Đề tham khảo theo cấu trúc mới 2025 của Bộ -đề số 50

I.PHẦN ĐỌC HIỂU (4 điểm):

Đọc đoạn trích sau:

                                              Công nghệ AI của hiện tại và tương lai

           Công nghệ AI (Artificial Intelligence) hiện đang là công nghệ được quan tâm phát triển và ứng dụng bậc nhất hiện nay, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như nhận dạng khuôn mặt, xử lý giọng nói, kỹ thuật ước tính đám đông … đến các hệ thống an ninh, bảo mật, hay hệ thống pháp luật, chính phủ.

Theo dòng chảy của cuộc cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo ngày càng được phổ biến và ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, mặc dù được John McCarthy – nhà khoa học máy tính người Mỹ đề cập lần đầu tiên vào những năm 1950 nhưng đến ngày nay thuật ngữ trí tuệ nhân tạo mới thực sự được biết đến rộng rãi và được các “ông lớn” của làng công nghệ chạy đua phát triển.

(…) Những dự đoán về ứng dụng công nghệ AI trong nhiều lĩnh vực khác nhau, các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, khởi nghiệp và chính phủ có thể định hướng mục tiêu phát triển trong tương lai:

Hỗ trợ hệ thống cổng thông tin chính phủ

Công nghệ trí tuệ nhân tạo AI có thể là chìa khóa để tiến tới việc cải tiến cải cách hành chính hiệu quả, triệt để, giúp thay đổi đáng kế và giải quyết nhiều vấn đề bất cập hiện nay về quản lý và điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Điển hình là việc ứng dụng AI vào hệ thống chatbot (trả lời tự động) và trợ lý ảo tại các trung tâm hành chính. Điều này cho phép người dân truy vấn thông tin nhận được câu trả lời nhanh chóng, hiệu quả cũng như ngăn chặn tình trạng xếp hàng, chờ đợi như trước kia.

Với lượng dữ liệu khổng lồ lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của chính phủ, AI có khả năng tổ chức và kết hợp nhiều bộ dữ liệu để rút ra thông tin, cũng như tóm tắt một loạt các dạng dữ liệu. Tuy nhiên để triển khai được tốt hiệu quả, vấn đề an ninh mạng và bảo mật thông tin cũng cần được hệ thống AI quan tâm và vá kín.

              Nhận dạng khuôn mặt

Nhận diện khuôn mặt bằng AI là ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc xác minh đặc tính gương mặt, máy tính tự động xác định, nhận dạng một người nào đó từ một bức hình ảnh kỹ thuật số hoặc một khung hình trong video. Nhận diện khuôn mặt bằng công nghệ AI thuộc một nhánh của thị giác máy tính, mà thị giác máy tính tốt hơn rất nhiều so với mắt thường của con người. Một trong những cách xác định là dựa vào những điểm nút của khuôn mặt. Công nghệ AI có thể đo tới 80 điểm nút (khoảng cách giữa các điểm trên một khuôn mặt giúp cơ chế nhận dạng khuôn mặt (FR) trở nên dễ dàng hơn.

Hình 4: Công nghệ AI có thể nhận dạng với hơn 80 điểm nút giúp nhận dạng khuôn mặt được dễ dàng, nhanh chóng hơn (Ảnh Mediastandard)
Với cơ chế FR, một mạng lưới dạng thần kinh được hình thành trong hệ thống bằng cách nhập dữ liệu để tạo nhận dạng mẫu và những dữ liệu này bao gồm hình ảnh khuôn mặt của hàng triệu người được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau như mạng xã hội, trang web, camera giám sát có chức năng ghi nhận các ứng dụng khác có khai báo nhận dạng khuôn mặt…AI triển khai thuật toán lưu trữ khoảng cách các điểm nút trong cơ sở dữ liệu của nó, quét nhận dạng và khớp định danh cá nhân với dữ liệu đang có.

Hiện nay ứng dụng này được tích hợp tại nhiều với các hệ thống giám sát như tại cổng chấm công của công ty, các hệ thống giám sát tại sân bay, ga tàu, nơi công cộng; nhận diện khuôn mặt trong hệ thống an ninh quốc gia; trong hệ thống bảo an ngân hàng, tòa nhà…

                   Trong ngành vận tải

Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trên những phương tiện vận tải tự lái, điển hình là ô tô. Sự ứng dụng này góp phần mang lại lợi ích kinh tế cao hơn nhờ khả năng cắt giảm chi phí cũng như hạn chế những tai nạn nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên việc ứng dụng này vẫn chưa được phổ biến vì vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng với sự hỗ trợ của thuật toán Deep Learning (học sâu) với hàng hoạt các chức năng như nhận dạng và xử lý hình ảnh; nhận dạng và điều khiển bằng giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên; phát hiện vật cản, giải quyết bài toán điều khiển thời gian thực (real time) và xây dựng được một cơ cở dữ liệu khổng lồ về hệ thống giao thông và các tình huống giao thông… thì ứng dụng này trong tương lai sẽ sớm được đưa vào sử dụng.


Hình 5. Xe tự lái ứng dụng công nghệ AI học sâu (deep learning) (Ảnh minh họa)

Xe tự lái sẽ an toàn và xử lý thông minh các tình huống vì chúng được tích hợp nhiều tính năng tự động, các bộ cảm biến xung quanh xe luôn được phát tín hiệu phủ đủ rộng và đủ xa để phát hiện vật cản giúp phát hiện nhanh chóng các chướng ngại vật, các camera nhận dạng các tín hiệu ảnh để phân tích xử lý kịp thời theo các thuật toán với dữ liệu có sẵn (biển báo, chỉ dẫn giao thông, theo dõi phương tiện, người đi đường…)

                   Tương lai công nghệ AI

Công nghệ AI đã mang lại thành công lớn trong các ngành công nghiệp khác nhau, tuy nhiên đỉnh cao phát triển của nó vẫn chưa đến. Năm 2016, thị trường toàn cầu của AI đạt trị giá 4 tỷ USD nhưng dự đoán sẽ lên tới 169 tỷ USD vào năm 2025 và 15.700 tỷ USD vào năm 2035. Với xu thế phát triển công nghệ và ứng dụng trong đời sống xã hội đang thay đổi không ngừng, công nghệ AI đang là điểm đến nhiều hơn nữa của đa số các nhà khoa học trong tương lai./.

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:

Câu 1(0.5 điểm): Đoạn trích trên thuộc loại văn bản nào ?

Câu 2(0.5 điểm): Văn bản trên đã sử dụng kết hợp những phương thức giao tiếp nào ?

Câu 3 (1.0 điểm): Thông tin: “Năm 2016, thị trường toàn cầu của AI đạt trị giá 4 tỷ USD nhưng dự đoán sẽ lên tới 169 tỷ USD vào năm 2025 và 15.700 tỷ USD vào năm 2035.” giúp em hiểu được điều gì ?

Câu 4 (1.0 điểm): Phương tiện hình ảnh có tác dụng như thế nào trong bài viết ?

Câu 5 (1.0 điểm): Theo anh/chị, trong tương lai, AI có thể thay thế hoàn toàn con người không ? Vì sao ?

PHẦN VIẾT (6 điểm)

Câu 1 (2 điểm): Anh/chị hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bàn về vấn đề: Tuổi trẻ cần làm gì để thích ứng trong thời đại công nghệ AI phát triển mạnh ?

Câu 2 (4 điểm): Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích cấu tứ và hình ảnh của bài thơ:

                                                                    THÊM MỘT

“Thêm một chiếc lá rụng
Thế là thành mùa thu
Thêm một tiếng chim gù
Thành ban mai tinh khiết…


Dĩ nhiên là tôi biết
Thêm một – phiền toái thay!
Nhưng mà tôi cũng biết
Thêm một – lắm điều hay


Thêm một lời dại dột
Tức thì em bỏ đi
Nhưng thêm chút lầm lì
Thế nào em cũng khóc!


Thêm một người thứ ba
Chuyện tình đâm dang dở
Cứ thêm một lời hứa
Lại một lần khả nghi!


Nhận thêm một thiếp cưới
Thấy mình lẻ loi hơn
Thêm một đêm trăng tròn
Lại thấy mình đang khuyết…


Dĩ nhiên là tôi biết
Thêm một – lắm điều hay…”

Trần Hòa Bình

                        ĐÁP ÁN ĐỀ KIỂM TRA KHỐI 11

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4.0
1 Đoạn trích trên thuộc loại văn bản thông tin. 0.5
2 Văn bản trên đã sử dụng kết hợp những phương thức giao tiếp: ngôn ngữ và hình ảnh. 0.5
3 Thông tin: “Năm 2016, thị trường toàn cầu của AI đạt trị giá 4 tỷ USD nhưng dự đoán sẽ lên tới 169 tỷ USD vào năm 2025 và 15.700 tỷ USD vào năm 2035.” giúp em hiểu được:

– Sự phát triển mạnh, tốc độ ngày càng nhanh chóng của công nghệ AI

– Trong tương lai gần (2035), AI sẽ làm chủ thị trường toàn cầu, ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống. Sự phát triển của nó sẽ tác động vào tất cả các lĩnh vực, khiến cuộc sống của con người sẽ thay đổi theo.

1.0
4 Việc vận dụng phương tiện hình ảnh trong bài viết có tác dụng:

– Làm cho bài biết thêm sinh động, hấp dẫn vì tăng tính trực quan.

– Giúp bài viết cụ thể hóa nội dung thông tin: Ứng dụng công nghệ AI trong nhận dạng khuôn mặt và xe tự lái, khiến người đọc dễ hiểu, dễ hình dung hơn.

1.0
5 Theo anh/chị, trong tương lai, AI có thể thay thế hoàn toàn con người không ? Vì sao ?

– Học sinh trả lời theo ý kiến cá nhân:

– Gợi ý:

+ Có vì sự sáng tạo của con người là vô cùng. Các nhà khoa học đang nghiên cứu cả cảm xúc của con người để trí tuệ nhân tạo ngày càng giống con người hơn. Khi đó, con người làm việc thwucj chất là ứng dụng AI cho công việc của mình.

+ Không vì: Dù AI có hiện đại bao nhiêu cũng công nghệ, là máy móc do con người tạo ra. Nó không phải là một cơ thể sống với sự hòa hợp giữa hành động, ngôn ngữ với cảm xúc phong phú được. thế giới tâm hồn, cảm xúc con người vốn không có khuôn mẫu, không lặp lại giữa các cá thể, nó tự nhiên bộc lộ thoe từng hoàn cảnh, không thể lập trình. Vì vậy, AI không thể thay thế hoàn toàn cho con người.

1.0
II   VIẾT  
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bàn về vấn đề: Tuổi trẻ cần làm gì để thích ứng trong thời đại công nghệ AI phát triển mạnh? 2.0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn 0.25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

– Vấn đề cần bàn luận của bài: Tuổi trẻ cần làm gì để thích ứng trong thời đại công nghệ AI phát triển mạnh?

0.25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

– Giải thích và nêu thực trạng vấn đề:

+ Công nghệ AI (Artificial Intelligence) là trí tuệ nhân tạo, hiện đang là công nghệ được quan tâm phát triển và ứng dụng bậc nhất hiện nay.

+ Năm 2016, thị trường toàn cầu của AI đạt trị giá 4 tỷ USD nhưng dự đoán sẽ lên tới 169 tỷ USD vào năm 2025 và 15.700 tỷ USD vào năm 2035.

– Bàn luận: Tuổi trẻ cần làm gì để thích ứng trong thời đại công nghệ AI phát triển mạnh ?

+ Lựa chọn chuyên ngành phù hợp với sở thích, năng lực và xu thế phát triển của thời đại.

+ Luôn có ý thức và nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn song song với trình độ ngoại ngữ, trình độ công nghệ.

+ Luôn linh hoạt và sáng tạo trong công việc, không ngừng tìm tòi, thử nghiệm những cách làm mới, ứng dụng kịp thời, phù hợp những tiến bộ của công nghệ AI vào công việc của bản thân.

+ Biết lựa chọn những ứng dụng phù hợp trong từng giai đoạn, không chạy theo công nghệ để đánh mất những giá trị sáng tạo của bản thân.

+ Tăng cường hợp tác trong quá trình làm việc, có thẻ kết hợp làm nhiều công việc để phát huy năng lực bản thân.

– Bàn bạc mở rộng:  Việc ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo luôn phải phù hợp với từng lĩnh vực, luôn linh hoạt để phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

– Bài học liên hệ: Bản thân sẽ tích cực học hỏi, nâng cao trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin để đáp ứng tốt hơn nhu cầu công việc trong tương lai.

0.5

 

d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:

– Lựa chọn được thao tác lập luận và phowng thức biểu đạt phù hợp

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống ý

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục

0.5
đ. Diễn dạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp Tiếng Việt, liên câu trong đoạn văn

0.25
e. Sáng tạo:

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

0.25
2 Viết bài văn nghị luận phân tích cấu tứ và hình ảnh của bài thơ “Thêm một” (Trần Hòa Bình)

 

4.0
a.Xác định được yêu cầu của kiểu bài

– Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận văn học

 

0.25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Phân tích cấu tứ và hình ảnh của bài thơ “Thêm một” (Trần Hòa Bình) 0.5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề bài viết:

* Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm:

– Trần Hòa Bình là nhà thơ, nhà báo, giảng viên HV Báo chí Tuyên truyền. Thơ tình của Trần Hòa Bình luôn có những khát khao, dằn vặt, vụng dại, thấp thỏm nhưng cũng đầy kiêu hãnh, thấm đượm những trải nghiệm của cuộc sống.

– Bài thơ “Thêm một”được sáng tác năm 1986. Thi phẩm là những lời tâm sự chân thành với bạn đọc mà ngôn từ và cảm xúc đã được chắt lọc từ những chiêm nghiệm trong tình yêu và chính cuộc đời không ít gian truân của thi sĩ.

*Cấu tứ bài thơ

Nhan đề bài thơ gợi suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc sống con người với việc “thêm một”. Nhan đề bài thơ cũng có tính gợi mở, hấp dẫn bạn đọc về những thay đổi sau con số một ấy.

– Cấu tứ tạo nên sức hấp dẫn vô cùng lớn của bài thơ:

+ Khổ 1 mở ra với cái thêm thật đẹp, tinh khiết, thơ mộng. Thêm một chiếc lá rụng, thế là mùa thu chợt đến. Ban mai tinh khiết được nhận ra từ âm thanh thường nhật của tự nhiên:“Thêm một tiếng chim gù/ Thành ban mai tinh khiết”. Giống như giọt nước tràn ly, những điều rất giản dị quanh ta nhưng lại làm cho cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa nhờ sự quan sát, cảm nhận và tái hiện của thi sỹ.

+ Khổ 2 Tiếp nối cảm xúc khổ 1 nhưng không theo mạch thêm những điều đẹp đẽ hay buồn đau mà là chiêm nghiệm về quy luật cuộc sống của nhân vật trữ tình. Khổ thơ như một bản lề khép mở hai phần của bài thơ. Phần trên là “thêm một” điều hay, phần sau là “thêm một” điều dở. Thêm một thật ‘lắm điều hay” nhưng thêm một cũng “phiền toái thay” Phải chăng đó cũng là hai mặt của cuộc sống đời thường ?

+ Khổ 3,4,5 là những chiêm nghiệm về việc “thêm một” trong tình yêu. Sự thêm nào cũng cũng kéo theo không ít hệ lụy và phiền toái. Trong địa hạt tình yêu, chỉ cần thêm“một lời dại dột” là“em bỏ đi” hay“thêm một chút lầm lì”,sự việc lập tức thành rắc rối, có khi tiến thoái lưỡng nan. Cũng có cái thêm thật đáng kể, làm thay đổi cả cuộc đời con người: “Thêm một người thứ ba/ Chuyện tình đâm dang dở”, Tình yêu xưa nay có thuộc tính ích kỷ, là chuyện của hai người, không thể chia sẻ. Tình yêu một khi đã sâu sắc, có sự đồng cảm, tin tưởng và thấu hiểu, sẽ chẳng phải hứa thề bởi theo tác giả:“Cứ thêm một lời hứa/ Lại một lần khả nghi!». Mạch thơ tiếp tục phát triển tỏ rõ sự nhạy cảm bất ngờ của chủ thể trữ tình làm lay động trái tim của bao người khi nêu lên liên tiếp các cặp phạm trù đối lập nhưng song hành: tròn và khuyết,sum vầy và cô lẻ:“Nhận thêm một thiếp cưới/ Thấy mình lẻ loi hơn/ Thêm một đêm trăng tròn/ Lại thấy mình đang khuyết”. Nhận thêm một tấm thiệp là thêm một lần chạnh lòng về sự cô đơn của chính mình. Thêm một đêm trăng tròn là thêm ngày, thêm tháng, thêm độ dài cho tuổi. Nhưng cũng chính cái thêm ấy khiến mình nhận ra nhiều điều khiếm khuyết không dễ gì bù đắp nổi… Câu thơ đượm màu sắc suy tư, triết lý.

– Khổ thơ cuối cùng chỉ có hai câu, như một kết mở với nhiều tâm tư còn bỏ ngỏ của nhân vật trữ tình. … Hai câu thơ cuối đã thâu tóm linh hồn cả bài. Thông điệp thi sĩ muốn gửi tới bạn đọc là chúng ta hết sức sâu sắc: mỗi người trong tình yêu cũng như mọi lĩnh vực, hãy biết vừa đủ, biết điểm dừng đúng lúc, đúng chỗ. Lời thơ khép lại rồi ý thơ và niềm tin, niềm hy vọng về con người, về cuộc đời vẫn mở ra nhiều điều tốt đẹp.

* Nhận xét về hình ảnh thơ:

– Bài thơ có lớp hình ảnh cụ thể song song với lớp hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng. Hình ảnh nào cũng được chọn lọc, tinh tế, giàu cảm xúc và ý nghĩa.

* Nhận xét chung về nội dung và nghệ thuật:

– Nội dung: Từ những hình ảnh cụ thể về thiên nhiên, về tình yêu đôi lứa, bài thơ gợi suy ngẫm cho người đọc về những chân lý trong cuộc sống. Những phiền toái, rắc rối trong cuộc sống chủ yếu là do con người sinh ta. Để cuộc sống tốt đẹp, con người cần biết đủ, biết điểm dừng, biết ứng xử khéo léo, biết trân trọng và thấu hiểu người khác.

– Nghệ thuật: Điệp cấu trúc, điệp ngữ, hình ahr sinh động, giản dị nhưng sâu sắc. Giọng điệu toàn bài thơ trầm ấm, phù hợp với sắc thái chiêm nghiệm của toàn bài.

1.0
  d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu:

– Lựa chọn được thao tác lập luận và phương thức biểu đạt phù hợp

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống ý

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục

1.5
đ. Diễn dạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp Tiếng Việt, liên câu trong đoạn văn

0.25
e. Sáng tạo:

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

0.5
Tổng điểm 10

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *