sinh phải chỉ ra và phân tích được đặc điểm ngôn ngữ thơ trong hai bài thơ Sóng (Xuân Quỳnh) và Đàn ghi ta của Lor-ca (Thanh Thảo). Không nhất thiết phải phân tích cả bài mà có thể lựa chọn những câu thơ, đoạn thơ tiêu biểu để làm sáng tỏ vấn đề.
a. Bài thơ Sóng:
Ý khái quát : Giới thiệu sơ lược về tác giả tác phẩm và nội dung bài thơ. Xuân Quỳnh là nhà thơ của hạnh phúc đời thường: tiếng thơ khao khát tình yêu,  hạnh phúc đời thường bình dị.
– Cái tôi độc đáo: giàu vẻ đẹp nữ tính, thành thật, giàu đức hi sinh và lòng vị tha, khát vọng yêu chân thành, mãnh liệt gắn với cảm thức lo âu về sự phai tàn, đổ vỡ., cùng những dự cảm bất trắc.
Tác phẩm: 1967, nhân chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), in trong tập thơ Hoa dọc chiến hào, là bài thơ tình nổi tiếng của Xuân Quỳnh, góp phần tạo nên vị trí “nữ hoàng thơ tình Việt Nam”.
Phân tích :
– Về chữ: ngôn ngữ dung dị mà chọn lọc tinh tế, gợi cảm, hàm súc, giàu tính ẩn dụ.
– Về nghĩa:
+ Nghĩa câu chữ: con sóng thực và các đặc tính của nó (dữ dội, dịu êm, trên mặt nước, dưới lòng sâu…)
+ Nghĩa mà sóng gợi ra (hình ảnh, cảm xúc…): những cung bậc tâm trạng người con gái trong tình yêu, những khát vọng hạnh phúc đời thường và khao khát tự hoàn thiện bản thân.
=> Ngôn ngữ thơ Xuân Quỳnh dung dị mà có sức gợi sâu xa từ hình ảnh thực mà liên tưởng đến tâm trạng người con gái trong tình yêu, khát vọng bất tử hóa, tự hoàn thiện bản thân để hướng tới những giá trị đích thực của cuộc sống. Chính sức gợi này đã tạo nên sức sống cho bài thơ.
b. Đàn ghi ta của Lor-ca:
Ý khái quát : Giới thiệu sơ lược về tác giả tác phẩm và nội dung bài thơ:Cùng với Xuân Quỳnh, Thanh Thảo cùng thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ nhưng trang thơ Thanh Thảo lại có dấu ấn rất riêng. Ông là người đi đầu trong phong trào cách tân thơ Việt, con đường mà ông lựa chọn để cách tân thơ Việt là việc đào sâu cái tôi nội cảm, tìm kiếm những cách biểu đạt  mới qua hình thức những câu thơ tự do, phá bỏ mọi ràng buộc, khuôn sáo. Thanh Thảo đi theo trường phái thơ tượng trưng siêu thực có nguồn gốc từ phương Tây mà Lor-ca là một đại biểu đi đầu trong trường phái thơ đó. Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” được rút ra từ tập “Khối vuông ru bích”, bài thơ đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Lor-ca.
Phân tích:
– Về chữ: lối thơ tự do, ngôn từ thơ giàu màu sắc tượng trưng siêu thực, giàu nhạc tính, mô hình mở giải phóng cảm xúc và tưởng tượng…
– Về nghĩa:
+ Hình tượng Lor-ca và những giai điệu, cung bậc của tiếng đàn ghi ta.
+ Nỗi đau xót trước cái chết đầy bi phẫn của Lor-ca, niềm trân trọng, đồng cảm của Thanh Thảo trước nhân cách cao thượng và vẻ đẹp tâm hồn Lor-ca…
=> Ngôn ngữ thơ có nhiều đổi mới, giàu tượng trưng thiên về gợi, không coi trọng tả thực, mỗi từ ngữ, hình ảnh, câu thơ đều có độ mở cho phép tiếp nhận dân chủ, sáng tạo. Sức gợi của ngôn ngữ thơ tạo ra mạch ngầm đa nghĩa cho tác phẩm.
3. Đánh giá chung
– Về ý nghĩa của vấn đề: ý kiến của Nguyễn Đình Thi về một trong những đặc trưng bản chất của thơ không chỉ có tác dụng nhất thời mà ngày nay vẫn còn nguyên giá trị bởi ý nghĩa thời sự, tính chất khoa học đúng đắn.
+ Đối với người sáng tác: định hướng cho sự sáng tạo, làm thơ phải biết lựa chọn ngôn ngữ hàm súc, giàu sức gợi, có sức hấp dẫn, lôi cuốn…
+ Đối với người thưởng thức: định hướng tiếp nhận, đọc thơ không chỉ hiểu nghĩa câu chữ mà phải dựng dậy lớp nghĩa được gợi ra từ câu chữ.
Kết bài : Khẳng định ý nghĩa của câu nói. Đánh giá chung về bài thơ Sóng và Đàn ghi ta của Lor-ca.
Xem thêm :

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *