Đề tham khảo ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2021 – Môn Ngữ Văn – Đề 6 ( Vợ chồng A Phủ)

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẮK LẮK

ĐỀ SỐ 6

(Đề gồm có 02 trang)

ĐỀ THAM KHẢO ÔN THI TỐT NGHIỆP

TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2021

Môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

 

  1. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Lòng nhân ái không phải tự sinh ra con người đã có. Lòng nhân ái là một trong những phẩm chất hàng đầu, là văn hóa của mỗi một con người. Lòng nhân ái có được là do sự góp công của mỗi gia đình và nhà trường  tạo lập cho các em thông qua các hoạt động trải nghiệm rèn luyện, học tập, sẻ chia, “đau với nỗi đau của người khác”… Và lòng nhân ái của các em Trường Quốc tế Global đã được hình thành như thế.

 Lòng nhân ái là một phần quan trọng trong mục tiêu giáo dục toàn diện của trường GIS và thực tế, lòng nhân ái rất cần trong đời sống, đó là nét văn hóa, là cốt cách của mỗi một con người. Các hoạt động từ thiện đã và đang diễn ra tại Trường Quốc tế Global đã góp phần giúp các em học sinh xây dựng tính cộng đồng, tinh thần trách nhiệm, sẻ chia và giúp đỡ mọi người khi khó khăn hoạn nạn; phát triển toàn diện tri thức và đạo đức để trở thành những công dân ưu tú, có ích cho xã hội, gìn giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam.

(Trích Dạy trẻ lòng nhân ái ở trường quốc tế Global – Theo Dân trí, ngày 14/02/2015)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Theo tác giả, lòng nhân ái có được là do đâu?

Câu 3. Tại sao tác giả cho rằng: Lòng nhân ái là một phần quan trọng trong mục tiêu giáo dục toàn diện của trường GIS và thực tế, lòng nhân ái rất cần trong đời sống, đó là nét văn hóa, là cốt cách của mỗi một con người?

Câu 4. Anh/Chị có đồng ý với quan niệm: Lòng nhân ái là một trong những phẩm chất hàng đầu, là văn hóa của mỗi một con người không? Vì sao?

  1. LÀM VĂN(7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu,anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ)trình bày suy nghĩ của bản thân về lòng nhân ái của con người trong cuộc sống.

Câu 2. (5,0 điểm)

          Ngày tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, cứ ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.

Rượu tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả. Mị không biết, Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy, nhưng Mị không bước ra đường chơi mà từ từ vào buồng. Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết. Mị cũng chẳng buồn đi. Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn vẫn lửng lơ bay ngoài đường.

Anh ném pao, em không bắt

Em không yêu, quả pao rơi rồi…

Lúc ấy, A Sử vừa ở đâu về, lại sửa soạn đi chơi. A Sử thay áo mới, khoác thêm hai vòng bạc vào cổ rồi bịt cái khăn trắng lên đầu. Có khi nó đi mấy ngày mấy đêm. Nó còn muốn rình bắt mấy đứa con gái nữa về làm vợ. Cũng chẳng bao giờ Mị nói cả.

Bây giờ Mị cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc. Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách. A Sử sắp bước ra, bỗng quay lại, lấy làm lạ. Nó nhìn quanh, thấy Mị rút thêm cái áo. A Sử hỏi:

– Mày muốn đi chơi à?

Mị không nói. A Sử cũng không hỏi thêm nữa. A Sử bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xõa xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa. Trói xong, A Sử thắt cái thắt lưng xanh ra ngoài áo rồi phẩy tay tắt đèn, đi ra khép cửa buồng lại.

Trong bóng tối, Mị đứng im, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn. Mị vẫn nghe thấy tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi. “Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào”… Mị vùng bước đi. Nhưng chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa…

(Trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai,

NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.7)

Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn Tô Hoài.

 

—– HẾT —–

 

 




SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẮK LẮK

ĐỀ SỐ 6

ĐỀ THAM KHẢO ÔN THI TỐT NGHIỆP

TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2021

Môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

ĐÁPÁN – THANG ĐIỂM

(Đáp án – Thang điểm gồm có 03 trang)

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 3,0
  1 Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận 0,5
2 Theo tác giả: Lòng nhân ái có được là do sự góp công của mỗi gia đình và nhà trường tạo lập cho các em thông qua các hoạt động trải nghiệm rèn luyện, học tập, sẻ chia, đau với nỗi đau của người khác. 0,5
3 Bởi vì: Lòng nhân ái là một phẩm chất đáng quý, là truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam. Ngày nay, một số người đã và đang dần đánh mất lòng nhân ái của mình đối với người khác. Họ chỉ quan tâm đến bản thân mà quên rằng lòng nhân ái cũng là một đức tính tốt và quan trọng của con người trong thời hiện đại. Đó là cơ sở, nền tảng vững chắc để hướng tới phát triển con người toàn diện và công dân ưu tú. 1,0
4 Nêu rõ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình hoặc nửa đồng tình, nửa không đồng tình; lý giải hợp lý và thuyết phục. Dưới đây là một hướng giải quyết:

– Đồng ý với quan niệm.

– Vì: Lòng nhân ái là phẩm chất hàng đầu, là nền tảng đạo đức căn bản của con người. Mặt khác, lòng nhân ái còn thể hiện vẻ đẹp văn hóa của mỗi người khi bản thân họ tiếp nhận và trau dồi phẩm chất ấy từ truyền thống văn hóa dân tộc.

1,0
II   LÀM VĂN 7,0
  1 Viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ về lòng nhân ái của con người trong cuộc sống. 2,0
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn nghị luận 200 chữ

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, song hành hoặc móc xích.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Trình bày suy nghĩ về lòng nhân ái của con người trong cuộc sống. 0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách để bày tỏ quan điểm, suy nghĩ riêng nhưng phải có lí lẽ và dẫn chứng xác đáng; có thái độ chân thành, nghiêm túc. Có thể theo hướng sau:

– Lòng nhân ái là tình yêu thương giữa con người với nhau trong cuộc sống, giúp con người tạo lập các mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội.

– Biểu hiện của lòng nhân ái: Biết quan tâm, giúp đỡ, biết chia sẻ cảm thông với nỗi đau của người khác, trao cho nhau tình yêu thương mà không cần sự đền đáp, trả ơn.

– Phê phán một số người sống tham lam, ích kỉ, sống không có tình người.

– Lòng nhân ái là phẩm chất đạo đức cần thiết của mỗi con người. Cần mở rộng tấm lòng mình để thấy cuộc sống xung quanh ta còn rất nhiều tình yêu thương.

1,0
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắcvề vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ

0,25
2 Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đoạn trích; nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn Tô Hoài. 5,0
a.Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kếtbài khái quát được vấn đề. 0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đoạn trích; nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn. 0,5
c.Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:  
* Giới thiệu khái quát: tác giả Tô Hoài, truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, đoạn trích và vấn đề cần nghị luận. 0,5
* Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị

– Giới thiệu khái quát về nhân vật Mị từ đầu cho đến đêm tình mùa xuân: Mị là cô gái trẻ trung, xinh đẹp, yêu đời, có tài thổi sáo, hiếu thảo, giàu lòng tự trọng. Mị trở thành con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra…

– Diễn biến tâm trạng của Mị

+ Yếu tố ngoại cảnh: không khí mùa xuân rộn ràng, náo nức (tiếng trẻ con chơi đùa, tiếng sáo gọi bạn tình, màu sắc của những chiếc váy hoa sặc sỡ…) đã làm hồi sinh tâm hồn Mị.

+ Mị sống lại thời quá khứ tươi đẹp với tuổi trẻ và tình yêu.

+ Mị muốn đi chơi và quyết định đi chơi.

+ A Sử trói Mị, không cho đi chơi nhằm dập tắt khát vọng sống vừa trỗi dậy trong lòng Mị nhưng hắn chỉ trói được thể xác mà không trói được tâm hồn Mị…

+ Sức sống tiềm tàng mãnh liệt trong tâm hồn Mị đã chiến thắng sự tàn bạo của A Sử. Tiếng chân ngựa đạp vào vách đưa Mị trở về thực tại, Mị ý thức sâu sắc về thân phận mình và thương cho mình.

2.0
* Nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn Tô Hoài

– Tài năng xây dựng nhân vật: nhà văn đi sâu vào đời sống nội tâm để khắc họa tính cách và miêu tả tinh tế, sâu sắc diễn biến tâm lý của nhân vật Mị.

– Lối kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn, cách dựng cảnh sinh động mang đậm màu sắc dân tộc vùng Tây Bắc. Với giọng văn nhẹ nhàng, vốn ngôn ngữ phong phú, giàu tính tạo hình, giàu chất thơ và sáng tạo.

0.5
* Đánh giá chung

– Nét đặc sắc trong xây dựng nhân vật của Tô Hoài trong truyện ngắn này là miêu tả diễn biến bên trong tâm hồn nhân vật, tác giả đã diễn tả được những biến chuyển tinh tế trong nội tâm nhân vật của mình, tránh được cái nhìn giản đơn cũng như cách tô vẽ giả tạo khi viết về những con người miền núi.

– Qua việc miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật, người đọc cảm nhận được sức sống mãnh liệt, từ vẻ đẹp bên trong tâm hồn nhân vật…

0,5
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắcvề vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ

0,5
TỔNG ĐIỂM 10,0

 

——-HẾT——-

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *