Đề thi học sinh giỏi về bài Cảnh ngày hè và Đọc Tiểu Thanh Kí

Đề thi học sinh giỏi về bài Cảnh ngày hè và Đọc Tiểu Thanh Kí
Đề bài :
Bàn về thơ, Chế Lan Viên cho rằng: “Thơ cần có hình cho người ta thấy, có ý cho người ta nghĩ và cần có tình để rung động trái tim.”
Anh/ chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi và Đọc Tiểu Thanh kí (Độc Tiểu Thanh kí) của Nguyễn Du.
Hướng dẫn :
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được các ý cơ bản sau:
Mở bài :
Giới thiệu ý kiến và vấn đề cần nghị luận :Bàn về thơ, Chế Lan Viên cho rằng: “Thơ cần có hình cho người ta thấy, có ý cho người ta nghĩ và cần có tình để rung động trái tim.” 
Giới thiệu hai bài thơ :Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi và Đọc Tiểu Thanh kí (Độc Tiểu Thanh kí) của Nguyễn Du.
Thân bài :
 Luận điểm 1 :Giải thích ý kiến của Chế Lan Viên : “Thơ cần có hình cho người ta thấy, có ý cho người ta nghĩ và cần có tình để rung động trái tim.” 

  • Thơ cần có hình: Thơ cần có hình ảnh (thiên nhiên, cuộc sống, con người…) để biểu hiện cảm xúc, tư tưởng của nhà thơ. Đây là phương diện hình thức thơ.
  • Thơ cần có ý: (ý nghĩa nội dung, tư tưởng của thi phẩm); có tình (tình cảm, cảm xúc). Đây là phương diện nội dung thơ.
  • Ý nghĩa câu nói: tác phẩm thơ cần có sự kết hợp hài hòa giữa hình, ý, tình (hình ảnh, tư tưởng, tình cảm, cảm xúc…). Hay nói cách khác, bài thơ cần kết hợp cả hai phương diện nội dung và hình thức.

Luận điểm 2 : Bình luận và chứng minh ý kiến của Chế Lan Viên
Lí giải: Tại sao thơ cần phải có hình, có ý, có tình? 

  • Đặc trưng của văn chương nói chung và thơ ca nói riêng là phản ánh, biểu đạt thông qua hình tượng nghệ thuật. Không có các hình tượng, thế giới tinh thần không thể biểu hiện cụ thể, nhà thơ không thể truyền dẫn thông điệp nội dung, tư tưởng, tình cảm một cách trọn vẹn, ấn tượng đến người đọc.
  • Thơ ca thuộc phương thức trữ tình, thiên về biểu hiện thế giới chủ quan của con người bằng nhiều cách thức khác nhau nhằm biểu đạt những trạng thái tư tưởng, tình cảm và ý nghĩa phức tạp, đa dạng. Mỗi tác phẩm đều mang một ý nghĩa tư tưởng, thông điệp nhất định đòi hỏi người đọc phải căn cứ vào hình, ý, tình mới cảm nhận được.
  • Biểu hiện, yêu cầu về hình, ý, tình trong thơ:
    • Hình ảnh (có thể là hình ảnh thiên nhiên, cuộc sống, con người…) những hình ảnh đó phải chọn lọc, đặc sắc, có sức khái quát, chân thực, đa nghĩa, nhằm để lại ấn tượng, dấu ấn sâu sắc.
    • Ý, tình (tư tưởng, cảm xúc, tình cảm..) phải trong sáng, tiến bộ, có tính nhân văn, hướng con người tới các giá trị Chân – Thiện – Mĩ…
    • Cảm xúc trong thơ phải mãnh liệt, chân thành, nhà thơ phải lựa chọn được những hình ảnh phù hợp để biểu đạt nội dung tư tưởng, cảm xúc một cách tự nhiên, sâu sắc có sức lay động lớn lao.

=> Tác phẩm văn học nói chung, thơ ca nói riêng chỉ hay khi có sự kết hợp hài hòa giữa hình, ý, tình (nội dung và hình thức).
Chứng minh 
+ Phân tích bài thơ “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi để chứng minh

  • Hình ảnh thơ: giản dị, đời thường, có sức tạo hình, biểu cảm, giàu ý nghĩa.
    • Nhiều hình ảnh thiên nhiên được Nguyễn Trãi miêu tả, hiện lên đa dạng: cây hòe, cây thạch lựu, đóa sen hồng, tiếng cầm ve… với đủ mầu sắc, âm thanh và hương vị của cuộc sống.
    • Hình ảnh thiên nhiên luôn có sự vận động, giàu sức sống (thể hiện các động từ mạnh: đùn đùn, phun, tiễn,…).
    • Hình ảnh về con người và cuộc sống: Lao xao chợ cá làng ngư phủ.

=> Nguyễn Trãi đã dựng lên bức tranh ngày hè sinh động, ấn tượng, giàu sức sống rất gần gũi, quen thuộc của nhiều vùng quê.

  • Ý, tình của tác giả (vẻ đẹp tâm hồn).
    • Tình yêu và sự gắn bó với thiên nhiên: cây hòe, cây thạch lựu, đóa sen hồng, tiếng cầm ve…đi vào thơ Nguyễn Trãi một cách chân thực, tự nhiên.
    • Hình ảnh thiên nhiên được tác giả cảm nhận tinh tế, đa dạng, sinh động bằng nhiều giác quan (thị giác, thính giác, khứu giác…)

=> Tình yêu thiên nhiên và tâm hồn tinh tế, nhạy cảm cùng nhiều cung bậc cảm xúc của nhà thơ.

    • Tình yêu đời, yêu cuộc sống: Phải sống một cuộc sống thanh nhàn (bất đắc dĩ) nhưng tâm hồn nhà thơ không u ám mà vẫn rất yêu và gắn bó thiên nhiên, cuộc sống.
    • Tấm lòng thiết tha với dân với nước: Nguyễn Trãi luôn hướng tới cuộc sống của nhân dân, thấu hiểu cuộc sống vất vả, tần tảo của họ. Vì thế ông mong ước có được chiếc đàn của vua Ngu Thuấn để gảy lên khúc Nam phong nhằm đem lại cuộc sống no đủ, hạnh phúc cho nhân dân:”Dân giàu đủ khắp đòi phương”.

=> Tâm hồn, nhân cách cao đẹp của Nguyễn Trãi “thân nhàn” mà “tâm không nhàn”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.

  • Ý nghĩa tư tưởng của bài thơ giàu tính nhân văn: Sống lạc quan, yêu đời, gắn bó với thiên nhiên, sống có trách nhiệm với nhân dân, đất nước.

+Phân tích bài thơ Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du để chứng minh.

  • Hình ảnh giàu sức khái quát:
    • “Hoa uyển”- vườn hoa nơi Tây Hồ xưa đẹp đẽ nay trở thành bãi hoang, gò hoang, theo thời gian và sự bể dâu của cuộc đời, cái đẹp đã biến đổi dữ dội đến tàn tạ.
    • “Son phấn”, “văn chương”: hình ảnh ẩn dụ chỉ sắc đẹp, tài năng của nàng Tiểu Thanh – người con gái có vẻ đẹp hoàn thiện, xứng đáng được hưởng một cuộc sống hạnh phúc nhưng lại bị thực tế phũ phàng vùi dập, phải chịu số phận bất hạnh, đau thương (mảnh giấy tàn, chôn vẫn hận, đốt còn vương).
  • Ý và tình của nhà thơ:
    • Tác giả thể hiện sự đồng cảm, xót thương cho cuộc đời, số phận của Tiểu Thanh – một con người tài sắc, bạc mệnh (Thổn thức bên song mảnh giấy tàn). Khóc thương cho Tiểu Thanh là khóc thương cho vẻ đẹp nhân sinh bị vùi dập.
    • Bày tỏ sự bất bình trước những bất công, ngang trái ở đời, tố cáo những thế lực tàn ác đã chà đạp lên quyền sống con người, đặc biệt là người phụ nữ.
    • Kí thác những nỗi niềm tâm sự qua việc tự nhận mình là người cùng hội cùng thuyền với Tiểu Thanh với những người tài hoa bất hạnh. Luôn trăn trở với “nỗi hồn kim cổ” tự vận vào mình mà không sao lí giải được (Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi/Cái án phong lưu khách tự mang)
    • Gắn lòng thương người bao la với nỗi thương mình và mong muốn nhận được sự đồng cảm, tri âm của người đời. (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng).

=> Thể hiện tình cảm chân thành, mãnh liệt, mối đồng cảm giữa một hồn thơ với một tình thơ.

  • Ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm: Thể hiện tư tưởng nhân đạo, nhân văn cao cả, sâu sắc:
    • Tình cảm nhân đạo không dừng lại ở phạm vi quốc gia mà lan tỏa ra ngoài biên giới. Phía sau lòng thương cảm con người là sự tự thương mình của một trái tim âm ỉ và trăn trở với nỗi đau thời thế.
    • Mong muốn về một xã hội tự do, công bằng, nhân ái, con người được đối xử bình đẳng (đặc biệt là người phụ nữ).

Luận điểm 3 :Đánh giá, nâng cao , mở rộng vấn đề

  • Chính hình, ý, tình làm nên sức sống cho các tác phẩm trên. Mỗi tác phẩm thành công là sự kết hợp hài hòa của nội dung và hình thức.
  • Quan niệm thơ của Chế Lan Viên rất đúng đắn, sâu sắc, có ý nghĩa không chỉ với người sáng tác mà với cả người tiếp nhận. Từ thấy đến nghĩ đến rung động là hành trình hình thành của tác phẩm thơ và cũng là hành trình đánh thức người đọc của thi phẩm. Bởi vậy, trong sáng tạo nghệ thuật mỗi nhà thơ phải có thực tài, thực tâm mới làm nên sự sống cho tác phẩm. Độc giả cũng phải mở lòng mình để cảm nhận sâu cái hay, cái đẹp của thi phẩm trên cả hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật.
  • Nhận định là bài học cho bản thân khi tiếp nhận văn chương và sự trân trọng với những tác phẩm văn học, tài năng sáng tạo và tình cảm mà người nghệ sĩ gửi gắm.

Kết luận : Khẳng định lại vấn đề, khẳng định giá trị của ai bài thơ :Có sự kết hợp hài hòa giữa hình, ý, tình (nội dung và hình thức).
Xem thêm :

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *