Đề tham khảo theo cấu trúc mới 2025 của Bộ -đề số 15

PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:

THẠCH SANH(1)

(Trích Kho tàng truyện Nôm khuyết danh)

Tóm tắt tác phẩm: Thạch Sanh mồ côi, làm nghề đốn củi, sống ở gốc đa, được một người bán rượu tên là Lý Thông kết nghĩa anh em. Trong vùng có con trăn tinh bắt người để ăn thịt nên dân lập miếu thờ và hằng năm phải nộp một mạng người cho nó mới được yên ổn làm ăn. Năm đó, đến lượt Lý Thông phải đi nộp mạng, Thông đã lừa Thạch Sanh đi thay mình. Thạch Sanh giết được trăn tinh, lấy được bộ cung tên bằng vàng. Lý Thông đoạt công của Thạch Sanh, được nhà vua phong làm đô đốc. Công chúa Quỳnh Nga bị yêu tinh đại bàng cắp đi, Thạch Sanh trông thấy liền giương cung bắn, đại bàng bị thương. Nhà vua truyền lệnh cho Lý Thông đi tìm và hứa sẽ gả công chúa cho y. Lý Thông nhờ Thạch Sanh xuống hang xà tinh cứu công chúa, nhưng sau khi cứu được công chúa lên thì cho người lấp cửa hang. Dưới hang sâu, Thạch Sanh bắn xà tinh, cứu được thái tử con vua Thủy Tề, được mời xuống thủy cung chơi. Tại đây, Thạch Sanh thu phục và rộng lượng tha chết cho hồ tinh. Vua Thủy Tề tặng chàng cây đàn thần, chàng trở về gốc đa sinh sống. Hồn ma của trăn tinh và xà tinh trả thù, lấy đồ càng bạc ở kho của nhà vua bỏ vào căn lều nơi gốc đa Thạch Sanh ở, chàng bị bắt giam ngục. Lý Thông định bụng sẽ xử tù chàng. Lại nói về công chúa, từ ngày thoát lạn, nàng bỗng bị câm. Nhà vua tìm cách chạy chữa nhưng không khỏi. Một hôm, nghe được tiếng đàn của Thạch Sanh vẳng ra từ ngục tối, nơi chàng bị giam giữ, công chúa bỗng lên tiếng. Thạch Sanh được vời đến, chàng kể rõ sự tình. Nhà vua phong cho Thạch Sanh làm quận công, cho kết duyên với công chúa. Thạch Sanh xin vua tha chết cho Lý Thông, nhưng trên đường về nhà, hai mẹ con y đã bị Ngọc Hoàng sai Thiên Lôi trừng phạt, biến chúng thành con bọ hung, đời đời sống trong nhơ bẩn. Quân của các nước chư hầu trước đây đến xin kén rể kéo đến gây chiến tranh. Thạch Sanh đã mang cây đàn thần ra gảy khiến chúng thoái chí, quy hàng. Chàng cũng mang niêu thần ra nấu cơm đãi quân tướng. Chúng nể phục và rút quân về nước. Nhà vua truyền ngôi cho Thạch Sanh, còn công chúa được phong làm hoàng hậu.

          Đoạn trích dưới đây kể về sự việc hồn ma của trăn tinh và xà tinh trả thù, lấy đồ càng bạc ở kho của nhà vua bỏ vào căn lều nơi gốc đa Thạch Sanh ở, chàng bị bắt giam ngục. Lý Thông định bụng sẽ xử tù chàng. Một hôm, chàng đem đàn thần ra gảy, công chúa nghe được tiếng đàn bổng lên tiếng nói rằng đó là người cứu nàng thoát khỏi yêu tinh đại bàng. Thạch Sanh được vời đến, chàng kể rõ sự tình.

                  Sanh từ đến ở ngục u,

Trong lòng cũng chẳng giận thù cùng ai.

Nhân khi vắng vẻ thảnh thơi,

Chàng bèn mới hỏi rằng ai lạ lùng?

Quân rằng: “Quốc tế quận công,

Chính danh tên gọi Lý Thông thực người”.

Sanh nghe quân nói đầu đuôi,

Biết rằng Thông thực là người bất nhân.

Biết mà lòng chẳng oán hờn,

Mặc ai vô nghĩa, bất nhân cũng đành.

Biết mà lòng chẳng phàn nàn,

Lấy đàn mới gẩy nhặt khoan tính tình.

Đàn kêu nghe tiếng nên xinh,

Đàn kêu: tang tịch, tình tinh, tang tình.

Đàn kêu: Ai chém trăn tinh,

Cho mày vinh hiển dự mình quyền sang?

Đàn kêu: Ai chém xà vương,

Đem nàng công chúa triều đường về đây?

Đàn kêu: Hỡi Lý Thông mày

Cớ sao phụ nghĩa lại rày vong ân?

Đàn kêu: Sao ở bất nhân,

Biết ăn quả lại quên ân người trồng!

Đàn kêu năn nỉ trong lòng,

Tiếng ti tiếng trúc đều cùng như ru.

Đàn kêu: Trách Hán quên Hồ

Trách Tần quên Sở, trách Ngô quên Tề.

Đàn kêu thấu đến cung Phi,

Trách nàng công chúa vậy thì sai ngoa.

Nàng đương rầu rĩ mặt hoa

Tiếng đàn lừng lẫy như là oán ân;

Khác nào như kẻ phùng xuân

Cười cười, nói nói trước sau trình bày:

Rằng: Đàn ai gẩy đâu đây?

Xin cha đòi lại ngày rày cho con.

       Viện vương nghe nói, phút cười

Trong lòng hớn hở mừng vui nào tày.

Rằng: Từ phải nạn đến nay

Làm sao con cứ chẳng hay nói mà?

Làm cho chua xót lòng cha

Cầu trời khấn phật kể đà hết hơi.

Hay là nghe tiếng đàn người

Thì con phải nói khúc nhôi cha tường.

Nàng nghe bày tỏ mọi đường,

Rằng: Người đàn ấy thực chàng cứu con.

 Dưới hang đã tỏ lòng son:

Rằng về loan phượng kết đôi duyên vàng.

Lý Thông bạc ác phụ phàng

Cửa hang lấp lại tìm đường tranh công.

Vì con lâu chẳng thấy chồng

Trong lòng luống những giận lòng câm đi.

Nghe lời con nói một khi

Lệnh truyền nội giám tức thì đòi ngay.

Lý Thông nghe tiếng đàn rày

Bảo: Đừng gẩy nữa mà mày chết tươi!

Sanh rằng: Nói cũng nực cười

Tôi buồn, tôi gẩy đàn chơi chút mà.

Dù rằng chết cũng nên ma,

Được về thượng giới cũng là qui tiên.

Thị thần bèn bước đến liền.

Trình Thông mới nói việc viên gẩy đàn:

Tôi xin lĩnh lại đền vàng

Vào chầu để đức thiên nhan ngài đòi.

Thông nghe, vâng lệnh cứ lời

Giao tù, bụng những thở dài mà lo.

Sanh từ bước đến triều đô

Lần qua cửa tía, bước vô đền vàng.

 

 

(Trích theo Kho tàng truyện Nôm khuyết danh, tập 2, NXB Văn học, Hà Nội, 2000, trang 1989-1993)

 [1] Thạch Sanh: Tác phẩm ra đời vào cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, dựa trên truyện cổ tích thần kì Thạch Sanh.

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Nhân vật trong văn bản trên được chia làm mấy tuyến?

Câu 2. Đoạn thơ sau là lời của ai :

Quân rằng: “Quốc tế quận công,

Chính danh tên gọi Lý Thông thực người”.

Câu 3. Nêu tác dụng của yếu tố hoang đường, kì ảo trong văn bản.

Câu 4. Qua chi tiết miêu tả tiếng đàn của Thạch Sanh vang lên trong ngục tối, tác giả dân gian thể hiện thái độ gì?

Câu 5. Theo anh/ chị trong xã hội hiện nay còn có những con người như Thạch Sanh, Lý Thông nữa không? Em muốn trở thành kiểu người như thế nào sau khi đọc văn bản trên.

PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

             Viết đoạn văn nghị luận ( Khoảng 200 chữ) làm rõ ý nghĩa hình ảnh “Vé đi Tuổi Thơ” chứa đựng nhiều tầng nghĩa trong bản sau:

  KHÔNG ĐỀ

Ở một nơi nào đấy xa xôi

Có thành phố,

                               ngày xưa,

                                                    có thành phố

Nơi rất ấm, tuổi thơ ta ở đó

Từ rất lâu,

                      đã từ lâu,

                               trôi qua…

Đêm nay tôi bước vội khỏi nhà,

Đến ga,

                    xếp hàng mua vé:

“Lần đầu tiên trong nghìn năm,

          Có lẽ,

Cho tôi xin một vé

                       đi Tuổi Thơ

Vé hạng trung-

Người bán vé hững hờ

Khe khẽ đáp:

                     Hôm nay vé hết!

                                                   Robert Rojdesvensky

(Trích Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Nguyễn Nhật Ánh, NXB Trẻ, 2018,Tr.199-200)

Câu 2. (4,0 điểm)

Anh/Chị hãy viết bài văn nghị luận( khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của mình về ý nghĩa sự trải nghiệm trong cuộc sống.

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Hướng dẫn chấm:

– Nhân vật được chia làm hai tuyến: Chính diện và phản diện

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

   0,5
2 Hướng dẫn chấm:

– Lời của người kể chuyện và quân lính

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án, diễn đạt còn sơ sài có 1 trong 2 ý: 0,25 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,5
3 Hướng dẫn chấm:

Tác dụng của yếu tố hoang đường, kì ảo trong văn bản:

-Thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, giúp giải quyết mâu thuẫn, xung đột truyện.

-Thể hiện quan điểm đạo đức và khát vọng về sự công bằng của nhân dân: ở hiền gặp lành, vạch mặt cái ác, minh oan cho người lương thiện.

-Làm cho truyện trở nên bay bổng, thú vị, hấp dẫn.

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời được 1 ý tương đương như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

1,0
4 Hướng dẫn chấm:

Thái độ của tác giả:

-Vạch mặt tội cướp công, ăn ở tráo trở, vô đạo, bất nhân, bất nghĩa của Lý Thông.

-Thể hiện thái độ bất bình, giận dữ, tinh thần đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng của nhân dân trước cái xấu, cái ác. Đồng thời thể hiện sự bảo vệ quyết liệt dành cho cái thiện, khẳng định và đề cao quan niệm sống: Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo.

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/2 số ý: 0,5 – 0,75 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/3 số ý: 0,25 – 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

 1,0
5 Hướng dẫn chấm:

-Trong xã hội hiện nay vẫn còn những con người như Thạch Sanh, Lý Thông.

– Sau khi đọc văn bản, em muốn rèn luyện bản thân trở thành Thạch Sanh thời hiện đại. Nhân hậu, anh dũng và đặc biệt phải có sự tỉnh táo, tinh tế nhận biết đánh giá về con người, biết lựa chọn bạn để chơi…

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án 2  ý:  0,75 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án 1 ý:  0,5 điểm

– Trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

(Lưu ý: HS có thể có cách diễn đạt khác, miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục thì vẫn cho điểm)

1,0
II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) 2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: làm rõ ý nghĩa hình ảnh “Vé đi Tuổi Thơ” chứa đựng nhiều tầng nghĩa trong văn bản. 0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận 0,5
Trong bài thơ có hình ảnh “Vé đi Tuổi Thơ” chứa đựng nhiều tầng nghĩa:

+Vé đi Tuổi Thơ” có thể được hiểu là:  Vé được hiểu là tờ giấy, mảnh giấy nhỏ có giá trị sử dụng 1 lần để chứng nhận người mua tham gia 1 hoạt động nào đó; Vé đi tuổi thơ: Cơ hội được trở về tuổi thơ 1 lần.

+ Lời đáp của người bán vé: “Hôm nay vé hết” gợi suy nghĩ: Cơ hội trở về tuổi thơ không còn, không thể thực hiện. Để lại niềm hụt hẫng, nuối tiếc, vừa khát khao vừa day dứt.

Ý nghĩa của chiếc vé đi tuổi thơ trong hành trình cuộc đời mỗi người.

+ Chiếc vé đi tuổi thơ được hiểu là sự trở về tuổi thơ qua trí nhớ, hoài niệm.

+ Ý nghĩa của sự trở về ấy giúp xua tan những mệt mỏi của cuộc sống; giúp con người biết trân trọng kí ức; là động lực để con người thêm vững vàng trong hiện tại và cố gắng cho tương lai,…

 + Có những người cứ đắm chìm mãi với quá khứ, day dứt về tuổi thơ mà quên rằng hiện tại và tương lai còn quan trọng hơn. Tuổi thơ là quãng thời gian không bao giờ trở lại trên thực tế, vậy điều căn bản là con người phải biết trân trọng những kỉ niệm đẹp, cũng không nên ôm mãi quá khứ đau buồn; phải biết sống lạc quan, vui vẻ và nhân ái, phải biết phấn đấu để tuổi thơ của những thế hệ tiếp sau tốt đẹp hơn.

d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:

 

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Trình bày rõ quan điểm hệ thống các ý

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0,5

đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
  2 Hãy viết một bài văn nghị luận(khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh chị về ý nghĩa sự trải nghiệm trong cuộc sống. 4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lí

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: ý nghĩa sự trải nghiệm trong cuộc sống 0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề: ý nghĩa sự trải nghiệm trong cuộc sống

* Triển khai vấn đề nghị luận:

– Giải thích

+ Sự trải nghiệm: quá trình tham gia, tìm hiểu, dấn thân, thực hành các công việc khác nhau trong những vấn đề thuộc bất kì lĩnh vực nào của cuộc sống.

+ Ý nghĩa của sự trải nghiệm là mang đến cho chúng ta những bài học kinh nghiệm cần thiết cho những hoạt động, việc làm, những bước tiến tiếp theo.

–   –Phân tích, chứng minh:

Cần phải có sự trải nghiệm vì:

+ Sự trưởng thành của con người luôn song hành cùng những vấp ngã và sai lầm, không ai có thể thành công ngay từ lần đầu tiên, chính trải nghiệm giúp ta tự nhận ra ưu và khuyết điểm của mình. (Dẫn chứng cụ thể)

+ Trên đời, không có gì là hoàn hảo, hoàn mĩ nên sau mỗi lần trải nghiệm, chúng ta sẽ tự hoàn thiện bản thân để vươn tới những điều tốt đẹp hơn.

+  Ai cũng cần những trải nghiệm thì mới nên người, khi nhận thức được điều đó, việc đánh giá mình và người khác cũng trở nên bớt hà khắc, tránh gây những tổn thương không đáng có cho mọi người xung quanh. (Dẫn chứng cụ thể)

 Ý nghĩa của trải nghiệm: Mang đến cho chúng ta những bài học mới, nhận ra những nhược điểm, ưu điểm của bản thân cũng như những người bên cạnh, từ đó có hướng khắc phục đúng đắn để sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới. Sự trải nghiệm giúp con người trưởng thành theo thời gian.

Bình luận:

+ Khẳng định mỗi người cần có sự trải nghiệm để đi đến thành công.

+Sự trải nghiệm luôn luôn là điều cần thiết để con người tự tích lũy, tự học tập nhưng có những thứ không cần trải nghiệm, ví dụ như sử dụng những chất cấm, làm những điều trái pháp luật…

– Bài học nhận thức và hành động

+ Nhận thức cần phải có trải nghiệm mới nên người nhưng bản thân mỗi người cần xác định trải nghiệm điều gì để đi đến thành công.

+ Nên có cái nhìn bao dung với những lỗi lầm nhưng cũng cần ghi nhớ, có những lỗi lầm không thể tha thứ được, có những may mắn chẳng bao giờ đến lần thứ hai, nên cũng phải biết nắm bắt cơ hội để bứt phá.

+ Phải trau dồi về tri thức, rèn luyện bản lĩnh để có những trải nghiệm ý nghĩa.

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân

 

 

 

 

 

 

 

 

0,25

 

 

 

 

 

 

0,75

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0,75

 

 

 

 

 

 

 

0,5

 

 

 

 

 

 

 

 

0,5

d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để àm rõ quan điểm cá nhân

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

 
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *