Đề tham khảo theo cấu trúc mới 2025 của Bộ -đề số 9

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Trăng

Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá,
Ánh sáng tuôn đầy các lối đi.
Tôi với người yêu qua nhẹ nhẹ…
Im lìm, không dám nói năng chi.

(2) Bâng khuâng chân tiếc dậm lên vàng,
Tôi sợ đường trăng tiếng dậy vang,
Ngơ ngác hoa duyên còn núp lá,
Và làm sai lỡ nhịp trăng đang.

(3) Dịu dàng đàn những ánh tơ xanh,
Cho gió du dương điệu múa cành;
Cho gió đượm buồn, thôi náo động
Linh hồn yểu điệu của đêm thanh.

(4) Chúng tôi lặng lẽ bước trong thơ
Lạc giữa niềm êm chẳng bến bờ
Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá!
Hai người, nhưng chẳng bớt bơ vơ.

 (Xuân Diệu, Thơ mới 1932-1945 tuyển chọn, NXB Văn học, 2004, tr. 113)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):

Câu 1. Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ.

Câu 2. Hãy chỉ ra những từ ngữ miêu tả trăng trong khổ thơ (4).

Câu 3. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ ẩn dụ được sử dụng trong những dòng thơ sau:

Dịu dàng đàn những ánh tơ xanh,
Cho gió du dương điệu múa cành;

Câu 4. Nhận xét tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ.

Câu 5. Anh/chị hãy so sánh điểm khác nhau trong mối quan hệ giữa trăng và người ở những câu thơ sau:

Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá!
Hai người, nhưng chẳng bớt bơ vơ.

 (Trăng – Xuân Diệu)

Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.”

                       (Ngắm trăng – Hồ Chí Minh)

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm của yếu tố tượng trưng trong đoạn thơ sau:

(…) Dịu dàng đàn những ánh tơ xanh,
Cho gió du dương điệu múa cành;
Cho gió đượm buồn, thôi náo động
Linh hồn yểu điệu của đêm thanh.

Chúng tôi lặng lẽ bước trong thơ
Lạc giữa niềm êm chẳng bến bờ
Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá!
Hai người, nhưng chẳng bớt bơ vơ.

  (Trăng – Xuân Diệu)

Câu 2. (4.0 điểm)

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh chị về hiện tượng bạo lực mạng trong giới trẻ hiện nay.

 

ĐÁP ÁN

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ: Tôi 0,5
2 Những từ ngữ miêu tả trăng: trăng sáng, trăng xa, trăng rộng 0,5
3 Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ ẩn dụ:

– Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: đàn những ánh tơ xanh

– Tác dụng:

+ Nhằm làm cho lời thơ trở nên sinh động, hấp dẫn, giàu giá trị biểu cảm

+ Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác cho thấy thay vì sử dụng giác quan thính giác (âm thanh) để cảm nhận tiếng đàn thì tác giả sử dụng “những ánh tơ xanh” là từ chỉ thị giác. Qua đó cho thấy tình yêu trong thơ Xuân Diệu như một khu vườn đầy màu sắc, là bản hòa ca của mọi âm thanh say đắm lòng người.

1,0
4 Nhận xét tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình:

+ Con người tinh tế, nhạy cảm, yêu, nâng niu, trân trọng vẻ đẹp của thiên nhiên.

+ Con người cô đơn, bơ vơ, lạc lõng giữa cuộc đời

+ Khát vọng giao hòa với thiên nhiên, con người.

1,0
5 So sánh điểm khác nhau trong mối quan hệ giữa trăng và người

– Thơ Xuân Diệu: Trăng làm cho con người ý thức rõ hơn về tâm hồn mình: bơ vơ, cô đơn, lạc lõng giữa cuộc đời.

– Thơ Hồ Chí Minh: Trăng đã vượt qua song sắt nhà tù đến với Bác, đối diện đàm tâm như người bạn tri âm tri kỉ.

1,0
II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm của yếu tố tượng trưng trong đoạn thơ:

(…) Dịu dàng đàn những ánh tơ xanh,
Cho gió du dương điệu múa cành;
Cho gió đượm buồn, thôi náo động
Linh hồn yểu điệu của đêm thanh.

Chúng tôi lặng lẽ bước trong thơ
Lạc giữa niềm êm chẳng bến bờ
Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá!
Hai người, nhưng chẳng bớt bơ vơ.

  (Trăng – Xuân Diệu)

2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Đặc điểm của yếu tố tượng trưng trong đoạn thơ

0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:

– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý: Đặc điểm của yếu tố tượng trưng là hình ảnh có tính biểu tượng được xây dựng bằng ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: đàn những ánh tơ xanh, du dương điệu múa cành. Biểu tượng Trăng: Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá / Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ. Sử dụng nhạc điệu để tạo cho thơ tính nhạc, Xuân Diệu còn chú ý đến vần điệu và nhịp điệu. Cách hiệp vần trong thơ Xuân Diệu cũng tạo nên tính nhạc cho thơ. Trong đoạn thơ, tác giả gieo vần chân: thanh, cành, xanh hay thơ, bờ, vơ. Cách ngắt nhịp 4/3 hoặc 2/2/3 là cách ngắt nhịp quen thuộc trong thơ thất ngôn. Cách ngắt nhịp của thơ cũ nhưng đã tạo nên âm vang mới. Đó là âm vang của tâm hồn, của tấm lòng nhà thơ với tình yêu và cuộc sống.

– Sắp xếp được hệ thống ý hợp lý theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: ……

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Trình bày rõ quan điểm hệ thống các ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

0,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
  2 Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh chị về hiện tượng bạo lực mạng trong giới trẻ hiện nay. 4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: hiện tượng bạo lực mạng trong giới trẻ hiện nay. 0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết.

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

HS có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, nêu rõ lí do và quan điểm của bản thân, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng thuyết phục.

Sau đây là một số gợi ý:

Giải thích được vấn đề cần bàn luận.

LĐ1: Giải thích bạo lực mạng là gì?

   Bạo lực mạng là việc nhắn tin hay tung các tin để bôi xấu người khác lên mạng xã hội, mà người bị bôi xấu không biết là ai đã tung tin về mình.

   Bạo lực là việc gây tổn hại đến thân thể tinh thần của nạn nhân. Bạo lực mạng là việc tấn công gây tổn hại đến tâm lý, tinh thần của nạn nhân.

   Bạo lực mạng là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

LĐ2: Thực trạng của bạo lực mạng ngày nay.

   Đi theo phát triển của thời đại, các thiết bị số và các nền tảng mạng xã hội ngày càng nhiều. Chỉ cần có một thiết bị điện tử thì mỗi người đã có cho mình một không gian ảo (mạng xã hội )

   Khi tham gia lên mạng xã hội, mỗi người sẽ có mỗi tính cách khác nhau, không phải ai cũng có thể cư xử được một cách đàng hoàng, lịch sự.

   Có một số thành phần lấy phương tiện mạng xã hội để giải tỏa bức xúc, bằng việc lăng mạ, sỉ nhục người khác

LĐ3: Nguyên nhân dẫn đến bạo lực mạng.

● Chủ quan:

   Do ý thức của người dùng chưa tốt.

   Một phần do giới trẻ ngày nay muốn chứng minh bản thân mình.

   Có thể do các cuộc xung đột ở ngoài đời không thể giải quyết trực tiếp được, nên đăng lên mạng hay đổi chiều hướng dư luận, khiến cho nhiều người công kích nạn nhân.

● Khách quan:

   Do ảnh hưởng bởi môi trường sống không tốt.

   Chưa được giáo dục tử tế.

   Một phần hùa theo số đông

LĐ4: Hậu quả của bạo lực mạng.

   Ảnh hưởng đến tâm lý nạn nhân, tinh thần suy sụp dẫn tới ảnh hưởng sức khỏe thậm chí là tính mạng.

   Bạo lực mạng có càng nhiều thì xã hội sẽ càng xấu xí, không còn sự văn minh vốn có.

   Việc bạo lực mạng không thể giải quyết được thì có thể sẽ gây ra bạo lực trực tiếp ở ngoài đời.

LĐ5: Dẫn chứng.

   Các nghệ sĩ Kpop vì những hành vi bạo lực mạng mà đã lựa chọn tự sát như ca sĩ Sulli Choi đã tự sát vào ngày 14 tháng 10 năm 2019, cô đã có triệu chứng trầm cảm từ trước, nhưng sau khi công khai hẹn hò đã vướng phải làn sóng chỉ trích của người hâm mộ, cô luôn gặp phải những lời miệt thị như “bệnh hoạn”, “thác loạn”, “ngu xuẩn”, “vô học”… Việc bị bạo lực mạng làm cô trở nên suy sụp và thêm căn bệnh trầm cảm lúc nhỏ mà cô đã ra đi ở tuổi 25. Và vẫn còn nhiều nạn nhân khác của bạo lực mạng họ không tìm được cách cứu mình và thêm bị công kích quá đà nên họ đã lựa chọn con đường tự sát.

LĐ6: Giải pháp bạo lực mạng.

   Mọi người phải tự nhận thức các hành vi, cư xử của mình trên mạng xã hội sao cho phù hợp, có thể hạn chế sử dụng mạng xã hội.

   Trang bị các kĩ năng ứng xử, kĩ năng nhìn nhận mọi việc một cách khách quan toàn diện, không nên đưa ra các đánh giá về một việc, một người mà ta không biết.

   Người lớn nên tránh cho trẻ em tiếp xúc nhiều với mạng xã hội. Và nên chỉ dạy trẻ cách ứng xử như thế nào là phù hợp.

–  Mở rộng, trao đổi với ý kiến trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện.

Mạng xã hội ảo, người ta có quyền sống thoải mái trến đó nhưng không đồng nghĩa với việc lợi dụng quan điểm đó mà tiến hành bạo lực mạng, đe dọa sức khỏe tinh thần mọi người.

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.

1,0
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân.

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *