PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Đọc văn bản sau:
THẤT BẠI
Ai cũng sợ thất bại
Dường như ai cũng sợ thất bại. Bởi nó có thể làm cho ta hao tổn tài sản, năng lực, niềm tin và cả hy vọng nữa. Nói chung, sự thất bại nào cũng mang lại cảm xúc xấu, trong khi bản năng con người thì chỉ yêu thích cảm xúc tốt. Nhưng cũng tùy vào quan niệm sống và thái độ phản ứng của mỗi người đối với sự thất bại, mà cảm xúc xấu ấy sẽ biểu hiện và ảnh hưởng đến phẩm chất đời sống như thế nào. Nếu ta cho rằng mình sẽ không bao giờ thất bại vì tài năng và bản lĩnh có thừa, thậm chí ta còn nghĩ thất bại là điều rất xấu xa thì khi bất ngờ đối đầu với nó chắc chắn ta sẽ hốt hoảng và chống trả quyết liệt. Ta phải lo thu dọn bao nhiêu thứ tàn dư sau cuộc thất bại, rồi phải tìm cách ứng phó để giữ gìn sĩ diện, và còn lo nghĩ đến thảm cảnh đáng thương của ta trong tương lai. Chính những thái độ ấy đã biến sự thất bại thành nỗi khổ niềm đau, nhấn cuộc đời ta chìm xuống.
[…]
Chỉ là chưa thành công
Ta nên biết rằng mỗi thành công phải luôn hội tụ vô số điều kiện phù hợp với nó, và không phải lúc nào ta cũng chủ động nắm hết mọi điều kiện vì có thể nó hoàn toàn nằm ngoài tầm tay. Dù điều kiện quyết định cho thành công có khi nằm ngay trong ta và tưởng chừng rất dễ nắm bắt, nhưng nếu thiếu kinh nghiệm và thiếu sáng suốt thì ta cũng không biết phải thêm bớt như thế nào cho vừa đủ điều kiện để kết quả xảy ra. Đây cũng là lẽ đương nhiên. Nếu ai cũng nắm được mọi bí quyết đưa tới sự thành công, thì con người đã không còn là con người và thế gian này đã biến thành cõi thiên đường mất rồi. Vì vậy khi sự việc bất thành, ta hãy hiểu rằng những điều kiện đưa tới sự thành công chỉ là chưa hợp lý. Nó có thể dư hoặc có thể thiếu, chứ không hẳn là hoàn toàn trống rỗng hay vô nghĩa […]
Thật ra, thất bại chính là một phần rất quan trọng của cuộc sống. Khi thất bại, ta sẽ thu mình lại. Mặc dù bị cảm giác rất khó chịu đè nặng, nhưng đó là cơ hội để ta nhìn lại mình rõ hơn. Ít nhất là tính tự hào, háo thắng hay chủ quan trong ta cũng rơi rụng bớt. Đó là lý do mà các bậc trải nghiệm luôn rất lo lắng khi thấy những người trẻ gặt hái thành công quá dễ dàng, nhất là sự thành công ấy chủ yếu dựa vào sự may mắn bên ngoài. Họ chưa nếm trải cảm giác khó chịu khi thất bại, cái tôi của họ chưa từng bị bầm dập trong những giai đoạn khốn cùng mà không biết cách xoay xở ra sao. Họ cũng chưa kịp đánh thức và nuôi dưỡng những phẩm chất quý giá trong tâm hồn như đức từ ái hay tính khiêm cung để tạo ra thế cân đối vững chãi. Vì thế, thành công lớn có thể trở thành tai họa cho chính cuộc đời họ và cả mọi người xung quanh. Ta đã từng chứng kiến rất nhiều người trẻ có những thành công vang dội, nhưng lại mau chóng rụi tàn. Đến mức họ không còn dám ngửa mặt nhìn đời, phải ẩn mình mãi mãi, hoặc có khi chọn tới sự kết thúc thật thê thảm […]
Mỉm cười với thất bại
Khi đón nhận thất bại, điều mà ta nên làm và cũng khó làm nhất đó chính là nhìn lại phản ứng của mình. Ta hãy cố gắng ghi nhận những gì đang biểu hiện trong dòng cảm xúc hay tâm tưởng của mình mà không dùng ý chí để đàn áp hay phủ nhận nó. Cần nắm rõ hiện trạng tâm lý để ta đánh giá chính xác nội lực của mình mà quyết định hứng chịu một mình, hay phải cần đến sự trợ giúp của người thân. Đừng cố gắng che đậy để bảo vệ danh dự hay dựa dẫm vào những đối tượng khác để xoa dịu sự tổn thương. Để làm được những điều này, hằng ngày ta cần phải luyện tập cho mình thói quen luôn nhìn lại tâm mình ở mọi lúc mọi nơi. Nhìn lại mình đã là một bước tiến bộ đáng nể rồi. Nhưng nếu có thể nhìn bằng thái độ không thành kiến thì cái nhìn ấy sẽ đạt tới mức thấu suốt bản chất của mọi vấn đề. Có thể ta sẽ thấy chính những phiền não trong ta mới là nguyên nhân chính dẫn đến mọi thất bại. Hoàn cảnh tuy có tác động nhưng chỉ đóng vai trò phụ…
(Trích Hiểu về trái tim –Thích Minh Niệm, trang 280- 281)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
Câu 1. Nêu luận đề của văn bản trên.
Câu 2. Để làm rõ luận đề, tác giả bài viết triển khai mấy luận điểm? Chi rõ các luận điểm ấy.
Câu 3. Theo anh/ chị, văn bản trên được viết nhằm mục đích gì?
Câu 4. Anh/ chị có đồng ý với ý kiến: Thật ra, thất bại chính là một phần rất quan trọng của cuộc sống không? Vì sao?
Câu 5. Thông điệp sâu sắc nhất mà anh/ chị nhận được sau khi đọc đoạn trích trên là gì, nêu ý nghĩa của thông điệp đó?
II.PHẦN VIẾT (6.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Thất bại chính là một phần rất quan trọng của cuộc sống; đối đầu hay bỏ cuộc là lựa chọn của mỗi người.
Viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/ chị về ý nghĩa của sự thất bại trong cuộc sống con người.
Câu 2. (4.0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày cảm nhận về vẻ đẹp của người mẹ trong bài thơ sau:
Một đời mẹ mặc áo nâu
Bao nhiêu tấm cũng một màu đất đai
Rách lành kể những hôm mai
Áo như đời mẹ sờn phai mỗi ngày
Áo nâu bạc, áo nâu gầy
Áo như thửa ruộng chở đầy nắng mưa
Lắng nghe sợi vải ngày xưa
Thấy trong mặn chát đã thừa mồ hôi
Bao nhiêu nước mắt mẹ rơi
Áo nâu gói cả những lời xót xa
Mẹ như sông phía quê nhà
Dốc lòng đôi vạt phù sa lặng thầm
Mẹ đi về phía trăm năm
Con ngồi xếp những nâu trầm mà thương
Thôi đành nhờ cả khói sương
Áo nâu ơi, hãy theo đường mẹ đi…
(Nguyễn Văn Song, Một đời áo nâu)
ĐÁP ÁN
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 4.0 | |
1 | Luận đề của văn bản được thể hiện ngay ở nhan đề bài viết: THẤT BẠI | 0.5 | |
2 | Để làm rõ luận đề, tác giả bài viết triển khai 3 luận điểm:
+ Luận điểm 1: Ai cũng từng thất bại + Luận điểm 2: Chỉ là chưa thành công + Luận điểm 3: Mỉm cười với thất bại |
0.5 | |
3 | Văn bản trên được viết nhằm mục đích: hướng người đọc tới việc học cách ứng phó tích cực với những thất bại trong cuộc sống. Bởi lẽ, đó là điều ai cũng sẽ phải trải qua trong đời sống. Hãy vui vẻ sống những tháng ngày “chưa thành công” như đón nhận cơ hội để đào luyện sức chịu đựng và chuyển hóa tâm tính của mình | 1.0 | |
4 | – Học sinh đưa ra quan điểm đồng ý/ không đồng ý/ đồng ý một nửa.
– Học sinh lí giải. Ví dụ: Tôi đồng ý với ý kiến thất bại chính là một phần rất quan trọng của cuộc sống Vì sau những sự “bất thành” luôn ẩn chứa một bài học. Vậy thất bại không chỉ đơn thuần là cái bất như ý, cái bất thành mà nó còn là bài học, là kinh nghiệm, là việc khiến chúng ta biết đặt mình vào vị trí của người khác để thông cảm, thấu hiểu, sẻ chia… Nó giúp chúng ta trưởng thành và thành công hơn trong cuộc sống. |
1.0 | |
5 | Thông điệp sâu sắc nhất:
– HS trả lời theo ý hiểu cá nhân, đảm bảo hợp lý, chuẩn mực và thuyết phục. – Gợi ý: + Thông điệp: Con người hãy dám đối mặt với thất bại, thất bại là mẹ của thành công. + Ý nghĩa: Thất bại là cơ hội để cho chúng ta nhìn lại mình, chúng ta bớt tự hào, hiếu thắng, chủ quan coi thường hoàn cảnh. Thất bại giúp con người mạnh mẽ, có bản lĩnh, nghị lực, giúp con người biết từ ái, khiêm cung, luôn lắng nghe, học hỏi để hoàn thiện mình. |
1.0 | |
II | VIẾT | 6.0 | |
1 | Viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý nghĩa của sự thất bại trong cuộc sống con người. | 2.0 | |
a. Xác định được về hình thức, dung lượng của đoạn văn ( khoảng 200 chữ). Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân- hợp; song hành hoặc móc xích. | 0.25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: ý nghĩa của sự thất bại trong cuộc sống con người. |
|||
c.Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận
Xác định được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận, sau đây là một số gợi ý: -Thất bại là trạng thái hụt hẫng, bế tắc khi không thể hoàn thành được mục tiêu mà mình đã đặt ra hay thua cuộc trước một ai đó, nó để lại những hậu quả nghiêm trọng cho chúng ta về vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt thất bại có thể khiến ta mất đi niềm tin vào bản thân, trở nên bi quan tuyệt vọng. Tuy nhiên, nếu ai dám đối mặt với thất bại con người sẽ thành công trong cuộc sống. – Ý nghĩa của sự thất bại trong cuộc sống của con người: + Thất bại là động lực để chúng ta hoàn thiện bản thân. + Thất bại là trải nghiệm để chúng ta tự thay đổi, nhận thức được những hạn chế của bản thân để khắc phục sửa đổi. + Thất bại giúp con người có bản lĩnh, kiên cường hơn để đối mặt với khó khăn thử thách, giúp con người chiến thắng bản thân để khẳng định mình, để đứng lên sau những vấp ngã. + Thất bại để con người rút kinh nghiệm, cho con người những bài học quý giá để con người biết trân trọng những gì mình đang có, trân trọng thành quả lao động của người khác. + Thất bại giúp con người sống biết cảm thông, sẻ chia bao dung, nhân ái hơn, biết khiêm cung, lắng nghe và học hỏi để hoàn thiện chính mình. – Lấy dẫn chứng tiêu biểu – Liên hệ, phản đề, rút ra bài học nhận thức và hành động.
|
|||
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn được thao tác lập luận, phương thức biểu đạt hợp lý để triển khai vấn đề. – Trình bày rõ quan điểm và hệ thống ý. – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lí lẽ xác đáng, bằng chứng hợp lý. |
0.5 | ||
đ. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn |
0.25 | ||
|
e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, mới mẻ, văn phong trôi chảy. | 0.25 | |
2 | Viết bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày cảm nhận về vẻ đẹp của người mẹ trong bài thơ Một đời áo nâu của Nguyễn Văn Song. | 4.0
|
|
|
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận văn học | 0.25 | |
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: nêu cảm nhận về vẻ đẹp của người mẹ trong bài thơ Một đời áo nâu (Nguyễn Văn Song) | 0.5 | ||
c. Triển khai vấn đề cần nghị luận:
Thí sinh có thể vận dụng các thao tác lập luận khác nhau để triển khai vấn đề cần nghị luận, tuy nhiên phải đúng trọng tâm mà đề bài yêu cầu. Có thể tham khảo hướng sau: 1. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm – Nhà thơ Nguyễn Văn Song sinh năm 1974, tại Vân Điềm, Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội. Hiện là giáo viên Trường THPT Phù Cừ, Hưng Yên. Anh đã xuất bản 2 tập thơ: Đi từ phía cổng làng, Mẹ và sen. Đoạt giải B (không có giải A) cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam 2019 – 2020 và nhiều giải thưởng khác. – Thơ lục bát của Nguyễn Văn Song dễ đọc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người bởi ngôn ngữ thơ anh khá chân thành, mộc mạc nhưng lại có những câu từ đắt giá và hình tượng. Nhất là những bài thơ về cha mẹ, về làng quê. Những bờ ao, gốc rạ, cơi trầu, giỏ tre, gọng vó, cổng làng, sân đình… được anh xem như là những kỷ vật để anh thực sự ký thác hồn mình để nhả ra ngôn ngữ thi ca đầy hình tượng. – Một đời áo nâu của Nguyễn Văn Song là một bài thơ xúc động, ý nghĩa về sự hy sinh của mẹ. Người mẹ trong bài thơ vừa có nét chung, rất giống với bao bà mẹ Việt Nam khác, đặc trưng chỉ có trong thơ và cảm nhận của Nguyễn Văn Song. 2. Phân tích – Một người mẹ giản dị, mộc mạc, cần cù, chịu thương chịu khó: phân tích hình ảnh áo “màu đất đai”, “sờn phai”, khổ thơ thứ 2. + Áo “màu đất đai”, “sờn phai mỗi ngày”: biện pháp hoán dụ thể hiện sự lam lũ, vất vả của mẹ. + Biện pháp so sánh “áo như thửa ruộng chở đầy nắng mưa” và ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “Lắng nghe sợi vải ngày xưa/ Thấy trong mặn chát đã thừa mồ hôi”: cho thấy đức tính cần cù, chăm chỉ, không ngại nhọc nhằn của mẹ. – Một người mẹ kiên cường, đầy nghị lực, giàu đức hi sinh để nuôi dạy con khôn lớn: + “Nước mắt mẹ rơi” và “Áo nâu gói cả những lời xót xa”: cho thấy những tủi hờn mà mẹ phải chịu đựng trong suốt cả cuộc đời để nuôi dạy con => con người đầy nghị lực + Biện pháp so sánh mẹ với dòng sông phía quê nhà: cho thấy đức hi sinh lặng thầm, cao cả của mẹ. 3. Nhận xét, đánh giá – Nội dung: + Khắc họa hình ảnh tiêu biểu của người mẹ Việt Nam: giản dị, cần cù, giàu đức hi sinh. + Thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng, sự trân trọng và biết ơn mà tác giả dành cho mẹ của mình. – Nghệ thuật: + Xây dựng hình ảnh tượng trưng “áo nâu” đầy ấn tượng và đặc sắc. + Ngôn ngữ giản dị, nhẹ nhàng, sâu lắng, tha thiết. + Kết hợp nhiều biện pháp tu từ làm tăng sức gợi hình, gợi cảm, truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa. |
1.5 | ||
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Triển khai được ít nhất nửa số ý về vẻ đẹp của người mẹ, bài viết bám sát nghệ thuật, hình ảnh thơ – Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. – Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. – Bài viết lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng.
|
1.0 | ||
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản
|
0.25 | ||
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0.5 | ||
Tổng điểm | 10.0 |