Đề thi học sinh giỏi về bài Hai đứa trẻ- Thạch Lam

Đề thi hay và khó về bài Hai đứa trẻ- Thạch Lam. Đề dành cho học sinh giỏi.
Đề bài :“Bắt rễ ở cuộc đời hàng ngày của con người, văn nghệ lại tạo được sự sống cho tâm hồn con người.” (Nguyễn Đình Thi)
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.
Có thể trình bày bằng những cách khác nhau nhưng phải đảm bảo các ý cơ bản sau:
a, Giới thiệu vấn đề nghị luận
Dẫn dắt và trích câu nói :“Bắt rễ ở cuộc đời hàng ngày của con người, văn nghệ lại tạo được sự sống cho tâm hồn con người.”
b, Giải thích vấn đề:
-“Bắt rễ ở cuộc đời hàng ngày của con người”: Cuộc đời là nơi xuất phát của văn nghệ. Hiện thực đời sống tác động vào nhận thức, tình cảm của người nghệ sỹ làm người nghệ sỹ nảy sinh những xúc cảm mãnh liệt. Nó thôi thúc người nghệ sỹ cầm bút sáng tác. “Xã hội nào thì văn học ấy”, “văn học là tấm gương phản chiếu hiện thực xã hội”…
– “Văn nghệ lại tạo được sự sống cho tâm hồn con người.”:
+ Đích đến của văn nghệ là cuộc sống. Chức năng của văn học là phục vụ cuộc sống và con người. Văn học nghệ thuật phải làm cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn, con người trở nên trong sáng, lương thiện và Người hơn. “Nghệ thuật là phương thức tồn tại của con người, giữ cho con người mãi mãi là con người, không sa xuống thành con vật…Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người” (Nguyên Ngọc)
+ Văn chương chân chính phải là tiếng nói đồng vọng từ cuộc sống, bênh vực và tìm lối thoát cho những số phận hẩm hiu. Ca ngợi những vẻ đẹp của con người, phê phán những thế lực xấu xa, chà đạp lên quyền sống của họ.
+ Văn chương thổi vào những tâm hồn héo hắt nguồn sống mới đó là niềm vui, niềm tin, niềm hi vọng, nghị lực sống, tình yêu, tình quê hương, đất nước…
c, Chứng minh qua tác phẩm “Hai đứa trẻ” –Thạch lam.
– Văn học “bắt rễ ở cuộc sống hàng ngày của con người”
+ Tác phẩm “Hai đứa trẻ” là bức tranh hiện thực về cuộc sống tù đọng, tối tăm của xã hội Việt Nam trước CMT8- 1945. Một bức tranh được vẽ bằng những gam màu u tối, nhợt nhạt. Ánh sáng chỉ le lói, yếu ớt. Hoạ vào đó là những âm thanh nhỏ nhoi, uể oải, chậm chạp, mệt mỏi. Những con người tàn tạ, nghèo nàn, khốn khổ sống đơn điệu, quẩn quanh tẻ nhạt…
+ Tác phẩm phản ánh được những vấn đề tồn tại của hiện thực đời sống. Nhưng tác giả không sao chép thực tế một cách cứng nhắc mà gửi gắm vào đó nhiều điều mới mẻ, sâu sắc.
->>Học sinh có thể phân tích cuộc sống nghèo khổ, quẩn quanh, tăm tối của  chị em Liên và những người dân phố huyện.
– Văn học “lại tạo được sự sống cho tâm hồn con người.”
+ Tác phẩm “Hai đứa trẻ” thực sự tác động đến tư tưởng, tình cảm, thế giới quan của người đọc và làm thay đổi nhận thức của họ.
.)Nó thanh lọc tâm hồn con người, hướng họ đến những giá trị nhân văn cao cả. Đó là tình yêu thương, đồng cảm, xót xa trước những kiếp người khốn khổ, tàn tạ. Đó là sự nâng niu trân trọng những mơ ước, những khao khát đổi đời dù những ước mơ còn mơ hồ, chưa rõ hình hài (Bức tranh cuộc sống nơi phố huyện và tâm trạng của chị em Liên và An) . Cao hơn nữa là sự sẵn sàng đem đến và thắp sáng những ước mơ cho những con người khốn khổ và bất hạnh đó.(Hình ảnh đoàn tàu qua phố huyện)
.) Nó nâng đỡ sự sống, gieo vào tâm hồn con người những ước mơ chân chính, những niềm tin bất diệt vào những giá trị của cuộc sống. Dù trong hoàn cảnh nào cũng không tắt những ước mơ, những hi vọng vào những điều tốt đẹp. (Cuộc sống dù nghèo nàn, tù túng, lay lắt quẩn quanh nhưng những con người nơi phố huyện chưa ngày nào thôi chờ đợi, khát khao…)
.) Truyện ngắn còn gieo vào lòng người đọc tình yêu thương gắn bó với quê hương (Những bức tranh quê hương gần gũi mà không kém phần thơ mộng, gợi cảm. Các nhân vật trong truyện luôn gắn bó với nơi thôn dã, sống hoà hợp với thiên nhiên…)
+ Tác phẩm “Hai đứa trẻ” còn làm cho người đọc rung động xao xuyến bởi nghệ thuật viết truyện mang đậm sác thái trữ tình, lãng mạn (Giọng văn nhẹ nhàng, điềm tĩnh, khách quan;  lời văn bình dị nhưng luôn ẩn hiện một một tình cảm xót thương, trân trọng; nghệ thuật miêu tả rất tinh tế những biến thái tinh vi của cảnh vật và diễn biến tâm trạng của các nhân vật…)
d, Đánh giá chung
– Văn chương đích thực phải xuất phát từ cuộc sống và đến với cuộc sống. Văn học phải phục vụ đời sống và con người. Tác phẩm Hai đứa trẻ xứng đáng là một minh chứng rõ nét cho nhận định sâu sắc này.
– Tác phẩm chính là sự thể hiện cụ thể của những suy nghĩ, những quan niệm nhân sinh sâu sắc của nhà văn Thạch Lam.
– Nhận định cũng để lại bài học sâu sắc cho những văn nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của mình …
Xem thêm : Bộ đề thi học sinh giỏi môn văn, Tuyển tập đề thi về bài Hai đứa trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *