Câu 1 (8 điểm):
“Không phải tất cả chúng ta có thể làm những việc vĩ đại. Nhưng chúng ta có thể làm những việc nhỏ nhặt với trái tim vĩ đại”. (Mẹ Teresa)
Viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh (chị) về lời khuyên trên?
Câu 2 (12 điểm):
Bàn về thơ Lưu Quang Vũ viết rằng:
“ Mỗi bài thơ của chúng ta
Phải như một ô cửa
Mở tới tình yêu” (Liên tưởng tháng hai)
Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết của anh (chị) về bài thơ “Vội vàng” (Xuân Diệu) và “Đây thôn Vĩ Dạ” (Hàn Mặc Tử) hãy làm sáng tỏ?
………………………. HẾT…………………………………………
ĐÁP ÁN
Câu | Nội dung chính cần đạt | Điểm |
1 | “Không phải tất cả chúng ta có thể làm những việc vĩ đại. Nhưng chúng ta có thể làm những việc nhỏ nhặt với trái tim vĩ đại”. (Mẹ Teresa) Viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh (chị) về lời khuyên trên? |
8,0 |
Bài làm cần đạt được những nội dung cơ bản sau: | ||
I/ Mở bài : Giới thiệu vấn đề cần bàn luận | 0,5 | |
II/ Thân bài a.Giải thích – Việc vĩ đại : Là những việc lớn lao, phi thường, có tác động lớn đến xã hội. Không phải tất cả chúng ta có thể làm những việc vĩ đại – chỉ có những cá nhân kiệt xuất mới có thể làm nên những việc lớn lao. – Những việc nhỏ nhặt : là những việc làm bình dị, nhỏ bé hàng ngày mà bất kì ai cũng có thể làm. Làm với trái tim vĩ đại – làm với tất cả tình yêu, sự quan tâm chân thành, sâu sắc. -> Câu nói là một lời khuyên đầy ý nghĩa dành cho mọi người : Hãy làm những việc nhỏ bé, bình dị để đem lại hạnh phúc cho người khác bằng tất cả tình yêu thương của trái tim mình. |
` 1,5 |
|
b. Chứng minh – Không phải ai cũng làm được điều vĩ đại vì : + Điều vĩ đại là những điều lớn lao, đòi hỏi người thực hiện phải có tài năng, tâm sức lớn. (ví dụ) + Trong khi đó, ngoài những cá nhân kiệt xuất, đa số con người đều chỉ có những khả năng nhất định. Bởi thế hầu hết chúng ta chỉ có thể làm được những việc bình thường. – Nhưng tất cả chúng ta đều có thể làm được những việc nhỏ nhặt với trái tim vĩ đại vì : + Một trái tim vĩ đại là một trái tim biết yêu hết mình, thương hết mình, biết dành tình yêu của mình cho người khác. Theo mẹ Teresa thì đó là một trái tim biết yêu thương những con người còn phải chịu nhiều khổ đau, bất hạnh trong cuộc đời, nỗ lực mang đến cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn. + Những việc nhỏ nhặt là những việc bình dị, hàng ngày như yêu thương, quan tâm, sẻ chia về vật chất hoặc tinh thần cho những con người nghèo khó, bất hạnh hơn mình. Đây là những việc mà ai cũng có thể làm được. + Những điều vĩ đại là quan trọng, cần thiết cho xã hội, nhưng những điều nhỏ nhặt mới làm nên cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Điều vĩ đại có thể đổi thay cả xã hội, tạo nên những bước ngoặt của thời đại, còn những điều nhỏ nhặt lại có thể thay đổi cuộc đời của một con người. + Điều quan trọng là nhiều điều nhỏ nhặt mới tạo ra điều vĩ đại, bởi thế hãy quan tâm tới những điều nhỏ nhặt hàng ngày và thực hiện chúng bằng tất cả tình yêu thương. · Lưu ý : Ngoài lập luận chắc chắn, học sinh còn cần nêu rõ những dẫn chứng tiêu biểu, thuyết phục. |
3 | |
c/ Bình luận Học sinh cần lật xuôi, lật ngược vấn đề để bàn luận và rút ra bài học cho bản thân. – Cần nhận thấy, mong muốn làm được những điều vĩ đại là mơ ước cao đẹp, chính đáng của con người ; Nhưng nếu không thể làm được những điều vĩ đại hãy bắt đầu làm những việc nhỏ nhặt hàng ngày bằng cả trái tim. Tất cả chúng ta đều có thể sống một cuộc đời ý nghĩa khi biết yêu thương, quan tâm, đem đến những điều tốt đẹp cho mọi người xung quanh. Những việc làm nhỏ gộp lại sẽ tạo nên những việc vĩ đại… – Học sinh cần liên hệ bản thân để rút ra những bài học về nhận thức cũng như hành động. Đây là phần cần được đánh giá cao, khuyến khích những cảm xúc chân thành, những câu chuyện cảm động, chân thực của bản thân học sinh về cuộc sống của chính mình |
2,5 | |
III/ Kết bài: Khẳng định lại ý nghĩa của lời khuyên dành cho mỗi người trong cuộc sống. | 0,5 | |
2 |
Câu 2 (12,0 điểm): Bàn về thơ Lưu Quang Vũ viết rằng: “ Mỗi bài thơ của chúng ta Phải như một ô cửa Mở tới tình yêu” (Liên tưởng tháng hai) Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết của anh (chị) về bài thơ “Vội vàng” (Xuân Diệu) và “Đây thôn Vĩ Dạ” (Hàn Mặc Tử) hãy làm sáng tỏ? |
12,0 |
Thí sinh có quyền triển khai bài làm của mình theo những hướng và các cách khác nhau. Tuy nhiên, bài làm cần đạt được một số yêu cầu cơ bản sau: | ||
Mở bài: Dẫn dắt để giới thiệu được luận đề |
0,5 | |
1/ Giải thích ý kiến: – Ô cửa – là nơi ngăn cách hai thế giới bên trong và bên ngoài -> So sánh mỗi bài thơ như một ô cửa, nhà thơ muốn nói đến chức năng của thơ ca, là phương tiện giúp nhà thơ gửi gắm tâm tư, tình cảm sâu kín của cá nhân mình đến mọi người. –Mở tới tình yêu –Đằng sau cánh cửa thơ ca chính là tình yêu- tình cảm của nhà thơ với con người, cuộc đời; tình yêu – còn là tình cảm của con người với con người dành cho nhau. -> Ý kiến của Lưu Quang Vũ bàn về giá trị của thơ ca: Thơ ca là phương tiện để nhà thơ mở cánh cửa lòng mình đến với mọi người, và hơn thế thơ ca còn là cầu nối tâm hồn của mọi người tìm đến với nhau. |
1,5 | |
2/ Phân tích + Chứng minh * Khẳng định ý kiến trên là hoàn toàn xác đáng, sâu sắc và đúng đắn. *Chứng minh:Học sinh kết hợp kiến thức lí luận và kiến thức văn học để chứng minh – Lí luận: + Thơ cũng như bất cứ một loại hình nghệ thuật nào khác là tấm gương phản chiếu hiện thực đời sống, qua đó thể hiện tư tưởng, tình cảm của tác giả. Các nhà thơ làm thơ khi tình cảm dâng trào mãnh liệt trong trái tim, họ có nhu cầu muốn được sẻ chia, tìm được sự đồng điệu từ phía người đọc. Mỗi bài thơ được tạo ra như một cánh cửa mở tâm hồn là bởi thế! + Thơ là tiếng nói của tình cảm mãnh liệt đã được ý thức. Nhà thơ không chỉ muốn chia sẻ, bộ lộ tình cảm của cá nhân mình, mà muốn lan truyền những xúc cảm ấy tới trái tim người đọc, đem đến cho họ những xúc cảm mới. Từ đó, thơ kết nối những tâm hồn người đọc đến với nhau, cùng hướng đến những giá trị tốt đẹp. Bởi thế mà mỗi bài thơ phải mở tới tình yêu, đưa con người đến với nhau. – Chứng minh bằng kiến thức văn học + Vội vàng (Xuân Diệu): chứa đựng những cảm xúc riêng tư mà nhà thơ muốn được sẻ chia với mọi người. Mở ô cửa “Vội vàng” ta bắt gặp tình yêu cuộc sống sôi nổi, mê say; khoảnh khắc nghẹn ngào, xót xa khi nhận ra sự chảy trôi nghiệt ngã của thời gian, của tuổi trẻ trong cuộc đời; thái độ sống vồ vập, gấp gáp, chạy đua với thời gian để sống trọn vẹn và ý nghĩa. Những người đọc “vội vàng” cũng sẽ nhận ra những cung bậc cảm xúc ấy, để thấu hiểu nhà thơ, thấu hiểu chính mình và thấu hiểu nhau nhiều hơn. Vội vàng sẽ giúp cho người đọc mở được cánh cửa của tình yêu cuộc sống, yêu tuổi trẻ của chính mình, để sống trọn vẹn hơn… + “Đây thôn Vĩ Dạ” (Hàn Mặc Tử): Trước hết là tình yêu sâu sắc của nhà thơ dành cho Vĩ Dạ, cho cuộc đời, khát khao được sống, được yêu thương,… Người đọc mở ô cửa “Đây thôn Vĩ Dạ” sẽ bắt gặp những xúc cảm đáng trân trọng ấy, đồng cảm sẻ chia với nhà thơ tài hoa bạc mệnh, từ đó mà thêm yêu thiên nhiên, cuộc sống, con người quanh mình… |
4,5 | |
3/ Mở rộng, nâng cao: – Thơ ca có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống con người. Mỗi bài thơ là những tâm tư tình cảm sâu sắc mãnh liệt của người nghệ sĩ gửi gắm tới con người, cuộc đời. Qua những xúc cảm của cá nhân, mỗi bài thơ lại đánh thức những xúc cảm trong lòng người đọc, hướng con người tới những giá trị Chân – Thiện – Mĩ. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn khi có thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung. (Hs mở rộng các tác phẩm thơ khác) – Bài học: + Với nhà thơ: Cần cảm nhận cuộc sống bằng tất cả tâm hồn, để khi trái tim rung lên những xúc cảm mãnh liệt có thể tạo nên những vần thơ sâu sắc. Nhà thơ cần ý thức về sứ mệnh của mình là người mở cánh của tâm hồn con người, đưa con người đến với nhau, cùng sống trong một thế giới ngập tràn tình yêu. Để ô cửa thơ ca hấp dẫn, lôi cuốn hơn với người đọc, ngoài những xúc cảm sâu sắc, phong phú gửi trong nội dung, nhà thơ còn cần có những nỗ lực sáng tạo nghệ thuật. + Với người đọc: cần cảm nhận tác phẩm bằng tất cả tâm hồn để hiểu được tiếng lòng mà người nghệ sĩ gửi gắm. Hãy mở những ô cửa thơ ca để hiểu người, hiểu mình, để được sống trong một thế giới ấm áp, yêu thương,… |
3,0 | |
Kết bài: Khẳng định xứ mệnh cao cả của thơ ca | 0,5 |
Người ra đề: Vũ Thị Hằng