Đề thi chọn đổi tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Văn tỉnh Thanh Hóa

Đề thi chọn đổi tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Văn tỉnh Thanh Hóa :
Phải chăng, người muốn là mình mà không dám là mình thì dần dần có thể sẽ đánh mất mình?Cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi không chứa đựng chất thơ sẽ trở thành thô thiển, thành một thứ chủ nghĩa tự nhiên không cánh, không thúc gọi, không dẫn dắt ta đi đâu cả.

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THANH HÓA
 
ĐỀ CHÍNH THỨC

Số báo danh:
………………….

 
 

KỲ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN DỰ THI HSG QUỐC GIA
NĂM HỌC 2014 – 2015
 
MÔN THI: NGỮ VĂN
Ngày thi: 10/10/2014
Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
(Đề gồm 02 câu, có 01 trang)
 

 
 
Câu 1 (8,0 điểm)
Phải chăng, người muốn là mình mà không dám là mình thì dần dần có thể sẽ đánh mất mình?
Câu 2 (12,0 điểm)
Nhà văn Nga K.Pau-tôp-xki cho rằng:
Cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi không chứa đựng chất thơ sẽ trở thành thô thiển, thành một thứ chủ nghĩa tự nhiên không cánh, không thúc gọi, không dẫn dắt ta đi đâu cả.
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Từ cảm nhận về một vài tác phẩm văn xuôi yêu thích, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.
……………………………………………HẾT………………………………………….
 
 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THANH HÓA
 
 
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN
HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA LỚP 12 THPT                 
NĂM HỌC 2014 – 2015
 
MÔN THI: NGỮ VĂN
Ngày thi: 10/10/2014
 (Đáp án gồm có 04 trang)

 
 

Câu Ý Nội dung Điểm
1   Phải chăng, người muốn là mình mà không dám là mình thì dần dần có thể sẽ đánh mất mình? 8,0
Yêu cầu chung
– Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận xã hội của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ thái độ, chủ kiến của mình để làm bài.
– Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng, được tự do bày tỏ quan niệm riêng của mình, nhưng phải có thái độ chân thành nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.
Yêu cầu cụ thể
a. Giải thích 1,5
 
 
 
 
Muốn là mình: là khao khát thể hiện, bộc lộ và khẳng định bản thân.
Không dám là mình: là không đủ bản lĩnh, dũng khí và sự tự tin để thể hiện, bộc lộ và khẳng định mình.
Đánh mất mình: không còn là chính mình.
-> Câu hỏi đặt ra ở đề bài là băn khoăn về sự nguy hại của lối sống không dám là mình.
 
 
 
 
b. Luận bàn 5,0
Thí sinh có thể trình bày nhiều suy nghĩ khác nhau về vấn đề muốn là mình mà không dám là mình thì dần dần có thể sẽ đánh mất mình nhưng việc luận bàn cần hướng đến các phương diện sau:
– Khát khao được là mình, được sống với chính mình là nhu cầu cần thiết, chính đáng và là niềm hạnh phúc của con người. Tuy nhiên, không phải lúc nào, không phải ai cũng dám là mình.
– Chỉ ra các biểu hiện ở những dạng thức, mức độ khác nhau của lối sống không dám là mình.
– Cần lí giải được vì sao người muốn là mình mà không dám là mình.
– Có đúng là người muốn là mình mà không dám là mình thì dần dần có thể sẽ đánh mất mình không?
 
 
 
c. Bài học nhận thức và hành động 1,5
Từ luận bàn trên, thí sinh cần phải rút ra bài học nhận thức và hành động để thể hiện, khẳng định mình một cách chính đáng, để được sống là chính mình một cách có ý nghĩa.  
2   Cảm nhận về một vài tác phẩm văn xuôi yêu thích để bình luận ý kiến của nhà văn Nga K.Pau-tôp-xki 12,0
    Yêu cầu chung
  – Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về lí luận văn học, tác phẩm văn học, kĩ năng tạo lập văn bản, khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài.
– Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng.
 
 
  Yêu cầu cụ thể
a. Giải thích ý kiến 3,0
  * Cắt nghĩa ý kiến:
Chất thơ: là chất trữ tình thể hiện ở việc bộc lộ tình cảm, cảm xúc bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhạc điệu và sức biểu cảm.
Cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi không chứa đựng chất thơ sẽ trở thành thô thiển: là một cuộc sống chân thực đến trần trụi, thô ráp.
Cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi không chứa đựng chất thơ sẽ trở thành một thứ chủ nghĩa tự nhiên không cánh, không thúc gọi, không dẫn dắt ta đi đâu cả: là hiện thực phản ánh không mang tính định hướng, không có khả năng tác động đến tư tưởng, tâm hồn người đọc.
-> Bằng cách nói phủ định, ý kiến đã khẳng định ý nghĩa của chất thơ trong văn xuôi: chất thơ chính là đôi cánh nâng đỡ để cuộc sống được phản ánh vừa trở nên thi vị, trong sáng, giàu tính thẩm mĩ vừa thúc gọi, dẫn dắt, bồi đắp những tư tưởng, tình cảm nhân văn cho tâm hồn bạn đọc.
1,5
  * Lí giải ý kiến:
– Phương thức biểu đạt chủ yếu của văn xuôi là tự sự, nhà văn thường chú ý đến xây dựng cốt truyện, nhân vật, sự kiện, tình tiết, tình huống. Trong khi đó phương thức biểu đạt chủ yếu của thơ là biểu cảm, nhà thơ tập trung bộc lộ tiếng nói tâm hồn mình bằng vần điệu. Vậy nên, khi văn xuôi chứa đựng chất thơ sẽ tạo nên phong vị ngọt ngào, dễ lan thấm vào tâm hồn người đọc.
– Trong thực tế sáng tác, các nhà văn thường có xu hướng phối hợp, đan xen nhiều thể loại. Đưa chất thơ vượt biên giới thể loại sang văn xuôi chính là sự vận dụng kết hợp linh hoạt, sáng tạo nhiều phương thức biểu đạt của nhà văn.
1,5
b. Cảm nhận về một vài tác phẩm văn xuôi yêu thích 7,0
  Thí sinh được tự do lựa chọn một vài tác phẩm văn xuôi yêu thích để cảm nhận. Tuy nhiên đây không phải là cảm nhận toàn bộ tác phẩm mà cần tập trung hướng sự cảm nhận vào hai phương diện:
– Chỉ ra được biểu hiện của chất thơ trong tác phẩm trên cả nội dung và hình thức nghệ thuật.
– Phân tích được ý nghĩa của chất thơ trong việc phản ánh hiện thực ở tác phẩm văn xuôi trên hai khía cạnh:
+ Thứ nhất, làm cho cuộc sống trong trang văn trở nên thi vị, trong sáng, vút cao.
+ Thứ hai, khiến hiện thực đó có thể định hướng, dẫn dắt tâm hồn người đọc.
 
 
 
 
3,0
 
4,0
c. Bình luận ý kiến 2,0
  – Khẳng định câu nói của nhà văn Nga K.Pau-tôp-xki là sự đề cao, đánh giá ý nghĩa của chất thơ trong văn xuôi. Đồng thời cũng là sự chia sẻ kinh nghiệm quý giá của một nhà văn đã không ngừng lao động sáng tạo viết nên những áng văn xuôi đẹp, thấm đẫm chất thơ.
– Đây cũng chính là sự gợi nhắc, cổ vũ cho người cầm bút vận dụng kết hợp nhiều phương thức biểu đạt để mong có được những tác phẩm văn chương giá trị.
– Đưa chất thơ vào trong văn xuôi không có nghĩa là nhà văn thoát li hiện thực cuộc sống, tô hồng và thi vị hóa cuộc sống.
Lưu ý chung
1. Đây là đáp án mở, thang điểm không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của phần nội dung lớn nhất thiết phải có.
2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
3. Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.
4. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng.
5. Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.

 …………………………………………..HẾT…………………………………………..

Xem thêm : Tuyển tập đề thi học sinh giỏi môn Văn
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *