Đề thi chọn đội tuyển Học sinh giỏi quốc gia môn Văn tỉnh Quảng Bình

Đề thi chọn đội tuyển Học sinh giỏi quốc gia môn Văn tỉnh Quảng Bình, Thơ là mở ra được một cái gì mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó, vẫn như là bị phong kín

KÌ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN DỰ THI HSG QUỐC GIA

         QUẢNG BÌNH                                       LỚP 12 THPT,  NĂM HỌC 2016 – 2017
     ĐỀ CHÍNH THỨC                                              (Khóa thi ngày 14/9/2016)
                                                                           Môn: Văn (vòng 2)
                                   Thời gian làm bài: 180 phút (không kể giao đề)
                                                         
 Câu 1: (8,0 điểm)
Bàn về giá trị của sự trải nghiệm, Mark Twain từng nói: “Đi khám phá là giết chết thành kiến, sự cố chấp và những đầu óc hạn hẹp” (Theo John đi tìm Hùng – NXB Kim Đồng, 2013, tr. 266).
Hãy trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.
Câu 2: (12,0 điểm)
“Thơ là mở ra được một cái gì mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó, vẫn như là bị phong kín” (Nguyễn Tuân – Thời và thơ Tú Xương – Văn học 12, tập một, sách chỉnh lí hợp nhất năm 2000, tr. 186).
Hãy giải thích ý kiến trên và làm sáng tỏ bằng một thi phẩm trong chương trình.
HƯỚNG DẪN CHUNG
– Giám khảo căn cứ vào nội dung triển khai và mức độ đáp ứng các yêu cầu về kĩ năng để cho từng ý điểm tối đa hoặc thấp hơn.
– Những nội dung để trong dấu ngoặc vuông chủ yếu chỉ có tính gợi ý, không buộc học sinh phải trình bày tương tự; giám khảo cần linh động khi vận dụng đáp án.
– Có thể cho điểm toàn bài như sau: 0; 0,25; 0,5; 0,75; … đến tối đa là 20.
HƯỚNG DẪN CỤ THỂ
 Câu 1 (8,0 điểm)
Nội dung yêu cầu Điểm
I. Yêu cầu về kĩ năng
– Biết cách làm bài nghị luận xã hội; bố cục và cách trình bày hợp lí.
– Hệ thống ý (luận điểm) rõ ràng và được triển khai tốt.
– Diễn đạt suôn sẻ; mắc ít lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
II. Yêu cầu về nội dung
(Học sinh có thể sắp xếp, trình bày theo nhiều cách)
1. Giải thích được nội dung của câu nói:
– Đi khám phá: là một hoạt động trải nghiệm, trong đó con người đi đến những không gian mới, trải nghiệm cuộc sống ở đó để phát hiện ra những cái ẩn giấu, bí mật đầy mới mẻ của cuộc sống. Đi khám phá hoàn toàn khác với hoạt động du lịch thông thường.
– Thành kiến, sự cố chấp: là những ý nghĩ, tư tưởng tiêu cực, cứng nhắc đã thành cố định, khó thay đổi.
– Đầu óc hạn hẹp: nhận thức và suy nghĩ nông cạn, lạc hậu.
– Nội dung câu nói: Đi khám phá sẽ giúp con người thay đổi nhận thức và tư tưởng, hiểu biết sâu sắc hơn về con người và xã hội, mở rộng tầm nhìn và tri thức của mình.
2. Đánh giá về câu nói: (Học sinh có thể có những suy nghĩ và cách diễn đạt khác nhau, nhưng về cơ bản cần hướng đến những nội dung chủ yếu sau):
– Nhận thức, tư tưởng của con người được hình thành chủ yếu từ trong thực tiễn đời sống. Nếu con người chỉ quẩn quanh trong những không gian chật hẹp, quen thuộc, nhận thức con người sẽ trở nên hạn hẹp, lạc hậu, dễ hình thành nên những thành kiến, những suy nghĩ cố chấp.
– Những vùng đất mới và cuộc sống mới bao giờ cũng chứa đựng những bí mật sâu xa của đời sống. Khám phá nó sẽ đem đến cho con người những hiểu biết và nhận thức mới mẻ.
– Sự trải nghiệm đòi hỏi con người phải thâm nhập cuộc sống [sống thực sự với không gian đó, với cuộc đời đó, trải qua những cảm xúc thực sự với nó], từ đó con người mới có khả năng thay đổi nhận thức, xóa bỏ những thành kiến, những suy nghĩ cố chấp.
– Cuộc sống bên ngoài có khi khác xa với những lí thuyết trong sách vở, vì vậy sự trải nghiệm là cần thiết để con người hiểu đúng về bản chất đời sống.
3. Mở rộng nâng cao:
– Xã hội hiện đại đòi hỏi con người, nhất là tuổi trẻ, phải biết trải nghiệm cuộc sống để mở rộng tầm nhìn, hình thành những tư tưởng mới mẻ, tiến bộ, có tính nhân loại.
– Hoạt động trải nghiệm còn giúp con người hình thành những năng lực và kĩ năng sống cần thiết.
Câu 2 (12,0 điểm)
Nội dung yêu cầu Điểm
I. Yêu cầu về kĩ năng
– Biết cách làm bài nghị luận văn học; bố cục và cách trình bày hợp lí.
– Hệ thống ý (luận điểm) rõ ràng và được triển khai tốt; dẫn chứng phù hợp.
– Diễn đạt suôn sẻ; mắc ít lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
II. Yêu cầu về nội dung
(Học sinh có thể sắp xếp, trình bày theo nhiều cách)
1. Giải thích ý kiến:
– Hiểu được quan niệm về thơ của Nguyễn Tuân: thơ ca phải có sức gợi mở vô cùng, chứa đựng những điều mới mẻ độc đáo.
– Lí giải được vì sao:
+ Vì thơ là tiếng nói về thế giới tâm hồn đầy riêng tư, bí mật của con người. Cảm xúc trong thơ là cảm xúc riêng, nỗi niềm riêng, mà nếu nhà thơ không giãi bày thì mãi mãi là một vương quốc bí mật.
+ Vì cuộc sống được thể hiện trong thơ là cuộc sống được phản chiếu qua thế giới cảm xúc của nhà thơ, in đậm một cách nhìn, một cách cảm mới mẻ, độc đáo.
+ Cảm xúc trong thơ bao giờ cũng tìm đến với một cách thể hiện tương ứng đầy sáng tạo, không lặp lại.
2. Làm sáng tỏ quan niệm của Nguyễn Tuân bằng một thi phẩm cụ thể:
– Chọn được tác phẩm phù hợp.
– Biết cách phân tích, lí giải để làm sáng tỏ vấn đề.
6,0
3. Mở rộng nâng cao:
– Tiếng nói trong thơ dù riêng tư nhưng phải được nâng lên ở tầm phổ quát.
– Sự độc đáo, mới mẻ không chỉ là yêu cầu của thơ ca mà còn là yêu cầu của sáng tạo nghệ thuật nói chung.
Xem thêm : Bộ đề thi học sinh giỏi  Ngữ văn lớp 10-11-12
 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *